Biện chánh về quyển "Phật giáo triết học" của Phan Văn Hùm

Biện chánh về quyển

Thư viện Huệ Quang đăng nguyên văn bài góp ý cùa thầy THÍCH MẬT THỂ và lời phúc đáp của tác giả PHAN VĂN HÙM về quyển PHẬT GIÁO TRIẾT HỌC, cùng được đăng trên tạp chí Viên Âm số 63, 66&67, xuất bản năm 1943.

BIỆN CHÁNH VỀ QUYỂN “PHẬT GIÁO TRIẾT HỌC”

CỦA PHAN VĂN HÙM TIÊN SANH

Gần đây, Phan Văn Hùm tiên sanh, một nhà văn học và một nhà xã hội học có tiếng hiện đại đã cho xuất bản một quyển Phật giáo triết học. Với cái danh tiếng của tiên sanh, quyển Phật giáo triết học đã xui giục độc giả nô nức giành mua. Riêng về phần tôi vì muốn nghiên cứu trào lưu tư tưởng và cũng vì lòng hộ trì Phật pháp, tôi cũng tìm xem quyển sách ấy, một quyển sách đã làm tôi để ý từ khi vừa nghe nhà Tân Việt quảng cáo. Tôi đã lần dở từng trương, mừng thấy giáo pháp của Phật chứa sâu trong kinh điển Hán văn, nay được tiên sanh phô bày ra bằng những trương quốc văn đơn giản và mừng cho Phật giáo hiện nay đã phổ thông trong tư tưởng quần chúng, không còn là một triết học thâm huyền, chỉ dành riêng cho tín đồ tham cứu.

Tôi nhận thấy phần nhiều tài liệu trong quyển đó, tiên sanh đã rút trong quyển Phật giáo triết học của một nhà trước thuật Nhật Bản tên là Tiểu giả Thanh Tú, Trương Phất dịch ra Hán văn, và do Thương Vụ ấn quán xuất bản.

Phan tiên sanh có công nghiên cứu, có công giảng giải nhiều, nhưng vì quyển sách làm tài liệu cho tiên sanh có nhiều chỗ không đúng chánh pháp, thành thử quyển Phật giáo triết học của tiên sanh cũng có nhiều đoạn sai lầm, thiệt rất đáng tiếc.

Muốn cho công đức của tiên sanh được viên mãn, và muốn tránh các điều ngộ nhận cho độc giả, tôi buộc phải viết bài biện chánh này, trông mong tiên sanh vui lòng thừa nhận các chỗ sai lầm ấy, để sửa chữa lại quyển Phật giáo triết học nếu có dịp tái bản, thì may mắn cho độc giả và cho Phật giáo nhiều lắm. Bản ý của tôi đã nêu rõ, xin lần lượt theo từng trang mà biện chánh.

Trang 132, về lịch sử của Phật, tiên sanh viết là tương truyền mà không dẫn rõ các kinh điển đã ghi chép lịch sử của Phật, đều đó có thể làm cho độc giả nghi là một chuyện chỉ khẩu truyền với nhau, không có sử sách làm bằng cớ.

Trang 44, về mục “chuyển pháp luân” tiên sanh viết: “Pháp luân có 3 vòng, 12 đoạn” mà tiên sanh không giải rõ ba vòng gì, 12 đoạn gì, làm cho độc giả tưởng tượng một pháp luân kỳ dị, không ai hiểu được. Thiệt ra, luân nghĩa là bánh xe; pháp của Phật ví dụ như bánh xe đè dẹp các phiền não mê lầm và thực hiện chân như bình đẳng. Loại bánh xe tùy phương vận chuyển cũng ví như pháp của Phật tùy theo căn cơ mà có quyền, có thiệt, có tiệm, có đốn, Phật đem thân, khẩu, ý mà truyền pháp, thành ra có Tam luân, tóm lại có 12 bộ kinh, chỉ dạy con đường tu tập.

Lại, tại vườn Lộc Uyển, trong khi Phật chuyển pháp ban đầu, Phật dạy 3 lần về pháp Tứ đế, lần đầu chỉ về đạo lý Tứ đế, lần thứ hai chỉ về lối tu chứng Tứ đế, lần thứ ba chỉ về đạo quả Tứ đế, cũng gọi là Tam chuyển Pháp luân. Như vậy trong Tứ đế đều có Tam chuyển Pháp luân, thành Thập nhị hành; đó là cái nghĩa 3 vòng 12 đoạn của Pháp luân vậy.

Trang thứ 46 về vườn Cấp-cô-độc, tiên sanh giải nghĩa sai nhiều. Vì theo trong kinh điển, Cấp-cô-độc là biệt hiệu mà người ta tặng cho vị trưởng giả Tu-đạt-đa vì vì vị ấy sẵn lòng từ thiện giúp đỡ cho những người mồ côi góa bụa. Sự tích vườn Cấp-cô-độc đã ghi chép trong nhiều kinh điển, Phan tiên sanh nên xem lại thì rõ.

Trang 52, sau khi nói về 2 phái Đại chúng và Thượng tọa, tiên sanh viết tiếp "và ta gọi nó là phái Đại chúng bởi vì nó dung nạp bất câu là phần tử nào trong xã hội muốn quy y. Nó không như phái Thượng tọa chỉ nhận cho vào tăng già những vị Bhiksu mà thôi." Đoạn này hẳn tiên sanh đang còn lan man bởi hai danh từ quy y và xuất gia làm Bhiksu. Thiệt ra 2 phái Đại chúng và Thượng tọa bộ đều có chúng xuất gia (những vị xuất gia thọ cụ-túc-giới thì gọi là Bhiksu tức là Tỷ kheo) và chúng tại gia, lẽ nào Thượng tọa bộ lại không cho ai quy y cả. Sự chia 2 bộ ấy đã khởi điểm từ lúc kiết tập kinh điển, khi mà các vị Đại A-la-hán nhóm nhau kết tập tại Kỳ-xà-quật không cho các hàng tăng chúng chưa đoạn hết tư hoặc vào dự. Vì vậy nên trong Đại chúng lại nhóm riêng ngoài Kỳ-xà-quật cùng kiết tập kinh điển, cũng có nhiều vị Bồ-tát, nhiều vị Nhị thừa thánh nhân chủ tọa. Song sau khi trong Kỳ-xà-quật và ngoài Kỳ-xà-quật kiết tập xong, toàn thể đệ tử Phật vẫn dung hòa nhau, công nhận kết quả của hai bên và không chia rẽ. Tuy vậy sự truyền pháp của 2 phái đã thiên về các kinh điển đã kiết tập, thành thử về sau tín đồ đạo Phật mới chia ra 2 bộ là Đại chúng bộ theo bên ở ngoài Kỳ-xà-quật và Thượng tọa bộ theo bên ở trong Kỳ-xà-quật. Phái Thượng tọa thì có phần bảo thủ, phái Đại chúng thì có phần tăng tiến, nhưng thiệt ra chỉ khác nhau về một vài chi tiết mà thôi.

Trang 60 nói về sự truyền y bát, tiên sanh có viết rằng: "Vì ngài Huệ Năng cho tín căn của đệ tử mình đã thuần thục rồi, nên không cần phải truyền y bát nữa". Thiệt ra thì chỉ vì muốn tránh các cuộc tranh giành tương lai, nên Ngài không truyền y bát mà thôi. (kinh Bảo Đàn)

Trang 82, về Niết bàn nói: "Kiến giải không đồng nhất". Thiệt ra thì trong Phật giáo giải nghĩa Niết bàn nhiều cách nhưng dù nói ly sanh diệt, xuất ly phiền não, viên mãn thanh tịnh, giải thoát, an lạc, vô vi... cũng chỉ là nêu đức tánh của Niết bàn, chứ không phải không đồng nhất.

Trang 84, về Thuyền-na (Dhyâna), tiên sanh viết: "Thuyền na là phép minh tưởng của Phật giáo bày ra để đi tìm chánh kiến, đặng chủ các giác quan, cho đến chỗ đạt hạnh phúc. Nhà tu hành đi vào rừng tìm một gốc cây, hoặc một khoảng đất trống ngồi xếp bằng, mình thẳng lên rồi khởi sự tư niệm; trong khi ấy chăm chỉ hít vô thật dài, chăm chỉ thở ra thật dài. Thở hít như vậy đều nhận kỹ, đều tìm khoái lạc trong đó." Đoạn này nhiều chỗ sai lầm. Vẫn biết Thuyền-na là một lối minh tưởng, nhưng minh tưởng để làm gì? - để tìm chánh kiến, nghĩa là tìm lối giác ngộ chân chính. Vậy không hạn phải đi vào rừng sâu non thẳm mới tu được, duy những chỗ thanh vắng có phần làm cho dễ trầm tư mặc tưởng hơn mà thôi. Phép tu thuyền không hạn chi về quán sổ tức (quán theo hơi thở như tiên sanh đã nói), dù quán Ngũ đình tâm, Tứ niệm xứ, Bát-bội-xả v.v của Tiểu thừa, hay quán Chân không, quán Như huyễn, quán Viên thông của Đại thừa, cũng đều là tu thuyền cả. Ngoài các phép đó lại còn có Tổ sư thuyền là phép tham thoại đầu, "trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật" là lối tu căn bản của Thuyền tôn. Các phép tu thuyền đều cốt trừ phiền não, diệt vọng tưởng để cho tâm được thanh tịnh sáng suốt, nhận rõ thực tánh của vũ trụ, đâu phải chỉ cốt tìm khoái lạc hạnh phúc trong khi minh tưởng.

Trang 111, nói về pháp vô ngã, không những chỉ riêng cho thân tâm (như tiên sanh đã lầm nhận), mà chính là chỉ rõ tất cả sự vật đều do nhân duyên giả hiệp mà thành không có tự tánh.

Trang 112, về hai thuyết chư hạnh vô thường và chư pháp vô ngã, tiên sanh giải thích ra 2 đường, kỳ thiệt cảnh giới không tịch và cảnh giới vô vi không hề sai khác.

Và trong các trang sau nói về hiện lượng, tỷ lượng và phi lượng, kiến giải của tiên sanh có nhiều chỗ sai lầm; tiên sanh nên coi lại các bộ luận về Pháp tướng tôn để nhận rõ chỗ ấy. Thiệt ra thì chân hiện lượng chỉ duyên với cảnh giới ly ngôn, chân tỷ lượng chỉ nương theo thực tế mà sánh đứng với chánh lý, ngoài ra thì toàn là phi lượng là lối nhận xét không đúng sự thật. Trong phi lượng gồm có 3 phần là tợ tỷ lượng duyên với danh ngôn cảnh mà cho là hiện thật, tợ tỷ lượng so sánh sai lầm không hợp chánh lý và phi lượng nhận điều này ra điều khác. Vậy phi lượng quyết định không thể đưa đến chỗ nhận biết thực tế như tiên sanh lầm tưởng. Sự lầm tưởng ấy chỉ vì tiên sanh hiểu sai ý nghĩa câu "tình hữu lý vô" trong các Luận duy thức. Theo Phật giáo thì duy có chân Hiện lượng mới trực nhận được thật thể của vũ trụ và duy có chân tỷ lượng mới nhận biết đạo lý chân chính, như trong Nhân minh nhập chánh lý luận (không phải Bát chánh lý luận) đã dạy.

Trang 137, về giới luật ly dục tiên sanh quên rằng trong sáu phép Ba-la-mật, có phép trì giới ba-la-mật là phép tu ly dục.

Trang 155, tiên sanh dịch lầm nghĩa câu: "đối ư Cu-xá, khả vị hoàn qui ư Không luận hĩ", nên tưởng lầm rằng: Câu xá luận rốt cuộc cũng quay về Không luận.

Trang 172, Giác định tánh nên đổi lại Duyên giác định tánh cho đủ nghĩa.

Trang 209 về chân như, tiên sanh đã nhận lầm ý nghĩa của phi lượng thì quyết định khó bề nhận đúng ý nghĩa của chân như, là pháp thậm thâm vi diệu mà những người mới học đạo không thể nhận rõ.

Ngoài những chỗ sai lầm đã kể trên kia, tiên sanh hay dùng những danh từ mới như dùng vương tâm thế cho tâm-vương, làm cho độc giả khó hiểu.

Lại tiên sanh có thuật tư tưởng của xứ Ấn-độ trước khi đức Thích Ca ra đời mà không chỉ rõ sự liên quan và chỗ sai khác của hai bên.

Ngoài ra, tiên sanh còn dùng tư tưởng xã hội theo thuyết "vật chuyển tâm" mà phán luận về đời sống của đức Phật Thích Ca và sự hoằng dương Đại thừa của Ngài Mã Minh Bồ-tát; thiệt ra thì không phải như tiên sanh lầm tưởng, vì Phật giáo tuy có tùy duyên thiệt, nhưng lúc nào cũng lấy "tâm chuyển vật" để đưa đến con đường giải thoát duy nhất mà thôi. Các pháp Đại thừa và Tiểu thừa đều sẵn có trong các kinh điển, duy về mặt hoằng dương thì tùy theo cơ duyên hiện thời mà truyền bá về Đại thừa hay Tiểu thừa mà thôi.

Đến như trong các đoạn tiên sanh viết về đức Phật A-di-đà, sự sai lầm là một việc tất nhiên, vì đạo lý trong các kinh về Viên giác rất khó nhận hiểu.

Kết luận bài biện chánh này, tôi xin thành thực tỏ lời cảm tạ tiên sanh đã để ý nghiên cứu Phật giáo, tiếc vì tài liệu tiên sanh dùng không đúng và thiếu thiện hữu giúp đỡ nên có những điều sai lạc như đã nói trên kia.

Bài tựa của tiên sanh lời lẽ rất hay, tôi rất biểu đồng tình, trông mong tiên sanh gắng nghiên cứu thêm về Phật pháp, để nhận rõ chánh lý của đạo Phật, thì với ngòi bút lưu lợi của tiên sanh, toàn thể của nhân loại chắc được nhiều phần lợi lạc. Đều đó tôi xin nhất tâm hinh hương đảnh chúc.

Mật Thể

(Viên Âm nguyệt san Năm thứ 7, số 63, trang 11-16)

 

BỨC THƯ CỦA PHAN VĂN HÙM TIÊN SANH

GỬI CHO ÔNG CHỦ NHIỆM BÁO VIÊN ÂM Ở HUẾ

Tân Uyên, le 17 Octobre 1943

Thưa Ngài,

Tôi lấy làm may mắn được Ngài gửi cho số báo Viên Âm có bài của thầy Mật Thể chỉ những chỗ lầm của tôi trong quyển sách "Phật giáo triết học". Tôi là kẻ học trò còn tìm học, về đạo Phật hãy còn dốt lắm, tất nhiên có hiểu sai lầm.

Tôi tin rằng thầy Mật Thể hiểu đạo Phật. Còn về sự biện chánh của thầy không biết bao giờ tôi mới có thể xét lại được, vì muốn xét lại tôi phải đọc sách thêm, chưa biết là mấy năm nữa.

Tôi sẽ viết thư cho nhà xuất bản Tân Việt dặn in thêm vào sách (nếu một mai có trùng bản) bài của thầy Mật Thể. Tôi không nghĩ đến quyển sách đã ra đời rồi. Trân trọng chào Ngài.

P.S. Ngài có thể đăng thơ này lên quí san.

Phan Văn Hùm

(Viên Âm nguyệt san Năm thứ 7, số 66-67, bìa 2)

CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài