KHÁNH 磬
Chữ 磬 là một chữ thuộc dạng Hội ý, sách Đường Vận《唐韻》chép phiên thiết của chữ này là Khổ định thiết 苦定切, cho âm đọc Hán Việt là “khánh”. Trong Giáp cốt văn và Kim văn chữ “khánh” vốn là chữ 殸, thể hiện hình ảnh của một cánh tay cầm một cái dùi đánh vào khánh. Từ Triện văn trở về sau, chữ 殸 kết hợp thêm bộ thạch 石 ở phía dưới, biểu thị chất liệu của nhạc khí này, và chữ khánh 磬 này thông dụng cho đến ngày hôm nay. Nghĩa gốc của chữ khánh dùng để chỉ một loại nhạc khí thời cổ đại, có hình dạng như cái thước cong, có thể treo trên giá, dùng dùi đánh vào phát ra âm thanh và được làm bằng đá hoặc ngọc quý. Về sau trong chốn Thiền môn, các vị tăng, ni thường sử dụng khánh làm một pháp khí dùng trong nghi lễ tán tụng hoặc để báo hiệu thời khóa, tập hợp chư Tăng. Chất liệu cũng có thay đổi, dùng đồng, thiếc hoặc gỗ để tạo thành.
Giáp cốt văn Triện văn
Khánh là một loại nhạc khí thuộc bộ gõ, dùng dùi gỗ đánh vào để phát ra âm thanh, có chức năng và được sử dụng cũng tương tự như trống. Thường được dùng nhiều trong các nghi lễ cúng tế và âm nhạc giải trí.
Tùy theo chất liệu chế tạo và chức năng sử dụng mà khánh có các tên gọi khác nhau, có thể kể ra một số tiêu biểu như:
Các loại khánh có chức năng trong biểu diễn âm nhạc (Nhạc khánh 樂磬):
- Kim khánh 金磬: Khánh làm từ vàng.
- Ngọc khánh 玉磬: Khánh làm bằng ngọc
- Đồng khánh 銅磬: Khánh làm bằng đồng.
- Thiết khánh 鐡磬: Khánh làm bằng thiết.
- Đặc khánh 特磬: Là tên gọi riêng biệt của khánh ở một số địa phương.
- Biên khánh 編磬: Là một tổ hợp nhạc cụ gồm 16 cái khánh kết hợp, được treo trên khung gỗ có hai tầng và sử dụng dùi để gõ vào, mỗi cái khánh có một âm thanh riêng biệt, kết hợp tạo thành âm nhạc du dương trầm bổng hài hòa. Được sử dụng trong lễ nhạc cung đình ở Trung Quốc và Triều Tiên.
Khánh được sử dụng trong chốn Thiền môn được gọi là Pháp khánh 法磬 hay Tăng khánh 僧磬. Có hình dạng như cái bát, dùng dùi để đánh và có đế lót không treo trên giàn, hoàn toàn khác biệt so với nhạc khánh. Ở Việt Nam khánh dùng trong tán tụng còn được gọi là chuông gia trì. Theo thầy Thích Thiện Phước trong sách Lễ Nghi Phật Giáo, khánh dùng trong các tự viện có ba loại sau:
- Khánh tròn: Hay còn gọi là Đại khánh 大磬, có hình dáng như cái bát, dùng đồng, vàng, đá đúc thành. Thường đặt ở Chánh điện và Tổ đường, phối hợp với mõ trong tán tụng. Khi đánh lên để điều hòa tiết tấu âm điệu và báo hiệu cho đại chúng lễ Phật hay kết thúc một bài chú, một đoạn kinh văn, một danh hiệu Phật hoặc Bồ Tát. Tạo một cảm giác an nhiên, bình thản và phấn chấn tinh thần.
- Khánh dẹp: Hình dạng như đám mây (Vân khánh 雲磬), dùng đá hoặc kim loại đúc thành. Thường treo bên ngoài, đánh để báo hiệu thời khóa, thông báo tập họp đại chúng.
- Khánh tay: Có tên khác là Dẫn khánh 引磬, hình bán cầu dùng đồng đúc thành, ở dưới đáy có khoan lỗ gắn cán (bằng đồng hoặc gỗ), dùng thanh bằng kim loại hoặc gỗ để gõ. Kết hợp với mõ để hướng dẫn dùng trong các bài tán lễ bái Tam bảo, sám nguyện, kinh hành niệm Phật, tự quy y,... Tạo cho người nghe cảm nhận được các tiết tấu âm điệu hài hòa.
Đây là một pháp khí quan trọng trong Phật giáo, được sử dụng thường xuyên trong các buổi lễ tán tụng. Tương tự như trống, khánh cũng được sử dụng trong rất nhiều các nghi lễ thuộc các tôn giáo khác nhau. Khi đến chùa âm thanh của khánh ngân vang cảnh tỉnh tâm hồn, khiến người nghe có cảm giác lòng mình trở nên bình thản nhẹ nhàng, buông bỏ bớt muộn phiền ưu tư nơi trần thế, hướng tâm mình về chốn Thiền môn thanh tịnh, trang nghiêm.
Sáu câu cuối trong bài “Phạn Phúc Phủ sơn tăng” 飯覆釜山僧 của Thi Phật Vương Duy có nhắc đến tiếng “khánh”, là:
燃燈晝欲盡
鳴磬夜方初
一悟寂為樂
此生閑有餘
思歸何必深
身世猶空虛
Phiên âm:
Nhiên đăng trú dục tận
Minh khánh dạ phương sơ
Nhất ngộ tịch vi lạc
Thử sinh nhàn hữu dư
Tư quy hà tất thâm
Thân thế do không hư
Dịch nghĩa:
Thắp đèn khi ban ngày sắp tắt,
Gõ khánh khi đêm sắp buông màn.
Một khi đã ngộ thì tịch diệt chính là niềm vui,
Đời này thong dong đã dư thừa.
Ngẫm rằng cần gì phải quy ẩn nơi xa,
Thân thể và thế gian chỉ tựa hư không thôi.
Tài liệu tham khảo:
- 顾建平,《汉字图解字典》,中国出版集团,2008.
- 漢典,磬,Truy xuất từ https://www.zdic.net/hans/%E7%A3%AC. (Ngày truy cập 30/12/2024).
- Thích Thiện Phước, Nghi Thức Lễ Giáo (Tập 6), Nxb. Hồng Đức.
- Thiền sư Đức Sơn trùng biên, Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng dịch, Nxb. Phương Đông, 2008.