Chữ Mạo

Chữ Mạo

MẠO 帽

Chữ 帽 là một chữ thuộc dạng Hình thanh, sách Đường vận 《唐韻》 chép phiên thiết của chữ này là Mạc báo thiết 莫報切, cho âm đọc Hán Việt là “mạo”. Hiện tại chưa tìm thấy chữ mạo được viết bằng Giáp cốt văn, chỉ thấy chữ này xuất hiện trên Triện văn, với hình dạng kết hợp giữa hai bộ phận gồm 巾 và 冒. Cũng có thuyết cho rằng 冒 (cũng đọc là mạo) là hình dạng sơ khai của chữ 帽. Bộ 巾 cân bên trái dùng để biểu ý; chữ Mạo bên phải biểu thị cho âm đọc. Sách Thuyết văn 《說文》 cho biết mạo ngày xưa vốn được viết là 冃, để chỉ hình dáng của cái mũ, về sau thì viết thành chữ 帽 thông dụng cho đến nay.

Đây là một vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, vì thế tùy theo từng vùng khí hậu, từng lãnh thổ và nền văn hóa khác nhau thì chiếc mũ cũng mang nhiều hình dáng khác nhau, nhưng công dụng thì vẫn tương tự nhau. Ngoài ra, những chiếc mũ được sử dụng trong tôn giáo còn thể hiện cho quyền lực lãnh đạo về mặt tâm linh, với Phật giáo nó còn là biểu tượng của từ bi trí tuệ.

Trong Phật giáo, mạo có nhiều tên gọi khác nhau như Phiếu mạo tử 縹帽子, Phiếu mạo 縹冒, Hoa mạo tử 華帽子, Mạo tử 帽子, Lý đầu 裹頭 hoặc các tên như Đầu cân 頭巾, Đầu tụ 頭袖, Thiền cân 禪巾, Bồ Tát cân 菩薩巾. Chỉ cho cái khăn trùm đầu của chư Tăng, vì ở Bắc Ấn Độ trời lạnh, chư tăng lại cạo trọc đầu nên dễ sinh bệnh, hoặc ở những nơi nắng nóng gay gắt vì thế mà đức Phật cho phép chư Tỳ Kheo dùng vải để trùm đầu thay cho các loại nón của thế tục.

Hiện nay ở Việt Nam, ngoài loại mũ trùm đầu có chức năng như trên, chư Tăng thuộc Phật giáo Bắc truyền còn sử dụng các loại mũ khác dùng trong nghi lễ như: Mũ Tỳ Lô, Mũ Quan Âm, Mũ Hiệp Chưởng.

Mũ Tỳ Lô 毘盧帽 là sự kết hợp giữa mũ Liên Hoa 蓮華帽 (mũ có hình hoa sen) và khăn Ngũ Phật 五佛冠 (khăn có hình năm vị Phật). Mũ được hình thành bằng cách buộc thêm vành khăn Ngũ Phật bao chung quanh phía trước mũ Liên Hoa. Ngũ Phật là năm vị Phật đại diện cho năm phương, gồm:

1. Phật Tỳ Lô Giá Na 毘盧遮那佛 (Đại Nhật Phật 大日佛 – Vairocanā), ở vị trí Trung tâm có màu vàng.

2. Phật A Súc Bệ 阿閦鞞佛 (Bất Động Phật 不動佛 – Akṣobhya), ở phương Đông có màu xanh dương.

3. Phật Bảo Sinh 寶生佛 (Ratnasambhava), ở phương Nam có màu đỏ.

4. Phật A Di Đà 阿彌陀佛 (Vô Lượng Quang 無量光 – Amitābha), ở phương Tây có màu trắng.

5. Phật Bất Không Thành Tựu 空成就佛 (Amoghasiddhi), ở phương Bắc có màu đen.

Ngũ Phật còn biểu thị cho Ngũ trí Như Lai, Ngũ Trần, Ngũ Sắc,... Người đội mão Ngũ Phật thể hiện sự kế thừa giáo pháp và đại Phật tuyên dương 代佛宣揚 (thay Phật tuyên dương giáo pháp.) Mão này hiện được chư Tăng (chủ yếu là vị Sám chủ) sử dụng trong nghi thức Trai đàn bạt độ, Chẩn tế thí thực, ngoài ra chư Tăng cũng đội mão Liên Hoa (không có khăn Ngũ Phật) trong đội nghi lễ cung nghinh chư tôn Trưởng lão Tăng Ni nhị bộ.

Ở miền Bắc Việt Nam còn có một loại mũ riêng, tên là mũ Thất Phật, trên nền tảng của mũ Ngũ Phật thì mũ này sử dụng khăn Thất Phật. Bảy vị Phật này có thể là bảy vị Phật từ Phật Tỳ Bà Thi毘婆尸佛 đến Phật Thích Ca Mâu Ni 释迦牟尼佛 hoặc bảy vị Phật Dược Sư 藥師佛, có chức năng sử dụng tương tự như mũ Ngũ Phật. Ngoài ra, chư Tăng miền Bắc thường đội để tiến hành các nghi thức tán tụng bái sám trong các nghi lễ và thời khóa thông thường, chứ không dùng chủ yếu trong Chẩn tế hay Thí thực như mão Ngũ Phật.

Mũ Quan Âm 觀音帽 hay còn gọi là Bồ Tát cân 菩薩巾 là loại mũ thường được chư Tăng Ni sử dụng, được đội trong các nghi lễ tán tụng hoặc chứng minh trai đàn, đăng đàn truyền giới. Theo sách Nghi Thức Lễ Giáo cho biết: “Mão Quan Âm có hình một cái khăn, phần trên có hình hai cánh sen úp lại thể hiện diệu tính thanh tịnh của Bồ Tát “Cư trần bất nhiễm”, phần dưới được may xòe ra tròn như một lá sen với ý nghĩa Pháp giới viên mãn của Bồ Tát “Hiển Mật viên thông”. Đồng thời hàm lượng tâm địa Bồ Tát Đại thừa “Tâm dung diệu lý hư không thiểu, vạn tượng sâm la hải ấn hàm”. Những ý nghĩa trên đây bao gồm hết thảy những ý niệm cứu cánh, hạnh nguyện, pháp môn, cũng như công đức mà chư Bồ Tát nguyện hồi hướng cho chúng sinh.” Trong các Đại giới đàn, Hòa thượng Đàn đầu hoặc cả ba vị trong Tam sư của giới đàn thường đội mũ này để phân biệt với các vị khác trong hội đồng Thập sư. Mũ này ở miền Bắc thường có màu nâu được gọi là mũ Ni, ở miền Nam thì có màu vàng. Dần về sau, mũ được may bằng gấm hay bằng vải và có trang trí thêm nhiều họa tiết hoa văn trang trọng với nhiều màu sắc tươi sáng trên nền chủ đạo là màu vàng hoặc đỏ. Mũ Quan Âm tương tự với mũ Pandita (Mũ đại học sĩ) của các Đại Lạt Ma Tây Tạng thường có màu vàng hoặc đỏ, chỉ dành cho các vị Tăng là bậc Đại học giả thông hiểu Tam tạng kinh điển mới được đội để phân biệt với các vị khác.

Mũ Hiệp Chưởng 合掌帽 là loại mũ đặc biệt chỉ có ở Việt Nam, có nguồn gốc từ triều Nguyễn, được vua ban cho vị Tăng giữ chức Tăng Cang. Hòa thượng Tổ Ấn Mật Hoằng 祖印密弘 (1735 - 1835) là vị Tăng Cang đầu tiên của triều Nguyễn. Mũ có hình dạng hai bàn tay chắp lại, nên có tên là Hiệp chưởng (chắp tay). Trên mão có nếp phân biệt với ba màu sắc đa dạng hoặc ba đường viền tượng trưng cho Phật Pháp Tăng, ngoài ra còn có loại mũ có chữ Phạn Tất Đàn với ba chữ Án Dạ Hồng ở phía trên mũ, bên dưới là chữ Án Ma Ni Bát Di Hồng cũng bằng chữ Phạn Tất Đàn. Hiện nay chức danh Tăng Cang đã không còn, nhưng mũ Hiệp Chưởng thường vẫn được chư Tăng từ khu vực miền Trung trở vào Nam sử dụng trong các nghi lễ thường nhật. Thường thì khi cử hành một nghi thức tán tụng hay chứng minh, nếu có một mình thì vị đó sẽ đội mũ Hiệp Chưởng, nếu có nhiều vị thì vị Sám chủ sẽ đội mũ Quan Âm các vị còn lại sẽ đội mũ Hiệp Chưởng, hoặc vị Sám chủ sẽ đội mũ Hiệp Chưởng và các vị còn lại không đội mũ.

Tài liệu tham khảo:

1. 顾建平,汉字图解字典,中国出版集团,2008.

2. 漢典,帽,Truy xuất từ: https://www.zdic.net/hans/%E5%B8%BD. (Ngày truy cập 01/3/2025).

3. 中華民國教育部, 異體字字典 - 帽, Truy xuất từ: https://dict.variants.moe.edu.tw/dictView.jsp?ID=12901&q=1. (Ngày truy cập 01/3/2025).

4. Phật Quang Đại Tạng Kinh Biên Tu Ủy Viên Hội, Phật Quang Đại Từ Điển (Tập 3&4), Sa-môn Thích Quảng Độ dịch, Nxb. Phương Đông, 2014.

5. Thích Minh Cảnh (Chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang (Tập 3&4 ), Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2016.

6. Thích Tâm Mãn, Lược ý Tăng mão trong Phật giáo Bắc truyền, Truy xuất từ: https://phatgiao.org.vn/luoc-y-tang-mao-trong-phat-giao.... (Ngày truy cập 01/3/2025).

7. Thích Thiện Phước, Nghi Thức Lễ Giáo (Tập 😎, Nxb. Hồng Đức.

8. Trịch Bách, Nguồn gốc các mũ Phật giáo phổ thông ở Việt Nam, Truy xuất từ: https://bom.so/Z88UgH. (Ngày truy cập 01/3/2025).

Huệ Quang, Thượng tuần, Hạnh nguyệt, Ất Tỵ niên (2025)

Thiện Nghĩa/Thư viện Huệ Quang

CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài