Cụ Mạc Tấn Thiện hiến tặng toàn bộ tủ sách gia đình cho Thư viện Huệ Quang

Cụ Mạc Tấn Thiện hiến tặng toàn bộ tủ sách gia đình cho Thư viện Huệ Quang

Thời gian vừa qua, Thư viện Huệ Quang nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả gần xa. Sách – tài liệu cả mới lẫn cũ đủ các thể loại thường xuyên được gửi về từ các nơi. Nguồn tư liệu của thư viện cũng nhờ đó mà phong phú hơn rất nhiều. Đáng chú ý trong số đó, có một vị độc giả tuổi nay đã gần 80, hiện ở Bình Chánh, TP. HCM, hiến tặng toàn bộ tủ sách gia đình mình cho thư viện, tổng cộng hơn 60 thùng lớn nhỏ.

Cụ là Mạc Tấn Thiện, pháp danh Minh Hữu. Cả cụ và người bạn đời đều xuất thân từ những dòng dõi quý tộc ở miền Tây. Bản thân cụ là một nhà vật lý lý thuyết, lại vừa nghiên cứu sâu về đạo Phật nói chung mà Thiền tông là chủ đạo. Trước năm 1975, nhà riêng của cụ ở quận Nhứt, khi ấy cụ có cả vài ngàn cuốn sách, thật là một kho tàng tri thức vô giá. Vậy rồi sau biến cố 1975, số sách ấy không còn nữa, những tưởng niềm đam mê sách vở cũng tắt theo. Nhưng không, ý chí của một nhà tri thức đích thực thật là mãnh liệt, tình yêu đối với con chữ không những không lụi tàn mà còn bùng cháy mạnh mẽ cho đến tận bây giờ. Ở một người thâm nhập giáo lý đức Phật như cụ, ta chỉ thấy có sự đam mê, dấn thân, không thấy có chút bất mãn nào đối với sự việc đã qua. Để đến hôm nay, tới cái tuổi đã gần đất xa trời, cụ quyết định gửi tặng toàn bộ “gia tài” mấy mươi năm tích góp được cho thư viện, là cả ngàn cuốn sách cũ có mới có, có những cuốn tuổi đời cũng gần bằng tuổi cụ. Sách Phật học, sử học, văn học, triết học, vật lý học, văn hóa đông tây, đông y… đủ cả. Cụ rành cả tiếng Anh, tiếng Pháp, lại am tường chữ Hán; vừa nghiên cứu lý thuyết vật lý, tìm hiểu nhiều về đông y, lại đào sâu ý nghĩa kinh sách Phật học, nên sách vở của cụ phong phú đủ các thể loại. Từ điển lớn nhỏ mới cũ mấy chục cuốn. Tổng hợp hết số sách cụ có, cũng có thể lập được cái thư viện nhỏ không thiếu thể loại gì. Nhìn cái cách cụ nâng niu từng cuốn sách, chú ngày tháng, ký tên, đóng mộc đỏ, bao bọc kỹ càng, mới biết cái tâm của cụ lớn đến thế nào – cái tâm của một nhà trí thức yêu sách hơn chính bản thân mình.

Tuổi cao, sức yếu, nhà lại xa, vậy mà mỗi tháng đôi lần, cụ ngồi xe bus chống gậy qua thư viện, chậm rãi từng bước lên đến phòng đọc ở lầu 2, trò chuyện với thầy trò chúng tôi, sẵn tiện coi ngó những đứa con tinh thần của mình đang ở “ngôi nhà mới”, được phân loại, sắp xếp ngay ngắn thế nào. Cụ cầm từng cuốn sách lên, kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của nó, rằng cụ có nó ở thời điểm nào, nhân duyên với nó ra sao, nội dung nó hấp dẫn, sâu sắc thế nào, cụ nhớ hết. Cụ nói chuyện thời sự, cụ kể chuyện Sài Gòn xưa và nay. Cụ kể về nhân duyên mình đến với đạo Phật, bén duyên với thiền tập. Cụ nói chuyện đời, chuyện đạo, chỉ bày cho chúng tôi lẽ đúng sai như một người cha, người ông thân thiết.

Trong cuốn lưu bút của thư viện, cụ có viết, cụ cúng dường tủ sách cá nhân của mình cho Thư viện với thành ý để cho “chư vị tăng ni có thêm một ít tư liệu tham khảo trong việc tu học, quý phật tử và quý anh chị sinh viên, đặc biệt chuyên khoa khoa học xã hội và nhân văn khi đến với thư viện Huệ Quang có được chút ít sách tham khảo”.

Thư viện Huệ Quang xin ghi nhận tấm chân tình của cụ. Toàn bộ số sách cụ hiến tặng đều được làm mã, lưu giữ tại phòng đọc của thư viện để phục vụ cho chư vị tăng ni và quý phật tử, cùng tất cả những ai có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, như đúng tâm nguyện của cụ.

Chúng tôi cũng xin tri ân Ni Sư Như Đức-Thiền viện Viên Chiếu đã làm cầu nối cho chúng tôi và cụ được duyên gặp gỡ, để chúng tôi có cơ hội biết thêm một con người có tâm với sách vở, để cụ được thực hiện tâm nguyện những năm tháng sau cuối của đời người.

Chúng tôi thành kính tri ân.

Thủy Tiên

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoVề một kiệt tác của Hồ Hữu Tường

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài