Dịch 易
Chữ Dịch đã xuất hiện vào thời Giáp cốt văn. Về tự hình của chữ Dịch vốn có rất nhiều thuyết bàn về nó.
Thuyết thứ nhất xuất phát từ Thuyết văn giải tự, về sau cũng được Lý Thời Trân đồng tình: Trong sách Thuyết văn chép: 蜥易,蝘蜓,守宮也,象形。《祕書》說:日月爲易,象陰陽也。一曰从勿。Tức: Chữ Dịch dùng để chỉ con thằn lằn (cổ văn dùng các từ như “tích dịch”, “yển đình” và “thủ cung” để chỉ loài này) thuộc loại tượng hình. Bí thư chép: mặt trời và mặt trăng tạo thành 易, tượng trưng cho âm dương. Có thuyết khác nói rằng chữ 易 thuộc bộ勿 [1].
Thuyết thứ 2 cũng đã được Hứa Thận dẫn lại bên trên từ sách Bí thư, cho rằng Dịch là hội ý bởi Nhật và Nguyệt vốn tượng trưng cho âm dương sinh hóa, điều này về sau thường được các nhà Lão học và Dịch học đồng tình, chẳng hạn như Ngu Phiên khi chú Tham Đồng Khế của Ngụy Bá Dương đã đề cập đến nó.
Thuyết thứ 3 do các nhà văn tự học hiện đại đưa ra: Trong giáp cốt văn và kim văn, chữ 易 do chữ 益 giản hóa mà thành, chữ 益 có hình dáng tượng trưng vật dụng chứa đầy nước. Chữ 易 giản lược đi ba chấm thủy và phần cán của bình đựng. Ban thưởng tức giúp người nhận tăng thêm (tăng thêm là nghĩa của chữ “ích”) tài của. Bởi vì vậy từ chữ 益 phân hóa ra chữ 易(cứ theo Quách Mạt Nhược), mà易 là cổ tự của chữ 賜, vốn có nghĩa là ban tặng [2].
Thuyết thứ 4 cho rằng chữ Dịch là giả tá cận âm của chữ Hích 覡, dùng để chỉ một chức quan trong coi việc bói cỏ Thi. Thuyết này đã được Phan Văn Các dẫn lại theo Chu Tuấn Thanh trong Tạp chí Hán Nôm số 7 tháng 2 năm 1989.
Theo sách Tìm về cội nguồn chữ Hán giải thích: Dịch là chữ gốc của 蜴. Thuyết văn giải thích: Dịch là con thằn lằn. Trong Kim văn thường mượn để chỉ 賜 tứ (nghĩa là ban phát, thường viết thành 锡). Về sau lại mượn chỉ nghĩa “cải biến”, “biến hoán”, “giao dịch” [3]. Quý độc giả còn biết thuyết nào về chữ cấu tạo của chữ dịch có thể đóng góp để xây dựng cùng chúng tôi.
Ngoài ra, chữ 易 còn có một số nghĩa như: Trao đổi, đổi. Như: mậu dịch 貿易, dĩ vật dịch vật 以物易物. [4]. Các thẻ tre được tìm thấy ở Quách Điếm, Thanh Hoa (Quách Điếm giản và Thanh Hoa giản) cho thấy ở thời Chiến Quốc chữ Dịch đã dùng với nghĩa là biến đổi, hoặc có thể là dùng để chỉ Chu Dịch.
Lại nói thêm về Chu Dịch, đây vốn là một trong ba bộ sách bói toán thời cổ đại, cùng với Liên Sơn 連山 và Quy Tàng歸蔵 được gọi là Tam Dịch 三易. Liên Sơn và Quy Tàng đã thất truyền, chỉ còn lại Chu Dịch, nên tên gọi Kinh Dịch 易經 trong ngũ kinh chính là để chỉ Chu Dịch. Ở một số thời đại, Dịch còn được gọi là “quần kinh chi thủ” (đứng đầu các kinh của Nho gia). Bàn về bản chất của Dịch lại có nhiều thuyết, có dịp sẽ đề cập thêm. Về độ phổ biến, cả Nho gia và Đạo gia đều xem Dịch là một quyển sách quan trọng, nó chi phối đến phần lớn tư duy của người Hán và các nước Á Đông khác như Việt Nam, Nhật và Hàn.
Trong Luận Ngữ 論語, thiên “Thuật nhi” 述而 có chép lời của Khổng tử rằng: Gia ngã sổ niên, ngũ thập dĩ học Dịch, khả dĩ vô đại quá hĩ (加我數年,五十以學易, 可以無大過矣.) Cho ta sống thêm vài năm nữa, đến năm mươi tuổi thì ta học Dịch, như thế sẽ không phạm vào lỗi lớn.[5]
Tài liệu tham khảo:
[1] Hứa Thận, Thuyết văn giải tự chân bản, “Quyển 9”, Bản scan từ bản của Đại học Waseda lưu giữ
[2] 漢語多功能字庫, 易, Truy xuất từ: https://humanum.arts.cuhk.edu.hk
[3] Lý Lạc Nghị, Tìm về cội nguồn chữ Hán, Nxb. Thế Giới, 1997, trang 145
[4] Từ điển trích dẫn, 易, Truy xuất từ: hvdic.thivien.net
[5] Dương Bá Tuấn (chú giải), Ngô Trần Trung Nghĩa (dịch), Luận ngữ chú giải. Nxb. Văn Học, 2019, trang 157.