Tên gọi và truyền thừa của Hòa thượng Thích Minh Cảnh

Tên gọi và truyền thừa của Hòa thượng Thích Minh Cảnh

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch giác linh Thầy.
Kính bạch chư Tôn thiền đức Tăng Ni, kính thưa các huynh đệ.
Chúng ta ai cũng biết tên Thầy là Minh Cảnh, khi dịch Tế Điên Thầy lấy bút hiệu Đồ Khùng, một số bài dịch trong Suối Nguồn Thầy để Thăng Điền. Khi Thầy viên tịch ta biết thêm Thầy có pháp húy là Chơn Đài.
Tính Thầy đơn giản, lại ít nói về mình nên chúng ta dù ở bên cạnh cũng rất mù mờ về nguồn gốc và ý nghĩa của những tên hiệu của Thầy.
Nguyên sư ông Thích Huệ Hưng khi còn sinh tiền thấy sư phụ tối nào cũng cứ cắm cúi chăm chỉ nhìn nhìn viết viết mãi. Một hôm lặng lẽ đi từ sau tới, hỏi: “Ông làm gì đó?”. –“Dạ bạch thầy con dịch Tế Điên”. Sư ông quở: “Bao nhiêu kinh điển không dịch, làm chuyện tầm vơ, đồ khùng”. Lời la rầy đó trở thành bút hiệu của Thầy trong bộ Tế Điên (Đồ Khùng).
Có lẽ, còn thấy có lỗi với sư ông, nên một số bài trong Suối Nguồn Thầy lại lấy thêm bút hiệu Thăng Điền. Đại để cũng có thể sánh ngang với bút hiệu Đồ Khùng. 
Trong bản thảo hồi ký, Thầy viết:
“…Ở Long An, những ngày có dạy học, tôi cũng theo ngồi học với quý thầy. May được có trí nhớ dai, ghi nhận tốt nên được thầy Pháp Sư Lớn (HT. Hành Trụ) khen là thằng nhỏ sáng dạ, mới đặt cho cái tên là Minh Cảnh. Tên đó chỉ đặt ngẫu nhiên, không theo tên chữ trong hệ phái vì không làm lễ quy y thọ pháp với thầy. Tuy là tên ngẫu nhiên nhưng nó phù hợp từng chỗ, từng lúc với tôi sau này.
Sau khi được Thượng tọa thượng Trí hạ Tịnh giám đốc trường Liên Hải Phật học đường thu làm đệ tử, tên đó vẫn giữ nguyên không sửa đổi.
Số là Thượng tọa có nhận nhiều đợt đệ tử trước đó, và những chữ từ đó tới sau đặt như thế này, theo từng đợt:
- Đợt đầu là chữ Trí, như: Trí Minh, Trí Quảng (không phải HT. Trí Quảng-Phó Pháp chủ hiện nay). 
- Đợt thứ hai: gồm các đệ tử quy y chánh thức là chữ Tịnh, như: Tịnh Đức-con Hòa thượng giám đốc Thiện Hòa, Tịnh Viên-người Quảng Ngãi theo chú vào Trà Ôn để học, Tịnh Thuận-cháu Hòa thượng Thiện Hoa, và một huynh lớn hơn tôi vài tuổi là Tịnh Nhựt. Cuối năm 1948, huynh xin về lại quê nhà ở Trà (?). 
Tên tôi bắt đầu bằng chữ Minh, không phải do Thầy đặt, nhưng sau đó mấy huynh đệ quy y với Thầy cũng lấy chữ Minh cả, như: Minh Ấn, Minh Lễ, Minh Dương, Minh Tùy... Không biết có phải tôi là người mở đầu huynh đệ chữ Minh hay không, nếu phải, cũng là một điều vinh dự cho tôi. (Các huynh đệ chữ Minh rất nhiều) 
Sau này, các đệ tử nam xuất gia của Thầy đều mang chữ Hoằng như: Hoằng Từ, Hoằng Thông, Hoằng Tri v.v… Tính lại, hàng đệ tử nam xuất gia của Thầy trước sau gồm 4 chữ: Trí, Tịnh, Minh, Hoằng. Còn đệ tử nữ chỉ có hai chữ là Viên và Thanh mà thôi.
Sư huynh Thiện Huê ở chùa Đại Giác (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) cũng bắt chước Thầy đặt tên cho đệ tử của mình là: nam Minh nữ Viên. 
Tên Minh Cảnh của tôi ngẫu nhiên được đặt rồi nó lại trùng hợp với tên chữ đặt của Thầy bổn sư. Sau này nhiều lần qua chùa Đông Hưng ở quận 2 thăm Hòa thượng thượng Hành hạ Trụ, tức Pháp sư lớn ngày xưa, Hòa thượng cũng xem tôi là hàng đệ tử nhỏ của mình. Sau khi biết tên Minh Cảnh do Hòa thượng đặt, thầy Đồng Điển mới giục tôi lễ Hòa thượng xin đổi tên cho phù hợp với dòng phái. Tôi nói: Tên là để gọi cho đừng lộn với người khác, tôi được mang tên do Hòa thượng ban cho là quý lắm rồi, bây giờ đổi tên thì coi như mặc nhiên xóa bỏ phước lành của Hòa thượng ban cho mình sao. Hơn nữa tên Minh Cảnh dùng lâu ai cũng biết, đổi tên khác, người ta tưởng mình là kẻ nào đó mạo danh. Trên thực tế Hòa thượng nào cũng là ân sư của mình. Bỏ tên cũ khác nào bỏ sự thương yêu tin tưởng của Thầy mình bấy lâu sao. Bỏ tên cũ khác nào dứt bỏ quá khứ để tìm một cái gì mới lạ khác thường, huống chi, thay đổi là một việc rất phiền phức trong sự giao tiếp hằng ngày. Cũng vì nghĩ như vậy cho nên tôi lúc nào cũng thích tên cũ hơn. Sau này Thầy bổn sư cho một tên tự là Hân Thành, nhưng về sau nghe một huynh cũng có cái tên trùng như vậy, tôi nghĩ có lẽ mình ít lên thăm viếng Thầy nên Thầy quên, vô tình cho người khác chăng? Vì vậy, tôi chỉ có một tên Minh Cảnh”.
Vậy húy Chơn Đài từ đâu ra?
- Nguyên Thầy, năm 6-7 tuổi được Hòa thượng Thích Huệ Hưng, đồng thời là người anh cả trong gia đình (Thầy thứ 10 - còn gọi Thầy Mười) gởi Thầy thọ học với Hòa thượng Hành Trụ sau đó xuất gia với Hòa thượng Trí Tịnh. Năm 1980, Thầy kế thế trụ trì Tu viện Huệ Quang thay hòa thượng Thích Huệ Hưng.
Hòa thượng Thích Huệ Hưng được tổ Đạt Thái - Chánh Thành chùa Vạn An - Sa Đéc nhận làm đệ tử và ban pháp húy Ngộ Trí. Sư ông Huệ Hưng đệ tử y chỉ thì đông mà đệ tử thọ pháp xuất gia không còn ai, nên sau khi sư ông Huệ Hưng viên tịch, Thầy đã mặc nhận mình là đệ tử và tự xin pháp húy Chơn Đài, đặt pháp danh cho các đệ tử bắt đầu bằng chữ Không. Pháp danh Không Hạnh của con cũng là pháp húy là duyên do đó. Như vậy, thực tế Thầy là đệ tử của sư ông Vạn Đức - Thích Trí Tịnh, nhưng việc đặt pháp húy cho các đệ tử bắt đầu bằng chữ Không, Thầy đã mong muốn đệ tử mình là đồ tôn của sư ông Thích Huệ Hưng và mạch truyền thừa của Huệ Quang theo tông Lâm Tế.
Tổ Đạo Giới Định Tông
Phương Quang Chứng Viên Thông
Hành Siêu Minh Thiệt Tế
Liễu Đạt Ngộ Chơn Không.
Thầy không nhận đệ tử nữ xuất gia, Phật tử quy y thì nam Minh, nữ Diệu.
Nhất tâm Đảnh lễ: Từ Lâm Tế chánh tông tứ thập thế Huệ Quang đường thượng đệ nhị thế húy Chơn Đài thượng Minh hạ Cảnh Nguyễn Công hòa thượng Tôn sư giác linh thùy từ chứng giám.

Lễ Chung thất của Thầy, 
Mạnh Đông năm Mậu Tuất, 2018
Đệ tử Không Hạnh kính soạn

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoGiới thiệu sách "Lão Tử Đạo đức kinh chú"

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài