Hàn 寒
Hàn 寒 là một chữ thuộc nhóm chữ hội ý 会意. Theo tìm hiểu, chữ 寒 hiện tại chưa được tìm thấy trên Giáp cốt văn. Qua tra cứu, thời kì được cho chữ 寒 xuất hiện sớm nhất là Kim văn.
Trong Kim văn, chữ 寒 được thêm hai nét ngang ngắn, về sau trong Tiểu triện được thay thế bằng bộ 仌 “băng”, để nhấn mạnh sự giá lạnh.
Sách Tìm Về Cội Nguồn Chữ Hán có giải thích chữ 寒 rằng: Trong nhà có người chân trần đứng trên hai miếng băng chứng tỏ thời tiết rất lạnh. Xung quanh nhà có sưởi ấm, nhưng không có cách nào tránh lạnh. [1]
Sách Thuyết văn giải tự có giải thích chữ 寒 là: 凍也。从人在宀下,以茻薦覆之,下有仌。Chữ 寒 có nghĩa là lạnh cóng. Cấu tạo chữ gồm người 人 “nhân” ở dưới mái nhà 宀 “miên”, được đám cỏ 茻 “mãng” phủ lên, bên dưới có bộ 仌 “băng” lạnh lẽo. [2]
Ngoài ra, chữ 寒 còn có một số nghĩa khác như: Cùng quẫn, như nhất hàn chí thử 一寒至此 cùng quẫn đến thế ư! Học trò nghèo gọi là hàn sĩ 寒士, ai nghèo túng mùa rét cũng không đủ áo ấm, nên nói đến chữ hàn là biết ngay là nghèo khổ túng đói vậy; Thôi, như hàn minh 寒盟 tiêu hết lời thề; Run sợ, như hàn tâm 寒心 ghê lòng. [3]
Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, phần Kinh Kha truyện, có chép hai câu thơ, mà cái hàn lạnh trong đó, vô cùng hay, đến nay vẫn còn làm nhiều độc giả yêu thích. [4]
風蕭蕭兮,易水寒,
壯士一去兮,不復還。
Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn,
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn.
Gió hiu hắt, chừ, Dịch Thủy lạnh ghê!
Tráng sĩ ra đi chừ không bao giờ về!
Thư viện mong nhận được nhiều kiến giải khác về chữ Hàn 寒 từ bạn đọc!
[1] Lý Lạc Nghị, Tìm về cội nguồn chữ Hán, Nxb. Thế giới, 1997, trang 248
[2] Hứa Thận, Thuyết văn giải tự chân bản, “Quyển 7 - Hạ”, Bản scan từ bản của Đại học Waseda lưu giữ.
[3] Thiều Chửu, Hán Việt Tự điển, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2009, trang 177
[4] Tư Mã Thiên, Sử Ký, Thích khách liệt truyện, (Phan Ngọc dịch), Nxb. Văn học, năm 2007, trang 479