Nhân kỷ niệm 90 năm Pháp Âm – tờ báo Phật giáo đầu tiên ra đời, chính thức khởi xướng công cuộc chấn hưng Phật giáo, Thư viện Huệ Quang xin đăng lại toàn văn “Hành trình nhựt ký - Đi cổ động cuộc sáng lập Tòng lâm Phật giáo hội” của Hòa thượng Khánh Hòa:
Nhơn nghĩ đạo Phật ở Nam kỳ ta thật là suy đồi thói thậm, nếu chẳng lo phương cứu chữa, thì cũng xấu hổ cho phận xuất gia; nên tôi tính đi cổ động các tỉnh, may ra được bạn đồng môn hưởng ứng cho đông, chắc bổn nguyện mình sớm mong kết quả.
Tại Bến Tre, chùa Tiên Linh, năm Kỷ Tỵ, tháng giêng, ngày 27 khởi hành; qua 28, 29 ở đám trai đàn chùa Giồng Miễu. Mồng 1 tháng 2 qua Mỹ Tho, mồng 2 xuống tàu, mồng 3 tới Châu Đốc vào chùa Phi Lai ra mắt Hòa thượng, kế thời ngọ nghỉ ngơi; chiều Hòa thượng dắt ra coi tháp mới tạo, thấy tháp cao 22 thước tây, đúc toàn bằng đá, trong bộng lên đến trên, coi thật nguy nga mỹ lệ. Hòa thượng nói: “Trên tháp có thờ một bộ Vạn Phật kinh”, tôi nghe nói thầm kính khen! Vì trong kinh có dạy: tạo tháp thường thờ bộ Pháp hoa kinh, hoặc là hình tượng Phật, mới phải là người học đạo; nay Hòa thượng lại thờ bộ Vạn Phật kinh, ấy thật là cao kiến, ấy là theo sở hành của các bậc cổ nhơn vậy.
Sáng ngày nghe nói trên núi có bầy khỉ dạn lắm, tôi cùng vài vị tiểu tăng lên đảnh núi để thí thực cho “bầy khỉ”, lên đến đảnh núi ngó qua hướng nam thấy 2 cái tiểu am, tôi bèn lần qua, thấy có hai ông niên thiếu Tỳ kheo tịnh tu trong 2 am ấy, lúc tụng kinh rồi, ra ngồi bàn thạch hóng mát, coi một cách thanh cao tiêu sái; hèn chi ông Thái Hư nói: “Cao giả ẩn sơn tịnh tu, Đê giả trượng phật cầu huợt” là phải vậy. Thật là:
Thế tình mê muội trối thây ai,
Mặc dầu hớn hở thiên thai non Bồng!
Tôi thán tức một hồi, rồi lần xuống núi, kế thời ngọ nghỉ ngơi. Chiều lại tôi bạch cùng Hoà thượng về việc lập Thơ xã và Phật học trường.
Hoà thượng nói: hôm tháng giêng có ông giáo Thiện Tòng lên đây xin Đại tạng kinh để vào Thư xã, tôi chịu cúng 300$00 - Tôi định số tiền ấy để làm trường học, vì trường học là đều cần. - Cũng được. - Tôi ở lại bàn luận một đêm, sáng mồng 6 xin từ giã trở qua chùa Pháp Võ cũng tỏ bày việc lập Phật học viện; ngài giáo thọ chùa ấy chịu cúng 50$00, song xin đưa trước 20$00. Kế gặp thầy chủ hương ở chùa Kiến Phước lên, tôi bèn hiệp cùng chủ hương ở chùa An Phước, (chùa Cồn) Hoà thượng An Phước nghe tôi tỏ bày công việc, thì ngài hoan nghinh lắm, ngài hẹn tháng 3 sẵn có lễ kỵ, chừng ấy có đủ Lục hoà liên hiệp, sẽ bàn tính luôn, đàm luận một hồi chiều lại trở qua chùa Pháp Võ.
Mồng 9 đi Cây Mít, (Nhà Bàn) đến chùa Hoà Thạnh cổ tự. Mồng 10 đi Trà Keo, đến chùa An Phước; 11 đi Nam Van, tại Nam Van có 4 chùa Annam, nhưng mà thiết bắt đầu cơ. Ôi! Toàn là một bọn ký sanh loã (bất tri Âu-Á ư hà địa) thậm chí có trường Phật học của nước Cao Miên rần rần rộ rộ bên tai, mà họ như câm như điếc nghĩ cũng đáng thương! 12, đi viếng Phật học trường và chùa vua Cao Man, đến chùa thấy có nhiều vị Phật làm bằng vàng chỗ lưỡng my trung gian (chỗ Phật phóng quang) và tròng con mắt đều cẩn ngọc kim cương, hoặc ngọc thủy xoàn, xem rất quang minh! Thật là người Cao Man họ trọng đạo Phật một cách thượng vô nhị thượng, lót gạch bằng bạc. Luôn dịp có đến viếng chùa Tháp.
Xem ra chùa Tháp cực kỳ cao!
Tượng ngọc đài vàng tốt biết bao!
Phật pháp mở mang trường học rộng
Đừng khi Mên Mọi gọi mi tao.
Tối lại đến chùa chợ nghỉ; trong đêm ấy tôi cùng ngài chủ hương bàn đi trường kỳ Bãi Xàu, vì nghe có Hòa thượng Bắc Liêu làm pháp sư ở đó và sẵn có chư sơn để bàn tính luôn.
Ngày 13, đáp tàu xuống Sa Đéc, nghỉ chùa An Phước, 14 xuống Vĩnh Long, trụ chùa Long Thuyền, sáng rằm ra xe hơi qua Cần Thơ, sang xe xuống Sóc Trăng, đổi xe qua Bãi Xàu, vào chùa Phước Hoà An, đã 3 giờ chiều mệt quá nằm dài ở đó để đón ông Pháp sư, may gặp ông giáo ở Đại Ngãi hẹn đem ghe qua trường kỳ đón. Ngày 16, nhơn có ghe ở trường kỳ đi rước thơ ký, tôi bèn tháp tùng theo ghe ấy qua tới trường kỳ, té ra không có ông Pháp sư Bắc Liêu ở đó, họ bèn thỉnh tôi, tôi xin từ, tôi xuống ghe nằm nghỉ, kế 2 giờ khuya nghe quí vị ở tại trường kỳ xuống cho hay rằng: trường kỳ không có giái tử.
- Ủa! Trường kỳ là cái đàn truyền giái, mà không giái tử, thì truyền cho ai; tỉ như không học trò mà thầy giáo dạy ai. Ôi! Phật pháp suy vi, đến thế là cùng! Rồi theo ghe qua chùa Quan Âm (Đại Ngãi) đưa thầy chủ hương về, tôi ở lại nghỉ ngơi 3 ngày.
Qua 20 đi Bắc Liêu, xuống chùa Long Phước, thầy Hoà thượng chùa nầy nghe tôi tỏ công việc thì thầy nói rằng:
- Theo công cuộc của thầy tính đó, thật là đại hạnh cho Phật giáo, ngặt vì tôi thiểu sức nên không thể gánh vác trách nhậm ấy được.
Tôi ở đó 3 ngày khi ra đi Hòa thượng có đưa 20$00, tôi hỏi: không xin sao ngài cho?
- Nào phải đợi xin; việc thầy làm đây là việc công, tuy không đủ sức để giúp việc lớn, chớ chút ít để giúp lộ phí thế cũng có, xin thầy hoan hỉ.
Ngày 23, Hòa thượng đưa tôi qua chùa Giác Hoa, 24 đáp xe lên Cần Thơ lại chùa Hội Linh, ông giáo chùa này đưa qua chùa Trà Nóc, (Phước An tự) nhưng đợi ghe không có, ngày 26, trở lên Sa Đéc. 27, thầy An Phước đưa lên ngã tư Cai Bường, (Phước An tự) cùng thầy trụ trì vui mừng vấn tấn. Đoạn tôi tỏ câu chuyện trùng hưng Phật giáo, thầy hỏi:
- Cách thức làm ra sao?
- Vì nghĩ rằng: đạo Phật ở Nam kỳ ta hiện thời, trong thì tăng đồ thất học, lầm sai pháp luật; ngoài thì tín đồ không hiểu đạo, mê tín dị đoan, bây giờ mình hiệp cùng nhau lập thơ viện thỉnh Tam tạng kinh; một mặt thì lo nghiên cứu và phiên dịch để xuất bản, hoặc tòng thơ, hoặc tạp chí, để lưu thông trong thiên hạ, khiến mọi người được thông hiểu cái giáo lý của đạo, mới mong trừ tuyệt những việc mê tín kia. Một mặt thì ra sức giáo hóa tăng đồ cho có tư cách, phòng gánh vác Phật sự sau nầy, có học mới biết đường mà tu, không thì họ cứ mượn chùa Phật để làm nhà riêng của mình, kẻ trước vậy, người sau cũng vậy, chắc đạo Phật phải tiêu ma, nên tính phải lập trường học để đào luyện nhân tài, ấy là cái trọng trách của kẻ xuất gia vậy.
- Hiện giờ có được mấy thầy liên hiệp?
- Sài Gòn có ông giáo Thiện Chiếu, chùa Linh Sơn; Chợ Lớn ông Từ Nhẫn chùa Thới Bình; Mỹ Tho có ông Chơn Huệ, chùa Linh Thứu; Trà Vinh có ông Huệ Quang chùa Long Hoà. Ấy là lâm thời tổ chức mà thôi; còn phải cần cầu quí vị cao tăng đại đức chung hợp mới mong có hiệu quả.
- Giác Viên, Giác Hải, Từ Ân, Giác Lâm, Hội Khánh là chỗ có thế lực nhứt, sao không đến các chùa ấy yêu cầu?
- Ôi! Hỏi đến thêm buồn, chín mười năm trước, thầy Giác Hải cũng thường nhắc nhở đến việc nầy, song ai nấy cũng làm thinh, mới đây nhơn lễ kỵ ở Hội Khánh, thầy Giác Hải cũng đến đó giảng giải về việc chỉnh lý tăng đồ, rốt cuộc không ai tán thành cả. Thôi mình hơi đâu mà đợi, sức làm được chừng nào cứ làm, bây giờ cất trường học nho nhỏ, chừng nào quí thầy làm trường học lớn sẽ hay hoặc quí thầy mình hết lòng vì đạo mà không đủ sức đởm đương, có lẽ ra giúp mình lại càng tốt.
- Công việc coi thật là to tát mà sư chú tuổi đã già, biết theo đuổi có đến kỳ cùng không? Chớ tôi trước kia cũng nghĩ đến, nhưng khổ thay! Xướng ra không ai phụ họa, đành phải thúc thủ vô phương, thời buổi nầy, mà kẻ xuất gia không chịu nghiên cứu giáo lý cho tinh tường e có người đến hỏi đạo mà không hiểu thì thật là xấu hổ. Mới đây có đứa con gái của cô bổn đạo chùa nầy, học bên Tây gởi thơ về hỏi mẹ: “Tôi thấy bên nầy, người Tây họ đương khảo sát Phật giáo một cách sốt sắng, trong các toàn thơ viện kinh Phật thật nhiều mà cốt yếu họ tìm đến chỗ làm Phật mà thôi, chớ họ không chịu mê tín như người mình học Phật, má sao không hỏi các sư huynh cho biết chỗ làm Phật, cứ năm nầy tháng kia đi chùa cúng Phật lạy Phật hoài, không ích chi hết.”
Đó, nữ học sanh đời nầy còn vậy, huống hựu nam học sanh, hoặc các nhà học giả, thì đến thế nào? Nên tưởng sư chú lo tạo thơ xã, lập học -đường là hợp thời tiết lắm đó. Song về phần tôi bây giờ thì mắc lo làm chùa cho thầy tổ, không rảnh được, việc báo ân chưa rồi, nên chưa biết liệu sao, xin huởn lại sẽ tính. Chuyện vãn một đêm, sáng 28 đưa ra tàu Rạch Giá, tối tới chùa Tam Bảo ra mắt Hoà thượng và tỏ bày mọi việc, thầy cũng hoan nghinh nói chuyện chúng tôi định đó là phải thời. Qua 30, tôi thưa đi qua Thập Phương, ngài nói:
- Ở bển có thầy ký cũng sẵn lòng muốn lập Phật học viện, như Hoà thượng qua bển, xin cho người mời thầy ký để bàn luận. Khi qua chùa Thập Phương thì không có vị chủ trì chùa ấy, tôi bèn đưa thiệp mời thầy ký, khi làm việc về có ghé chùa, thầy nói:
- Hồi trưa tôi có được thiệp, thật là mầng, song mắc việc không thể đi ngay được, đến nay nghe Hòa thượng bàn lập Phật học trường, thật là một việc hợp với tâm tôi, nhưng chùa nầy nghèo lắm, và tư bổn của tôi cũng lý không có bao nhiêu, nên khó đạt được hi vọng. Chớ bên chùa Tam Bảo, thì Hòa thượng đạo đức cao, đệ tử giàu, vậy thì tôi cùng Hòa thượng đồng đi qua bển, may ra được Hòa thượng tề tâm, thì công chuyện cũng có lẽ thi hành được. - Tôi bèn nhận lời. Khi qua tới chùa Tam Bảo thầy ký nói:
- Bạch Hòa thượng, từ xưa nay trong đạo Phật ở nước ta chưa có một trường học nào cho xứng đáng để đào tạo những hàng tăng lữ sau nầy; nếu đạo Phật mà muốn có đủ nhơn tài để trước kinh, hoặc dịch luận, mà ngăn đỡ cái chánh đạo ở đời mạt pháp nầy, tưởng ngoài trường học ra, thì không biết tìm đâu được. Vả lại các ông sư mà không hiểu lịch sử Phật, không biết pháp luật Phật, cũng bởi cái hại không có trường học mà ra, nên tôi tưởng lo lập Phật học trường là cái cấp vụ của đạo Phật vậy. Hòa thượng nghĩ sao?
- Việc ấy cũng đáng làm, đặng để qui kính cho hậu lai, song công việc của tôi lúc nầy xem bề bộn lắm, không thể lo được, phần làng mới cúng cho tôi một cảnh chùa ông Bỗn, và tôi cũng đương lo làm cái cầu trên Hòn Quéo chưa xong, và…
Thầy ký nghe Hòa thượng nói vậy, nên thầy xin từ tạ về, để tôi lại chùa Tam Bảo, sáng ra Hòa thượng định đi chùa Hòn Quéo, tính thỉnh tôi theo, tôi cũng chìu lòng nhậm lời, cùng Hòa thượng xuống cơ khí thoàn lướt sóng qua Hòn Quéo, thấy chùa đúc cột sạn vách đá, xem hình tượng như chiếc tàu. Chiều ngài dắt tôi xuống biển tắm, rồi đem đến coi chỗ cầu đương đúc, cầu nầy có 3 chặng, bề dài chừng 260 thước tây. Tối lại tôi cũng bàn qua việc lập học đường nữa, té ra Hòa thượng cũng từ quyết, cứ nói mắc công kia việc nọ không thể chung lo. Ôi! Thất vọng rồi! Thật buồn. Sáng lên bon tàu ngồi ngó mông ra biển Nam để giải muộn:
Minh mông vịnh biển Xiêm La,
Muốn tìm đồng chí biết qua phương nào?
Ôi! Trong tăng giới, những hạng người có tư-tưởng không phải là ít, ngặt vì bị hoàn cảnh thúc phược họ, nên đành thúc thủ vô phương, nghĩ cũng đáng tiếc thật! Từ năm chí cuối, cứ lo làm việc tiêu cực hoài, biết bao giờ xuất đầu lộ diện với người!
Ôi thôi! Mắc kẹt ngoài Hòn Quéo rồi, biết ghe đâu mà về, xuống biển tắm nữa, chiều lên bon tàu ngồi, ngó mông tứ hướng, thấy hình Hòn Quéo như hột xoài, hèn chi người ta gọi Hòn Quéo, vì xoài quéo cũng đó, ngồi nghĩ quanh quẩn một hồi, kế xuống biển tắm nữa, lại lên bon tàu ngồi, ngó qua hòn Chông Hà Tiên:
Hà Tiên đảnh núi thật tiêu diêu.
Trời lặng, hình dung giống trống treo,
Quày ngó chúng sanh đều thọ khổ,
Nỡ nào đành bỏ một mình leo.
Tôi ở tại Hòn Quéo 4 ngày đêm, hễ buồn cứ xuống biển tắm, tối lại kiếm hết phương kia chước nọ, để tả hết tình trạng khốn đốn của Phật giáo cho Hoà thượng nghe, té ra những lời của lôi không bao giờ cảm động được Hoà thượng.
Sáng mồng năm, tôi xin Hoà thượng cho tôi về, mồng 6 xuống tàu về tới chùa An Phước nghỉ một đêm, qua mồng 7 đến chùa Kim Hoa (Sa Đéc) cùng thầy Yết-ma bàn luận, vừa gặp mặt, thầy Yết-ma nói:
- Quí! May lắm! May lắm! Hôm rày tôi đương ngồi lo nghĩ đây.
- Lo nghĩ chuyện gì?
- Tôi thấy hiện thời thì tăng đồ ít học, sai lầm kinh luật, không khéo đây đạo Phật nước ta sau nầy không còn nguyên bổn nữa; mà đạo Phật là một đạo học; nào giái luật học, triết lý học, trí tuệ học, xuất thế, nhập thế học, Tiểu thừa, Đại thừa, chí ư siêu việt nhứt thừa cao thượng học; mà nay đã hóa ra đạo thần thánh, đạo mê tín đạo hát bộ, đạo tài yểng, đạo đốt giấy đốt kho v.v như thế thì ai là kẻ hữu tâm với đạo, lại không tủi hổ! Sao mà quí thầy đại đức cứ an nhiên không chịu dạy dỗ ai, nghĩ cũng lạ thật! Thời đợi nầy mà không chịu học, thì tăng lữ không tránh khỏi sự tiêu ma. Nhơn tôi nghe Hòa thượng có lòng lo cho đoàn hậu tấn, mà chịu hy sanh cả sự an nhàn, lội lặn đến tỉnh nầy tỉnh nọ, để thức tỉnh tăng đồ, thì tôi lấy làm may lắm đó! Nói đoạn vô trong một lát, kế đem đưa cho tôi 60 đồng, và nói:
- Xin Hòa thượng chớ phụ lòng mà nhận lãnh của chút ít nầy, để phụ giúp vào trường học, Hòa thượng cũng dư biết, chùa tôi thật là nghèo, chớ chi của chùa nầy mà giàu có như các chùa khác, thì tôi nguyện dưng cúng cả, để lo việc công nghĩa ích công nghĩa cho đạo, tôi cũng vui lòng ngặt vì nội chùa duy còn có bao nhiêu đó thôi, tôi góp nhóm được mấy năm nay, xin thầy hoan hỉ.
Tôi nghe thầy Yết-ma chùa nầy nói bấy nhiêu lời, tôi cảm động hết sức, nhơn đó lại nghĩ cho các chùa khác, có chỗ làm một cảnh chùa tốn đến năm bảy chục ngàn, có chỗ sơn son thếp vàng đầy cả chùa, mà đối với việc công nghĩa công ích của nhà Phật lại tỏ ra tánh thờ ơ lãnh đạm; tôi bèn nhận 50 đồng, để lại cho ngài 10 đồng để phòng việc nhang dầu, ngài nói:
- Dẫu cho hết dầu ở thầm cũng không hại, chớ ngọn đèn “huệ” mà lu đi, thì càng hại lắm, xin Hòa thượng cứ nhận hết, miễn sao cho trường học được thành lập là quí đó thôi. Ngài lại hỏi tôi:
- Thầy đi các tỉnh kiết hiệp được mấy thầy đồng chí?
- Đi thì nhiều chỗ mà kết hiệp không được mấy thầy, ở Châu Đốc thì có Hòa thượng An Phước, và ông giáo Pháp Võ; Bắc Liêu thì có Hòa thượng Long Phước, và ngài đây, thì coi có lòng sốt sắng, nhưng không có sức.
Ngài nghe nói than rằng: Ôi! Các cảnh chùa có thế lực ở Nam kỳ nầy biết bao nhiêu, mà họ thấy Phật pháp đã khuynh nguy đến đỗi nầy, mà nỡ điềm nhiên toạ thị, cũng quái gở thật!
- Hơi nào mà than trách, lâu nay trong thế gian nầy, vàng ngọc thì ít, ngói gạch thì nhiều, là lẽ tất nhiên, có mấy ai mẫn thế ưu thời, có mấy ai giữ lời Phật dạy: “Nan hành năng hành, nan xả năng xả”. Nghĩa là: việc khó làm cứ làm, việc khó bỏ cũng quyết bỏ, miễn việc làm, việc bỏ ấy cho được cứu đời cứu mình đều khỏi trầm luân nơi bể khổ, thì nguyện đeo đuổi cho đến kỳ cùng, việc gì khó làm bằng nhịn đói 6 năm, và chôn mình nơi chốn thâm san cùng cốc, coi hùm beo, gấu, sói như thân bằng như quyến thuộc; việc gì khó bỏ cho bằng nghĩa mẹ cha tình phu phụ và bao nhiêu sự khoái lạc của một ngôi đế vương mà đức Thế Tôn ta đều làm được bỏ được cả. Chớ công việc nầy đây cũng chưa chi đáng gọi là khó chẳng qua tề tâm đó thôi; nếu các nhà tăng lữ của nước ta mà hiểu được nghĩa vụ mình thì tưởng dầu việc chi to tát nữa, thì trong một thời gian ngắn ngủn cũng có thể làm xong, nữa là Phật học viện, Phật học thơ xã, Phật học giáo dục trường, Phật học công nghệ trường mà lo gì.
Ngài cầm ở lại chùa luận bàn đạo lý một đêm, sáng mồng 8 đáp xe về Trà Vinh, nghĩ tại chùa Long Khánh, mồng mười xuống tàu về Bến Tre, đi luôn Ba Tri lo việc tu tháp, 11, trở lên Bến Tre ghé chùa Viên Giác, 12 lại trở về thơ xã.
Tiên Linh tự - Khánh Hoà.