KINH A DI ĐÀ-SÁM HỐI-VU LAN
Kinh Di Đà-Sám Hối-Vu Lan lưu trữ tại Thư viện Huệ Quang được đóng quyển như sau:
1. Tiểu A Di Đà kinh-Sám hối văn:
- Tiếu tượng đức A Di Đà, 1 trang.
- Bổ thuyên A Di Đà kinh dẫn, 5 trang.
- Đồ hình 17 tiểu cảnh, 9 trang. Các đồ hình và thứ tự đều giống với sách A Di Đà Kinh Sớ Sao (như mộc bản Tổ đình Thập Tháp)
- Nội dung Tiểu A Di Đà kinh-Sám hối văn, 24 trang. Số trang đánh liên tục. Mặt đầu của trang 1 là bài Tán hương, dưới có dòng chữ Mộ thời khóa tụng (Cho thấy, công phu chiều khi ấy luôn có lạy hồng danh sám hối). Mỗi trang 2 mặt, mỗi mặt 6 dòng, mỗi dòng 13 chữ. Riêng trang thứ 7 mỗi dòng chỉ có 11 chữ.
2. Vu Lan kinh, trang thủ và 16 trang. Trang thủ và 14 trang đầu mỗi mặt 6 dòng, mỗi dòng 14 chữ, chữ nhỏ thì mỗi dòng có 2 dòng nhỏ. 2 trang cuối, mỗi mặt 10 dòng (20 dòng nhỏ), mỗi dòng 19 chữ.
Tổng cộng sách: 56 trang.
Sách nhiều khả năng do người đời sau đóng gộp hai phần lại để thuận tiện cho việc trì tụng. Hơn nữa, phần kinh Vu Lan chỉ có 16 trang, khó đóng thành một tập sách. Khả năng là một bộ sách hoàn chỉnh ngay từ khi khắc mộc bản là rất thấp.
Lời tựa cho biết: “…bản gốc kinh A Di Đà do sư trụ trì ở hai chùa Càn An và Sùng Phúc cho khắc in, đã tập hợp lại nhưng rồi phân chia cho hai chùa mỗi nơi cất giữ một nửa, chùa Càn An có bản kinh văn mà thiếu phần sám hối, chùa Sùng Phúc có phần sám hối lại thiếu bản kinh văn, cứ như vậy đã lâu ngày, mà biết được sự tình. Vì vậy phát nguyện khắc bổ sung rồi chia ra cúng dường cho hai chùa, ngõ hầu sớm tối trì tụng thì mỗi nơi đều có đầy đủ bản kinh,”
Bài tựa được nhà Nho Nguyễn Hữu Thường viết vào năm Minh Mạng thứ 9 (1828), do thợ Liễu Tràng là Nguyễn Đình Lộc khắc ván với sự chứng san của các sa môn: Thanh Cẩm, Chiếu Kiên, Chiếu Vĩnh.
Như vậy, nguyên bản đã được khắc trước năm 1828 và năm 1828 khắc bổ sung thành hai bộ Di Đà-Sám hối ở hai chùa Càn An và Sùng Phúc. Bản chúng ta đang có đây không thể xác định được là bản Càn An hay Sùng Phúc.
Về kinh Vu Lan, cuối phần chánh kinh, bốn dòng chữ nhỏ cho biết: Thiệu Trị năm đầu (1841) Bố chính sứ là cư sỹ Vương Liễu Trừng, đi sứ nhà Thanh thỉnh về được bộ kinh Vu Lan Bồn có sớ giải. Đến năm Kỷ Dậu triều Tự Đức, 1849 (sách để Tự Đức nhị niên, nghi nhầm Tự Đức tam niên), hòa thượng Phúc Điền trụ trì chùa Phú Nhi lược lấy phần bạch văn (tức chánh văn) rồi thêm vào Tâm kinh bát nhã, chú vãng sanh v.v… để dễ trì tụng. Ngài ủy thác cho pháp tôn là bật sô (tỳ kheo) Tịnh Từ ở (chùa) Liên Giám - Hoàng Mai sao chép và mộ khắc.
Đặc biệt, sau phần Tâm kinh bát nhã là bài Lễ Phật phát nguyện văn (sám Quy mạng) của thiền sư Sơn Nhiên được ngài Phúc Điền (chùa Liên Trì Hải Hội) diễn Nôm, được trình bày xen kẽ với nguyên tác. Hai trang cuối là chú giải pháp số và nội dung bài sám.
Hai dòng cuối cùng của sách cho biết: ngài Tịnh Từ sao chép khắc bản và lưu bản tại chùa Liên Trì vào năm Tự Đức thứ 3 (1849). Tức chùa Liên Trì Hải Hội ngài Phúc Điền trụ trì.
Như vậy, mộc bản bộ sách Di Đà-Sám Hối-Vu Lan đến thời Thiệu Trị vẫn nằm ở hai chùa khác nhau. Và quyển Di Đà-Sám Hối-Vu Lan lưu trữ tại Thư viện Huệ Quang có thể được người đóng sách rập bản ở hai chùa hoặc có thể được rập mộc bản muộn sau khi mộc bản được gom chung về một nơi.
Sự kết hợp Kinh Di Đà-Hồng Danh (Sám hối)- Vu Lan này không biết bắt đầu từ lúc nào. Hiện trong nước chúng tôi được biết có bản Việt ngữ của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1934); và các bản Phạn giáp (kinh xếp) Hán văn xưa để Di Đà-Hồng Danh-Vu Lan, trong đó phần Di Đà-Hồng Danh do ngài Cưu Ma La Thập dịch; kinh Vu Lan do ngài Trúc Pháp Hộ dịch. Mộc bản không đề khắc năm nào.
Bản Kinh Di Đà-Sám Hối-Vu Lan lưu trữ tại TVHQ là loại phương sách, được đóng theo lối Bắc, ruột giấy dó mỏng đã úa màu, chỉ giấy dó, bìa sơn ta được TVHQ ảnh ấn trong tùng thư Huệ Quang Phật điển tùng san với mã số HQPĐTS-1019.
Để hiểu thêm về văn bản Kinh Di Đà-Sám Hối-Vu Lan, chúng tôi xin cung hiến đến quý độc giả bản dịch bài tựa Bổ thuyên A Di Đà kinh dẫn của bạn Lê Nguyễn Duy Linh.
Huệ Quang, đầu hạ năm Giáp Thìn, 2024
Thích Không Hạnh
LỜI DẪN BẢN KHẮC BỔ SUNG BỘ KINH A DI ĐÀ
Lê nguyễn Duy Linh dịch
Kinh A Di Đà là những lời thuyết pháp của đức Thích Ca Như Lai với chúng sanh. Thường (tên người viết) tôi thuở nhỏ đọc truyện ông Pha Tiên (tức Tô Thức, tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha). Khi ông đi về Nam (về Hàng Châu), có mang theo một quyển kinh Di Đà. Ngẫm rằng với học vấn văn chương của Tô Tử Chiêm, là một bậc danh sĩ đời Tống, sao lại một mực tin vào quyển kinh ấy mà không xem xét những lời trong kinh thuyết giảng rằng kinh ấy là vì duyên cớ gì, có công đức gì. Đến khi tôi cầm đến và đọc thật kĩ càng quyển kinh ấy thì mới biết đó là lời đức Thế Tôn thuyết giảng với chúng sanh về thế giới Cực Lạc, trụ xứ của Phật A Di Đà. Như gặp thời khắc nhân duyên phước đức, tôi trầm ngâm nghĩ ngợi rồi bỗng nhiên tỉnh ngộ.
Ôi, đạo lớn đã ẩn đi rồi thì người ta giả dối ngày một nhiều, vùi mình trong thất tình lục dục, đắm chìm trong tam ác ngũ trọc. Đức Đại Giác từ bi, xót thương khôn xiết, cho nên phát tâm bồ đề, dùng tướng lưỡi rộng dài, thuyết giảng ra những lời kinh ấy, khiến chúng sinh nghe được đều biết phát nguyện, tránh khỏi thoái chuyển vào A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề; để cho kim sa khắp nơi, thất bảo xung quanh, trở thành sắc tướng trong tâm; hương hoa Liên hoa mạn đà trở thành hương thơm mầu nhiệm trong tâm; tiếng chim Ca-lăng-tần-già trở thành âm thanh u nhã trong tâm; khiến cho trong nhất tâm ấy, từ khi có Phật A Di Đà, thì liền có thế giới Cực Lạc; cần gì phải hướng về Tây Phương đi qua mười vạn cõi Phật độ mà về sau vẫn đến được thế giới Cực Lạc. Đó là tấm lòng mong mỏi độ thế của Ngài vậy.
Tháng mười một âm lịch năm nay, người thiện sĩ ở xã An Sở huyện Đan Phượng là Nguyễn Văn Hiển cùng vợ cả Nguyễn Thị Ngoạn, hiệu Diệu Oánh nhân lúc người học trò Nguyễn Đắc Vọng, tự Chiếu Khang thưa với Thường tôi chuyện bản gốc kinh A Di Đà do sư trụ trì ở hai chùa Càn An và Sùng Phúc cho khắc in, đã tập hợp lại nhưng rồi phân chia cho hai chùa mỗi nơi cất giữ một nửa, chùa Càn An có bản kinh văn mà thiếu phần sám hối, chùa Sùng Phúc có phần sám hối lại thiếu bản kinh văn, cứ như vậy đã lâu ngày, mà biết được sự tình. Vì vậy phát nguyện khắc bổ sung rồi chia ra cúng dường cho hai chùa, ngõ hầu sớm tối trì tụng thì mỗi nơi đều có đầy đủ bản kinh, rồi xin tôi soạn bài tựa, đặt ở đầu bản kinh. Thường tôi nghe vậy cười mà rằng kẻ vụng về này theo nghiệp Nho giáo, tuổi đã hơn bảy mươi, ít hiểu biết kinh Phật, vốn chẳng phải là người theo đạo Phật. Tuy nhiên, trong tình cảnh thiếu sót kinh sách, giúp đỡ bổ sung cho đầy đủ, để quay đầu về bờ giác ngộ, chóng thành thế giới Cực Lạc thì tấm lòng của họ có thể gọi là tốt vậy thay, bèn lựa vài lời để mà đáp lại, còn nếu gọi là bài tựa, thì chẳng phải thứ mà kẻ vụng về này có thể viết được.
Ngày hai mươi bảy tháng mười một năm Minh Mạng thứ Chín (1828),
Lão già nhà Nho hành nghề y, người huyện Thuận Gia, Bắc Ninh là Nguyễn Hữu Thường viết tại lớp học ở Thuần Mỹ, Thọ Xương.
PHẦN KHẮC THÊM
Sa môn tự Thanh Cẩm, tự Chiếu Kiên, tự Chiếu Vĩnh chứng san.
Người ở xã An Sở, huyện Đan Phượng là Nguyễn Thị Nhậm, hiệu Diệu Phương cúng dường một ván khắc.
Con trai Nguyễn Đắc Vọng, tự Chiếu Khang, vợ Lê Thị Thiêm cúng dường một ván khắc.
Người ở xã Vĩnh Thế, huyện Siêu Loại là Nguyễn Đình Chu, tự Sĩ Thư, vợ Nguyễn Thị Xuyến hiệu Diệu Kim cúng dường một ván khắc; con rể Nguyễn Văn Khuông, con gái Nguyễn Thị Nhân hiệu Diệu Nhàn cúng dường một ván khắc.
Người ở xã Công Luận, huyện Văn Giang là Đặng Thị Vinh cúng dường một ván khắc.
Người ở xã Tây Đàm, huyện Từ Liêm là Nguyễn Bá Thành, vợ Nguyễn Thị Phụng hiệu Diệu An cúng dường một ván khắc.
Người ở xã Liễu Tràng là Nguyễn Đình Lộc khắc ván.