Gặp lại Sao Trên Rừng

Gặp lại Sao Trên Rừng

Thực ra, tôi có chút duyên nợ với nhà thơ Nguyễn Đức Sơn. Nguyên là hồi năm 1972, khi Tuần báo Khởi Hành tổ chức bình chọn đi tìm tác giả được yêu thích nhất, tôi là bạn đọc đã bỏ cho ông 1 lá phiếu bằng một bài viết trên chính tuần báo này. Tôi thích thơ ông bởi phần lớn viết nỗi cô đơn của tuổi trẻ và những trăn trở, hoài nghi, u uẩn đầy tính siêu hình: “Tôi dừng lại giữa năm mười sáu tuổi/ một sáng hồng nghe nắng rụng tan hoang/ tôi nằm xuống phập phồng hai lá phổi/ sao mảnh đời đang chảy bỗng khô rang…” (Một sáng hồng).

Sau nhiều năm tháng với biết bao biến đổi thời cuộc, câu chuyện cũ hầu như đã lãng quên. Bỗng dưng một lần có người bạn thân ghé chỗ ông chơi, nhìn thấy một tập tài liệu photo, trong đó, lưu lại một cách trân trọng bài viết của tôi về Nguyễn Đức Sơn năm xưa trên báo Khởi Hành. Từ cơ duyên ấy, tôi và ông thỉnh thoảng có những cuộc chuyện trò qua điện thoại. Lần nào, tôi cũng nghe ông nói năng rành mạch và hẹn dịp hội ngộ…

Từ đoạn đường có thể đậu được ô tô, sau khi lội bộ băng qua cánh rừng thông thưa thớt chừng vài trăm mét, chúng tôi nhận ra thấp thoáng một hai mái nhà lẻ loi và hiểu ngay: đã đến đồi Phương Bối, nơi sinh sống của gia đình Nguyễn Đức Sơn suốt gần 40 năm qua.

Năm 1972, Nguyễn Đức Sơn lọt vào top 5 khi tuần báo Khởi Hành (do nhà văn Viên Linh làm Thư ký tòa soạn) tổ chức chọn tìm tác giả yêu thích nhất. Ông cũng được đánh giá là một trong 3 “kỳ nhân văn nghệ” (bên cạnh Bùi Giáng và Phạm Công Thiện) và là một trong “tứ trụ thi ca” của miền Nam (bên cạnh Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên). Hiện ông sống tại Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng, và nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông (vì ông trồng một vạn cây thông) với biệt danh “Sơn núi”.

Nguyễn Đức Sơn đang ngồi võng, bên bàn trà kê trên gốc cây tạm bợ trước khoảnh sân nhà, một hình ảnh rất quen thuộc trong những bài báo ghi chép về ông trong những năm gần đây. Thấy chúng tôi, ông nhổm dậy có vẻ muốn đứng dậy chào đón, nhưng mọi người kịp đến giữ ông lại, sợ ông không thoải mái. Thực ra, dường như ông đã quen việc tiếp khách hâm mộ đến thăm hỏi hàng ngày, nên gương mặt ông trông rất hân hoan, vui vẻ, mời mọc mọi người. Ông lắng nghe những lời chào hỏi của từng người, giống như thấu hiểu một cách tỉnh táo, nhưng luôn đáp lại bằng một câu trả lời châm chọc hóm hỉnh, để ai nấy phá lên cười…

Dù vậy, khi đến với ông, tôi vẫn cố giữ một vẻ trịnh trọng, nghiêm túc:

- Anh Sơn này, nhiều năm trước thỉnh thoảng tôi vẫn điện thoại nói chuyện với anh. Chuyện là thế này…, thế này… Anh còn nhớ không?

Ông cầm tay tôi siết chặt, gương mặt thể hiện sự chân tình, nói:

- Nhớ… Nhớ lắm chứ!

- Nhớ ra sao?

- Ông xích sát vào đây tôi nói cho nghe…

Tôi làm theo lời ông. Ông kê tay vào tai tôi thì thầm:

- Tôi nhớ… Cái mặt ông giống như cái lờ…

Tới đoạn đó, thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa: nhà thơ quái dị này không chỉ khác thường trong sáng tạo thơ ca, mà ông cũng sẵn sàng phá phách trong mọi mối quan hệ của cuộc sống thường nhật.

Tôi chợt nhớ: trước khi đến đồi Phương Bối, một anh bạn tôi - một người làm thơ viết báo, cũng sinh sống ở một đồi thông kề cận gia đình nhà thơ Nguyễn Đức Sơn dặn tôi: “Các bạn cứ cho xe chạy vòng qua bên tôi chơi một lát, rồi tôi chỉ chỗ ông Sơn cho”. Tôi nói: “Bọn tôi có người dẫn đường rồi, sẽ đến nơi luôn. Anh qua đợi bên nhà ông Sơn, anh em mình gặp nhau luôn”. Anh này nói: “Không. Mấy năm nay, tôi không chơi với thằng cha đó”.

Một nhà văn khác sống ở trung tâm TP.Bảo Lộc lại sốt sắng hơn, ngồi cùng ô tô theo chúng tôi hướng dẫn vào sát chân đồi. Nhưng đến lúc cả đoàn đi bộ vào nhà Nguyễn Đức Sơn thì anh ta từ chối: “Anh em cứ vào đi. Tôi không thích “Sơn núi”. Hồi xưa chúng tôi cũng thân nhau lắm, còn chừ không thích nữa!”. Điều ấy, cho thấy, không phải cứ người yêu văn nghệ nào cũng có thể chịu đựng nổi cách giao tế kỳ cục của ông.

Trong khi mọi người đang đùa giỡn với những câu nói tinh nghịch, nửa tỉnh, nửa cuồng của Nguyễn Đức Sơn thì chúng tôi nhận ra, một người phụ nữ trong trang phục người làm vườn đang bước xuống từ dốc đồi. Đó là chị Phượng, người bạn đời kề cạnh Nguyễn Đức Sơn trong suốt thời trai trẻ của ông đến tận ngày nay. Những ai biết ông cũng đều hiểu rõ những giai thoại về mối tình của ông với người phụ nữ này, cũng như cuộc sống kỳ lạ, nghiệt ngã của gia đình, con cái ông trên đồi Phương Bối.

Nhiều thân hữu của Nguyễn Đức Sơn kể lại: Trước năm 1975 Nguyễn Đức Sơn mưu sinh bằng nghề dạy kèm ngoại ngữ, ở trong chùa Tây Tạng, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Nhà thơ yêu say đắm cô Nguyễn Thị Phượng, cháu của sư trụ trì chùa. Phượng là cháu mồ côi đẹp như đầm lai, nên bạn bè thường gọi là Phượng lai….

Trong một lần, Nguyễn Đức Sơn tỏ tình Phượng bằng cách đứng bên cái giếng trong sân chùa, nói rằng, nếu Phượng cự tuyệt thì anh ta sẽ nhảy xuống giếng… Thế là không lâu sau đó, Nguyễn Đức Sơn làm đám cưới với cô Phượng. Hôn lễ diễn ra tại chùa Tây Tạng với sự chứng kiến của vài người bạn văn nghệ như: Phạm Công Thiện, Bửu Ý…

Đến năm 1979, Nguyễn Đức Sơn dẫn vợ con lên đồi Phương Bối, Lâm Đồng mưu sinh bằng việc làm nương làm rẫy. Hàng ngày ông thồ đống củi gần 10 cây số đến chợ làng bán để nuôi đàn con nheo nhóc cùng người vợ ốm yếu. Gia đình ông ăn chay trường, các con ông hầu như đều tu tại gia, trong các am thất trên núi. Vào giai đoạn đói khát, một người con trai của ông hái trúng nấm độc, ăn và chết, gây cho ông một cú sốc.

Giữa cảnh sống cùng cực ấy, có lần chị Phượng đổ bệnh, suýt qua đời. Nhà văn Đào Hiếu trong bút ký “Người đàn bà trên đồi cỏ” có đoạn viết: “Nguyễn Đức Sơn lấy cái mền cột túm hai đầu, luồn một cành cây vào giữa. Cùng với Nguyễn Đức Vân, hai cha con cáng mẹ băng rừng ra phố. Vừa chạy vừa khóc. Gai tre và cành cây cào xước mặt. Máu lẫn với nước mắt. Nhưng trời vẫn còn thương cha con chàng thi sĩ ngông cuồng. Phượng đã tỉnh lại. Ba hôm sau Trịnh Công Sơn từ Sài Gòn lên ghé bệnh viện Bảo Lộc. Sơn Núi hỏi:

- Mày lên đây làm gì?

Sơn nhạc sĩ đáp:

- Thăm Phượng. Sao nỡ hành hạ người ta đến vậy?

“Sơn núi” bỏ đi. Trịnh Công Sơn ở lại với các con của Phượng. Có lẽ hôm đó là một ngày của năm 1982. Tôi không biết và các con của Phượng cũng không biết chính xác là ngày và tháng nào. Trịnh Công Sơn đã tặng cho gia đình Nguyễn Đức Sơn một số tiền khá lớn. Nó đã cứu Phượng và giành giựt Phượng khỏi tay tử thần”.

Giờ đây, trước mặt chúng tôi, chị Phượng tuổi đã trên dưới 70, nhưng vẫn chưa phai nhạt vẻ đẹp dịu dàng sang trọng. Chị hơi rụt rè, nhưng vẫn trả lời hầu hết câu hỏi tò mò của khách. Chị cho biết, Phương Bối Am xưa kia là vùng đồi rộng. Tại đây thầy Nhất Hạnh đã xây một thiền thất để tu tập. Khi cả gia đình chị đến đây (1979), ngôi nhà bị sập, cả vùng đồi tan hoang, chỉ còn lại cái bể cạn lớn, khô nước, trơ bốn vách tường xi măng với mái tranh, vách ván. Đó thành chỗ ở của hai vợ chồng cùng chín đứa con, bảy trai hai gái: Thạch, Vân, Thảo, Thủy, Không, Lão, Yên, Phương Bối, Tiểu Khê... Hồi bọn trẻ lớn lên quá khó khăn, nên tất cả đều lần lượt được gửi vào nương náu nơi cửa chùa. Thạch đã có cuộc sống riêng và cắt đứt liên hệ với gia đình. Thảo mất từ sớm. Vân cơ hội sang Pháp tu học nhưng từ chối, quay về để gom bốn người em trai, nuôi ăn học dưới một mái nhà tại chân Phương Bối, trong đó Thủy đang theo học cao cấp Phật học tại Sài Gòn. Yên, Không, Lão rời chùa về nhà tu tại gia.

Chúng tôi chia tay Nguyễn Đức Sơn khi hoàng hôn đang dần buông trên không gian buồn bã của đồi Phương Bối. Trong một thoáng giây, sau những câu nói bông lơn, bỡn cợt, bỗng nhà thơ lặng lẽ đến lạ lùng. Tôi chợt nhớ ra, trong số những người cùng ông có tên thuộc các nhóm “kỳ nhân” và “tứ trụ” của văn học miền Nam, chỉ duy nhất mình ông còn sống. Và có lẽ vì thế, ông vẫn mãi là ngôi sao trên rừng lẻ loi phiêu dạt giữa đồi Phương Bối như ông từng viết thời trai trẻ: “Một đêm sao ở trên rừng/ Đua nhau rụng xuống chào mừng nhân gian/ Hồn tôi cây cối liên hoan/ Rưng rưng tôi thấy trăm ngàn ước mơ/ Tuổi vàng suối mộng trời thơ/ Lớn lên tôi chết trên bờ hư không”.

Nguyễn Đức Sơn sinh năm 1937 tại làng Dư Khánh, Ninh Chữ tỉnh Bình Thuận. Khởi đầu sự nghiệp văn nghệ bằng bút danh Sao Trên Rừng ở các tạp chí Sáng Tạo, Văn Nghệ… tại miền Nam từ các năm 1959-1960, ông không chỉ nổi tiếng với tập thơ đầu tay “Những bài tình đầu” gồm 3 phân khúc: Bọt nước, Hoa cô độc (1965), Lời ru (1966) như một thi sĩ kỳ dị, mà còn được chú ý với các tập truyện ngắn đặc sắc như Cát bụi mệt mỏi (1968), Cái chuồng khỉ (1969), Xóm chuồng ngựa (1971)…

TRẦN TRUNG SÁNG

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoGiới thiệu sách "Lão Tử Đạo đức kinh chú"

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài