Kinh Pháp hoa, tiểu sử - Một tác phẩm nên đọc cho những ai muốn tìm hiểu kinh điển Đại thừa

Kinh Pháp hoa, tiểu sử - Một tác phẩm nên đọc cho những ai muốn tìm hiểu kinh điển Đại thừa

Kinh Pháp hoa, tiểu sử (The Lotus Sutra – A Biography, ấn bản lần thứ nhất, 2016) là bản dịch của một trong số các ấn phẩm nằm trong loạt sách “Tiểu sử” có tiêu đề “Đời sống của các giáo điển vĩ đại” (Live of Great Religion Books) do nhà xuất bản Viện đại học Princeton (Princeton University Press) chủ trương”.

“Đời sống của các giáo điển vĩ đại là loạt sách mới, ngắn gọn, tường thuật về lịch sử phức tạp và cuốn hút của những bộ giáo điển quan trọng từ khắp nơi trên thế giới. Được các tác giả và những chuyên gia hàng đầu biên soạn, dành cho độc giả đại chúng, bộ sách này giải thích nguồn gốc lịch sử của các giáo điển thuộc các truyền thống tôn giáo lớn và mô tả cách tiếp nhận, giải thích, và sức ảnh hưởng của chúng đã từng thay đổi - thường là toàn triệt – qua thời gian.

Có thể nói, đây là một loạt sách giá trị, về nhiều mặt, trước hết, nó giới thiệu một cách khá toàn diện về lịch sử hình thành và phát triển của các bộ giáo điển bằng một hình thức mới mẻ và hàm súc, các khuynh hướng tiếp nhận, thông diễn, sức ảnh hưởng, thành tựu và hậu quả v.v. mà bộ giáo điển ấy đã lưu dấu trên những chặng đường lịch sử qua nhiều vùng văn hóa nó truyền tới. Thứ hai, mỗi tác phẩm trong loạt sách được các học giả đều là những chuyên gia có uy tín, có thẩm quyền trên mỗi lĩnh vực liên quan phụ trách, do đó, đương nhiên ngoài việc đảm bảo về tính học thuật thì mỗi công trình ấy đều mang dấu ấn đặc sắc của từng vị học giả, tạo nên sự đa dạng về phương pháp tiếp cận cũng như cách thức giới thiệu tác phẩm. Thứ ba, mỗi bộ giáo điển đều hàm chứa nhiều vấn đề phức tạp hoàn toàn không dễ giải quyết nếu tác giả ấy bị chi phối bởi cách nhìn chủ quan, phiến diện, hoặc thậm chí là mang thành kiến tôn giáo; riêng mặt này, có thể xem như một thành công lớn của loạt sách, quý độc giả sẽ có điều kiện để tự đánh giá thông qua quá trình tiếp cận tác phẩm.

Đối với Phật giáo, loạt sách của Princeton chọn giới thiệu hai giáo điển: một bộ kinh của Phật giáo Đại thừa và một mật điển của Phật giáo Kim cương thừa Tây Tạng. Cả hai cuốn đều do Donald S. Lopez Jr., phụ trách thực hiện. Giáo sư Lopez là một trong các học giả Phật giáo hàng đầu thế giới mà học giới từng biết tới qua nhiều công trình nghiên cứu quan trọng đã được công bố trong hơn hai mươi năm qua. Ông hiện là Giáo sư đại học Ưu hạng tước hiệu Arthur E. Link, chuyên ngành nghiên cứu triết học Phật giáo Ấn-độ và Tây Tạng của phân khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Á châu tại Viện đại học Michigan, Hoa Kỳ (Arthur E. Link Distinguished University Professor of Buddhist and Tibetan Studies in the Department of Asian Languages and Cultures at the University of Michigan).

Tác phẩm đầu, như ta biết, là một trong số các bộ kinh lừng danh nhất của Phật giáo Đại thừa, bởi sức ảnh hưởng hết sức sâu rộng của nó trên nhiều phương diện, từ tư tưởng triết học, chính trị, văn học, nghệ thuật đến đời sống tín ngưỡng của cộng đồng Phật giáo Đại thừa trên toàn cõi Đông Á. Thêm nữa, Pháp Hoa còn là bộ kinh Phật giáo đầu tiên được giới trí thức châu Âu tiếp cận, khảo sát và phiên dịch (bản dịch đầy đủ từ bản Sanskrit của Eugène Burnouf, in năm 1844 tại Paris) và sau đó đến Mỹ cùng năm (phẩm Năm, trên tạp chí The Dial, 1844), thiết lập cơ sở văn bản và truyền cảm hứng cho phong trào nghiên cứu Phật giáo sơ thời tại phương Tây.

Ở Việt Nam, theo Lê Mạnh Thát thì “Pháp Hoa là một trong những bản kinh được dịch sớm nhất tại nước ta hiện biết, tuy văn bản đã mất. Đó là Pháp Hoa tam muội kinh do Đạo Hinh bút thọ từ Cương Lương Lâu Tiếp vào năm 258. Pháp Hoa cũng là bản kinh được trưng dẫn sớm nhất trong lịch sử văn học Phật giáo Việt Nam qua lá thư của Đạo Cao gởi cho Lý Miễu vào khoảng năm 450 bàn về sự có mặt của Đức Phật tại Linh Sơn. Trong nền văn học chú giải, Pháp Hoa đã từng được Pháp Loa (1284-1330) viết “khoa sớ” dưới tên Pháp Hoa kinh khoa sớ, và là một bản kinh được dịch giải sớm nhất bằng tiếng Việt của Minh Châu Hương Hải (1628-1715). Đặc biệt, đến nửa đầu thế kỷ XIX đã nổ ra một cao trào nghiên cứu kinh Pháp Hoa, mà kết quả ngày nay còn tìm được là Pháp Hoa kinh giải của Thanh Đàm, và đặc biệt là bản dịch bằng thơ Pháp Hoa quốc ngữ kinh của Pháp Liên viết xong năm 1848 và in năm 1856”. Dù vậy, sự tiếp thu hành trì Pháp Hoa ở Việt Nam không tạo nên các phong trào tư tưởng mang tính quyết định đến diện mạo Phật giáo tại Đông Á như kinh Pháp Hoa ở Trung Hoa, hay thúc đẩy sự ra đời của nhiều tông phái mà sự phân lập của chúng đã tác động mạnh mẽ đến bối cảnh văn hóa, chính trị như ở Nhật Bản suốt từ thế kỷ thứ tám đến giai đoạn hiện đại. Song, kinh Pháp Hoa ở Việt Nam có dòng chảy riêng, âm thầm dung nhiếp và lan tỏa sâu bền trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của quần chúng bản địa. Chẳng hạn, chúng ta biết, hình tượng bồ-tát Quán Thế Âm, vị bồ-tát với nguyện lực đại từ đại bi trong phẩm Hai Mươi Lăm của kinh Pháp Hoa từ lâu đã đi vào nền văn hóa dân gian Việt Nam, hóa thân thành hình ảnh người Mẹ gắn bó với tâm tình dân tộc qua những áng thơ văn, các công trình nghệ thuật thuộc nhiều thế hệ. Đến cuối thế kỷ hai mươi, thêm lần nữa, ta lại chứng kiến tinh thần Pháp Hoa biểu hiện một cách sinh động qua hình tượng kỳ vĩ, bi tráng của ngọn lửa Quảng Đức (1897-1963), vị hành giả Pháp Hoa, một hóa thân của bồ-tát Dược Vương, trong phẩm Hai Mươi Ba… và ngày nay, tại Việt Nam, bộ giáo điển này vẫn không ngớt được tín đồ Pháp Hoa xưng tán, thọ trì. Một truyền thống sùng kính liên tục chưa từng gián đoạn.

Với công trình nghiên cứu của Donald S. Lopez Jr., độc giả Việt Nam sẽ có cơ hội theo dõi cuộc du hành lý thú của văn bản thiêng liêng này từ quê nhà Ấn-độ của nó qua các châu lục, các vùng văn hóa khác nhau, và để lại những dấu ấn hết sức đa dạng. Đồng thời, độc giả sẽ biết thêm một phương pháp tiếp cận mới đối với kinh Pháp Hoa, qua đó tiếp thu được một lượng kiến thức đồ sộ góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về nguồn gốc và sự phát triển của văn bản cũng như những thành tựu, hậu quả từ sự tiếp nhận, thông diễn và thực hành văn bản này trong tiến trình lịch sử các dân tộc trên thế giới…

(Lời người dịch)

CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài