TƯ LIỆU HÁN NÔM CHÙA VĨNH KHÁNH

TƯ LIỆU HÁN NÔM CHÙA VĨNH KHÁNH

Trong chuyến sưu tầm tư liệu của Thư viện Huệ Quang (TVHQ) tại Bình Định [1] kéo dài trong hai tháng 3 và 4.2013, với trọng tâm là Tổ đình Thập Tháp (sẽ tổng kết trong một bài viết khác), chúng tôi đã tranh thủ sưu chụp ở những chùa khác trong hai huyện An Nhơn và Tuy Viễn. Vĩnh Khánh nằm trong huyện An Nhơn và chỉ cách Thập Tháp độ 10 phút xe máy, là ngôi chùa xuất thân của ngài Huyền Quang cũng là nơi đã khắc ván bộ Mông sơn thí thực khoa nghi nổi tiếng của ngài Bích Liên. Chúng tôi đến Vĩnh Khánh để dập bản lại quyển khoa cúng này và một số tác phẩm khác của ngài Bích Liên mà chúng tôi nghe nói vẫn còn lưu trữ tại đó.

Nhưng ước vọng chỉ đưa đến sự bùi ngùi. Một trung tâm khắc ván kinh và liễn đối một thời nay chỉ còn lại một miếng pháp phái và 4 thanh gỗ gồm 6 nhan đề: Thừa Phật di huấn tì kheo, Nhất thành thượng liên, Thừa Phật tâm ấn, Phụng hành pháp sự, Tịnh nghiệp văn diễn nghĩa, Mông sơn thí thực khoa diễn quốc âm. Hai nhan đề sau chính là hai tên sách, đều của ngài Bích Liên. Dựa vào một số văn bản giấy sưu tầm được ngày nay như Liên tôn thập niệm huyền môn yếu lãm có ghi tàng bản tại Vĩnh Khánh, chúng ta biết số lượng kinh sách được khắc in tại Vĩnh Khánh còn nhiều hơn số tên sách còn sót lại như trên. Thế nhưng tại Vĩnh Khánh, ván khắc đã tiêu tan sạch mà các bản dập cũng không còn. Chưa đầy một thế kỉ mà đã hoang tàn như vậy, chúng ta còn mơ chi đến những tư liệu Lý Trần xa xăm!

Tuy nhiên, rất may mắn là tại Vĩnh Khánh vẫn còn lưu giữ được một số tư liệu Hán Nôm khác. Sau khi gặp gỡ và trao đổi về chương trình tư liệu của Huệ Quang, hòa thượng đương nhiệm đã hoan hỉ hiến tặng toàn bộ 89 đầu sách Hán Nôm có trong chùa. Số sách này đang được chúng tôi số hóa, cùng với những tư liệu khác như liễn đối, bài vị, pháp phái… tại Vĩnh Khánh. Toàn bộ sẽ được in trong tập TƯ LIỆU CHÙA VĨNH KHÁNH, dự kiến in màu hai bản trên giấy in hình khổ A3: một bản lưu tại Thư viện Huệ Quang, một bản gởi lại tổ đình Vĩnh Khánh. Bài viết qua việc thống kê những thư tịch sưu tầm được tại Vĩnh Khánh mong muốn có thể cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn tổng quát về số tư liệu này và một số vấn đề liên quan khác.

Để dễ theo dõi, xin được tạm phân mục như sau:

Kinh sám diễn âm

  1. Kinh văn diễn âm toàn tập 經文演音全集, diễn Nôm có chua âm Hán nhỏ, chép tay, 15 trang, hòa thượng Bích Liên diễn Nôm, hòa thượng Chí Tâm chép vào giữa thu năm Canh Ngọ (1930), niên hiệu Bảo Đại. Văn bản gồm các kinh sám: Phật thuyết Vô Lượng Thọ Phật kinh thượng phẩm thượng sanh chương gồm 64 câu lục bát, Bát nhã ba la mật đa tâm kinh 48 câu lục bát, Lăng nghiêm Đại Thế Chí bồ tát niệm Phật chương 2 câu thất 48 câu lục bát, Đại từ bồ tát tán Phật sám tội hồi hướng phát nguyện kệ văn 16 câu lục bát, Nhất tâm phát nguyện văn 36 câu lục bát, Khể thủ phát nguyện văn 4 câu thất và 102 câu lục bát. Cả thảy diễn thành 320 câu thơ Nôm.
  2. Kinh văn diễn âm 經文演音, diễn Nôm có chú âm Hán nhỏ, chép tay, 34 trang. Văn bản gồm: Di Đà, Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh thượng phẩm thượng sanh chương, Bát nhã ba la mật đa tâm kinh, Lăng nghiêm Đại Thế Chí bồ tát niệm Phật chương, Thập phương diễn âm, Nhất tâm phát nguyện văn, Khể thủ phát nguyện văn, Ngưỡng khấu văn, một bài văn Nôm, Hồng danh bảo sám nghi thức diễn âm. Không thấy ghi niên đại và tên người diễn Nôm. Dựa vào một số kinh sám trùng với kinh sám của văn bản trên ta biết được tác giả của nó không ai khác hòa thượng Bích Liên. Tập hợp kinh chép tay trong quyển này cũng có thể nằm trong bộ Kinh văn diễn âm toàn tập của hòa thượng Bích Liên? Cuối sách có đề “Như An kính tạo”. Chữ “Như” cho biết Như An có thể là đệ tử hoặc thế hệ sau của hòa thượng Chí Tâm. Rất có thể ông đã biên chép lại những kinh sám này. Tờ cuối chép danh sách chùa trong hai phủ An Nhơn, Tuy Phước và huyện Phù Cát.
  3. Huệ Hương am tập慧香庵集 (tạm gọi), không có nhan đề, chỉ ghi Huệ Hương am phụng tả, Nôm, chép tay, 18 trang. Sách gồm các bài sám: Bài ca đưa người mạng chung trong khi tống táng (98 câu lục bát), Bài ca khuyên người tỉnh tâm niệm Phật (270 câu lục bát), Vịnh chùa Ông Núi, Vịnh chùa Thập Tháp, Vịnh chùa bổn tự. Cả thảy 392 câu.
  4. Vĩnh Khánh ca vịnh tập 永慶歌咏集, Nôm, chép tay, 18 trang, thầy Như Tôn chùa Vĩnh Khánh chép vào cuối đông năm Quý Dậu (1933). Nội dung và chữ viết giống tập Huệ Hương am tập. Nhờ đây biết được người chép Huệ Hương am cũng chính là Như Tôn.
  5. Trì tụng nghi thức 持誦儀式, Nôm, chép tay, 18 trang. Sách xấu bị rách giấy mất chữ, không rõ sách tên gì, ai chép, năm nào, chỉ thấy ghi lại nghi thức kì an mà phần sau là bài Tống tử táng tức Bài ca đưa người mạng chung trong khi tống táng.

Các quyển 1 và 2 có nhiều bài sám thấy đăng rải rác trong các số 1 – 10 của tạp chí Từ Bi Âm (TBA). Cả ba quyển 3, 4 và 5 cũng nhờ tra cứu vào TBA mà ta biết tác giả của nó chính là hòa thượng Bích Liên. Bài ca đưa người mạng chung trong khi tống táng được đăng từ số 46 – 48 (15.11.1933 – 15.12.1933) với 98 câu mà ngày nay gọi gọn là Sám hồng trần.

“Cuộc hồng trần xay [xoay] vần quá ngán,

Kiếp phù sanh tụ táng [tán] mấy lăm hồi;

Người đời có biết chăng ôi!

Thân người tuy có, có rồi huờn không...”

Bài ca khuyên người tỉnh tâm niệm Phật tức sám Tỉnh tâm, có 270 câu, được đăng trong TBA 26 – 36. Sám Di Đà phổ biến ngày nay chỉ là một phân đoạn được đăng trong TBA số 32 của bài sám Tỉnh tâm.

“Muốn đi có một đàng nầy,

Nhất tâm niệm Phật khó gì thoát ra,

Vậy khuyên phải niệm Di Đà,

Hồng danh sáu chữ thiệt là lắm cao,…”

Các bài Vịnh chùa Ông Núi, Vịnh chùa Thập Tháp, Vịnh chùa bổn tự cùng được đăng trong TBA số 44. Bài Vịnh chùa Thập Tháp:

“Có sư Hoán Bích ở bên Tàu,

Qua xứ Trung kỳ lập cảnh tu;

Một dãy thành Chiêm xây mặt trước,

Mười tòa tháp Mọi cấy chưn sau;

Cây già lá trẻ còn phơi sắc,

Sen cũ hồ xưa hãy đượm màu;

Tấm bản [bảng] Di Đà năm chữ hiện,

Nét vàng sắc tứ dễ lờ đâu”.

 

Như vậy, cả 5 quyển kinh sám này do nhiều người chép khác nhau nhưng cùng một tác giả là hòa thượng Bích Liên. Tính ra ngài đã diễn Nôm hàng nghìn câu thơ. Dường như ngài có chủ trương diễn Nôm các bộ kinh sám phổ thông nên mới đặt tên sách là Kinh văn diễn âm toàn tập. Những kinh sám này có thể đã bị thất lạc khá nhiều, một số được đăng rải rác trong TBA và trở nên thông dụng đến ngày nay như sám Hồng trần, Tỉnh tâm, Di Đà.

  1. Nhật tụng 日誦, Hán-Nôm, sách in, 74 trang. Gồm 2 phần. Phần 1, Hán, 60 trang là phần nghi thức công phu sáng, tối. Trang cuối phần 1 cho biết môn đồ là thiền sư Vạn Thọ... thể theo di huấn của thầy là Hoằng Tịnh trùng khắc “Nhật tụng chân kinh” vào năm Duy Tân thứ nhất (1907). Trang cuối còn cung cấp phương danh các vị hòa thượng chứng khắc và những người cúng khắc. Sau trang cuối có hình Hộ pháp. Phần 2, Hán-Nôm, 14 trang (đánh số trang lại từ 1-14), gồm nguyên văn Tâm kinh bát nhã 1 trang và 13 trang chú giải kinh Bát nhã bằng chữ Nôm do hòa thượng trụ trì chùa Thạch Sơn là Hoằng Giải “trùng thích diễn âm” (ghi ở đầu kinh). Cuối sách còn cho biết thêm sách do sư trụ trì chùa Thạch Sơn là Hoằng Giải hoàn thành vào năm Duy Tân thứ 3, Kỷ Dậu (1909) và thiền sư Vạn Thọ ở am Trần Từ chép và khắc ván cả quyển. Ở phần 1 cũng xuất hiện tên thiền sư Vạn Thọ tổ chức khắc ván. Dựa vào mối liên kết này chúng ta biết sách có thể là một chỉnh thể được khắc bản một lần và có chủ ý đóng chung. Đây là quyển sách rất quý bởi nó không chỉ cung cấp cho chúng ta một bản chú giải kinh Bát nhã của ngài Hoằng Giải mà ngày nay chúng ta hầu như chưa được biết đến. Kinh Bát nhã được diễn Nôm thể lục bát khoảng trên 500 câu, thỉnh thoảng có xen những câu tứ tuyệt. Không những thế, vì Thạch Sơn là chùa tổ của Vĩnh Khánh, các vị có chữ Hoằng như Hoằng Thạc, Hoằng Đàm, Hoằng Giải là thế hệ thầy của ngài Chí Tâm nên quyển sách này còn giúp soi sáng nhiều cho số tư liệu chùa Vĩnh Khánh, hé mở chút manh mối về một số thiền sư và ngôi tổ đình Thạch Sơn ở Quảng Ngãi.

Luật

  1. Tỳ ni sa di uy nghi cảnh sách yếu lược nhất tập 毘尼沙彌威儀警策要畧壹集, Hán-Nôm, chép tay, 42 trang. Đây là bản luật Nôm do ngài Hoằng Ân tỉnh nghĩa và ngài Huệ Lưu sao lục, được ngài Như Cương chùa Vĩnh Khánh chép lại vào mùa thu năm Canh Ngọ (1930). Hiện ván khắc vẫn còn tàng trữ đủ bộ tại chùa Giác Viên, Sài Gòn [2].
  2. Thỉ soạn thiền đường kiết hạ nghi tắc 始撰禪堂結夏儀則, Hán-Nôm, chép tay, 60 trang, giấy mỏng láng và trắng, trọn bộ. Không để niên đại và tên người chép. Nét chữ giống chữ ngài Như Nhẫn, loại giấy giống hệt cuốn Chúc thọ giới đàn chức sự bảng. Đây là những thanh quy trong thiền đường vào mùa an cư kiết hạ được hòa thượng Tâm Thông chùa Trường Thọ biên soạn và khắc in. Hiện ván vẫn còn tàng trữ tại chùa Trường Thọ (Sài Gòn). Tại chùa Tây Thiên (Bình Định) chúng tôi cũng sưu tầm được một bản chép tay sách này [3].
  3. Chúc thọ giới đàn chức sự bảng 祝夀戒坛職事榜,Hán, chép tay, 14 trang, chữ đá thảo, giấy mỏng, láng và trắng, được ngài Như Nhẫn hiệu Huyền [ ] chép tay.

Đây là những sách do các nhà sư Việt Nam biên soạn thấy phổ biến khắp miền Trung và miền Nam.

Luận

  1. Tịnh độ văn diễn âm 浄土文演音, chính là Tịnh nghiệp văn diễn nghĩa 浄業文演義, Hán-Nôm, chép tay, 19 trang, chép nguyên phần Hán văn phía trước, sau chép nhỏ lại để trên rồi diễn Nôm ở dưới. Trong bản in có tại TVHQ không có phần Hán văn phía trước. Bản chép tay được hòa thượng Chí Tâm chép năm Kỷ Mùi (1919) trong khi bản in được khắc năm Nhâm Tuất (1922). Như vậy bản chép tay có trước bản in và chậm nhất hòa thượng Bích Liên đã viết tác phẩm vào năm 1919, năm ngài mới xuất gia.

Non Sư Tử thầy Như Như Nhàn Bính

Khuyên tu làm bài tịnh nghiệp văn

Rằng thân là cái khổ căn

Ai mà biết đặng sớm săn tu trì…

  1. Liên Tôn yếu lãm toàn quyển 蓮尊要覧全卷 còn gọi Liên Tôn thập niệm pháp môn yếu lãm蓮尊十念法門要覧, Hán, sách in, khổ nhỏ, 30 trang. Sách đề Liên Tôn Trí Hải viết, được khắc bản vào mùa xuân năm Khải Định thứ 7 (1922). Ván khắc được tàng bản tại chùa Vĩnh Khánh thôn Cẩm Văn, phủ An Nhơn, Bình Định. Bài tựa viết vào năm Tân Dậu (1921).
  2. Đại thừa duy thức luận tập 大乘唯識論集, Nôm, chép tay, 67 trang, được hòa thượng Chí Tâm viết vào năm Bảo Đại thứ 8 (1933). Tra trong TBA thấy toàn văn được đăng từ số 44 – 65 (1933-1934) có đề tác giả là Bích Liên. Như vậy bản Nôm được chép trước khi đăng báo. Thời điểm tác giả Bích Liên biên soạn chắc chắn sớm hơn ít nhiều so với thời điểm được ngài Chí Tâm chép lại.
  3. Biện lạc văn 辯樂文, một quyển, Hán, chép tay giống như in, 24 trang, đầu sách có một cặp đối chữ thảo đẹp, cuối phần chính văn có đề Đồng Khánh Mậu Tý niên tam nguyệt (1888) Sơn Tây lục Thảo Đường Siêu Nhiên thị cẩn thư. Trang cuối giải thích các tục tự. Tra tên sách và nội dung không thấy trong Đại tạng. Dựa vào thông tin ít ỏi trên chỉ biết nhiều khả năng sách do tác giả người Việt sáng tác.

  4. Tiên Phật vấn đáp 仙佛問荅, Nôm, chép tay, 36 trang, được hòa thượng Chí Tâm chép năm Bảo Đại thứ 7 (1932). Bên góc trái trang đầu có đề Trần Phổ Đường tàng bản. Nội dung tương đương với các bài của hòa thượng Bích Liên đăng trong TBA 11 – 17.
  5. Vĩnh Khánh đường biện hoặc tập 永慶堂辯惑集, Nôm, chép tay, 19 trang. Tương đương với bài viết của cư sĩ Thiện Dụng đăng trên TBA số 22-23, nội dung phê bình những ý kiến của cư sĩ Lang Cốc đăng trong báo Tiên Long công kích loạt bài về đạo Phật đạo Tiên của hòa thượng Bích Liên trên TBA. Chữ giống chữ viết của hòa thượng Chí Tâm.
  6. Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội điều lệ 南圻研究佛學會條例, Nôm, chép tay, 24 trang, Quý Dậu, quan Thống đốc Nam kỳ 26.08.1931, Bảo Đại lục niên (1931) Thích Chí Tâm chùa Vĩnh Khánh dịch quốc âm Hán chữ[4]. Nội dung tương đương với bảng điều lệ của Hội NKNCPH được đăng trong TBA số 1, năm 1932. Chưa biết đích xác người chấp bút và hòa thượng Chí Tâm dịch quốc âm là ý nghĩa làm sao, nên cần tìm hiểu thêm.
  7. Vĩnh Khánh đường thế giới bất bình tập 永慶堂世界不平集, bên trong đề Nguyên nhân thế giới bất bình tập, Nôm, chép tay, 23 trang, hòa thượng Chí Tâm chép tay vào năm Bảo Đại thứ 7 (1932). Góc trái trang đầu có ghi Trần Phổ đường tàng bản. Toàn văn được đăng trên Tam Bảo Tạp Chí (TBTC) (1937 – 1938) từ số 3 – 5 dưới nhan đề Nguyên nhân bất bình của hiện tượng thế giới, có đề tác giả là hòa thượng Bích Liên.
  8. Nguyên nhân của thế giới vì sao mà bất bình元因𧵑世界為𣋀𦓡不平, Nôm, chép tay, 24 trang, không có trang đầu nên không biết ai chép năm nào nhưng có nội dung, nét chữ và chất liệu giấy giống hệt quyển trên.

Trong 9 bản Hán Nôm trên có đến 7 bản là tác phẩm của hòa thượng Bích Liên. Hai bản còn lại, Biện lạc văn là của tác giả khác, còn Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội điều lệ nhiều khả năng cũng do hòa thượng Bích Liên biên soạn.

Sử truyện

  1. Huệ Hương am ni cô tiểu sử tập 慧香庵尼姑小史集, Nôm, chép tay, 13 trang, giấy trắng. Nội dung kể về cuộc đời và công hạnh của ni cô Chơn Chất ở am Huệ Hương (1889-?). Cô cùng mẹ xuất gia với hòa thượng Hoằng Thạc (tức cùng bổn sư với ngài Chơn Đạo Chí Tâm và Chơn Giám Trí Hải) rồi về lập am ở một bên chùa Vĩnh Khánh. Truyện chủ yếu nói nhiều về những công hạnh của ni cô, phần sử liệu khác không bao nhiêu. Sách được viết lúc ni cô 48 tuổi, có thể suy đoán vào khoảng trước năm 1940. Nét chữ không giống của hòa thượng Chí Tâm. Hơn nữa vào thời điểm đó ngài cũng đã viên tịch vài năm.
  2. Huệ Hương am ni tiểu sử 慧香庵尼小史, Nôm, chép tay, 21 trang, giấy trắng. Nội dung giống bản trên.

Văn học

  1. Cổ thi từ văn diễn âm 古詩詞文演音, Hán-Nôm, chép tay, chữ viết của ngài Chơn Đạo (Chí Tâm) chùa Vĩnh Khánh. Sách do hòa thượng Bích Liên diễn Nôm một số thơ của vua Khang Hi đề ở chùa Kim Sơn (7 bài), trạng nguyên La Hồng (17 bài), hòa thượng La Hà… vào năm Tân Mùi (1931). Tuy vậy, sau sách còn có các bài: Tây phương hiệp luận tự, Hồng danh bảo sám nghi thức diễn âm (lục bát). Một phần của sách thấy đăng trong TBA 7-10.
  2. Hứa Sử truyện vãn 許使傳挽, Nôm, sách in, 83 trang. Sách đã mềm nhũn và úa màu vì lâu năm nhưng vẫn còn đầy đủ và có thể đọc tốt. Cuối sách có hai trang đề danh sách cúng in kinh. Mặt cuối của trang cuối đề: “Đại Việt Minh Mệnh cửu niên Mậu Tý thập nhất nguyệt cát nhật cẩn chí, Viên Quang tự tàng bản”. Chi tiết này cho biết ván khắc được khắc in vào năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), tàng bản tại chùa Viên Quang. Đây chính là huynh đệ của bản Hứa Sử mà tác giả Lê Mạnh Thát gọi là bản Vạn Giả (Bản V) và đã sử dụng làm bản đáy trong việc nghiên cứu-phiên dịch Hứa Sử truyện vãn[5]. Bản V vì rách trang đầu và mất trang cuối nên tác giả Lê Mạnh Thát không biết được tên chính xác của Hứa Sử trong lần in này, còn niên đại đã được suy đoán là khắc in trong khoảng Tây Sơn – Gia Long. Việc tìm ra bản Hứa Sử truyện vãn tại chùa Vĩnh Khánh cho ta biết tên chính xác của nó trong đợt in này cũng là Hứa Sử truyện vãn và niên đại khắc in chính xác 1828 vào thời vua Minh Mệnh. Các trang sách đều còn tốt cũng có thể bổ trợ cho việc phiên âm rất nhiều.

Hứa Sử truyện vãn là một tác phẩm văn học Phật giáo rất giá trị với dung lượng đồ sộ lên đến 4.485 câu lục bát, phổ biến sâu rộng trong quần chúng miền Trung và miền Nam vào thế kỉ 19 và đầu 20. Chùa Viên Quang Bình Định, Giác Viên Sài Gòn, Tân Long Đồng Tháp là ba nơi đã từng khắc bản Hứa Sử mà chúng tôi đã sưu tầm được. Trong đó Viên Quang chỉ còn văn bản giấy; Giác Viên có văn bản giấy và còn một số ván; Tân Long chỉ còn một số ván, chưa sưu tầm được văn bản giấy.

Khoa nghi

  1. Tam bảo bạt độ vong linh khoa 三寳拔度亡靈科, Hán-Nôm, chép tay-in, 33 trang. Sách gồm nhiều phần. Phần đầu là nghi Bạt độ vong linh chư khoa, Hán, 13 trang được chép năm Kỷ Dậu (1909), có bài tựa 3 trang. Tiếp theo cũng là nghi Bạt độ vong linh chư khoa, Hán-Nôm, 13 trang, trang đầu là bản đồ Bạt độ vong linh ngoại đàn. Trang trong đề tên sách Tam bảo bạt độ vong linh chư khoa, dưới có đề Thái Nguyên Thiền Hòa tử hiệu Hoằng Đàm đại sư soạn thuật. Phần thứ ba có nhan đề Chiêu hồn khoa, Hán-Nôm, 4 trang. Trừ 4 câu đầu là bài tứ tuyệt chữ Hán còn lại là 92 câu lục bát Nôm. Phần cuối có nhan đề Cổ lục châu bảo minh tích vĩnh truyền hậu [?]. Cuối sách có một trang được bố cục 4 hàng từ phải qua trái đề: 1. Chữ thì cổ (tức chữ “thời”), 2. Duy Tân tam niên tuế thứ Kỷ Dậu (1909) tam nguyệt trung tuần nhật thư, 3. Vĩnh Khánh tự trụ trì húy Chơn Đạo hiệu Chí Tâm đại sư phụng hành, 4. Thanh Khê tăng... đệ nhất a xà lê hiệu Hoằng Thạc phụng lục đề. Như vậy sách do Hoằng Đàm soạn thuật và có thể được Hoằng Thạc chép lại, sau được Chí Tâm tiếp nối hành trì.

Chẳng biết Hoằng Đàm là huynh đệ hay có mối quan hệ gì khác với Hoằng Thạc? Thái Nguyên Thiền Hòa tử là hiệu tự xưng của Hoằng Đàm còn có hàm nghĩa gì nữa? Việc lần ra manh mối nhân vật này có thể hé mở nguồn gốc số lượng sách Hán-Nôm khá lớn mà ngài Chí Tâm và Như Tôn sao lục.

  1. Mông sơn thí thực khoa diễn quốc âm 蒙山施食科演國音 tức Mông sơn thí thực khoa nghi 蒙山施食科儀 Hán-Nôm, sách in, 33 trang. Sách do hòa thượng Bích Liên diễn nghĩa, Chí Tâm sao lục vào năm Canh Ngọ (1918). Khắc bản hoàn thành năm Nhâm Tuất thời Khải Định (1922). Đây là tác phẩm được biết đến nhiều nhất của hòa thượng Bích Liên.

“Dấu người thập loại biết là đâu

Hồn phách mơ màng trải mấy thâu [thu]

Cồn biển nghênh ngang bầu thế giới

Những mồ vô chủ thấy mà đau” (bốn câu mở đầu)

  1. Thỉnh tổ sư khoa nghi 請祖師科儀, Hán-Nôm, chép tay, 13 trang, được [Như?] Tôn chép vào năm Nhâm Thân (1932).
  2. Nhương ngũ quỷ khoa 禳五鬼科, Hán-Nôm, chép tay, 10 trang, hòa thượng Chí Tâm chép tay vào mùa Hạ năm Mậu Ngọ (1918). Người học đời sau có chua thêm chữ quốc ngữ. Đây là bản sưu tầm được ở chùa Tây Thiên Bình Định nhưng do cùng là sách chép tay của hòa thượng Chí Tâm nên cũng đưa vào cho đầy đủ.
  3. Lược phát phù sử nghi 畧發符使儀, Hán, chép tay, 14 trang, hòa thượng Chí Tâm chép vào tháng 7 năm Giáp Dần (1914), niên hiệu Duy Tân thứ 8, có đề Vĩnh Khánh tự tàng bản. Cuối sách có danh sách trợ khắc.
  4. Lược phát phù sử nghi畧發符使儀, Hán, chép tay, 10 trang, hòa thượng Chí Tâm chép vào mùa Thu năm Kỷ Tỵ (1929), niên hiệu Bảo Đại thứ 4, có đề Vĩnh Khánh tự tàng bản. Nội dung không giống bản trên.
  5. Tiến lễ thiên tiên khoa 進禮天仙科, Hán-Nôm, chép tay, 12 trang, hòa thượng Chí Tâm chép vào mùa xuân năm Mậu Ngọ (1918). Trang đầu góc phải có đề: “Mai Đình phó hiếu liêm Trần lưu thị Thiếu Mai khán”.

Non thiên thai trần ai bất nhiễm

Cảnh thần tiên riêng điểm bức tranh trời

Nửa bầu phong nguyệt rong chơi

Bốn mùa chim nói hoa cười…

  1. Tiến lễ thiên tiên khoa進禮天仙科, Hán-Nôm, chép tay, 11 trang, hòa thượng Chí Tâm chép vào mùa xuân năm Ất Sửu (1925) niên hiệu Khải Định thứ 10.
  2. Thỉnh ngũ hành tinh khoa 請五行晶科, tựa bên trong Thỉnh ngũ hành khoa, Hán-Nôm, chép tay, 9 trang, Như Tôn chép 2 bản vào mùa hạ năm Nhâm Thân (1932).
  3. Thỉnh chư vị quan sát khoa 請諸位關煞科, Hán-Nôm, chép tay, 12 trang, Như Tôn chép vào cuối mùa hạ năm Nhâm Thân (1932).
  4. Pháp lục chư thần chú toàn tập 法錄諸神咒全集 (22 chú), Hán-Nôm, chép tay, 17 trang (có thể là chữ viết của Như Tôn).
  5. Tá độ khoa tịnh Công văn nghi thức 借土科並攻文儀式, Hán, chép tay, Như Tôn chép tay đầu mùa hạ năm Nhâm Thân (1932). Tá độ khoa 10 trang là phần nghi tá độ. Phần Công văn nghi thức 17 trang là tập hợp khoảng 20 sớ, điệp, công văn của nghi tá độ.
  6. Kim cang thọ sanh kinh – Điền hoàn khoa 金剛夀生經-填還科, Hán, chép tay 33 trang, gồm: Kim cang thọ mạng đà la ni kinh, Phật thuyết thọ sanh kinh, Điền hoàn kinh khoa. Cả ba đều được hòa thượng Chí Tâm chép vào giữa thu năm Canh Tuất (1910).
  7. Quá đường phạn chúc nghi – Kỷ tu tân lục 過唐[6]飯粥儀-紀修新綠 (đóng chung). Quá đường phạn chúc nghi, Hán, chép tay, 6 trang. Kỷ tu tân lục, Hán, chép tay, 9 trang. Cả hai đều được hòa thượng Chí Tâm chép vào mùa thu năm Kỷ Mùi (1919), niên hiệu Khải Định thứ 4. Sau sách còn có 7 trang chép các bài tỳ
  8. Bạt trường sa trùng táng... 拔長沙重喪, Hán-Nôm, chép tay, 24 trang, hòa thượng Chí Tâm chép vào năm Quý Dậu (1933), niên hiệu Bảo Đại thứ 8.
  9. Cứu độ trường sa khoa 救度長沙科, Hán-Nôm, chép tay, 24 trang. Sách không ghi tên người và thời điểm chép, gồm 4 phần: Hoằng Đàm trường sa tự (bài tựa về đàn trường sa của Hoằng Đàm?) cứu độ trường sa khoa, bạt độ trường sa đàn (có hình ngoại đàn), các sớ điệp: khai kinh sớ, thỉnh khoa điệp-phổ độ đạo tràng trai đàn, ngũ phương đàn cáo.
  10. Tá độ kinh khoa 借土經科 (ngoài bìa không hiểu sao lại đề “Thần ứng kinh khoa”), Hán-Nôm, chép tay, 21 trang. Sách gồm phần đầu Tá độ kinh khoa, 10 trang, phần sau là công văn. Sách đề chùa Vĩnh Khánh năm Canh Tuất (1910), bị hư vài trang đầu.
  11. Khánh trạch kì an khoa 慶宅祈安科, Hán-Nôm, chép tay, 14 trang, Như Tôn chép cuối xuân năm Nhân Thân (1932). Đầu sách có 3 trang các bài sớ khánh trạch.
  12. Một cuốn văn tế không đề tên, Hán, chép tay, chữ nhỏ, 21 trang. Gồm nhiều loại văn tế như: tế thần văn, tế phu văn, tế cô hồn văn...

Trong 19 khoa cúng trên, ngài Chí Tâm sao lục 11, ngài Như Tôn 6. Cấu trúc của các bản khoa cúng thường gồm phần nghi thức Hán văn phía trước và kết thúc bằng bài kệ/thơ Nôm.

Y học

 Y thư tổng yếu gia truyền toàn tập 醫書總要家傳全集, bìa ngoài ghi Y thư tổng yếu […] phương, bìa lót ghi Y thư yếu lược quyển. Hán-Nôm, chép tay đá thảo, chữ nhỏ thưa dòng, 132 trang. Sách được hòa thượng Chí Tâm chép vào mùa xuân năm Giáp Tý (1924). Gồm hai phần. Phần đầu có nhan đề Y thư tổng yếu gia truyền toàn tập, 98 trang, không rõ tác giả. Phần sau là sách Y lâm thái nghiệm của Nguyễn Thượng Hiền. Đây là bản sách chép tay có số trang lớn nhất tại chùa Vĩnh Khánh và được hòa thượng đương nhiệm rất quý xem như vật gia bảo vì đã áp dụng chữa bệnh hiệu nghiệm qua nhiều đời.

  • Y thư tổng yếu gia truyền toàn tập, 3 trang đầu (không đánh số trang) chép bài tựa Thích thị gia bảo hoằng đàm bằng chữ Hán, bỏ một khoảng trống đến một bài thất ngôn bát cú ca ngợi sách y học bằng chữ Hán và bài dịch Nôm bài ấy cũng theo thể thất ngôn bát cú.

Y thư lịch trị kỷ thiên thu

Dữ thế trầm nhi dữ thế phù

Biểu lí mạc hiềm trường đoản đại

Phong hàn vô nại khẩn huyền nhu

Hồi sinh độc đắc chân như tính

Cứu tử ninh phù mạng mạch u

Nhất phó can trường ưng tận phẩu

Lưu truyền hậu học tổng kham tu.

Sách gia truyền để đến đời nay

Làm thuốc nên danh phải học rầy

Phù sác trầm trì xem lấy đó

Phong hàn thử thấp ngó theo đây

Phương thang cứ phép đừng canh cải

Bào chế nghe lời chớ đổi thay

Dặn với ai ai dầu học đặng

Xa thầy kính sách mới là hay.

 

  • Y lâm thái nghiệm 醫林採驗, Hán, 30 trang (2 trang mục lục ở trước). Bên trong nhan đề có hàng chữ lớn ghi: Hà Nội Nguyễn Thượng Hiền Đỉnh Thần biên. Nghĩa là sách do Đỉnh Thần Nguyễn Thượng Hiền ở Hà Nội biên soạn/chép. Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925) là nhà chí sĩ yêu nước có văn tài lỗi lạc. Đỉnh Thần là một trong những hiệu của Nguyễn Thượng Hiền.

Tra trong bộ Tìm hiểu Thư tịch y dược cổ truyền Việt Nam và bộ Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu đều không thấy tác phẩm này. Như vậy có thể tạm xem là một tác phẩm của Nguyễn Thượng Hiền mới được phát hiện.

Theo Wiki tiếng Việt mục Nguyễn Thượng Hiền có chi tiết: “Sau khi các hoạt động của Việt Nam Quang phục Hội thất bại, Nguyễn Thượng Hiền xuống tóc vào tu ở chùa Thường Tích [Tịch?] Quang, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) và mất tại đây ngày 28 tháng 12.1925. Theo di chúc, thi hài ông được hỏa táng, tro rải xuống sông Tiền Đường”. Một tài liệu khác cho biết ông sống trong ngôi chùa nói trên bảy năm cuối đời cho đến ngày mất.

Vậy Nguyễn Thượng Hiền đã biên soạn Y lâm thái nghiệm khi nào? Lúc ở ẩn, lúc làm quan, lúc hoạt động cách mạng hay lúc ở chùa? Trong sách có một thang thuốc tác giả ghi do Phổ Bảo hòa thượng truyền lại. Nếu đây đích thực là vị hòa thượng trong ngôi chùa Thường Tịch Quang nhắc trên truyền dạy thì rất có thể Y lâm thái nghiêm đã được Nguyễn Thượng Hiền biên soạn vào giai đoạn ông ở chùa, nhưng sách lại được hòa thượng Chí Tâm chép tay vào năm 1924. Vì sao cuốn sách đông y của một tác giả không nổi tiếng về đông y mới ra đời lại được sao chép và ứng dụng nhanh như vậy?

Y lâm thái nghiệm có nhiều phương thuốc rất thiết yếu và đặc biệt, như phương trị bệnh đái tháo, đau răng, rắn cắn…, nhiều nhất là về nhi khoa và phụ khoa với các phương người lớn tuổi sinh con, người khó sinh, cách bảo vệ người mẹ khi con chết non trong bụng… Có nhiều phương thuốc còn được ghi xuất xứ để chứng minh mức độ hiệu nghiệm.

Tóm lại đây là một sách đông y được biên soạn/chép cẩn thận. Tuy nhiên về những đóng góp của Y lâm thái nghiệm với đông y, mức độ hiệu nghiệm của những phương thuốc trong sách, việc sách do Nguyễn Thượng Hiền chép lại từ một sách khác hay gia công biên soạn… là những việc làm còn quá sức đối với người viết vốn chưa biết gì về lĩnh vực này, nên cần được những người có chuyên môn gia tâm tìm hiểu thẩm định.

.................

Ngoài ra còn một số kinh sách không do người Việt trứ tác, diễn Nôm nhưng được khắc in hoặc chép tay lại cũng được lưu giữ nơi đây với số lượng vài chục quyển. Niên đại khắc/chép cùng với danh mục những người chứng khắc/cúng khắc cũng có ý nghĩa giúp ích về sử liệu nên xin liệt kê ra để tham cứu cho đầy đủ:

  • SÁCH IN
  1. Thiền quan sách tấn 禪關筞進, tàng bản Đỉnh Hồ Khánh Vân thiền viện, Long Đức tứ niên nhị nguyệt cát nhật trùng khắc (1735), Diên Ninh phủ... Thanh Lương tự chủ kinh Huệ Đạo. Đây là quyển sách có niên đại xưa nhất sưu tầm được ở Vĩnh Khánh, chứa đựng một số thông tin quý về người khắc, nơi tàng bản, người cúng, người và niên đại tổ chức khắc bản.
  2. Truy môn cảnh huấn 緇門警訓, trọn bộ thượng, trung, hạ. Cuối sách có bài bạt Trùng tân Truy môn cảnh huấn, cuối bài bạt đề “Hoàng triều Tự Đức vạn vạn niên chi nguyên niên thập nguyệt vọng nhật, Khánh Lâm Liễu Tạng khể thủ bái bạt”. Tiếp theo là 3 trang danh sách cúng in kinh. Trang cuối cùng, mặt trước có hình Hộ pháp, mặt sau đề “Đinh Mùi niên ngũ nguyệt hưng công chí Kỷ Dậu niên ngũ nguyệt hoàn thành... Phổ Hiền tự tàng bản”.
  3. Truy môn cảnh huấn 緇門警訓, chỉ có quyển hạ, giống với quyển hạ của bộ trên. Phần cuối, trang cuối cùng (đề chữ ) chuyển ra trước bài bạt. Cách sắp xếp thứ tự của quyển hạ này hợp lý hơn vì kích cỡ trang vĩ bằng với nội dung của sách, trong khi phần bài bạt và danh sách cúng có kích thước lớn hơn chứng tỏ được thêm vào trong đợt trùng tân.
  4. Long Thư tăng quảng Tịnh độ 龍書舒增廣浄度, Ngưu Tân đệ tử Phật Nghĩa Chiếu Nguyệt phổ khuyến khắc thập nhị quyển, bản tồn Phổ Quang đại tự kinh phường ấn tạo lưu thông.
  5. Kim cang chú giải 金刚註解
  6. Pháp hoa khoa chú 法華科註, chỉ có quyển 1.
  7. Tịnh độ thần chung 浄度晨鍾, Minh Mệnh thập tam niên tuế thứ Nhâm Thìn trọng xuân nguyệt cát nhật, Thừa Thiên phủ Xuân Trà huyện Phước Xuân sơn, Tăng Già ấp, Sắc tứ Quốc Ân tự tàng bản Bạn Đê cẩn chí.
  8. Pháp bảo đàn kinh 法寶壇經
  9. Thuyết giới pháp nghi 說戒法儀, Đại Việt Minh Mệnh bát niên Đinh Hợi nhị nguyệt cát nhật kính tạo, Thiền Lâm tự tàng bản.
  10. Hoằng giới pháp nghi弘戒法儀
  11. Ấu học tầm nguyên toàn tập 幼學尋源全書
  12. Thiền môn nhật tụng 禪門日誦, Thành Thái thập niên tứ nguyệt nhật bản thành, Từ Hiếu tự tàng bản. Đặc biệt sách được chú âm chữ Nôm viết tay nhỏ, đẹp và rõ. Cuối sách có đề chữ viết tay “Thanh Nguyệt... diễn nghĩa”.
  13. Tỳ ni nhật dụng thiết yếu 毘尼日用切要
  14. Phật môn định chế 佛門定制 tập 3-4, đóng chung, nhiều khả năng sách của tác giả người Việt.
  15. Kim cang kinh 金刚經
  16. Quy nguyên trực chỉ 歸元直指, quyển thượng
  17. Quy nguyên trực chỉ 歸元直指, quyển trung
  18. Quy nguyên trực chỉ 歸元直指, quyển trung và hạ đóng chung
  19. Kim cang như nghĩa金刚如義
  20. Trúc song nhị bút 竹窓二筆
  21. Nhân thiên nhãn mục 人天眼目
  22. Tâm kinh chú giải 心經註解
  23. Phá mê tông chỉ 破迷宗旨
  24. Du già thí thực diệm khẩu ứng môn 瑜伽施食燄口應門
  25. Phật thuyết A Di Đà kinh sớ sao 佛說阿彌陀經疏鈔, quyển nhất. Đây chính là bản dập từ bản ván khắc chùa Thập Tháp.
  26. Phật thuyết A Di Đà kinh sớ sao 佛說阿彌陀經疏鈔, quyển nhị, như trên.
  27. Phật thuyết A Di Đà kinh cú giải 佛說阿彌陀經句解, 2 bản giống nhau.
  28. Vĩnh Gia Chân Giác đại sư chứng đạo ca chú giải 永嘉真覺大師證道歌註解, cuối sách có bài bạt của Tế Ngộ Phương Viên đề vào năm Giáp Tuất ở chùa Ngọc Tuyền núi Bạch Sa.
  29. Bát nhã ba la mật đa tâm kinh thiêm túc 般若波羅蜜多心經添足, sách nhiều khả năng dập từ bản ván khắc chùa Thập Tháp.

 

  • CHÉP TAY
  1. Thiền môn chánh độ tập 禪門正度集, bên trong đề Thiền môn chánh độ tăng sư viên tịch khoa nghi 禪門正度僧師圓寂科儀
  2. Tuyển tăng đồ thuyết tập選僧圖說集
  3. Trục thần ôn quỷ xuất nhập 逐辰瘟鬼出入
  4. Quan sát đại bản toàn thư 關煞大板全書, 2 bản giống nhau, Hán, chép tay, 46 trang, có rất nhiều hình vẽ khéo, hoàng triều Bảo Đại thất niên Nhâm Thân, Vĩnh Khánh tự đệ tử Lê Như Tôn phụng tả. Bản chép lại từ bản Trùng khắc niên hiệu Bảo Thái năm Giáp Thìn. Nội dung “Chiêm tiểu nhi sanh trị cát hung – Khai sát hình tật bệnh trọng khinh”.
  5. Từ bi thập vương diệu sám pháp 慈悲十王妙懴法, trọn bộ 3 quyển thượng trung hạ, chép năm Ất Mão.
  6. Dược Sư Lưu Ly bổn nguyện công đức kinh藥師琉璃光如來本願功德經
  7. Sa di luật nghi tịnh Cảnh sách văn 沙彌律儀並警筞文
  8. Hồng danh, Vu lan, Thọ mệnh kinh 鸿名盂蘭壽命經
  9. Phật thuyết thiên địa bát dương kinh 佛說天地八陽經
  10. Di Đà, Phổ môn, Bát nhã tâm kinh 彌阤普門般若心經
  11. Triêu tụng Lăng nghiêm Đại bi Thập chú tịnh bí mật 朝誦楞嚴大悲十咒並祕密, hoàng triều Khải Định vạn vạn niên chi cửu, Vĩnh Khánh tự Thích Chí Tâm phụng lục, Linh Quang tự tàng bản.
  12. Thập niệm huyền môn tịnh chư chú nguyện 十念法門並諸咒願
  13. Tứ thánh thập niệm tu trì pháp môn 四聖十念修持法門
  14. Tứ phần danh nghĩa tiêu thích 四分名義標釋

..........

Ngoài ra thư tịch Hán Nôm chùa Vĩnh Khánh cần kể thêm các bản phú pháp, liễn đối, bài vị, tháp mộ... dù ít nhưng cũng bổ trợ soi sáng nhiều cho tư liệu Hán Nôm giấy.

MỘT VÀI TÁC PHẨM CỦA HÒA THƯỢNG BÍCH LIÊN

Hòa thượng Bích Liên (1876-1950), xuất gia với hòa thượng Hoằng Thạc chùa Thạch Sơn, Quảng Ngãi được đặt pháp danh Chơn Giám, tự Đạo Quang, hiệu Trí Hải, thuộc dòng Chúc Thánh đời 40, khai sơn chùa Bích Liên nên thường được gọi hòa thượng Bích Liên. Ngài tuy xuất gia trễ nhưng là bậc anh hoa phát tiết văn tài lỗi lạc nên có đóng góp lớn trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo qua việc đảm trách tạp chí Từ Bi ÂmTam Bảo Tạp Chí trong những năm 30 – 40 của thế kỷ trước.

Phần lớn những tác phẩm của ngài còn lưu tại Vĩnh Khánh đã đăng trọn vẹn trên TBA, một số khác chỉ được đăng một phần. Những tác phẩm này được ngài Chí Tâm sao chép có niên đại sớm hơn thời điểm xuất hiện trên báo, và chắc chắn nó phải được ngài Bích Liên viết sớm hơn thời điểm ngài Chí Tâm chép ít nhiều. Quy trình này cho thấy có thể ngài Bích Liên phiên dịch-sáng tác hoàn toàn bằng chữ Hán Nôm, ngay cả bài viết cho TBA. Có điều ta không hiểu vì sao ngài Chí Tâm lại chép tay những tác phẩm của ngài Bích Liên? Vì yêu thích, cần phổ biến, bạn yêu cầu hay vì chuẩn bị cho công việc khắc bản?.

Về những bài đăng báo trên TBA của ngài Bích Liên trong giai đoạn đầu, ta thấy chủ yếu là những kinh sám phổ thông được diễn ra quốc âm, đặc biệt là văn vần. Khuynh hướng diễn kinh ra văn vần và sáng tác những bài sám văn chữ Nôm trong giai đoạn này phổ biến nhiều ở Nam bộ với các tác giả Từ Phong, Từ Vân, Huệ Đăng… Có thể ngài Bích Liên đã theo hướng chủ trương của ngài Khánh Hòa trong lần hội kiến và mời vào Nam làm việc trước năm 1930? Từ đó ngài đã gia tâm viết lách để chuẩn bị chất liệu cho sự ra đời của TBA. Những bài kinh sám diễn âm đó đã phù hợp và ảnh hưởng rộng rãi đến quần chúng trong giai đoạn chữ quốc ngữ bắt đầu được sử dụng đồng loạt.

Về sau ngài cho đăng tải những bài có tính luận giải hơn, như bài Phúc biện cái hồn, Tại sao phải ăn chay, Luận mười hai pháp nhơn duyên, Đại thừa Duy thức luận; ngài cũng diễn những kinh luật quy mô hơn như kinh Thủ lăng nghiêm, luật Quy Sơn cảnh sách… Càng về sau, bài viết của ngài càng thưa dần trên TBA. Ngài đứng tên chánh chủ bút từ số 36 năm 1933 đến số 163 năm 1939 thì pháp sư Liên Tôn phó chủ bút lên thay làm chủ bút. Tờ báo cũng không còn chức danh phó chủ bút.

Các tài liệu viết về ngài Bích Liên đều cho rằng 10 năm cuối đời ngài quay về bổn tự để chuyên tâm vào công việc phiên dịch và trứ tác. Song chúng tôi chưa thấy tác phẩm nào còn lại đến hôm nay được ra đời vào thời điểm đó, tức trong khoảng 1940 – 1950. Một người tài hoa và nhiệt huyết như ngài Bích Liên lẽ nào im lặng suốt 10 năm? Do những vị sống gần thời ngài đến nay đã ngoài trăm tuổi, chúng tôi không khai thác được bao nhiêu tư liệu về ngài, nên vẫn còn rất nhiều nghi vấn đối với những năm cuối đời của ngài.

Ngoài ra, liễn đối cũng là một mảng sáng tác rất đặc biệt của ngài được ghi dấu ở hầu hết các tổ đình Bình Định. Mỗi cặp đối của ngài là một tác phẩm nghệ thuật, nó không chỉ để đọc mà còn để chiêm ngưỡng.

Chúng tôi dựa vào ba nguồn để thống kê tư liệu của ngài Bích Liên: 1. TBATBTC, 2. những bản chép tay/khắc in của hòa thượng Chí Tâm, 3. những liễn đối rải rác khắp các chùa ở Bình Định.

Được biết, theo tác giả Thích Đồng Bổn, chủ biên bộ Tiểu sử danh tăng Việt Nam[7], ngài Bích Liên để lại các tác phẩm: (Những bài đăng trong TBA), Liên tông thập niệm yếu lãm, Tịnh độ huyền cảnh, Tây song ký, Tích lạc văn, Quy Sơn cảnh sách, Mông sơn thí thực khoa nghi. Các bài viết khác về sau, khi dẫn ra số lượng các tác phẩm của hòa thượng Bích Liên cũng không nhiều hơn. Song, Tây song ký, Tịnh độ huyền cảnh ta chưa thấy mặt mũi bao giờ. Tích lạc văn không biết là tác phẩm nào, phải chăng là Biện lạc văn mà chúng tôi sưu tầm được?

Thư mục về ngài Bích Liên được tác giả Lê Mạnh Thát công bố vào năm 2006 trong quyển Some experiences of the protection of the Buddhist culture in Viet Nam gồm 13 tác phẩm. Ngoài những tác phẩm được biết đến như trên, còn có: Tọa thiền chỉ quán hợp biên, Trùng tu Thập Tháp tự, Thăng tòa thuyết pháp tiên thân pháp ngữ quốc âm văn. Tác giả không mô tả thêm chi tiết gì nên ta chỉ biết đó là hai tác phẩm (chưa bao giờ thấy mặt) và một bài bi ký hiện còn tại Thập Tháp.

Các tác giả viết về ngài Bích Liên về sau cũng không cung cấp thêm được tác phẩm nào.

Từ những số liệu có được, chúng tôi tạm thời đưa ra một số thư tịch của hòa thượng Bích Liên tính đến thời điểm hiện nay.

TÁC PHẨM HÁN

  1. Liên Tôn yếu lãm toàn tập (sách in)
  2. Tịnh độ huyền cảnh[8] (theo Lê Mạnh Thát; DTVN)
  3. Tây song ký (theo Lê Mạnh Thát; DTVN)
  4. Tích lạc văn (theo DTVN)
  5. Tọa thiền chỉ quán hợp biên (theo Lê Mạnh Thát, nghe cái tên có vẻ như được viết bằng Hán văn?)
  6. Trùng tu Thập Tháp tự (lưu trữ tại chùa Thập Tháp, Bình Định)

TÁC PHẨM NÔM

  1. Mông sơn thí thực khoa diễn quốc âm (sách in)
  2. Tịnh độ văn diễn âm/Tịnh nghiệp văn diễn âm (sách in, sách chép tay, có đăng TBA)
  3. Kinh văn diễn âm toàn tập + Kinh văn diễn âm (sách chép tay, đăng gần đủ trên TBA)
  4. Huệ Hương am + Vĩnh Khánh ca vịnh tập (hai bản khác tên cùng nội dung, chép tay, đăng TBA)
  5. Trì tụng nghi thức (chép tay, một phần đăng trên TBA)
  6. Đại thừa duy thức luận tập (chép tay, đăng trọn vẹn TBA)
  7. Tiên Phật vấn đáp (chép tay, đăng trọn vẹn TBA)
  8. Cổ thi từ văn diễn âm (chép tay, đăng một phần trên TBA)
  9. Nguyên nhân thế giới bất bình tập (chép tay, đăng trọn vẹn trên TBTC)
  10. Thăng tòa thuyết pháp tiên thân pháp ngữ quốc âm văn (theo Lê Mạnh Thát)

TÁC PHẨM QUỐC NGỮ

  1. Bài chứng đạo ca diễn âm (TBA, 16 – 21)
  2. Pháp trường kỳ thọ giái (TBA, 33 – 39)
  3. Bàn về lý Tịnh độ (TBA, 35 – 40)
  4. Luận duy thức (TBA, 44 – 65. Có văn bản Nôm)
  5. Kinh Thủ lăng nghiêm (TBA, 54 – vài chục số)
  6. Luật sa di diễn nghĩa (TBA, 57 – 82, văn xuôi)
  7. Phật giáo nước Tàu + Phật giáo Tây Tạng (TBA, 105 – 111)
  8. Tu hành sự lý vấn đáp/Phật học vấn đáp (TBTC, 2 – 8)
  9. Nguyên nhân bất bình của hiện tượng thế giới (TBTC, 3 – 5. Có văn bản Nôm)
  10. Tam bảo ca (184 câu song thất lục bát)

CÁC TÁC PHẨM CHƯA XÁC ĐỊNH

  1. Điều lệ Hội Nam kì Nghiên cứu Phật học (Nôm)
  2. Biện lạc văn (Hán, chép tay)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRÊN BÁO

Trên TBA có các bài viết: Tiểu thuyết sám hối sanh về thiên đường (6), Phê bình (45), Pháp tịnh độ nay có hiện chứng (50 – 53), Tân thinh diễn tích Phật (53), Phật có pháp dễ tu dễ thành (55 – 57). Luận về sự đăng luật (65), Giải đáp hai điều khuyết nghi của ông Tâm Trai (68 – 69), Phúc biện cái hồn (85 – 86), Tại sao phải ăn chay (86), Luận mười hai pháp nhơn duyên. Trên Tam Bảo Tạp Chí có bài viết: Tin tức-mừng hay là lo (7). Đó là chưa kể đến những tác phẩm đã thất tán cũng như nhiều tác phẩm và bài viết với các bút hiệu khác, hoặc nhân danh tạp chí TBATBTC.

HÒA THƯỢNG CHÍ TÂM – NGƯỜI CÓ CÔNG SAO CHÉP LƯU GIỮ NHIỀU TÁC PHẨM HÁN NÔM QUÝ

Được viếng tịnh thất đức đệ tứ tăng thống Thích Huyền Quang tại Thiền viện Nguyên Thiều, nơi hành lễ của ngài, dưới tượng đức Bổn Sư thấy có ba vị hòa thượng được thờ từ trái qua phải: Trí Độ, Vĩnh Khánh và Bích Liên. Hai vị hai bên là những vị thầy lớn trong đời của ngài. Vị thờ chính giữa chính là thầy bổn sư của ngài, ngài Chí Tâm (1874 – 1936), húy Chơn Đạo, vốn là huynh đệ đồng môn với hòa thượng Bích Liên – Chơn Giám – Trí Hải.

So với hòa thượng Bích Liên, cái tên Vĩnh Khánh hầu như không mấy người biết đến, nó thậm chí còn không xuất hiện trong bộ Tiểu sử danh tăng Việt Nam. Người ta chỉ biết đến ngài nhờ đọc tiểu sử ngài Huyền Quang, đệ tử ngài. Tuy vậy ngài chính là người đã có những đóng góp rất lớn và gián tiếp, một cách âm thầm lặng lẽ. Ngài đã đứng ra tuyển thợ tổ chức khắc ván nhiều kinh sách, nhất là của hòa thượng Bích Liên, hàng trăm cặp đối như tranh vẽ của Bích Liên hầu như đều ghi Chí Tâm phụng/kính tạo. Theo những bô lão hiện còn ở Bình Định, đôi khi ngài còn là nghệ nhân trực tiếp o bế từng nét chữ. Ngài cũng đã chép tay hàng chục tác phẩm của ngài Bích Liên, không rõ mục đích để khắc bản, phổ biến hay vì mến mộ mà chép, chỉ biết rằng nhờ sự trân trọng của ngài đối với các trước tác của ngài Bích Liên mà những tác phẩm này mới tồn tại một cách tương đối đầy đủ đến ngày hôm nay.

Nhờ những bản chép tay nêu trên mà ngày nay ta còn giữ được nhiều văn bản Hán Nôm quý báu như Y lâm thái nghiệm của Nguyễn Thượng Hiền, gần 20 bản khoa cúng chép tay với số trang trên dưới 300. Theo những người lớn tuổi hiện còn ở Bình Định, ngài được cho là người rất am tường về y học và khoa cúng. Tiểu sử ngài Huyền Quang cho biết mục đích ban đầu ngài đến Vĩnh Khánh là để học Đông y với hòa thượng Chí Tâm. Phải chăng khả năng này có liên quan đến những tác phẩm ngài chép tay. Nếu như không tâm đắc am tường về những lĩnh vực ấy chắc có lẽ ngài đã không bỏ ra nhiều công sức để sao chép kĩ lưỡng đến như vậy! Những khoa cúng hầu như chỉ ghi Chí Tâm phụng tả/lục, nghĩa là kính cẩn chép lại nên gây ra nhiều giả thuyết. Vì không đề tác giả là ai nên ta không thể khẳng định là của ngài. Có thể là của ngài Hoằng Thạc, sư phụ của ngài chăng? Của ngài Hoằng Đàm anh em thúc bá của ngài? Của một bậc cao tăng ẩn danh nào khác? Hay là những khoa cúng lưu hành đương thời được ngài tập hợp lại? Không thể biết chính xác, chỉ biết rằng nhờ ngài mà ngày nay ta còn những áng văn hay, những tư liệu quý và đặc biệt chúng chắc chắn là một trong những nguồn mạch đã ảnh hưởng và tạo nên bản khoa cúng Pháp sự khoa nghi bất hủ và nổi tiếng của đệ tử ngài, ngài Huyền Quang.

Ngoài ra, ngài còn là tác giả của nhiều hoành phi, liễn đối còn được treo trân trọng trong nhiều chùa ở Bình Định.

Ngoài sự nghiệp đào tạo hậu bối và văn chương chữ nghĩa, qua Huệ Hương am ni cô tiểu sử, ta còn biết ngài còn là nhân vật chính đã trùng hưng ngôi tổ đình Vĩnh Khánh, làm ngôi già lam này hưng thịnh một thời và có ảnh hưởng rộng rãi đến quần chúng Phật tử trong tỉnh.

Chỉ riêng việc là bạn chí cốt của ngài Bích Liên và bổn sư ngài Huyền Quang cũng đủ xác lập một vị trí cho hòa thượng Chí Tâm. Nhưng trước đó chúng ta ít biết rằng ngài đã đóng góp cho Phật giáo rất lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ trực tiếp đến gián tiếp; từ những lĩnh vực nặng chất Phật như dạy kinh luật đến những hoạt động cận nhân tình như khắc ván, cúng đám, chữa bệnh..., ngài đều không quản khó nhọc dấn thân vào. Ngài có chân hội viên trong Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Nhắc đến những vị cao tăng đã góp công vào phong trào chấn hưng Phật giáo giai đoạn này thật là thiếu sót khi bỏ quên vị sư có công hạnh và vai trò đặc biệt như hòa thượng Chí Tâm.

KẾT

Tư liệu Hán Nôm chùa Vĩnh Khánh thuộc nhiều lĩnh vực Phật học, văn, sử, triết, khoa nghi, y học... nên có giá trị về nhiều mặt, cần nhiều người có chuyên môn gia công nghiên cứu. Chúng tôi chủ yếu làm công tác của người điểm thư tịch, với những nhận định bước đầu khó tránh khỏi sai sót, nhưng qua đó người đọc thấy được giá trị của tư liệu Hán Nôm Phật giáo.

Chúng tôi vẫn luôn trăn trở với một điều duy nhất là làm sao để mọi người cùng quan tâm và thấy được việc cần kíp phải có một chiến lược sưu tầm và bảo tồn tư liệu Hán Nôm Phật giáo. Chúng ta đã mất mát tư liệu quá nhiều vì thời gian, chiến tranh, thiên tai…. Ngày nay chúng ta lại mất thêm vì thiếu ý thức bảo quản và hậu quả của quá trình trùng tu chùa chiền diễn ra hầu như rộng khắp và đồng loạt. Ngay bây giờ không sưu tầm lưu giữ, chẳng biết đến bao giờ?

Vĩnh Khánh chỉ là một trong hàng trăm ngôi cổ tự có tư liệu đang chờ đợi công tác sưu tầm có chiến lược và tâm huyết của chúng ta. Trong lĩnh vực Hán Nôm Phật giáo ngày hôm nay, thiết nghĩ công việc sưu tầm và bảo tồn cần phải được ưu tiên hàng đầu.

Huệ Quang, mùa hạ năm Quý Tỵ, 2013

TKH

----------------------------

CHÚ THÍCH

(1) Chuyến đi này, trung tâm Huệ Quang có sáu thành viên tham gia: Không Hạnh, Tiến Phúc, Công Thịnh, Diệu Tinh, Tánh Thuần và Vương Thư. Sau khi “cấp trên” của hai chùa Huệ Quang và Thập Tháp trao đổi, đoàn chúng tôi được ở tại Thập Tháp để làm việc. Trong quá trình ở Thập Tháp, chúng tôi được hai thầy Nhật Hảo và Nhật Tâm tận tình giúp đỡ như người trong nhà, thêm vào mười mấy chú điệu phụ việc vệ sinh ván khắc... cho nên công tác thuận tiện nhiều bề. Nhân đây, chúng tôi xin kính lời tri ân đến hòa thượng Thích Viên Định trụ trì Thập Tháp, thượng tọa Thích Viên Kiên, Viên Quả, các thầy Nhật Tâm, Nhật Hảo, quý chú... đã tạo điều kiện và kết hợp làm việc nên công tác hoàn thành như mong muốn.

(2) Năm 2012, Thư viện Huệ Quang có tổ chức dập bản lại một số bộ ván khắc chùa Giác Viên, trong đó có bộ luật Nôm này.

(3) Cũng trong năm 2012, Thư viện Huệ Quang dập bản lại toàn bộ ván khắc chùa Trường Thọ. Trong đó có bộ Thỉ soạn thiền đường kiết hạ nghi tắc. Ván không còn đủ bộ.

(4) Chưa hiểu rõ ý 4 chữ này nên để nguyên văn.

(5) Xem Lê Mạnh Thát, Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tập I, Nxb. Tổng Hợp TP. HCM, 2005.

(6) Hai chữ “quá đường” trong sách gốc có bộ thực 食 phía trước.

(7) Thích Đồng Bổn, Tiểu sử danh tăng Việt Nam, Nxb. TP. HCM, 1995, 2 tập.

(8) Gạch chân những tác phẩm chúng tôi chưa sưu tầm được/chưa thấy.

CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài