Ông Lê Quang Hương tên thường dùng là Lê Hương, sinh ngày 22/9/1922, tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Bằng con đường tự học, ông thông thạo nhiều ngoại ngữ: Anh, Pháp Hoa, Campuchia.
Năm 13 tuổi, sau khi đậu bằng tiểu học, do hoàn cảnh gia đình ông rời quê hương Cao Lãnh lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai: ông đi nhiều nơi ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Cao Miên và làm nhiều nghề: tùy phái, thư ký, thu ngân, quản lý, giáo viên v.v.. Mãi đến năm 1948, ông trở về Sài Gòn và bắt đầu viết văn.
Quả đấm thôi sơn là tác phẩm đầu tay xuất bản năm 1952, khi ông làm biên tập cho nhà xuất bản dân tộc. Năm 1953, ông lên Phnom Pênh (Cao Miên) làm Tổng Thư ký cho tuần báo Dân Việt của Phan Văn Thông, sau đó làm chủ bút nhật báo Việt kiều của Phạm Vĩnh Tòng, đồng thời cộng tác với một số báo ở Sài Gòn. Đây là thời gian ông có dịp tiếp cận, nghiên cứu văn hóa, phong tục, ngôn ngữ của xứ chùa Tháp, tích lũy tài liệu, kiến thức để viết các tác phẩm về văn hóa Khmer sau này.
Quả đấm thôi sơn - Sách lưu tại thư viện Huệ Quang. Ảnh: Min
Đến tháng 10/1957, ông bị Chính phủ hoàng gia Cao Miên trục xuất vì viết bài tố cáo chính quyền địa phương Cao Miên ở biên giới Gò Dầu Hạ (Tây Ninh) bắt buộc người Việt phải ăn mặc như người Khmer khi qua biên giới buôn bán.
Về nước, ông cộng tác với nhiều nhựt báo, tuần báo, tạp chí uy tín ở Sài Gòn như: Sài Gòn mới, Ngày mới, Bông lúa, Phổ thông, Văn Hóa ngày nay, Nhân loại, Văn Hữu, Phụ nữ diễn đàn, Sử, Địa, Tiểu thuyết thứ bảy v.v. và thành lập nhà xuất bản Thanh Quang chuyên ấn hành các tác phẩm nghiên cứu về văn hóa lịch sử Cao Miên.
Tác phẩm Lê Hương - Sách lưu tại Thư viện Huệ Quang. Ảnh: Min
Ông là một trong những tác giả người Việt có nhiều công trình nghiên cứu văn hóa lịch sử dân tộc học Khmer. Ông được Chính phủ hoàng gia Cao Miên tặng thưởng Huy chương và Bằng danh dự về loạt bài viết về Hội chợ quốc tế tai Phnom Pênh năm 1955. Đến năm 1969, ông nhận được giải nhất về biên khảo của trung tâm văn bút Sài Gòn.
Gần 30 năm cầm bút cho đến khi qua đời, ông miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và sáng tác trên 30 tác phẩm và đã xuất bản: Quả đấm thôi sơn (tiểu thuyết, 1952), Tự học chữ Miên (1963), Truyện cổ quốc tế (1969), Người Việt gốc Miên (1969), Truyện vui quốc tế (1969), Truyện cổ Cao Miên I và II (1969), Angkor – Đế Thiên Đế Thích (1970), Chợ trời biên giới (1970), Tuyện tích Việt Nam (1970), Sử liệu Cao Miên (1970), Truyện cổ Ấn Độ (1971), Truyện thơ khắp thế giới (1971), Việt Kiều ở Camphuchia (1971), Người hùng (tiểu thuyết, 1973), Sử liệu Phù Nam (1973), Chân Lạp phong thổ ký, dịch thuật (1973) v.v.
Trong di cảo của ông có bản thảo Cao Lãnh và Đồng Tháp Mười là công trình mang nhiều tâm huyết của ông đối với quê hương. Sau đất nước hoàn toàn giải phóng hơn một năm (11/9/1976) ông qua đời vì bạo bệnh, hưởng dương 54 tuổi.
Cuộc đời vì sự nghiệp của nhà văn, nhà nghiên cứu Lê Hương là một tấm gương về nghị lực, bản lĩnh tự học, tự thân vươn lên và là một bài học quý báu về kinh nghiệm lao động nghiên cứu khoa học nghiêm túc, đầy tâm huyết với quê hương.