Sự giãy chết của con thiên nga (hay Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Đức Sơn)

Sự giãy chết của con thiên nga (hay Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Đức Sơn)

Du sỹ ca - Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 với sự chấp thuận của tác giả. - Ảnh: Min

Mỗi người đứng cô đơn trên trái đất

 lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời

                chưa chi chiều đã tắt.” (*)

Savatore Quasimodo

Nếu nói ngôn ngữ trong thi ca là âm thanh phát ra từ cuộc giáp mặt của thi sỹ với thể tính tồn tại qua trực cảm thì nỗi buồn trong thơ Nguyễn Đức Sơn là sự giãy chết của con thiên nga trong đó cái “bi” được đẩy tới biên tế trở thành cái “mỹ” trong văn nghệ. Nói cách khác trực cảm tột cùng của một tâm hồn sâu hút thăm thẳm đã đưa thi nhân diện kiến cái bi thương và phù du của kiếp người tạo thành một nỗi buồn, một vết khắc sâu trong tâm khảm nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi khuây. Và trước cái thực tại bi đát của kiếp sống mà mình mục kích đó, trái tim mẫn cảm và đẹp như thiên nga của thi sỹ với khát vọng sống tràn đầy đó bỗng chốc sụp đổ và biến thành sự đau thương tột cùng trước thực tại khô cằn và tiêu điều của đời sống, của sự bí lối về con đường trước mặt. Do đó, con thiên nga đã chết bên hồ tạo thành cái mỹ trong văn nghệ ở khía cạnh phóng chiếu và trình hiện thực tại.

*
*    *

Giáo sư Noam Chomsky tại một diễn đàn của Haymarketbooks năm 2017  nói con người đã có mặt trên địa cầu này khoảng 200.000 năm.

Từ bấy đến nay, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, bao nhiêu lần mặt trời đỏ đã đổ máu xuống cao nguyên,… để cho tuổi trẻ Phạm Công Thiện từ hồi 13 tuổi đã nổi cơn, đập bàn tranh luận với giáo sư rồi bỏ học ra ngồi bên dòng sông Cửu Long, nhìn dòng nước trôi xuôi để thấy chín con rồng đã trôi từ miền cao nguyên Tây Tạng về đây hôm nay chảy dưới chân mình, chảy trên quê hương của những thy sỹ kỳ tài tuyệt bích. Hơn 2000 năm trước Heraclitus và Khổng tử cũng đã nhìn dòng nước trôi và nhìn dòng đời trôi mà thốt lên: tất cả đều trôi chảy thế này ư? 

Hai tập truyện ngắn của Nguyễn Đức Sơn do Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 với sự chấp thuận của tác giả. - Ảnh: Min

Bao nhiêu thời gian ấy, bao nhiêu lớp người đã đến rồi đi trên mặt đất, đã trôi đi như sông, lặng lẽ và kiên định, ... mỗi mỗi con người đã nhìn vào cuộc đời mình như thế nào, đã thấy đâu là thực-hư trong tấn tuồng ảo mộng đó, và màu sắc nào đang đọng lại trong khóe mắt của chúng ta, câu hỏi nào người ta hay tự hỏi mình và không bao giờ có câu trả lời chung cuộc, trong tương lai phía trước rồi đây ai sẽ giải đáp cho ta và ta phải làm gì trong cuộc đời:

 “Nói nghe coi này cổ thụ ven hồ

Kể từ những trăm năm dài đứng đó

Có gặp khi nào một kẻ xác xơ

Lòng sầu hận hơn kiếp người da đỏ

Hơn một lần bơ vơ nhìn nắng mới

Ta làm gì cho hết nửa đời sau?” (Thơ Cao Tần)

Hầu hết, những tâm hồn nhạy cảm của con người hẳn ai cũng đã hơn một lần nghe ra cái giai điệu u buồn của kiếp nhân sinh mà chúng ta đang mang khi đi qua mặt đất hoang vu này. Những thy sỹ lớn thì khỏi phải nói, đã trực nhận một cách sâu thẳm cái kích chiều bóng tối đó từ trong thuở thiếu thời, hơn ai hết đã một lần diện kiến và không bao giờ quên, vĩnh viễn hằn sâu trong khóe mắt thâm u,  xót xa nhìn vào đời sống của con người mà chỉ thấy sự quạnh quẽ của bóng tối, như trong đêm vắng chợt nghe ra thứ âm thanh tựa hồ như từ trong tiền kiếp vọng tới một hồi chuông lạnh ngân dài không dứt trên cõi người.

Các tựa sách của Nguyễn Đức Sơn do Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 với sự chấp thuận của tác giả.
- Ảnh: Min

Trong thơ Nguyễn Đức Sơn, xuyên qua tất cả mọi câu chữ là một nỗi buồn sâu thẳm dai dẳng không thể dứt như thể đã bám rễ vô cùng lâu dài từ quá khứ, từ tiền kiếp đủ để trở thành một thứ như thể hơi thở luôn luôn có mặt khi người đó có mặt; hiện diện ở khắp nơi trong đời sống, khi đi, đứng hay nằm, ngồi ở bất kỳ nơi đâu, quanh quẩn cũng không ra khỏi cái vòng khép kín đó của hoang vu, điêu tàn, hiu quạnh trong cõi:

“Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi

Cuối chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ

Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi

Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô

Chân rục rã tôi đi luồn ra núi

Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô”

(Một mình đi luồn vô luồn ra trong núi chơi)

Có sự tương đồng nào không trong sự “đi luồn vô luồn ra…. cũng chỉ gặp cỏ hoang sơ, gặp … bãi hư vô” của Nguyễn Đức Sơn với “ nhìn tới nhìn lui…. chỉ đầy chiêm bao mộng mị” của Phạm Công Thiện? :

… Nhìn tới nhìn lui, thấy toàn một vườn hồ đào trải dài suốt một đời người. Cụm tòng khuấy động những bóng thân mật của tuổi thơ; tuổi trẻ lóe lên như một nhát búa đập vào đá, như tiếng sấm chẻ đôi.

….ai còn nhớ điếu thuốc của James Dean một buổi chiều cháy ướt dưới mưa?

Khói thuốc kia đã bay vào phòng buổi sáng này. Nhìn tới nhìn lui, chỉ đầy chiêm bao mộng mị.

( “Nietzsche, Ecce Homo Tôi là ai?” _ Phạm Công Thiện dịch).

Có thể nói bài thơ “Một mình đi luồn vô luồn ra trong núi chơi” là một trong những bài thơ thuộc hàng đặc sắc bậc nhất của Nguyễn Đức Sơn, nó đã vẽ nên chính cái nỗi buồn ám ảnh và ngự trị trong tâm thức ông mà ta cảm nhận được khiến cho hầu hết câu chữ trong thơ ông đều mang cái hơi hướng đó. Đồng thời biểu lộ luôn nỗi bế tắc của ông, không biết con đường nào khả dĩ dẫn ông ra khỏi sự hoang vu của kiếp sống mà ông trong thuở thiếu thời đã sớm trực nhận ra nó. Từ lúc đó, ông không bao giờ còn tin vào bất cứ nỗ lực nào mà xã hội ngoài kia con người đang cố gắng trong nền văn minh của mình có thể dẫn đến một cứu cánh hạnh phúc đích thực cho con người, có thể xua tan cái bóng đen ám ảnh trong tâm thức con người đã che mờ một bản thể thực tại. 

Những bài tình đầu (bộ 3 tập) - Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 với sự chấp thuận của tác giả. - Ảnh: Min

Khi đọc qua những câu chữ trong thơ Nguyễn Đức Sơn ta luôn nghe vọng lên một thứ âm điệu như tiếng thở dài buồn khôn tả đang bè theo những câu chữ đó từ dưới một vực sâu của linh hồn đang chất chứa một nỗi thiên vạn cổ sầu không thể nào nguôi khuây. Tập “Bọt nước”, “Hoa cô độc” ra sớm nhất có thể coi là gồm những câu buồn thảm nhất:

“ tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi

…. Những người đi trước sầu đeo nặng

Những người đi sau sầu không tan” ( Bọt nước)

 

“ Thôi nhé ngàn năm em đi qua

Hồn tôi cô tịch bóng trăng tà” ( Những bài tình đầu)

“anh lặng người thầm hỏi

Kiếp người sao tiêu điều…

 

Như lá vàng lảo đảo

Anh lui về trong đêm” (Đêm thu)

Đến ngay cả tập “Đêm nguyệt động” là thi phẩm kỷ niệm cho tình yêu trọn đời của ông cũng đã được xâu chuỗi bởi những âm điệu u buồn bè theo trong những câu như này: 

“Rừng đông phương mù mịt dấu em nằm”_ (bài  “Băng tuyết” )

“Anh chới với vì biết mình sắp chết

Giữa khu rừng mù mịt dấu trăng sao” _ ( bài “Nhất nguyên” )

 

“Bên hồ vắng anh đi vòng trở lại

Em bàng hoàng ra khỏi giấc chiêm bao”  (bài “Rừng đông phương” )

Đêm nguyệt động - Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 với sự chấp thuận của tác giả. - Ảnh: Min

“Đời anh đó đâu lớn bằng hạt cát

Đã vô tình vương ở gót chân em” _ ( bài “Anh chưa nắm tay em”)

 

“những cọng rơm sót lại cánh rừng xiêu” ( bài “Trong rừng đông phương”)

 

“trong bóng lá anh thấy mình chết điếng

cả xác thần rời rụng bãi cô liêu

từ dạo đó anh đâm ra lười biếng

Bởi mộng đời còn lại có bao nhiêu” (bài “Đêm nguyệt động”)

Bên dưới lớp vỏ ngôn ngữ kia, ta có thể nghe ra âm thanh đó, nó như một thứ nhạc nền đang bè theo ngữ nghĩa của câu chữ, âm thanh đó ẩn mình bên dưới ngôn từ và là thứ được phát ra từ những tồn đọng, ám ảnh dai dẳng trong hồn của thi nhân, là tiếng thầm thầm kêu than của một kẻ đã “nghe ra từ độ rũ buồn” hồi chuông lạnh rung trên cõi người, của kẻ hơn một lần bắt gặp trong tâm thức mình sự hoang vu của cõi sống này và sự cô đơn đến đáng sợ của con người đang đặt chân bước lên mặt đất hoang vu này, nhìn đâu cũng thấy một màu cô liêu.

Mộng du trên đỉnh mùa xuân - Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 với sự chấp thuận của tác giả. - Ảnh: Min

Tuy nhiên trong tập thơ “Mộng du trên đỉnh mùa xuân” người đọc sẽ được mục kích sau ống kính của một bức chân dung panaroma lia theo một cái tôi đang du hành qua thời gian và không gian, ghi lại những trạng thái tinh thần đang vận hành, chuyển biến trong tiềm thức. Cái màu buồn thê thảm thường trực tạm vắng mặt bởi chỉ trong mộng con người ta mới tạm cất đi cái gánh sầu thiên thiên vạn cổ kia:

“ (Có bà tiên hiền hỏi chàng lưu lạc

 Con ước mơ chi cuối cuộc đời này?)

 Ta ước chi không bừng tỉnh giấc

Thấy bình minh muộn nắng đầy hiên

Một khung cửa sổ trời xanh ngắt” (Thơ Cao Tần)

Có thể xem “Mộng du trên đỉnh mùa xuân” trong thi ca như là một bản concerto giao hưởng trong âm nhạc cổ điển hay một bức tranh siêu thực trong hội họa; trong đó có vô số hình ảnh đan xen chập chùng và kéo dài miên man theo dòng trôi của thời gian từ mùa đông đến mùa xuân của những cánh rừng dương xỉ ngủ thiếp trong sự băng giá của mùa đông, người thiếu phụ đẻ bầy con là hiện thân của cả quỷ sứ và thiên thần, con dạ điểu mang thương tích đi vào trong thành phố khi mùa đông đi qua và những dòng thác đã cạn làm thung lũng sâu hơn….

                                                                             Tháng 1/2018.

UYỂN LAN

(*) Bài thơ “Chưa chi chiều đã tắt” của thi hào Ý Savatore Quasimodo (Giải Nobel Văn học 1959). 

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoGiới thiệu sách "Lão Tử Đạo đức kinh chú"

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài