CỔ 鼓
Chữ 鼓 là một chữ thuộc dạng Hội ý, sách Đường Vận《唐韻》chép phiên thiết của chữ này là Công hộ thiết 工户切, cho âm đọc Hán Việt là “cổ”. Chữ “cổ” đã xuất hiện từ sớm trong lịch sử chữ viết Trung Quốc, được phát hiện trên Giáp cốt văn với hình dạng kết hợp giữa hai chữ gồm: Chữ Trú 壴 bên trái và chữ Chi 支 bên phải. Chữ Trú 壴 vốn dùng để thể hiện hình ảnh cái trống, chữ Chi 支 biểu thị cánh tay người cầm một cái dùi đánh vào trống. Nghĩa gốc của Cổ 鼓 (Danh từ) là một loại nhạc cụ thuộc bộ gõ, ta thường gọi là Trống; về phần Động từ thì nghĩa của chữ này là động tác gõ, gảy, vỗ hay đánh thường gặp trong các từ như Cổ cầm 鼓琴: Đánh/gảy đàn; Cổ phúc 鼓腹: Vỗ bụng; Cổ bồn 鼓盆: Gõ chậu sành;...
Trống là một loại nhạc khí xuất hiện khá sớm và phổ biến trên toàn thế giới, tùy theo các dân tộc và vùng văn hóa khác nhau thì trống xuất hiện dưới hình dạng lớn nhỏ khác nhau, xét về mặt cơ bản thì nó cũng có chung những nét tương đồng đáng kể từ chất liệu (làm bằng đá, kim loại hoặc da động vật) đến hình dáng (hình trụ rỗng ruột được bịt hai đầu) và cách sử dụng (đánh bằng tay, đánh bằng dùi hoặc lắc). Trống được sử dụng vào lúc thực hiện các nghi lễ tôn giáo, âm nhạc giải trí và quân sự. Riêng ở Việt Nam, nhạc cụ này có lẽ đã xuất hiện từ thời kỳ Hùng vương trị vì. Hiện vật tiêu biểu nhất, thường được nhắc đến chính là Trống đồng Đông Sơn.
Trong nền âm nhạc Việt Nam, trống còn xuất hiện dưới nhiều hình dạng như trống cái, trống đại, trống đế (trống chầu), trống cơm,... được sử dụng vào các nghi lễ cúng tế ở các nơi thờ tự, hoặc phối hợp với các nhạc cụ khác ở những buổi biểu diễn, diễn xướng dân gian như tuồng chèo, hát bội, cải lương...
Trong Phật giáo, trống nhiều lần được sử dụng làm ví dụ bởi tiếng vang lớn, thể hiện pháp âm quảng đại rộng rãi vang xa khắp các cõi, cổ vũ tinh thần tinh tấn dấn thân hành đạo, biểu thị sự cao quý của bậc thánh... thường xuất hiện nhiều ở các kinh điển Bắc truyền, tiêu biểu như: “Phẩm thứ tư: Mộng thấy trống vàng phát tâm sám hối” (夢見金鼓懺悔品第四 - Mộng kiến kim cổ sám hối phẩm đệ tứ) trong Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh 《金光明最勝王經》 bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh 義淨 (635-713); Các ví dụ xuất hiện trong Kinh Pháp Hoa《法華經》bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập 鳩摩羅什 (344 - 413); Kinh Lăng Nghiêm 《楞嚴經》 do ngài Bát-lạt-mật-đế 般剌密帝 (? - ?) dịch cùng nhiều Kinh điển, Luật và Luận khác.
Ảnh: Trống nhỏ tổ đình Thập Tháp
Ngoài ra trống còn được sử dụng như một pháp khí trong các nghi lễ tán tụng hoặc dùng để báo hiệu, trong sách Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy《敕修百丈清規》có kể tên các loại trống và công dụng của từng loại tiêu biểu như:
- Loại trống lớn đặt trong chánh điện gọi là Đại pháp cổ 大法鼓, sử dụng kết hợp với Đại hồng chung 大洪鐘. Ở Việt Nam đánh theo nghi thức 3 hồi 4 tiếng của chuông trống Bát-nhã, dùng để cung thỉnh chư Phật, Bồ-tát và Thánh chúng hoặc chư tôn đức Trưởng lão Tăng Ni nhị bộ quang lâm bổn tự trước các buổi lễ sám hối hay các lễ lớn như Đại Giới Đàn, Phật Đản, Vu Lan,... của Phật giáo.
- Loại trống nhỏ hơn đặt trong chánh điện gọi là Pháp cổ 法鼓, được đánh để báo hiệu khi vị Sư trưởng (Trụ trì) sắp lên tòa thuyết pháp, tiểu tham, phổ thuyết, nhập thất. Ở Việt Nam thường dùng đánh lên để tụng các bài kệ tán trong các thời công phu chiều, công phu khuya.
- Loại trống nhỏ dùng để đánh báo hiệu khi uống trà được gọi là Trà cổ 茶鼓.
- Loại trống nhỏ đánh báo hiệu lúc chư tăng thọ trai được gọi là Trai cổ 齊鼓, thường đặt ở Trai đường hoặc trước nhà bếp.
- Loại trống nhỏ đánh để tập hợp tăng chúng gọi là Phổ thỉnh cổ 普請鼓.
- Loại trống nhỏ đánh để báo hiệu các canh giờ gọi là Canh cổ 更鼓, ở Việt Nam thường dùng để báo hiệu giờ thức dậy, hoặc các thời khóa của chư tăng.
- Loại trống nhỏ dùng để báo hiệu giờ đi tắm gọi là Dục cổ 浴鼓.
Hiện tại, ở Việt Nam chỉ còn sử dụng Đại pháp cổ và Pháp cổ, trừ Đại pháp cổ các loại trống nhỏ khác đều được tinh giảm và chỉ dùng một Pháp cổ thay thế cho toàn bộ. Hoặc sử dụng chuông nhỏ, khánh thay thế cho vài loại trống nhỏ để báo chúng. Ở Tây Tạng, Nepal,... còn sử dụng một loại trống lắc cầm tay dùng trong nghi lễ tán tụng của Mật tông được gọi là Trống Chod.
Ảnh: Trống và chuông nhỏ tổ đình Thập Tháp
Không chỉ Phật giáo sử dụng trống làm pháp khí mà cả ở Nho giáo, Đạo giáo, Thần đạo và một số tôn giáo khác cũng sử dụng trống trong các nghi lễ của mình. Với âm thanh vang vọng, theo sự dụng lực của tay mà các âm thanh trầm bổng phát khởi, khiến lòng người trở nên phấn khởi và kiên định. Trống là một pháp khí và cũng là một nhạc cụ tối quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người.
Mong bạn đọc có thể chia sẻ thêm về các loại trống tại Việt Nam và nó được sử dụng trong các dịp nào?
Chú thích:
[1] Trong Kinh Thi《詩經》bài “Lộc Minh” 《鹿鳴》 thứ 3 có câu “鼓瑟鼓琴, 和樂且湛” Cổ sắt cổ cầm, Hòa lạc thả đam: Gảy đàn sắt đánh đàn cầm, Cùng vui hòa thỏa thích.
[2] Trong Chương “Mã Đề“《馬蹄》sách Trang Tử Nam Hoa Kinh《莊子南華經》có câu “含哺而熙, 鼓腹而遊” Hàm bộ nhi hi, cổ phúc nhi du: Ăn no mà vui, vỗ bụng đi chơi.
[3] Cũng trong sách Trang Tử Nam Hoa Kinh《莊子南華經》chương “Chí Lạc”《至樂》 có câu “莊子則方箕踞, 鼓盆而歌” Trang Tử tắc phương ki cứ, cổ bồn nhi ca: Trang Tử đang ngồi xoạc chân, gõ chậu sành mà hát.
Các tài liệu tham khảo:
- 顾建平,汉字图解字典,中国出版集团,2008.
- 漢典,鼓,Truy xuất từ https://www.zdic.net/hans/%E9%BC%93. (Ngày truy cập 27/12/2024).
- Chu Hy, Thi Kinh Tập Truyện (Kinh Thi), Tạ Quang Phát dịch, Nxb. Văn học, 2004.
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Thích Trí Tịnh dịch, Nxb. Tôn giáo, 2022.
- Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, Thích Trí Quang dịch, Nxb. Tôn giáo, 2020.
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Tâm Minh dịch, Nxb. Tôn giáo, 2012.
- Thích Thiện Phước, Nghi Thức Lễ Giáo (Tập 6), Nxb. Hồng Đức.
- Thiền sư Đức Sơn trùng biên, Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng dịch, Nxb. Phương Đông, 2008.
- Trang Tử Nam Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb. VH-TT, 1994.