Trang chủ Ấn phẩm Phật Học Đạo Phật hiện đại hóa

Đạo Phật hiện đại hóa

Tác giả HT. Nhất Hạnh

Kích thước 12 x 18.5 cm

Số trang 256 trang

Năm xuất bản 1965

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Lá Bối
Đơn giá

Hiện đại hóa đạo Phật không có nghĩa là thế tục hóa đạo Phật. Đạo Phật đi vào cuộc đời nhưng không bị cuộc đời làm giảm mất đi những đặc tính siêu việt của nó. Mất đi những đặc tính siêu việt này thì đạo Phật không còn là đạo Phật. Cho nên sự có mặt của những hình thức và những danh từ đạo Phật trong cuộc đời không được coi như là sự có mặt của đạo Phật trong cuộc đời. Chỉ khi nào người ta thấy bản chất của đạo Phật thấm nhuần trong mọi sinh hoạt của cuộc đời người ta mới có thể nói đến sự có mặt của đạo Phật trong cuộc đời như một thực tại có sinh khí. Cẩn thận mà suy xét ta thấy rằng đạo Phật trong chân tinh thần của nó, phải có cả hai mặt xuất thế và nhập thế. Không xuất thế thì không có gì khả dĩ hơn được cuộc đời, không có gì khả dĩ hướng dẫn được cho cuộc đời và làm đẹp cho cuộc đời. Còn không nhập thế thì không phải là đạo Phật nữa, bởi vì Từ bi và Trí tuệ, bản chất của đạo Phật trong trường hợp này sẽ không có chỗ sử dụng. Hơn nữa, theo đạo Phật xuất thế và nhập thế có liên hệ mật thiết đến nhau. Xuất thế có nghĩa là nắm được chân lý của cuộc đời, làm chủ động được mình, được tình thế và không còn bị sai sử, lung lạc và chìm đắm bởi cuộc đời. Xuất thế không phải là chống đối cuộc đời mà là cao hơn cuộc đời. Một sự chạy trốn, ghét bỏ, xa lánh thì không thể gọi là cao hơn. Có thể thấp hơn cũng chưa biết chừng. Chân lý (hoặc chân tướng) của cuộc đời không thể tìm thấy ngoài cuộc đời.

Hiện đại hóa đạo Phật đã không phải là thế tục hóa đạo Phật mà lại còn là bồi dưỡng và phát triển giá trị xuất thế của đạo Phật để đạo Phật có đủ năng lực giác ngộ, đưa đường chỉ lối cho cuộc đời. Hiện đại hóa đạo Phật đòi hỏi một mặt công trình tu chứng, một mặt công trình khảo sát về thực trạng của cuộc đời để thực hiện công cuộc hành đạo đem đạo Phật vào cuộc đời.

(Trích dẫn trong chương I: Vấn đề hiện đại hóa)