Chữ Đạc

Chữ Đạc
ĐẠC 鐸

Chữ 鐸 là một chữ thuộc dạng Hình thanh, sách Đường Vận《唐韻》chép phiên thiết của chữ này là Đãi các thiết 待各切, cho âm đọc Hán Việt là “đạc”. Hiện tại chưa tìm thấy chữ đạc được viết bằng Giáp cốt văn, chỉ thấy chữ đạc xuất hiện sớm nhất là trên Kim văn vào buổi đầu thời Chiến Quốc 戰國早期金文. Với hình dạng kết hợp giữa hai chữ gồm 金 và 睪. Bộ Kim 金 bên trái thể hiện cho ý nghĩa, đạc có chất liệu cấu tạo từ kim loại; chữ 睪 [âm đọc là Dịch] bên phải biểu thị cho âm đọc của đạc (2 chữ 睪 và 鐸 ở thời thượng cổ có cùng âm đọc với nhau). Đạc vốn dùng để chỉ một loại nhạc khí thuộc bộ gõ, tương tự như Linh 鈴, nhưng có kích thước lớn hơn. Linh là một loại chuông nhỏ có hình chóp cụt đứng và đáy tròn, có cán cầm tay, có lưỡi bên trong, khi rung lắc thì phần lưỡi bên trong va chạm vào thành kim loại bên ngoài phát ra âm thanh.

Tùy vào chất liệu của phần lưỡi trong đạc mà có tên gọi và chức năng khác nhau:
- Phần lưỡi đạc được làm từ kim loại được gọi là Kim đạc 金鐸, có chức năng và công dụng tương tự như Linh 鈴, vào thời cổ đại được sử dụng nhằm mục đích thông báo như dùng để báo hiệu hay cảnh báo trong quân lệnh, hoặc trước khi tuyên bố một vấn đề về chính trị hay pháp lệnh thì rung lên. Hiện nay, linh và đạc chủ yếu được sử dụng trong nghi lễ tán tụng của tôn giáo, thường được gọi chung là linh đạc 鈴鐸, ở Việt Nam xuất hiện trong các bài tán lễ, cúng thí thực, trai đàn chẩn tế (bạt độ),... kết hợp với các pháp khí khác để hòa tấu tạo thành âm tiết có nhịp điệu hài hòa trong xướng tụng.
 


- Phần lưỡi đạc được làm từ gỗ được gọi là Mộc đạc 木鐸, sách Ngọc Thiên phần Kim bộ 《玉篇.金部》cho biết: Đạc dùng để tuyên truyền hiệu lệnh, việc văn thì dùng Mộc đạc, việc võ thì dùng Kim đạc (鐸,所以宣教令,文事木鐸,武事金鐸: Đạc, sở dĩ tuyên giáo lệnh, văn sự Mộc đạc, võ sự Kim đạc). Âm thanh của đạc phụ thuộc vào phần lưỡi đạc làm từ chất liệu gì, vì vậy mà người ta có thể phân biệt được. Ngoài ra, ở Việt Nam thường gọi Mộc đạc là mõ. Mõ có hình dáng cấu tạo là hình cầu dẹt khác xa với nguyên bản của đạc, mõ được làm từ nhiều chất liệu khác nhau nhưng không dùng kim loại. Mõ không có phần lưỡi bên trong, rỗng ruột khoét theo hình lòng máng, có tay cầm nhưng không rung lắc mà dùng dùi đánh vào phát ra âm thanh. Mõ có kích thước to nhỏ không đồng đều, tùy vào chất liệu, kích thước và độ rỗng của ruột mà có các âm hưởng khác nhau.

Tùy vào vật liệu cấu tạo và chức năng của mõ mà được chia ra làm các loại sau:

+ Mõ làm từ gỗ còn được gọi là mõ chùa (hình cầu dẹt), mõ đình ở Nam bộ và mõ làng ở Bắc – Trung bộ (hình trụ nằm ngang) được dùng trong các nghi lễ, thông báo hoặc diễn xướng.

+ Mõ làm từ gốc tre (hình bán nguyệt), thân tre (hình trụ nằm ngang) có dây để đeo vào cổ, được gọi là mõ tre (dùng để báo hiệu), mõ trâu (dùng để buộc vào cổ trâu tạo tiếng động tránh bị lạc).

+ Mõ làm từ sừng trâu được gọi là mõ sừng trâu, được các đồng bào dân tộc sử dụng.

Trong đó mõ chùa còn được gọi là Mộc ngư 木魚 vì được chạm khắc theo hình dạng của con cá hoặc các hoa văn như vảy cá, đầu cá trên thân mõ và phần tay cầm. Theo Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy viết: “Có truyền thuyết cho rằng loài cá đêm ngày thường tỉnh thức, cho nên chạm khắc hình cá vào gỗ để đánh thì sẽ cảnh tỉnh được sự hôn trầm và lười biếng”. Vì có thể người xưa để ý rằng loài cá không bao giờ nhắm mắt đến cả khi ngủ cũng mở mắt nên tạo thành thuyết trên (Nhưng thật ra do bởi cá không có mí mắt).

Trong nghi lễ tán tụng của tôn giáo, mõ là một pháp khí vô cùng quan trọng không thể thiếu. Đối với Phật giáo, mõ xuất hiện trong toàn bộ các nghi thức bái sám, lễ tán kết hợp với các pháp khí khác tạo thành những âm điệu trầm bổng giòn giã, phụ đệm cho tiếng tụng kinh niệm Phật của đại chúng theo một nhịp điệu nhanh, chậm dưới sự hướng dẫn của vị Duy Na [1] một cách hài hòa.

Trong nền văn học của nước nhà, ắt hẳn chúng ta không thể nào quên được bài thơ “Vịnh thằng mõ” 咏倘楳 nổi tiếng được cho là của Lê Thánh Tông 黎聖宗 (1442 – 1497):

Mõ này cả tiếng lại dài hơi,
Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi!
Mộc đạc vang lừng trong mấy cõi,
Kim thanh chuyển động khắp đôi nơi.
Trẻ già chốn chốn đều nghe hiệu,
Làng nước ai ai cũng cứ lời.
Thứ bậc dưới trên, quyền cắt đặt,
Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi.

Chú thích:
[1] Duy Na 維那 chỉ cho vị tăng giữ chức vụ trông coi quản lý công việc của Tăng chúng tại chùa, ở Việt Nam hiện nay chủ yếu chỉ vị tăng trông coi việc ở chánh điện và đảm nhiệm phần đánh mõ trong các buổi lễ tán tụng vào các thời khóa.

Tài liệu tham khảo:

1. 漢典,鐸,Truy xuất từ: https://www.zdic.net/hans/%E9%90%B8. (Ngày truy cập 07/02/2025).

2. 中華民國教育部, 異體字字典 - 鐸, Truy xuất từ: https://dict.variants.moe.edu.tw/dictView.jsp?ID=47668. (Ngày truy cập 07/02/2025).

3. Từ điển Phật học Online, Duy Na, Truy xuất từ: https://phatgiao.org.vn/tu-dien-phat.../duy-na-k32498.html. (Ngày truy cập 07/02/2025).

4. Thi Viện, “Vịnh Thằng Mõ”, Truy xuất từ: https://www.thivien.net/.../poem-pgNtz4huHPxMuZ6B0YShQA. (Ngày truy cập 07/02/2025).

5. Thích Thiện Phước, Nghi Thức Lễ Giáo (Tập 6), Nxb. Hồng Đức.

6. Thiền sư Bách Trượng (biên soạn), Thiền sư Đức Huy (trùng biên), Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng (dịch), Nxb. Phương Đông, 2008. 
CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoChữ Thi
Bài viết trướcChữ Lễ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài