Buổi ra mắt sẽ diễn ra từ 15:00h-16:00h, thứ bảy ngày 22/06/2024, tại Thư quán Huệ Quang, có sự tham dự của bác Phạm Kim Long-trưởng tử cố học giả Phạm Tất Đắc, Thư pháp gia Lâm Hán Thành-một danh gia người Hoa tại Sài Gòn.
Bạn đọc có thể giao lưu, xin chữ ký, thư pháp của hai vị khách mời đặc biệt trên.
Sau lễ ra mắt, mời bạn đọc dùng chiều với Thư viện
VĂN PHÁP CHỮ HÁN của tác giả Phạm Tất Đắc do Thư viện Huệ Quang tái bản lần thứ 2 năm 2022. Ngoài 1200 bản phổ thông in trên giấy Ford kem định lượng 78.3 gsm còn có 314 bản cao cấp in trên giấy Ford kem định lượng 78.3 gsm, đóng bìa da PU cao cấp với thiết kế riêng. 300 bản đánh số từ 001-300 dành cho bạn đọc yêu sách đẹp. 10 bản mang ký hiệu I-X dành cho các thân hữu của Thư viện. Hai bản PTĐ, PKL dành cho người thân tác giả và hai bản H, Q dành cho Thư viện.
BÌA
- Da PU xanh đen, dập nhũ 2 màu, vàng và đỏ, nhũ Hàn Quốc
- Mặt trước: hoa văn sen và mây có cặp hạc ngậm cặp đối:
Chi hồ giả dã dĩ yên tai
Dụng đắc thành chương hảo tú tài
之乎者也已焉哉, 用得成章好秀才
(Ai mà thông thạo các hư từ: chi 之, hồ 乎, giả 者, dã 也
viết thành câu cú văn chương xem như đậu tú tài)
Ở giữa là 4 đại tự chữ Hán: HÁN VĂN VĂN PHÁP của Thư pháp gia Lâm Hán Thành được dập chìm sâu, nhũ đỏ. Phía dưới là nhan đề chữ Việt: Văn Pháp Chữ Hán, trên là tên tác giả Phạm Tất Đắc.
- Mặt sau: hoa văn sen và mây, ở giữa là logo Thư viện Huệ Quang, dập nhũ vàng
- Gáy: mo tròn có 5 gân nổi. Tên sách được dập nhũ 2 màu đỏ và vàng.
BỤNG SÁCH (VIỀN) được mạ vàng.
TỜ GÁC thủ công, do họa sỹ Đan Tuấn-thành viên thư viện thực hiện.
HỘP ván MDF bọc vải, viền da PU xanh đen, gia cố chắc chắn. Có logo Thư viện nhũ vàng ở 2 mặt trước và sau.
Mỗi quyển đều được đóng số và triện son Thư viện.
Tất cả các khâu thủ công đều do nhân viên Thư viện thực hiện.
Giá phát hành: 1.200.000đ/quyển
Giảm giá đối với bạn đọc đặt định kỳ các ấn bản cao cấp của Thư viện
___***___
LỜI GIỚI THIỆU
(Tái bản lần thứ nhất năm 2016)
Muốn nắm vững một ngôn ngữ, thì ngoài phần từ vị ra, còn phải thông hiểu ngữ pháp. Riêng đối với Hán ngữ cổ, thì điều này lại càng quan trọng. Nếu không, sẽ không thể đọc hiểu và dịch đúng một câu văn chữ Hán trong các thư tịch viết bằng Văn ngôn (tức Hán cổ), kể cả của Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta từ nhiều năm nay, để giải quyết phần từ vị, đã có khá nhiều tự điển/ từ điển xuất bản trong nước và nước ngoài tương đối đủ dùng, nhưng chuyên thư về ngữ pháp Hán cổ giảng giải bằng tiếng Việt thì thật sự còn rất hiếm hoi, chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà thôi. Vì vậy, trong tình trạng thiếu sót ấy, sự ra đời sách VĂN PHÁP CHỮ HÁN của tác giả Phạm Tất Đắc xuất bản lần đầu tiên năm 1996 do NXB Khoa Học Xã Hội đã mang lại cho những người ham thích/ có nhu cầu học chữ Hán một công cụ tham khảo hết sức tiện lợi và hữu ích.
Thế hệ sinh ra như chúng tôi trong khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, nếu là người có quan tâm việc học vấn thì phần nhiều đều biết tới ông Phạm Tất Đắc như một nhà giáo có uy tín chuyên dạy Pháp văn ở miền Nam trong hàng chục năm, đã từng biên soạn cẩn thận và xuất bản được một số sách giáo khoa tiếng Pháp được nhiều người biết đến. Vì thế, khi thấy sách VĂN PHÁP CHỮ HÁN của ông ra đời, không khỏi lúc đầu có người lấy làm lạ, nhưng khi đọc kỹ vào trong sách mới biết ông cũng là một người tinh tường cổ Hán ngữ, và cũng rõ ràng từ căn bản vững chắc về ngữ pháp tiếng Pháp và tiếng Việt mà ông đã có cách giảng giải ngữ pháp cổ Hán ngữ một cách rất rành mạch, dễ hiểu.
Cuốn sách đã cố gắng trình bày cặn kẽ cách dùng cho mỗi từ loại (danh từ, đại từ…, mà trong sách gọi “danh tự”, “đại tự”…), đặc biệt chú trọng ở các loại từ công cụ ngữ pháp (giới từ, trợ từ…, mà trong sách gọi “giới tự”, “trợ tự”) rất cần thiết cho việc đọc hiểu đúng các văn bản Hán cổ. Như riêng phần trợ từ 也 (dã), đã dành tới gần 30 trang để giải thích, đi sâu chi tiết, giúp người đọc nắm vững cách dùng phức tạp tế nhị của một trong những hư từ có tần số xuất hiện được coi như nhiều nhất trong Hán ngữ cổ. Các thí dụ minh họa cho từng chủ điểm ngữ pháp đều được phiên âm, dịch nghĩa, chua xuất xứ rõ ràng; đôi khi gặp phải cơ hội, dưới một số đoạn tác giả còn nêu thêm những kiến thức liên quan, giúp nâng cao sự hiểu biết cho người học cả về mặt ngôn ngữ lẫn nội dung tư tưởng.
Điểm hạn chế đáng kể nhất có lẽ ở chỗ đa số thuật ngữ tác giả dùng trong sách đã bị gọi tên theo lối cũ, như cái thời mà ông đã học tập, giảng dạy và nghiên cứu, phần nào có gây trở ngại cho lớp trẻ ngày nay khi sử dụng sách. Tuy nhiên, trở ngại này hoàn toàn có thể vượt qua được, nếu người học biết vận dụng kiến thức một cách khéo léo, và hiểu được cái lẽ tuy “thù đồ” nhưng vẫn “đồng quy”, vì dù gọi “văn pháp” hay “ngữ pháp”, “trợ tự” hay “trợ từ”… thì mục đích cuối cùng vẫn không gì khác hơn là dẫn dắt cho người cầu học có khả năng đọc hiểu, dịch đúng các văn bản chữ Hán cổ.
Đọc lời ngỏ “Cùng bạn đọc thân ái” của tác giả đặt ở đầu sách, chúng ta lại càng thêm xúc động khi biết rõ nguồn cơn: ông học chữ Hán không phải để cầu lợi lộc, mà đơn thuần chỉ vì một lòng hiếu học, phần khác vâng theo lời khuyên tha thiết của thân phụ trước khi nhắm mắt lìa đời, để có được phương tiện khám phá ra những thứ hoa thơm cỏ lạ hết sức phong phú đa dạng trong khu Hán học bạt ngàn của người xưa, được hiểu như cơ sở tốt để nâng cao tâm hồn và trui rèn nhân cách đạo đức.
Sách được xuất bản tròn 20 năm trước, vài năm gần đây đã tuyệt bản, nên không ít người ham thích học chữ Hán muốn tìm đọc cũng không có sách. Để lấp vào khoảng trống khá dài này, sau khi được sự chấp thuận đầy thiện chí của trưởng tử tác giả là ông Phạm Kim Long, nay Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang phối hợp với NXB Hồng Đức cho tái bản cuốn VĂN PHÁP CHỮ HÁN của Phạm Tất Đắc, với hi vọng sẽ cung cấp cho những người hiếu học như tác giả một công cụ tham khảo, học tập đặc biệt hữu ích cho mục tiêu cầu học của mình.
TRẦN VĂN CHÁNH
6.2016
CÙNG BẠN ĐỌC THÂN ÁI
Có một lần, một người bạn cũ hỏi tôi: “Xưa kia, bạn là một ông thầy dạy Pháp văn, đã từng sống với sinh ngữ ấy. Vì sao trong mười năm qua, bạn cứ lẩn lút hoài, trốn tránh trách nhiệm, không chịu đem món ăn ấy ra cống hiến thêm cho người dùng?”
Tôi đã trả lời: "Vâng, tôi vốn đã sinh sống bằng nghề "cày bằng lưỡi"1, những công lao học tập cũng được đền bù bằng phần công việc đảm nhiệm hơn mười năm tận tụy với nghề. Tôi rất yêu nghề, và may vẫn ưa học Pháp ngữ là món sở hiếu của tôi. Nhưng, một tiếng gọi tôn nghiêm, tha thiết, đã thúc đẩy tôi đi theo đường lối khác, đó là lời di chúc của thân phụ tôi. Khi sinh thời, nghiêm đường thường nhắc nhở tôi nên học chữ Hán để giữ lấy bản chất của con người Á Đông, để bồi bổ nền học của nước Việt. Tôi không thể quên được một buổi chiều xuân, trên giường bệnh, khi lâm chung, ngài còn cầm tay tôi để sắp vĩnh biệt, trong hơi thở yếu ớt, kề vào tai tôi nói lại lần cuối cùng: “Con nên học chữ Hán để chiều ý muốn của cha”. Lời đình huấn trên vẫn văng vẳng bên tai, khiến tôi đã say mê học chữ Hán, đã lãng bỏ mọi công việc, quên cả nhiều cái thú thông thường của đời sống, để học một thứ cổ ngữ mà nhiều người thường coi là vô dụng”.
Ông bạn lại hỏi: "Bạn đã hy sinh một nửa đời cho Tây học. Quãng đường đã qua là tuổi cường tráng, còn quãng sống sau này, cút kít sắp trở về già, học chữ Hán sẽ làm được sự nghiệp gì? Liệu có khỏi thả mồi để bắt bóng?"
Tôi đã thưa lại: "Tôi đâu dám mơ tưởng đến danh sơn sự nghiệp 2. Bẩm sinh với tính ham học, tôi coi sự học là lạc thú duy nhất ở đời, là nơi nương tựa, là nguồn hy vọng bất diệt, là nhiệm vụ của mình. Cổ nhân đã nói: "Rất vui sướng, chẳng gì bằng đọc sách."/Chí lạc, mạc nhược độc thư. Học để hiểu biết những lời dạy của những bậc tu hiền triết. Càng học càng thấy mình là dốt, là thiếu thốn, nên càng thấy ham học. Học đã là một lạc thú, vậy còn lo gì già mà không học. Tuân Tử, một cự nho về thời Chiến Quốc, đã nói: "Học bắt đầu từ chỗ nào? Đến khi nào là chót? Học cho đến chết mới thôi." /Học ô hồ thủy? Ô hồ chung? Học chí nhi hậu chỉ dã.
Nếu coi việc học là một nhiệm vụ: đó là sự nghiệp của mình rồi, vậy còn bận tâm chi tới sự việc nào khác nữa. Sử gia Pháp Augustin Thierry đã mải lo học đến lòa cả hai mắt kia mà!
Thưa các bạn, nói nhiều đến mình cũng là một điều đáng ghét 3. Nhưng vì có nhiều bạn thường trách tôi là người lãnh đạm, không chịu giao du, không ưa những nơi hội họp, nên tôi đã phải nói nhiều đến tôi để tự thanh minh, xin các bạn tri âm miễn thứ.
Đến đây, tôi xin nói sang một câu chuyện khác:
Có một khu rừng bao la rậm rạp, xưa kia trong mấy ngàn năm, vẫn trang nghiêm chễm chệ trên một khoảng rộng như không có bờ bến. Khu rừng ấy là một vũ trụ có đủ thứ cây lá cỏ hoa, đủ loài sinh vật, cầm thú chim muông côn trùng. Xưa kia các tiền nhân đã lui tới đông đảo, đã khai thác rất nhiều, đã từng khảo sát những tài nguyên, đã ngắm những cây lạ hoa thơm, đã say mê với cảnh vật, đã thơ thẩn dưới gốc cây lắng nghe tiếng hót du dương của muôn ngàn chim chóc, âm nhạc tao nhã, phức tạp, có nhiều sắc thái của muôn loài côn trùng. Có người đã nằm dài trên đám cỏ ấm áp, dự một phần vào sự sống say sưa khoái trá của cảnh vật.
Nhưng ngày nay, khu rừng ấy chỉ là một nơi hoang vu ảm đạm, như không còn được khai thác nữa. Người ta không còn được nghe thấy những tiếng rìu búa của những người đốn cây xẻ gỗ, những tiếng hát vui tai lẫn tiếng chim kêu ríu rít. Trong vũ trụ tịch mịch ấy, thỉnh thoảng còn nghe tiếng lá cành rung động, gió thổi chim kêu, những cảnh vật lặng lẽ u hoài như nhắc nhở đến thời xưa bóng cũ...
Nếu để ý một chút: trong khu rừng rậm cũng còn lác đác một vài ông già, đầu bạc mắt lòa, đang thưởng thức lạc thú với hơi sức còm cõi gần tàn. Bên ngoài, xung quanh khu rừng, một số người khác còn mạnh mẽ, hăng hái, tay rìu tay búa, xì xồ, bàn tán, ngắm nghía không ngừng, đa số có vẻ đạo mạo, mô phạm, nhưng tự mãn, kiêu hãnh. Họ hăm hở với công việc, nhưng họ thuộc về thế hệ của giao thời, thường không cùng nhau dung hợp được, mỗi người có một sở kiến, một sở đắc, một phương pháp riêng. Họ không ngớt chỉ trích chê bai nhau, khiến ta tưởng tượng nghe trên đám lá cây tiếng kêu ngạo nghễ của một vài con chim như muốn nhắn nhủ họ rằng: "Này các ông hãy im cái mồm, dẹp cái dáng bộ sư trưởng, đừng thực hiện triệt để câu nói "Văn nhân tương đố 4" để rồi chẳng làm nên trò gì, nếu không phải là trò cười cho những học giả của hậu thế!"
Ở bên ngoài cửa rừng, có một số thanh niên trai tráng, đầy nhựa sống, bọn người này vẫn được nghe nói đến khu rừng huy hoàng, tuy có đầy lòng ham muốn, nhưng không tìm được lối vào và, chân tay không, họ chẳng biết làm thế nào để bước chân vào được. Lại ở bên ngoài xa xa, trên đường đi tấp nập, xe cộ ồn ào, người đi làm, kẻ đi chợ, chen chúc nhau trong những đường danh lợi, đăm chiêu trong kế hoạch sinh nhai, không mấy ai để ý hoặc biết đến khu rừng kia, vì họ còn bù đầu rối óc để mưu sinh, hoặc mải mê trong cuộc hành lạc. Trong đám đông ấy, một đôi khi cũng có vài người vừa trò chuyện vừa chỉ trỏ nhau khu rừng u tịch. Nhưng họ coi đó như một khu cấm địa, tự biết không có phương tiện để tới gần. Cũng có người đi đường dừng bước lại một chút, chép miệng thở dài: "Ta còn phải lo bữa ăn, có đâu thì giờ để ngắm cảnh", ôi, cũng là đáng tiếc!
Thưa các bạn, khu rừng hoang vu mà tôi nói trên ám chỉ nền Hán học, nền học của một khu vực rộng lớn nhất ở Á châu, với dân số hơn một tỉ người, với mấy ngàn năm văn hiến, mà ngày nay ít người lưu ý tới. Những tài nguyên, kho tàng của nó là những kinh điển của thánh hiền, những tư tưởng của bách gia chư tử, vùi trong đám tro tàn bụi bặm. Tôi là một trong những người của thế hệ giao thời, đang hăm hở học hỏi để gắng sức tìm hiểu một phần nào trong muôn vàn kỳ quan của khu rừng bao la ấy.
Tôi thiết nghĩ rằng ta cũng nên có nhiệm vụ bới đống tro nguội ấy. Học chữ Hán để bồi nổ tiếng nói của ta, xây đắp nền văn học của xứ sở. Học chữ Hán để hấp thụ lấy một phần tinh hoa, để học làm người trong khuôn khổ đạo lý.
Vì nhận thấy Hán tự là một cổ ngữ khó học, vừa súc tích lại giản ước, tôi đã gắng sức lâu năm để tìm hiểu văn pháp. Những công lao ấy đã khiến tôi thu thập được những nhận xét để viết ra cuốn sách tầm thường này, mong giới thiệu cùng những bạn hiếu học một đường lối mà tôi đã theo để vượt nhiều trở ngại trong thời gian học hỏi.
Có người nói: "Chữ Hán không có văn phạm. Các bậc tiền bối có học văn pháp đâu mà vẫn viết được văn."
Tôi xin thưa: Đối với dân tộc nào cũng vậy, có ngôn ngữ trước rồi mới có văn pháp, vì văn pháp là những định luật để sắp đặt những chữ, để cấu tạo thành lời nói câu văn.
Ta chỉ có thể nói: Các vị tiền bối xưa không để ý tới văn pháp, không soạn sách về văn pháp, nhưng văn pháp vẫn có tự nhiên, nằm trong câu nói. Hán học là một thứ học tâm truyền (tâm học) chú trọng về tư tưởng. Nếu tâm cảm thì phát ra lời nói, nếu trong tâm có những xúc cảm thành thực, lời nói sẽ văn vẻ sáng sủa đẹp đẽ. "Tâm sinh nhi ngôn lập, ngôn lập nhi văn minh 5". Các bậc tiền bối không để ý dạy văn pháp; tuy nhiên, những bộ óc thông minh dĩnh tuấn vẫn có thể hấp thụ được inh hoa, vẫn có thể viết và nói đúng cách, riêng những người kém sáng suốt thường theo không kịp. Trong lâu đài nguy nga tráng lệ, chỉ một thiểu số được "thăng đường nhập thất 6", còn nhiều người phải kiễng chân đứng dưới thềm, ngấp nghé bên ngoài tường ngõ, đâu đã được ngắm nghía kho tàng nơi cung điện . Cổ nhân đã có câu: "Học như ngưu mao, thành như lân giác 7".
Xin nói một cách cụ thể và thực tế hơn: trong những người học chữ Hán, chỉ có một số rất ít, học được đến nơi thâm áo, được ưu du biển thánh rừng nho, để tùy thời xuất xử, tiến vi quan, đạt vi sư. Đó là những bộ óc dĩnh tuệ của trời ban cho, hoặc những trí óc trung bình, nhưng đã dày công học tập (khổ nhi tri chi), lại thêm có phụ huynh sư hữu dẫn dắt như ta thường nói: nhà có sáo, có đất, con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh. Ngoài hai hạng người kể trên, đa số phải bỏ học nửa chừng (bán đồ nhi phế), chữ thầy trả lại cho thầy, hoặc còn nhớ lại ít nhiều để ngâm nga những câu sáo, để áp dụng khi đàm thoại trong lúc trà dư tửu hậu, để chắp nhặt vá víu, gò bó thành những vần thơ câu đối, khi tỏ tâm tình hoài cổ, khi ngâm trăng vịnh nguyệt, cợt gió cười hoa, còn về đời sống thực tế, người ta lại quay về với luống cày, hoặc để mưu sinh nhàn nhã, xoay sang nghề thầy lang, thầy tướng số, thầy địa lý hay thầy bùa.
Đến đây tôi xin mạnh dạn tuyên bố rằng: Văn pháp rất can hệ, cần phải học. Muốn xây cất một căn nhà, không phải chỉ cần thâu nhặt cho nhiều vật liệu (vôi, gạch, cát, cây) rồi chồng chất bừa bãi mà được. Phải có bàn tay của người thợ dùng quy củ mực thước mới tạo nên. Văn pháp là tất cả những quy củ mực thước cần thiết để sử dụng một tiếng nói. Đối với người mới học, muốn tiến vào địa hạt của một ngôn ngữ, văn pháp lại càng vô vàn cần thiết, vì nó là cái chìa khóa mở cửa ngõ cho ta chập chững rồi lân la tiến bước đặt chân vào văn uyển.
Vậy, với mục đích giúp ích những bạn đọc ham học chữ Hán, tôi không quản công khó nhọc đem những điều hiểu biết thiển cận viết nên tập sách này, lại mạnh dạn muốn hy sinh tài sản để xuất bản một tập sách khó bán. Tôi thành khẩn cầu mong môn học này sẽ không phải là "kỹ thuật đồ long 8", và những bản sách in ra sẽ không phải dùng vào việc "bịt hũ tương lọ mắm" 9.
Tôi tha thiết khuyên các bạn gắng công học chữ Hán, chúc các bạn thâu lượm được nhiều kết quả khả quan như ý. Giờ đây, tôi rất vui vẻ hiến chiếc chìa khóa để các bạn hăng hái tiến bước vào vườn văn.
Thân ái chào xây dựng văn hóa,
Saigon, tháng trọng thu năm Giáp Dần (1974)
Phạm Tất Đắc
------
1. Dịch ở hai chữ thiệt canh, là dùng lưỡi để nuôi thân. Lại có chữ mục canh là cày bằng mắt, tức là đọc sách nhiều, miệt mài học tập.
2. Sự nghiệp trước tác về văn chương. Chữ mượn của tư Mã Thiên, trong sách Sử Ký: "Tàng chi danh sơn, phó tại kinh sư, sĩ hậu thế thánh nhân quân tử."/ Chứa nơi danh sơn (thư phủ), lưu bản phụ nơi kinh sư, đợi những bậc thánh nhân quân tử đời sau.
3. Pascal nói: Le moi est haissable/ Bản ngã là cái đáng ghét.
4. Lời nói của Ngụy Văn đế (Tào Phi): "Văn nhân tương đố, tự cổ nhi nhiên, các dĩ sở trường tương khinh sở đoản." / Bọn văn nhân hay ghen ghét nhau, từ xưa vẫn thế, đều lấy chỗ sở trường (cái giỏi) của mình để khinh (chê) chỗ sở đoản (chỗ kém) của người khác.
5 . Lời nói của Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long.
6. Chữ trong sách Luận ngữ, thiên Tiên tiến, nghĩa là lên nhà, vào cung thất, ý nói: đến chỗ chính đại quang minh, vào nơi sâu kín tinh vi, tức là hiểu thấu đạo lý của thánh hiền.
7. Người học (nhiều) như lông bò, còn số người thành công (hiếm có) như sừng con kỳ lân. - Kỳ lân là một con thú rất hiếm khi người ta được trông thấy.
8. Kỹ thuật làm thịt rồng, tức là thứ kỹ thuật vô dụng. Trong thiên 32 (Liệt Ngự Khấu), Trang Tử kể chuyện: "Xưa Chu Bình Man học nghề làm thịt rồng ở danh sư Chi Ly Ích, trong ba năm khánh kiệt cả gia sản ngàn vàng, thành nghề rất xảo diệu, nhưng đi cùng thiên hạ không ai dùng đến.
9. Dịch ở ba chữ "phú tương phẫu" của Lưu Hâm (Hán). Một đại nho về thời Hán là Dương Hùng mô phỏng kinh Dịch và soạn ra sách Thái Huyền kinh, đưa cho Lưu Hâm xem. Lưu Hâm nhận biết tài trác việt của bạn, nhưng viết thư trả lời đùa giỡn rằng: "Anh chỉ khổ công vô ích, bọn học giả đời nay (hy vọng) có lợi lộc (của triều đình) mà còn chẳng hiểu rõ được Dịch kinh, lại sách Thái Huyền nữa rồi làm thế nào? Tôi sợ người đời sau sẽ dùng để bịt lọ tương mà thôi vậy.