Ý nghĩa tư liệu
Muốn tri tân phải ôn cố, ôn cố là điều kiện tất yếu để tri tân. Muốn tri tân tốt phải ôn cố tốt. Tương lai nào cũng cần được xây dựng trên nền tảng của quá khứ.
Trong ý nghĩa đó, nền tư liệu Phật giáo Việt Nam có tuổi đời 2000 năm cần được đầu tư, định hướng sưu tầm cho thật tương xứng với tầm vóc và chiều dài lịch sử của nó.
Tư liệu Phật giáo VN, không chỉ có ý nghĩa riêng với PGVN, dân tộc Việt Nam mà chúng tôi còn tin rằng có thể đóng góp nhiều ý nghĩa cho nền tư liệu Á Đông, đặc biệt là những nước đồng văn (với Hán tự) trong sự cộng sinh tồn tại và phát triển duyên hệ với nhau.
Chữ quốc ngữ thông dụng tại Việt Nam 100 năm trở lại đây. Như vậy, những giá trị của quá khứ phần nhiều vẫn được lưu trữ dưới hình thức văn tự Hán-Nôm.
Duyên khởi
Khoảng 15 năm trước, nhận thấy phong trào trùng tu chùa chiền diễn ra đồng loạt khắp cả nước, tư liệu Phật giáo đặc biệt là tư liệu Hán Nôm mai một tính bằng ngày, Thư viện Huệ Quang [TVHQ] đã bắt đầu tổ chức những chuyến sưu tầm tư liệu Hán Nôm trong các chùa ở Nam bộ. Đầu năm 2010, chúng tôi gởi bức Thư ngỏ về việc sưu tầm tư liệu Phật giáo đến khắp các chùa trong cả nước. Kể từ đó đến nay công tác sưu tầm TLHNPG được tiến hành liên tục. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, công tác sưu tầm còn tản mạn, không theo kịp sự hư hoại quá mau chóng của tư liệu.
Tại sao chúng ta đã có một Viện Nghiên cứu Hán Nôm [VNCHN], là nơi tập hợp các tác phẩm Hán Nôm của cả nước, được bảo tồn và nghiên cứu khá khoa học rồi mà còn sưu tầm TLHNPG? Qua bộ Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu, chúng tôi thống kê được số lượng sách HNPGVN (ký hiệu A, AB, AC) tại VNCHN là 309 đầu sách, trong đó sách do các tác giả Việt Nam trước tác (ký hiệu A, AB) là 141. Trong khi sách HNPGVN (ký hiệu A, AB, AC) tại TVHQ đến thời điểm cùng thời (cuối năm 2015) là 774, trong đó sách của các tác giả VN (ký hiệu A, AB) là 390. Điều đó cho thấy lượng sách HNPG trong VNCHN còn khá khiêm tốn và chưa đến 1/2 số sách HNPG mà chúng tôi sưu tầm trong chưa đầy 10 năm. Nguyên nhân có thể là do TLHNPG chỉ là một trong mấy chục thể loại mà Viện phải quan tâm, và có thể (giai đoạn trước) họ nghĩ rằng Phật giáo thuộc một hệ khác – hệ tôn giáo, nó là công việc của các nhà sư, sưu tầm được chừng nào hay chừng đó. Các sách HNPG trong Viện hầu hết (nếu không nói là tất cả) có xuất xứ ở miền Bắc, chưa sưu tầm rộng ra khu vực miền Trung và Nam bộ. Đó là lý do ta cần phải tiếp tục công tác sưu tầm.
Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã chụp lại được nhiều văn bản HNPG quý mà VNCHN chưa có, hoặc có mà không còn nguyên vẹn:
- Địa tạng kinh thích giải Hoa ngôn bằng chữ Nôm, của ngài Minh Châu Hương Hải, được Như Nguyệt khắc vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Bộ Toàn tập Minh Châu Hương Hải của tác giả Lê Mạnh Thát cũng chưa sưu tầm được tác phẩm này.
- Thiền uyển tập anh, một trong những tác phẩm quý giá xưa nhất hiện còn của Phật giáo Việt Nam, văn bản thời Trần, được trùng san vào thời Lê (Vĩnh Thịnh 11-1715), được lưu trữ trong bộ sưu tập của thầy Thích Giác Thành. Văn bản còn khá hoàn hảo, cùng với một bản khác lưu trữ tại VNCHN, được xem là hai bản Thiền uyển tập anh quý hiếm còn lại đến nay.
- Tì-ni Sa-di Uy nghi Cảnh sách Tứ phần Phạm võng Yết-ma chú giải, văn bản chép tay dày đến 200 trang (400 mặt giấy) của tổ sư Pháp Chuyên, do hai thầy Thích Như Tịnh và Thích Đồng Dưỡng sưu tầm được. Tổ Pháp Chuyên là một trong những tác gia lớn nhất của Phật giáo Việt Nam, sống vào cuối thời Lê. Tác phẩm giải thích những bộ luật căn bản của Phật giáo, chưa từng được khắc in. Đây rất có thể là văn bản độc nhất còn lại của tác phẩm này, được chép vào thời điểm khá sớm.
Chúng tôi chỉ dẫn ra vài trường hợp để thấy rằng sách HNPG ngoài VNCHN ra còn rất nhiều, là nơi mà tư liệu đã và đang mai một từng ngày, đang đợi sự sưu tầm bằng tâm huyết và cấp bách của chúng ta.
Lược điểm hiện trạng thăng trầm của tư liệu Phật giáo Việt Nam
Chiến tranh liên tục và kéo dài trong suốt 1000 năm, gây ra bao đau thương mất mát cho người Việt Nam bao nhiêu thì cũng đã gây ra sự mất mát tang thương cho nền văn hiến, nền tư liệu Việt Nam bấy nhiêu.
Nền độc lập thịnh trị của Việt Nam từ năm 1010-1407, được kết thúc bởi 20 năm cai trị1 tàn bạo của nhà Minh 1407-1427.
Minh Thành Tổ liên tục ban nhiều chỉ dụ để phá hủy một cách hoàn toàn, triệt để và có chủ ý nền tư liệu Việt Nam.
Tới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, Nhà Thanh đô hộ, Chiến loạn Tây Sơn-đầu Nguyễn, chiến tranh Việt-Pháp-Mỹ, tư liệu lại tiếp tục bao phen binh lửa, bao phen di dời mười phần còn 1-2 phần.
Thiên tai lũ lụt thường xuyên xảy ra, yếu tố khí hậu nhiều nóng ẩm cũng là một nguyên nhân
Quần chúng chưa có truyền thống và phương pháp bảo tồn tư liệu, các chính thể cũng không thường xuyên xiển dương cho việc sưu tầm và bảo tồn.
Ngành phục chế tư liệu ở Việt Nam không phát triển cũng là nguyên nhân gián tiếp làm cho tư liệu bị mai một
Nhưng tình yêu văn hiến, yêu chữ nghĩa của người Việt Nam là vô tận:
Thi hào Nguyễn Du từng viết:
Bách niên ai lạc hà thời liễu
Tứ bích đồ thư bất yếm đa
(Trăm năm vui buồn bao giờ hết
Bốn vách đầy thư mấy cho vừa) (Tạp ngâm)
Tinh thần trọng đạo quý sách vẫn thường hằng trong tâm khảm người Việt.
Trong 1000 năm ấy, có nhiều vị vua sáng thời Lý Trần, vua Thánh Tông thời Lê, Minh Mệnh, Tự Đức thời Nguyễn cũng có chú trọng việc sưu tầm tư liệu cổ và lập các tàng thư lâu. Có nhiều thư viện của các dòng tộc như: Phúc Giang Thư viện của dòng họ Nguyễn Huy, Thư viện của dòng họ Nguyễn Hữu, Thư viện cụ Hoàng Xuân Hãn, v.v.. Các bộ biên mục của Sư Phúc Điền, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, các bộ thư mục của người Pháp về An Nam, các công trình của Hội Viễn Đông Bác Cổ, v.v.. Ngoài triều đình, các chùa, các phường khắc cũng âm thầm và liên tục tổ chức khắc bản những kinh sách có giá trị và cần yếu cho sự giáo dục.
Gần đây là nỗ lực sưu tầm và nghiên cứu tư liệu của các nhà học giả: Lê Mạnh Thát, Lê Quốc Việt, Thích Giác Thành, Thích Như Tịnh, Thích Đồng Dưỡng, v.v., được tiến hành khoảng 30 năm nay, cũng giúp lưu giữ được nhiều tư liệu HNPG quý.
Nhưng ở đất nước này, sự tàn phá luôn đồng hành với sự gây dựng và tu bổ, cho nên, lịch sử văn hiến hàng nghìn năm, mười phần chỉ còn một phần. Và chính vì lẽ đó, nếu muốn thay đổi hiện tình lịch sử nền tư liệu Việt Nam cũng như tư liệu Phật giáo, chúng ta phải làm nhiều hơn tiền nhân đã làm. Ngoài ra, cũng có thể tận dụng ưu thế của thời đại để khắc chế lỗ hổng muôn thuở của lịch sử gìn giữ tư liệu như tiến hành công tác số hóa một cách nghiêm túc và tâm huyết.
Hiện nay, kho sách Hán Nôm của Viện Hán Nôm, trong đó có nhiều tác phẩm Hán Nôm quý hiếm độc bản chưa được số hóa để báo cáo hoặc nhân bản đó là một điều đáng lo ngại.
Ý thức được điều này, khi bắt tay vào công tác thư viện chúng tôi đã xác định việc sưu tầm, bảo tồn và số hóa/ nhân bản là then chốt, là cứu cánh lúc bấy giờ trước khi nghĩ đến hoặc tiến hành việc nghiên cứu. Cho nên, chiều dài 17 năm của TVHQ, bao tâm huyết và công sức đã tập trung cho công tác mà chúng tôi gọi là “gìn giữ nét xưa-phát huy vốn cũ” này. Đường hướng đó chúng tôi đã đưa vào logo của TVHQ. Chúng tôi cũng tạm gác lại Tập san Suối Nguồn bộ mới của Trung Tâm Hán Nôm Huệ Quang vào năm 2016 (số 20), vốn có riêng một mục Nghiên cứu Hán Nôm để tập trung công lực đối với sự cấp bách của việc sưu tầm tư liệu khi ấy.
THỐNG KÊ SÁCH HÁN NÔM PHẬT GIÁO TẠI THƯ VIỆN HUỆ QUANG
ĐẾN THÁNG 05-2024
Nguồn sách Hán Nôm Phật giáo đã chụp được (File)
- Thư viện Phật học Xá Lợi, Sài Gòn, trọn bộ Việt Nam Phật điển tùng san, 10 tập.
- Thư viện chùa Quảng Hương Già Lam tại Sài Gòn: có khoảng 10 đầu sách Hán Nôm rất giá trị như: Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (tốt hơn bản của VNCHN), Chư phẩm kinh của tổ Huyền Quang - 1713 và một số tác phẩm chữ Nôm.
- Thầy Thích Đồng Dưỡng, chùa Ba Phong, Quảng Nam: Tủ sách tập hợp khoảng 50 tác phẩm rất giá trị của các thiền sư Việt Nam như Phúc Điền, Minh Châu Hương Hải… được chủ nhân dày công sưu tầm có chủ điểm trong nhiều năm, phần lớn có xuất xứ miền Bắc. Trong số này có nhiều tác phẩm mà TVHQ và VNCHN chưa có.
- Thầy Thích Như Tịnh, chùa Viên Giác, Quảng Nam: Tủ sách tập hợp khoảng trên 50 tác phẩm Hán Nôm được in ấn/chép tay chủ yếu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
- Thầy Thích Giác Thành, chùa Linh Ứng, Hải Dương: Tủ sách tập hợp khoảng 30 tác phẩm Hán Nôm có giá trị ở miền Bắc, trong đó có nhiều bản rất xưa, nhiều bản xem như độc bản.
Xét về số lượng cũng như tính cách Việt và cổ xưa của sách Hán Nôm (sách loại A), chỉ riêng 3 nhà sưu tầm trên cũng đã gần bằng số lượng sách HNPG mà Thư viện Huệ Quang đã sưu tầm ở mấy trăm chùa trong cả nước suốt thời gian qua. Vì vậy, nguồn sách HNPG tại TVHQ có sự đóng góp rất lớn của những người đã dày công sưu tầm trong nhiều năm.
- Hàng trăm tựa sách của hàng trăm ngôi chùa trong cả nước
| KHẮC IN | CHÉP TAY | ||||||
| A | AB | AC | TỔNG | A | AB | AC | TỔNG |
2010-2015 | 62 | 26 | 55 | 143 | 22 | 33 | 11 | 66 |
2016-05/2024 | 7 | 3 | 87 | 97 | 20 | 9 | 72 | 101 |
TỔNG | 69 | 29 | 142 | 240 | 42 | 42 | 83 | 167 |
|
|
|
|
|
|
|
| 307 |
Bảng biểu 1: File chụp sách Hán Nôm Phật Giáo do TVHQ sao chụp tại các thư viện tư nhân và các chùa đến tháng 05/2024. Tổng số tựa cả Khắc in và Chép tay 307, tổng số quyển trên 1000.
Nguồn sách Hán Nôm gốc lưu trữ tại Thư viện Huệ Quang:
| KHẮC IN | CHÉP TAY | ||||||
| A | AB | AC | TỔNG | A | AB | AC | TỔNG |
2010-2015 Đã biên mục | 30 | 30 | 223 | 283 | 99 | 92 | 97 | 288 571 |
2016-05/2024 Chưa biên mục |
2.000 quyển chưa được phân loại, biên mục |
Bảng biểu 2: Sách gốc Hán Nôm Phật giáo lưu trữ tại Thư viện Huệ Quang
Tính tới thời điểm hiện tại, tháng 05/2024, tổng cộng sách Hán Nôm đã và chưa biên mục lưu trữ tại TVHQ có trên 4.000 quyển, trong đó sách HNPG chiếm một nửa, tức trên 2.000 quyển với hơn 1.000 tựa sách. Có 800 tựa là sách HNPGVN, 200 tựa là sách cổ Phật giáo in tại Trung Quốc.
Trong 800 tựa sách HNPG có 400 bản là sách chép tay, độc bản.
Như vậy, nếu tổng hợp toàn bộ sách HNPGVN mà TVHQ đã sưu tầm được đến nay, bao gồm cả sách gốc và file chụp thì được khoảng 1.100 tựa sách chia đều cho hai loại khắc in và chép tay, với khoảng trên 3000 quyển sách.
HAI DỰ ÁN LỚN ĐANG ĐƯỢC TIẾN HÀNH TẠI THƯ VIỆN HUỆ QUANG
1. HUỆ QUANG PHẬT ĐIỂN TÙNG SAN
Ngoài số hóa để tận dụng ưu thế của thời đại trong việc bảo tồn tư liệu luôn được tiến hành mọi lúc, mọi nơi, thì việc nhân bản, nhân bản dưới hình thức ban sơ của nó, không chỉ giúp thêm việc bảo tồn tư liệu mà còn giúp hậu thế cảm nhận được hồn cốt của tiền nhân. Nếu như số hóa có ưu thế về việc bảo tồn và nghiên cứu thì nhân bản tác phẩm quý hiếm có thế mạnh ở sự lan tỏa.
Lấy cảm hứng từ nguyện vọng sưu tầm tư liệu Phật giáo của Hội Phật giáo Bắc kỳ và Viện Viễn đông Bác cổ tiến hành những năm 1940 khi xuất bản tùng thư Việt Nam Phật Điển Tùng San, chúng tôi gọi các tác phẩm Hán Nôm Phật giáo do Thư viện Huệ Quang ấn hành là Huệ Quang Phật Điển Tùng San [HQPĐTS] như một sự tri ân và tiếp nối sứ mệnh của người đi trước. Gọi Huệ Quang thay cho Việt Nam là để kỷ niệm nơi đang thực hiện công trình này, đồng thời cũng phân biệt với bộ trước, nhưng tính chất thì không khác.
Được duyên trợ lực của các thượng tọa: Thích Đồng Văn, Thích Chơn Minh, Thích Thiện Thuận, năm 2014, Tùng thư đã ra đời.
Kỹ thuật của bộ VNPĐTS được tiến hành theo phương pháp in truyền thống, bằng cách rập bản tác phẩm tại những nơi còn mộc bản. Kỹ thuật của bộ HQPĐTS ban đầu chúng tôi thí nghiệm in lụa, nhưng do số lượng nhỏ lẻ không đủ chi phí, đành gác lại, dùng máy in hiện đại để in. [Từ năm 2023 trở đi, chuyển dần từ in mực khô sang mực nước để ấn bản phục chế tăng độ bền và giống cổ bản hơn].
Mỗi tác phẩm Hán Nôm sau khi chụp được xử lý thành 2 file:
FILE SỐ HÓA: File này hoàn toàn giữ nguyên hình ảnh được chụp nên tính văn bản cao, được lưu trữ để phục vụ cho việc tham khảo chuyên sâu về văn bản và cho những dự tính còn chưa được thực hiện tại Thư viện Huệ Quang.
FILE ẤN HÀNH: File này để in bộ HQPĐTS, được tiến hành theo những tiêu chí sau:
Kích thước: cao 29 cm, rộng dao động từ 16 - 19 cm. Kích thước này cũng tương đương với kích cỡ thông thường của sách Hán Nôm truyền thống.
Tỉ lệ sách và tỉ lệ khung chữ bên trong không hoàn toàn khớp với sách gốc, nhưng hình thể chữ không bị biến dạng mập hoặc ốm do kích thước bề dọc và bề ngang được tăng cùng tỉ lệ.
Tẩy xóa: chỉ tẩy sạch những vết chấm, những chỗ lem và vết ố.
Đồ chữ: tô rõ những chữ bị mờ, bị đứt.
Thay chữ: dùng chính chữ trong văn bản để thay cho một số chữ ở cùng trang/trang khác quá mờ khi biết chắc chắn nó là chữ đó (áp dụng đối với sách cùng một mộc bản; không áp dụng đối với sách cùng nội dung nhưng khác mộc bản, tác phẩm chép tay).
Tác phẩm có cước chú chữ Nôm/Hán của người sau lên văn bản thì giữ nguyên những cước chú này.
Tác phẩm khắc in khác mộc bản và Tác phẩm chép tay có nhiều dị bản được in độc lập từng bản. Mỗi văn bản được xem như một tác phẩm độc lập, không ghép bản này với bản kia.
Tác phẩm được phục chế với nhiều phiên bản: Bản cao cấp nhất được in trên giấy dó, bìa củ nâu, bìa sơn ta (do TVHQ tự chế tác), cạnh quét nước củ nâu, may theo lối Bắc. Ngoài ra còn có các phiên bản in trên giấy thường may theo lối Bắc, Nam và Tàu.
Đến nay Thư viện thực hiện được khoảng 100 tác phẩm, chủ yếu là các tác phẩm HNPGVN, trong đó có 7 tựa sách mà hôm nay đoàn chúng tôi gởi đến quý trường.
2. DỰ ÁN TƯ LIỆU CHÙA CỔ VIỆT NAM
Nếu như các công tác ở trên tập trung vào di sản TLHNPG, đặc biệt là sách Hán Nôm Phật giáo thì dự án TƯ LIỆU CHÙA CỔ VIỆT NAM có đối tượng sưu tầm rộng hơn nhằm bao quát quá khứ văn hiến Phật giáo Việt Nam. Công tác này chính thức khởi điểm từ năm 2011, bắt đầu với Tổ đình Giác Viên ở Sài Gòn, chúng tôi đã sưu chụp tư liệu tại nơi đây trong nhiều tháng và qua nhiều đợt bổ sung.
Đối tượng của dự án TƯ LIỆU CHÙA CỔ VIỆT NAM là những ngôi cổ tự từ 100 năm tuổi trở lên mà trong những lần trùng tu vẫn còn giữ được giá trị cổ sơ, có giá trị văn hóa-lịch sử-kiến trúc, có tư liệu Hán Nôm... như các chùa Giác Lâm, Giác Viên, Phụng Sơn, v.v. ở TP.HCM; chùa Vĩnh Tràng, Bửu Lâm, v.v. Tiền Giang; chùa Thầy, chùa Tây Phương, v.v ở Hà Nội (tạm gọi chùa cấp 1). Các chùa không nhất thiết phải thuộc di tích văn hóa lịch sử được công nhận. Chúng tôi thống kê sơ bộ những ngôi chùa như vậy trong cả nước có khoảng 200-300 ngôi. Những ngôi chùa không còn cổ kính và nhiều di sản như các ngôi chùa trên nhưng có ý nghĩa lịch sử hoặc có một số tư liệu đặc biệt chúng tôi cũng tiến hành thực hiện ở quy mô nhỏ hơn. Điển hình như các chùa Trường Thọ, Long Thạnh ở TP.HCM; chùa Kim Cang ở Long An. Chùa Phật Quang ở Vĩnh Long v.v.. (tạm gọi chùa cấp 2)
Theo đó, tại mỗi ngôi cổ tự chúng tôi sẽ tiến hành chụp và phân loại các tư liệu như sau.
- Tổng quát, 2. Tượng thờ, 3. Bài vị, 4. Hình thờ 5. Hoành phi, 6. Câu đối, 7. Bao lam,
8. Pháp khí, 9. Pháp quyển, 10. Tháp mộ, 11. Cổ vật, 12. Kiến trúc-họa tiết-hoa văn,
13. Chụp và dập ván khắc, 14. Dập bia đá, chuông đồng, 15. Tư liệu Hán Nôm,
16. Tư liệu khác, 17. Quay một video clip.
Tại mỗi ngôi chùa sau khi hoàn tất chúng tôi dự kiến sẽ cho in màu 2 bản khổ A3 trên loại giấy in hình, một bản lưu trữ tại Thư Viện Huệ Quang, một bản để lại bản tự đối với những ngôi chùa cấp 1. Đối với những ngôi chùa cấp 2, lượng tư liệu quá ít chỉ vài mươi trang, chúng tôi gộp nhiều chùa trong tỉnh lại với nhau, sau đó in 1 bản khổ A3 để lưu trữ tại TVHQ. Nếu chùa nào có yêu cầu, chúng tôi sẽ in phần của bản tự đó để lưu trữ tại bản tự.
Hình ảnh sẽ được chụp bằng máy kỹ thuật số cẩn thận, kiểm tra kỹ lưỡng, đưa vào xử lý photoshop để tách phông một số mảng nhưng không làm biến dạng nguyên bản.
Thứ tự tiến hành không nhất thiết phải hết tỉnh này mới làm tới tỉnh khác. Thời gian hoàn thành một ngôi chùa cấp 1, với một nhóm làm việc ba người phải ròng rã một tháng trời mới hoàn tất. Chi phí cho nhân viên, thiết bị và in ấn mất khoảng trên 10 triệu. Trong năm đầu chúng tôi dự kiến hoàn thành 3 chùa, sau đó mỗi năm 10 chùa. Với tốc độ như vậy, phải mất 30-40 năm mới hoàn tất được dự án này. Trong trường hợp có đủ kinh phí để tiến hành, TVHQ sẽ nhân nhóm cộng tác lên làm 3-5 nhóm, và thời gian rút ngắn dự án có thể chỉ mất 5 năm.
Vừa qua (năm 2012), khi chúng tôi vừa hoàn tất công tác tại chùa Giác Viên thì được tin chùa Hội Sơn bị hỏa hoạn thiêu rụi. Hội Sơn cũng là một ngôi cổ tự xưa như Giác Viên và có nhiều di sản quý hiếm. Thật đau xót. Trước tình hình trùng tu ồ ạt như hiện nay, rất có thể vài mươi năm sau chúng ta không còn được chiêm ngưỡng những di sản của tiền nhân. Chúng ta cần hoàn thành dự án càng sớm càng tốt.
Do nguồn kinh phí hạn hẹp, hơn 10 năm trôi qua, TVHQ mới thực hiện được 21 ngôi cổ tự ở cấp độ 1, đã xử lý file tư liệu của 10 ngôi cổ tự và mới in ra được 1 ngôi là chùa Giác Viên.
Những khiếm khuyết trong công tác sưu tầm, bảo tồn, số hóa và phát huy tư liệu tại Thư viện Huệ Quang.
1. Trang thiết bị số hóa (bằng máy kỹ thuật số)
Chúng tôi chủ yếu dùng máy kỹ thuật số để số hóa với dàn chụp tự chế, tuy có độ phân giải chấp nhận được, nhưng độ vuông góc và kích thước không thể nào giữ được 100% và do đó tính văn bản cũng bị giảm sút. Và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc nghiên cứu văn bản học cũng như lưu trữ các tác phẩm có giá trị đặc biệt.
2. Kỹ thuật và nguyên liệu rập mộc bản
Ngành này dường như đã thất truyền ở Việt Nam, hoặc được thừa kế ở mức thấp hơn, tức hiện nay chúng tôi không thể rập bản tốt bằng tiền nhân đã rập trước đây nếu cùng sử dụng một loại mực có tác động tích cực với việc bảo tồn mộc bản.
3. Kỹ thuật ảnh ấn (bằng máy laser)
Thay vì in trên mộc bản, hoặc kéo lụa hoặc một kỹ thuật tương đương, hoặc in offset, thì với khả năng hiện tại về kỹ thuật cũng như kinh phí, các tác phẩm được ảnh ấn trong bộ Huệ Quang Phật Điển Tùng San được in trên máy laser. Tuy nói là để bảo tồn và phát huy, nhưng ngay cả chúng tôi cũng nghĩ là nó khó kéo dài quá 50 năm.
4. Phục chế tư liệu
Đây là công tác mà chúng tôi trăn trở từ những ngày đầu thành lập thư viện 2007, tiếc là đến nay vẫn chưa thể đào tạo được một chuyên gia phục chế đúng nghĩa, để có thể đáp ứng được việc phục chế hàng ngàn quyển sách Hán Nôm tại Thư viện cũng như các tư liệu Hán Nôm trong các ngôi chùa mà Thư viện sưu tầm, theo một tiêu chí mà thế giới cho là khả dĩ.
Trong thời gian qua, chúng tôi đã tiến hành phục chế vài quyển sách cổ; tuy vậy, vẫn chưa ưng ý và có chút lo lắng bởi kỹ thuật, kỹ năng và sự am tường về nguyên vật liệu… chưa đạt được tiêu chuẩn.
Kính thưa quý liệt vị,
Chúng tôi đến nơi đây, mang tư liệu của nước tôi trình bày ở đất nước của các bạn, tất cả đều nói có sách mách có chứng và nói thực lòng, những ưu, những khuyết, những điều làm được và cả chưa làm được vì chúng tôi tin rằng:
- Những gì chúng tôi làm cho nền tư liệu Hán Nôm Phật Giáo Việt Nam cũng là làm cho nền tư liệu thế giới, nhất là những nước Á Đông đồng văn như chúng ta, nhất là ở một nơi mà người ta có chủ trương rộng mở đa nguyên về văn hóa như các bạn. Không có gì là độc lập, mọi thứ đều duyên sinh cộng hưởng.
- Thứ nữa, chúng tôi tin rằng lòng nhiệt thành và cầu thị của chúng tôi, trái tim của chúng tôi đối với vốn cổ của quá khứ quê hương có thể lay động được sự đồng cảm của những người cùng chí hướng, và qua đó có thể hợp tác giúp chúng tôi cải thiện được những khiếm khuyết mà tự thân chúng tôi khó thực hiện được. Cụ thể chúng tôi muốn được đề xuất trong một tương lai gần, quý trường có thể cử một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn và phục chế tư liệu đến Thư viện Huệ Quang để hướng dẫn các nhân viên của chúng tôi, và xa hơn, mong quý trường tạo điều kiện để Thư viện có thể gởi một vài em sang học các ngành thư viện, bảo tồn và phục chế tư liệu.
- Cuối cùng, chúng tôi xin cảm ơn Ban tổ chức, ngài Viện trưởng và cô Nguyễn Tô Lan đã tạo điều kiện để chúng tôi hiện diện nơi đây, trình bày những vấn đề đang được thực hiện một cách tâm huyết của mình.
Sài Gòn, đầu Hạ năm Giáp Thìn, 2024
Thích Không Hạnh
-----
1. “Nhiều lần đã bảo các ngươi rằng phàm An Nam có tất thảy những sách vở văn tự gì, kể cả các câu ca lý dân gian, các sách dạy trẻ, như loại “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết, và tất thảy các bia mà xứ ấy dựng lên thì một mảnh một chữ hễ trông thấy là phá hủy lập tức, chớ để sót lại. Nay nghe nói những sách vở do quân lính bắt được, không ra lệnh đốt ngay, lại để xem xét rồi mới đốt. Quân lính phần đông không biết chữ, nếu đâu đâu cũng đều làm vậy thì khi đài tải sẽ mất mát nhiều. Từ nay các ngươi phải làm đúng như lời sắc trước, truyền cho quân lính hễ thấy sách vở văn tự ở bất kỳ nơi nào là phải đốt ngay, không được lưu lại” (Điều khoản bổ sung vào sắc chỉ đề ngày 21 tháng Năm năm Vĩnh Lạc thứ 5. Việt kiệu thư).