Truyền bản Hương Hải thiền sư ngữ lục - Bản Sùng Khánh

Truyền bản Hương Hải thiền sư ngữ lục - Bản Sùng Khánh

TÌM HIỂU KHO SÁCH HÁN NÔM PHẬT GIÁO

KỲ 1: TRUYỀN BẢN HƯƠNG HẢI THIỀN SƯ NGỮ LỤC - BẢN SÙNG KHÁNH

Cùng với Thiền sửĐăng lục, Ngữ lục đã cộng hưởng biệt thành một pho “Kinh điển” riêng cho Thiền tông, Ngữ lục lấy Ngôn giáo và Pháp ngữ của Thiền tổ làm văn thể, do đích thân các đệ tử theo hầu tả hữu bút lục, sau đó biên tập dâng tấu xin phép nhập Tạng và công hành chốn rừng Thiền. Nội dung chủ yếu của Ngữ lục thiệp cập phần đa là chuyện sam ngộ nghiệm chứng, ấn truyền tâm tông giữa thầy và trò, lấy NiêmTụng làm công án, Bình - Lục làm tán thuật. Ngữ lục của các Thiền tổ Trung Hoa từ rất sớm đã được nhập Tạng và hoằng truyền lần lượt ở Đại Việt vào thời Lý Trần, trong kho tàng “Kinh điển” đó có không ít các bộ Ngữ lục được biệt soạn bởi các Thiền tổ nước Nam như Thiền uyển tập anh ngữ lục, Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục, Thiền lâm thiết chủy ngữ lục [thất bản], Đoạn sách lục [thất bản], Khóa hư lục, Tam tổ thực lục, Thánh đăng lục.... Đến thời Lê Trung hưng, theo bước chân tái hoằng truyền Thiền tông Lâm Tế và Tào động ở Đàng Ngoài, lần lượt các bộ Chuyết Chuyết thiền sư ngữ lục [Minh Hành biên tập, không đủ bộ], Tổ sư ngữ lục [Tăng thống Khoan Dực biên tập] được trình làng, đặc biệt là bộ Hương Hải thiền sư ngữ lục [HHTSNL] mới phát hiện và được Thư viện Huệ Quang cho ảnh ấn tái bản lần này.

Diệu Dụng Huyền Cơ Thiện Giác Hương Hải Thiền sư [1631-1718], còn được gọi là Tổ Cầu, Tổ Tích, người làng Áng Độ, tổ bốn đời là Trung Lộc hầu theo Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp ở xã Bình Yên thượng phủ Thăng Hoa [nay là tỉnh Quảng Nam]. Thiền sư là người thông minh, dĩnh ngộ, 18 tuổi thi đỗ Hương tiến, làm đến chức tri phủ Triệu Phong, không lâu thì từ quan đi tu. Về cơ bản HHTSNL ghi lại sinh duyên xuất thế và sự nghiệp tu hành hoằng hóa của ngài thoạt đầu được Trần Văn Giáp đã nêu trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II [Nxb. KHXH 1990], nhưng kiến giải thô lược, không trúng cơ Thiền nên không rườm nêu ra đây. Nay chiểu theo đúng sách mà thuật lại những chương mục, gồm:

Đệ nhất: Thừa dẫn nhân địa Tổ sư bình sinh cách ký [Thừa dẫn ghi chép về Nhân địa ra đời của Tổ sư lúc sinh bình]

Đệ nhị: Thừa dẫn ngộ Minh sư đốn giác ký [Thừa dẫn ghi chép về việc gặp Minh sư và giác ngộ xả tục xuất gia]

Đệ tam: Thừa dẫn kiến Quảng chúa thính sàm truyền sư hồi bản quán cựu xứ ký [Thừa dẫn ghi chép về việc chúa Quảng nghe lời sàm tấm, truyền cho sư trở về bản quán đất cũ]

Ba phần này cơ bản do Hương Hải tái thuật gắn với không gian Đàng Trong

Đệ tứ: Hựu dẫn xuất ngoại cảnh cận trấn sở kiến Thiền - Tịnh viện ký [Lại dẫn và ghi chép khi Tổ đã ra Đàng ngoài về gần Trấn sở dựng viện Thiền Tịnh]

Đệ ngũ: Hựu dẫn xuất trụ trì khai sáng Nguyệt Đường tự ký [Lại dẫn và ghi chép về việc trụ trì và khai sáng ra chùa Nguyệt Đường]

Đệ lục: Hựu dẫn Khai, Thị, Ngộ, Nhập đắc lương duyên truyền thụ ấn chứng ký [Lại dẫn và ghi chép về việc Khai, Thị, Ngộ, Nhập có được duyên lành trao truền ấn chứng]

Đệ thất: Hựụ dẫn Tổ sư đương bát thập bát chúc Niết Bàn ký. [Lại dẫn và ghi chép lúc Tổ sư ở tuổi 88 phó chúc vào Niết Bàn]

Bốn phần này được Pháp tôn là Chính Tông Hoà thượng ghi lại khẩu ngữ khi Hương Hải ở Doanh Hiến Đàng Ngoài.

Tác giả bộ HHTSNL

Căn cứ vào dòng lạc khoản cuối sách ghi “Kế đăng tục diệm Linh Quang Nguyệt Đường thiền tự Chánh pháp sự Chính Tông Hoà thượng cẩn soạn, san, tàng bản vĩnh truyền dĩ hiểu hậu ấn…” [Nối đèn tiếp sáng chùa Linh Quang Nguyệt Đường thiền tự, giữ chức Chánh pháp sự là Hoà thượng Chính Tông kính cẩn soạn, cho khắc ván và tàng bản lưu truyền mãi mãi để mai sau biết rõ mà in…]. Thông tin này cũng phù khế với dòng “Hương hoả kế tự Tăng Lục ty Tăng thống Chính Tông Hoà thượng tự Như Nguyệt hiệu Hoa Quang” [Kế nối nhang đèn giữ chức Tăng thống ở ty Tăng Lục là Chính Tông Hoà thượng, pháp tự Như Nguyệt, đạo hiệu Hoa Quang] được ghi đứng đầu hàng môn nhân Thiền tôn thuộc đời chữ “Như” trong phần Đệ ngũ của sách. Qua đây, xác quyết Chánh Tông Hoà thượng Như Nguyệt Hoa Quang thuộc môn nhân nối pháp đời thứ 3 chùa Nguyệt Đường chính là người bút lục biên soạn và hoàn tất việc khắc in bộ HHTSNL vào tháng 5 năm Đinh Mão Hoàng Lê niên hiệu Cảnh Hưng 8 [1747] sau chừng 30 năm ngày Hương Hải viên tịch. Chánh Tông Hoà thượng Như Nguyệt Hoa Quang là pháp tôn của Sơ tổ Minh Châu Hương Hải, là pháp tử của Nhị tổ Chân Lý Hiển Mật. Hành trạng Tăng thống Như Nguyệt Hoa Quang ra sao tạm thời xin tồn nghi và đợi khảo.

Các truyền bản HHTSNL

Như trên vừa nêu, HHTSNL kết cấu gồm 07 bài “” dưới dạng thức “Thừa dẫn” và “Hựu dẫn”. Do Pháp tôn là Tăng thống Như Nguyệt thừa mệnh Bản sư Chân Lý Hiển Mật [1672 – 1739] đứng ra soạn khắc. “Thừa dẫn” bút lục từ mục Đệ nhất đến Đệ tam, nội dung chủ yếu thiệp cập đến hành trạng Minh Châu từ khi sinh đến trước khi ra Bắc. Từ mục Đệ tứ đến Đệ thất, do Như Nguyệt được thân thừa thị giả từ lúc Tổ sư lập cước ở Doanh Hiến cho đến lúc Tổ sư viên tịch, cho nên các đề mục đều có tính chất như những bài “Hựu dẫn” nối vào các phần “Thừa dẫn”.

Ba mươi năm sau khi Tổ sư viên tịch, Bản sư Chân Lý Hiển Mật đương hồi xế bóng, Như Nguyệt với vai trò là người Tự tổ kế đăng hương đèn trụ trì chùa Nguyệt Đường, lo việc Chánh pháp sự trong cung kiêm Tăng thống ty Tăng Lục đã đứng ra làm chủ Hưng công lo việc “san kinh soạn lục” và hoàn tất cuốn HHTSNL vào tháng 5 năm Đinh Mão Hoàng Lê niên hiệu Cảnh Hưng 8 [1747] nói riêng, cùng các đầu mục kinh khoa do Tổ sư Hương Hải thuyết giảng và diễn âm nói chung. Ván khắc bộ HHTSNL nghi là hồi bấy giờ được tàng bản ở chùa Nguyệt Đường [Tông môn Tả Hồng, thuộc Hưng Yên, Hải Dương và Bắc Ninh ngày nay]. Tạm gọi là truyền bản Nguyệt Đường.

Nhưng sau đó, chiểu vào dòng chữ “Do tiền bản hồng thuỷ thất lạc” [Do bộ ván trước kia bị lũ cuốn trôi mất] không rõ năm nào, cho nên Tông môn Hữu Hồng [Hà Nam ngày nay] trong đó có chùa Sùng Khánh xã Vĩnh Trụ huyện Nam Xương phủ Lý Nhân. Tự chủ chùa đó là Giới tử Sa di Chiếu Lâm mới y cứ vào bản giấy khắc in Cảnh Hưng 8, vời thợ khắc xã Liễu Chàng là Phó Xã về rồi cho phủ bản và “Tân san” [khắc mới] bộ HHTSNL vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Khắc in lần này có sự Chứng san của các Sa di đời chữ “Phổ” và tuỳ tỷ pháp cúng bởi các hiện tiền tăng trong Tông môn đời chữ “Chiếu”, “Phổ”, “Thông”. Tàng bản tại chùa Sùng Khánh. Tạm gọi là truyền bản Sùng Khánh.

Sách Kiến văn tiểu lục, thiên “Thiền dật” của Lê Quý Đôn [1726-1784] đã dành mấy chục trang để viết về cuộc đời, sự nghiệp và trích dẫn thơ văn [kệ ngữ] của thiền sư Hương Hải. Chắc chắn Lê Quý Đôn đã căn cứ vào HHTSNL truyền bản Cảnh Hưng thứ 8 [1747], tức truyền bản Nguyệt Đường.

Ngoài ra theo dòng thời gian, bản HHTSNL khắc in năm Thiệu Trị thứ 7 [1847] - tức truyền bản Sùng Khánh đều được nhắc đến qua:

a. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II, Nxb. KHXH 1990 của Trần Văn Giáp: HHTSNL 1 cuốn, sách in ván gỗ, giấy bản xơ (27.5x17), 48 tờ, tờ 2 trang, trang 7 dòng, dòng 16 chữ, chữ khắc vuông vắn rõ ràng. Sách lưu tại Trung tâm Khoa học Xã hội với kí hiệu VHv.2379: “Đầu sách có một bài tựa, đề là “Tự pháp soạn thuật”, tức là nói sách này do đồ đệ của thiền sư ghi chép lại, có đề năm Cảnh Hưng thứ 8 [1747], nhưng bản sách nói trên không phải là bản in đời Lê; niên hiệu năm in có lẽ ghi ở 2 tờ đầu hiện đã bị rách mất nên không biết rõ, nhưng theo phiếu ghi cũ của TVKHXH thì sách này in năm Thiệu Trị thứ 7 [1847], ván khắc đề tại chùa Sùng Khánh”.

b. Theo Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu, Nxb. KHXH Hà Nội 1993: HHTSNL mang kí hiệu VHv2379, soạn thuật và viết tựa năm Cảnh Hưng thứ 8 [1747], 1 bản in, 92 trang, 27x17, 1 tựa. Truyện về thiền sư Hương Hải: Ông sinh vào thời Lê, ở xã Bình An phủ Thăng Hoa tỉnh Quảng Nam, tu hành đắc đạo, được vua Lê và chúa Trịnh tôn sùng, nhân dân kính mến.

c. Lê Mạnh Thát dẫn trong Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb. TP.HCM 2000. Không cho biết y cứ văn bản xuất xứ từ đâu, chỉ ghi: Bản chúng ta hiện có ngày nay là bản in năm Cảnh Hưng thứ 8, Đinh Mão [1747], khổ 27x17, gồm 46 tờ, mỗi tờ hai trang a và b, mỗi trang 7 dòng, mỗi dòng 32 chữ [có lẽ đánh máy nhầm, chỉ có 16 chữ], trừ những dòng có in thơ thì số chữ ít hơn, mỗi dòng có thể từ 10 đến 14 chữ tùy theo thể thơ. Chữ khắc đẹp, rõ nét, dễ đọc. Bản chúng tôi hiện sở hữu sau tờ 1 chép bài tựa, thì tờ 2 đã rách mất hoàn toàn. Tờ cuối cùng là tờ 46, nhưng căn cứ văn mạch thì chắc chắn phải còn thêm một vài tờ nữa.

Như vậy, bản HHTSNL của Viện Nghiên cứu Hán Nôm chính là bản của Trung tâm KHXH đã di chuyển về và vẫn giữ nguyên kí hiệu VHv.2379. Bản Lê Mạnh Thát sử dụng có lẽ được sao chụp từ bản VHv.2379 đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện nay. Đến đây, vẫn chưa biết đích xác niên đại in HHTSNL của bản VHv.2379, và văn bản vẫn còn khuyết các trang 1, 2, 47, 48, 49 là những trang rất quan trọng.

HHTSNL bản Sùng Khánh

Được phát hiện nhân một chuyến đi kết hợp nghiên cứu Lịch sử Phật giáo xứ Sơn Nam Thượng giữa Sa môn Thích Đồng Dưỡng, Cư sỹ Chân Thanh Lê Quốc Việt, Đạo lưu Vũ Duy Sinh. Sách đóng theo dạng liên đính, tập Thượng là HHTSN, tập Hạ là Bát nhã Tâm kinh [Đại Điên chú giải, Hương Hải diễn âm, bị xé gần như hết]. Tập Thượng là cuốn HHTSNL gồm 50 trang [bài tựa 1 trang, sau đó chính văn đánh số từ trang 1- 49], mỗi trang hai mặt, mỗi mặt 7 dòng, mỗi dòng 16 chữ, giấy dó, chữ rõ. Sách còn tương đối hoàn chỉnh, nhưng do lâu ngày “trí vu cao các”, không người ngó ngàng, khiến sách bị mối đục xuyên thủng nhiều trang, mỗi trang đều mất vài chữ nhưng có thể đối bản đoán đọc ra được. Mộc bản được “tân san” [khắc lại mới] vào năm Thiệu Trị thứ 7 [1847], tàng bản tại chùa Sùng Khánh xã Vĩnh Trụ phủ Lý Nhân tỉnh Hà Nội [Nay là chùa Vĩnh Trụ thị trấn Vĩnh Trụ huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam]. Hiện bộ ván cũng không còn tồn tại.

Ngược dòng diên cách địa dư, cho hay Lị Nhân dưới thời Lý - Trần là một châu theo về lộ Đông Đô. Sang thời Lê Quang Thuận 7 [1466] thì thuộc Thừa tuyên Sơn Nam Thượng, đổi tên huyện Lị Nhân thành Nam Xương. Lại viện dẫn theo Mạc triều Nho sinh Vũ Thượng Tá qua văn bia Đại danh lam Sùng Khánh tự bi [No 8534] cho hay chùa Sùng Khánh là một đại danh lam từ xưa trong huyện, chùa đóng ở thôn Ngô xã Ngu Nhuế trong huyện. Chuyết Chuyết trên tuyến đường ra Bắc hoằng truyền Thiền tông Lâm Tế, từng dừng chân hoá độ và thuyết giảng các pháp hội ở đây. Không lâu sau, Thiền tông Lâm Tế Đàng Ngoài được “bình phân thu sắc” khi có mặt Thiền sư Hương Hải cùng tông đồ Nguyệt Đường tại Doanh Hiến. Do Doanh Hiến nằm ở điểm trung chuyển có thể về Hải Đông, sang Kinh Bắc, xuôi Trung đô và án ngữ Sơn Nam, đặc biệt Sùng Khánh và Nguyệt Đường chỉ cách con đò qua sông Hồng, nên môn nhân Nguyệt Đường kiêm quản Sùng Khánh và Bảo Khám. Trận lụt xảy ra năm nào không rõ khiến ván in truyền bản Nguyệt Đường bị thất tán. Đến năm 1832 huyện Nam Xương và Bình Lục được tách khỏi phủ Lỵ Nhân để thành lập phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nội [thành lập năm 1831] thì cũng là thời điểm khắc lại HHTSNL truyền bản Sùng Khánh vào năm 1847. Sa môn Chiếu Chí và Phổ Tụ chùa Bảo Khám cũng bình hành phân khắc hàng loạt kinh luật, biến Sùng Khánh và Bảo Khám trở thành trung tâm Phật giáo Hữu Hồng ở vùng Sơn Nam Thượng này.

Với việc phát hiện văn bản này, chúng ta đã giải quyết được hầu hết các vấn đề mà văn bản VHv.2379 khiếm khuyết để lại: từ niên đại khắc bản và trùng san, người biên soạn cho đến nội dung của những trang thiếu. Văn bản cũng đã xác chứng nhận định của Trần Văn Giáp về bản VHv.2379 được khắc vào thời Thiệu Trị là chính xác, chứ không phải Cảnh Hưng như nhận định của Lê Mạnh Thát. Tác giả của bộ sách là Như Nguyệt Hoa Quang đúng như suy luận của Lê Mạnh Thát. Khung vuông cuối sách có ghi trụ trì chùa Nguyệt đường là Chính Tông hòa thượng biên soạn cùng Sa môn Tính Hạo [có lúc đọc là Kiểu] là người viết chữ. Chính Tông chính là Như Nguyệt Hoa Quang. Truyền bản Sùng Khánh đã bổ sung hoàn hảo cho bản HHTSNL VHv.2379 khiếm khuyết lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm được biết rộng rãi từ trước đến nay.

Như vậy, đến nay HHTSNL truyền bản Nguyệt Đường khắc năm Cảnh Hưng [1747] vẫn chưa được tìm thấy. Truyền bản Sùng Khánh khắc lại năm Thiệu Trị [1847] trên cả nước chỉ còn hai bản in là bản VHv. 2379 và truyền bản Sùng Khánh. Muốn đối chiếu hai truyền bản Cảnh Hưng và Thiệu Trị có gì khác nhau hay không chỉ còn cách duy nhất là so sánh truyền bản Thiệu Trị hiện còn với những ghi chép về HHTSNL trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn. Nhiều khả năng truyền bản Thiệu Trị được trùng khắc nguyên vẹn truyền bản Cảnh Hưng theo lối in phủ bản, bảo lưu nguyên thể nét chữ của Sa môn Tính Hạo [Kiểu] - Tác giả Thư pháp của nhiều văn bia và sách in thuộc Tông môn Nguyệt Đường.

ẤN BẢN PHỤC CHẾ CỦA THƯ VIỆN HUỆ QUANG

Ấn bản phục chế HHTSNL của Thư viện Huệ Quang trong tùng thư Huệ Quang Phật điển tùng san mang kí hiệu HQPĐTS.33 là sự kết hợp giữa truyền bản Sùng Khánh và bản Lê Mạnh Thát sử dụng trong Toàn tập Minh Châu Hương Hải (bản này tuy mất trang nhưng chữ rõ đẹp, chúng tôi nghĩ đây chính là bản VHv.2379). Thư viện chủ trương, hai hay nhiều văn bản có cùng xuất xứ từ một truyền bản, cùng được in từ một bộ mộc bản [bản đáy] thì có thể kết hợp để tạo thành một văn bản tốt hơn. Nó không những đảm bảo được tính nguyên bản của quyển sách mà còn bổ đính được tinh nguyên bản của truyền bản và mộc bản.

Huệ Quang, mùa hạ năm Mậu Tuất 2018,

Sa môn Thích Không Hạnh

Cư sỹ Chân Thanh Lê Quốc Việt

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoVề một kiệt tác của Hồ Hữu Tường

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài