Lịch sử Phật Tổ

Tác giả Thiều Chửu

Kích thước 14 x 20 cm

Số trang 240 trang

Năm xuất bản 1951

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Đuốc Tuệ
Đơn giá

Nhiều người đọc kinh Phật, đọc sự tích Phật, chưa hiểu cái luật nhân quả, chưa rõ cái lẽ quá-khứ, hiện-tại, vị-lai cùng làm nhân-quả cho nhau, cho nên mới có những mối ngờ như thế này:
1.- Lúc Ngài mới sinh, đã đứng dậy mà nói được, sau làm sao lại phải nhờ mẹ nuôi, nhờ bà dì nuôi cho mới thành người.
2. - Lúc Ngài đi học, chẳng phải học gì mà đã thông hết thảy, văn võ toàn tài, mà sao khi ra chơi bốn cửa thành, gặp người già, người ốm, người chết, thầy tu, mà không hiểu chi hết, nhất nhất đều phải hỏi đến anh bồi xe.
3. - Ngài tu khổ hạnh sáu năm lại ngồi thiền-định suy nghĩ mãi mới chứng ngôi đại-giác, mà sao trong kinh lại nói rằng Ngài tu thành đạo đã lâu rồi.
4.- Ngài tu ròng rã trong ba a-tăng-kỳ-kiếp mới thành Phật, mà sao trong kinh Ngài lại nói có nhiều phép tu lập tức thành Phật.
Ấy là lược kể mấy mối ngờ lớn mà phần nhiều đều ngờ là như thế, ngoài ra còn có lắm điều nan giải nữa, cho nên nhiều người học Phật, lúc mới thì hăm hở vô cùng, mà không bao lâu lại chán ngán dần cho đến quên hẳn, có khi lại trở lại công kích dữ, như các ông nho già nhà Tống, nhà Minh nữa. Đó đều vì chưa hiểu cái nghĩa "bất tử" của Phật vậy. Người phàm còn chấp bốn tướng ngã, nhân, chúng-sinh, thọ-giả, chỉ biết cái thân biết đi, biết nói, biết nghĩ, biết làm đây là thiệt có mà đến lúc hai tay buông xuôi là hết. Bởi không thấu triệt cái lẽ tam-thế nhân-quả, tin rằng chết là hết, cho nên nhắm mắt làm liều, gây nên vô-lượng vô-biên tội lỗi, đọa vào địa-ngục vô gián, vĩnh-kiếp trầm-luân. Bởi cái tà-kiến cho rằng chết là hết đó, cho nên đọc kinh Phật không hiểu được nghĩa hay mà sinh chán nản. Muốn phá tan những mối ngờ ấy, nên tôi biên tập bộ Lịch-sử Phật-Tổ này, tôi dịch một đoạn: (công quả tu hành về kiếp trước) của Ngài, mới hay rằng tu thành Đại-Giác Thế-Tôn, cốt ở cái công nhiệt thành lục độ vạn hạnh, mà không chấp chước hình tướng, không hạn lượng thời kiếp, khăng khăng một nguyện "Chúng sinh vô tận, nguyện ta vô tận" mà tu mãi, làm mãi, cho đến lúc đào sâu tự nhiên thấy mạch, nguồn dài giòng nước mới xa, tự nhiên thành Phật. Phật cũng là chúng sinh mà dầy công tu hành thì là Phật, chứ không phải là Phật khác hẳn chúng sinh. Chúng sinh nguyên vẫn có tính là Phật, chỉ vì lười biếng mê muội, nên mới là chúng sinh. Tôi mong rằng các bạn tu hành, hãy đánh đổ cái tri kiến phàm trần của mình đi đã, mà tin theo lời Phật, hãy cố gắng mà bố-thí, trì-giới, nhẫn-nhục, tinh-tiến, thiền-định đi đã, chừng nào thấy tỏ chân-trí, bấy giờ sẽ thấy bao nhiêu mối ngờ xưa kia đều như lá vàng, chỉ một trận gió cào là quét sạch hết vậy.

Trích Mấy lời nói đầu của Thiều Chửu