Chữ Bát

Chữ Bát
BÁT 鉢

Chữ 鉢 là một chữ thuộc dạng Hình thanh, sách Quảng Vận《廣韻》chép phiên thiết của chữ này là Bắc mạt thiết 北末切, cho âm đọc Hán Việt là “bát”. Với hình dạng kết hợp giữa hai chữ gồm 金 và 本. Bộ Kim 金 bên trái thể hiện cho ý nghĩa, bát có chất liệu cấu tạo từ kim loại; chữ Bản 本 bên phải biểu thị cho âm đọc của bát. Bát nguồn gốc từ phiên âm tiếng Phạn là Pātra (पात्र): Bát Đa La 鉢多羅 được rút gọn và trở thành Bát cho đến ngày hôm nay. Bát được dịch nghĩa là 應量器 Ứng lượng khí: Dụng cụ chứa đựng vừa đủ, để chỉ dụng cụ đựng thức ăn của chư tăng. Dẫn theo sách Chính Tự Thông phần Kim bộ《正字通·金部》thì: Bát 鉢 trong sách Thuyết Văn《說文》vốn viết là 盋, nay viết là 鉢, xưa thì viết là 缽, vì thế chữ 鉢 này cũng là một chữ dị thể của 缽. Hoặc có thuyết, tùy vào chất liệu cấu tạo mà bộ thủ của Bát cũng thay đổi, có hai dạng là Bát 缽 (bộ Phẫu 缶) dùng đất nung chế thành và Bát 鉢 (bộ Kim 金) dùng kim loại chế thành.

Trong Phật giáo, Y 衣 và Bát 鉢 là hai vật vô cùng quan trọng mà một vị tỳ-kheo không bao giờ được rời xa. Đây là hai vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt thường ngày, Y là y Ca Sa 袈裟 (trước đây chúng tôi đã từ giới thiệu) dùng để che thân và Bát là dụng cụ để dựng thức ăn khất thực được. Trải qua dòng chảy lâu dài của lịch sử, theo từng quốc độ và phong tục khác nhau mà bát dần có những hình dạng và chất liệu khác nhau, nhưng vẫn không rời xa khuôn khổ một vật đựng thức ăn mà đức Phật đã quy định trong giới luật. Theo Phật Quang Đại Từ Điển tùy theo chất liệu mà bát cũng có các tên gọi khác nhau như: Thiết bát 鐵鉢: bát bằng sắt; Ngõa bát 瓦鉢: bát sành; Nê bát 泥鉢: bát làm từ bùn; Thổ bát 土鉢: bát bằng đất; Túi đựng bát gọi là Bát nang 鉢囊, Bát đại 鉢袋; Cái đế để giữ bát không bị nghiêng gọi là Bát chi 鉢支; Bát của đức Phật được làm bằng đá và chỉ có Phật mới được dùng bát đá gọi là Phật bát 佛鉢 hay Thạch bát 石鉢. Trong Tứ phần luật hàm chú giới bổn quy định tuyệt đối chư Tăng không sử dụng bát bằng vàng, bạc hay ngọc quý thậm chí là chỉ sử dụng một bát duy nhất và không được giữ bát dư quá mười ngày. Và khi nào trên bát bị rạn nứt ít hơn hoặc bằng năm chỗ gây chảy rỉ nhiều hoặc vỡ mà không còn vá được thì được phép đổi bát mới.

Với một đời sống thanh tịnh và bình dị theo tinh thần xuất trần thượng sĩ, bài kệ bốn câu được cho là của Bố Đại Hòa thượng 布袋和尚 đã khiến bao người phải suy tư và dụng tâm cảm nhận niềm vui pháp lạc đầy ý vị thiền cơ và khiến cho người đời có một cái nhìn toàn diện và rõ ràng hơn về đời sống phạm hạnh của một bậc Tỳ Kheo chân chánh:

Nguyên văn:
一鉢千家飯,
孤身萬里遊。
青目睹人少,
問路白雲頭。

Phiên âm:
Nhất bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du,
Thanh mục đổ nhân thiểu,
Vấn lộ bạch vân đầu.

Như Hạnh dịch:
Một bát cơm ngàn nhà,
Thân chơi muôn dặm xa,
Mắt xanh xem trần thế,
Mây trắng hỏi đường qua.

Tài liệu tham khảo:
1. 顾建平,汉字图解字典,中国出版集团,2008.
2. 漢典,鉢,Truy xuất từ: https://www.zdic.net/hans/%E9%89%A2. (Ngày truy cập 09/02/2025).
3. 中華民國教育部, 異體字字典 - 鉢, Truy xuất từ: https://dict.variants.moe.edu.tw/dictView.jsp?ID=34234. (Ngày truy cập 09/02/2025).
4. Chang Chen-chi, Thiền Đạo Tu Tập, Như Hạnh dịch, Nxb. Hồng Đức, 2017.
5. Phật Quang Đại Tạng Kinh Biên Tu Ủy Viên Hội, Phật Quang Đại Từ Điển (Tập 1), Sa-môn Thích Quảng Độ dịch, Nxb. Phương Đông, 2014.
6. Thích Đạo Tuyên, Tứ Phần Luật Hàm Chú Giới Bổn, Thích Minh Phước dịch, Nxb. Tôn giáo, 2006.
7. Thích Thiện Phước, Nghi Thức Lễ Giáo (Tập 7), Nxb. Hồng Đức. 
CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoChữ Nhạc
Bài viết trướcChữ Thi

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài