Chữ Nhạc

Chữ Nhạc
Nhạc 樂

Chữ 樂 là một chữ thuộc nhóm chữ Tượng hình. Chữ này ra đời sớm nhất ở thời kì Giáp cốt văn và hình dáng của chữ biểu thị một khúc gỗ được buộc dây đàn trên đó.

Chữ 樂 có đến 3 âm đọc khác nhau là Nhạc, Lạc và Nhạo. Nghĩa gốc của chữ này là một loại nhạc cụ làm bằng gỗ, nghĩa mở rộng là âm nhạc, khi đọc với âm Lạc thì dùng với nghĩa là vui (tính từ), và khi đọc với âm Nhạo thì được dùng với nghĩa là yêu thích (động từ), ta có thành ngữ: Trí giả nhạo thuỷ 知者樂水 (kẻ trí thích nước).

Ở thời kì Giáp cốt văn, chữ 樂 có cấu tạo từ bộ Mịch 糸 cùng với bộ Mộc 木. La Chấn Ngọc 羅振玉 giải thích rằng: chữ này mô phỏng dây tơ buộc vào khúc gỗ, tượng trưng cho đàn cầm hoặc đàn sắt. [1]

Trong Kim văn thời Tây Chu, chữ 樂 được thêm vào kí tự 白, trong đó phần 白 dùng để biểu thị hình dáng giống ngón tay, có lẽ là để diễn tả hoạt động dùng tay gảy đàn (theo Điền Thiến Quân 田倩君). Một cách giải thích khác cho rằng 白 là một thanh phù được thêm vào (theo Lưu Chiêu 劉釗). [1]

Từ thời Xuân Thu trở về sau, bộ 木 trong chữ 樂 có thể được viết thành dạng 亦, như được tìm thấy trên văn khắc Tử Chương Chung 子璋鐘. Trong hệ thống văn tự nước Sở, bộ 木 có khi biến thành dạng 矢 (Thượng Bác Trúc Thư nhị. Dung Thành Thị 上博竹書二·容成氏).[1]

Trong sách Thuyết Văn Giải Tự viết: 樂, 五聲八音緫名。象鼓鞞。木虡也。Nghĩa là: 樂 là tên gọi chung của ngũ thanh và bát âm. Tượng hình cái trống. Bộ 木 biểu thị cái giá đỡ nhạc cụ [2]. Đồng thời, Đoàn Ngọc Tài có dẫn theo “Nhạc kí” 樂記 chép rằng: Tâm hồn cảm ứng với ngoại vật mà sinh rung động, từ đó mà biểu hiện ra tiếng. Các tiếng phụ hoạ theo nhau, từ đó sinh ra biến hóa. Biến hoá hình thành các quy luật, thì gọi đó là âm. Thuận theo âm rồi dùng nhạc cụ tấu lên, thêm vào các dụng cụ như can thích (rìu và thuẫn) khi múa Vũ và vũ mao (cờ có gắn lông vũ) khi múa Văn thì gọ đó là nhạc.[3]

Lại nói, trong Lục Kinh 六經, gồm Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu, thì từ sau Tần, Nhạc bị thiêu đốt. Tuy nhiên, một số nội dung và tư tưởng của Nhạc còn sót lại vẫn được lưu trữ trong sách Lễ Ký, “thiên Nhạc Kí” hay Luận Ngữ.

Sách Lễ Kí, “thiên Nhạc kí” có chép: 樂者,天地之和也;禮者,天地之序也。和故百物皆化;序故群物皆別。樂由天作,禮以地制。過制則亂,過作則暴。明於天地,然後能興禮樂也。Nghĩa là: Nhạc là sự hài hòa của trời đất; lễ là trật tự của trời đất. Hài hòa thì trăm vật đều biến hóa sinh trưởng; trật tự thì vạn vật được phân biệt rõ ràng. Nhạc sinh ra từ trời, lễ đặt ra theo phép tắc của đất. Nếu vượt quá phép tắc tất loạn, nếu nhạc quá mức tất bạo. Trước cần hiểu biết về trời đất, vậy sau mới có thể có hưng lễ nhạc. [4]

Tài liệu tham khảo
[1] 漢語多功能字庫, 樂, Truy xuất từ: https://humanum.arts.cuhk.edu.hk
[2] Hứa Thận, Thuyết văn giải tự chân bản, “Quyển 6”, Bản scan từ bản của Đại học Waseda lưu giữ
[3] 漢典,樂,Truy xuất từ: https://www.zdic.net
[4] 中国哲学书电子化计划, 禮記 – 樂記, Truy xuất từ: https://ctext.org/text.pl?node=10124&if=gb&show=parallel...

Thư viện Huệ Quang - Đoàn Thanh Ngân
CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài