Thi 詩
Chữ 詩Thi là một chữ thuộc nhóm chữ Hình thanh, nó xuất hiện từ rất sớm, và được dùng để chỉ thơ ca, là một thể loại văn học dùng ngôn từ có vần, luật và nhịp điệu để biểu đạt tình cảm.
Sách Thuyết văn giải tự giải thích chữ Thi như sau: 志也。从言寺聲。Nghĩa là: Thi mang nghĩa biểu đạt ý chí, tâm tư. Chữ này được tạo thành bởi bộ ngôn 言 biểu ý và chữ tự 寺 biểu âm. [1] Đoàn Ngọc Tài trong Thuyết văn giải tự chú có dẫn “Mao Thi Tự” rằng: 詩者,志之所之也。在心為志,發言為詩。Nghĩa là: Thi là nơi mà ý chí hướng đến. Khi còn trong lòng thì gọi là chí, khi phát ra bằng lời thì gọi là thi. [2]
Chữ Thi trong Thuyết văn cổ văn (Khang Hy đồ) có tự hình dùng bộ ngôn 言 biểu ý và chữ chi 支/之 biểu âm. Ngoài trên một số giản (trúc giản) và bạch (lụa) như Khổng tử Thi luận, Tri y cũng có một dạng khác dùng bộ khẩu 口 (bên dưới) biểu ý và chữ chi 支/之 biểu âm. [3]
Chữ Thi còn dùng để gọi tắt cho 《詩經》 (Kinh Thi) một trong Ngũ kinh của Nho gia. Như trong Luận ngữ, thiên “Vi chính” có chép rằng: 詩三百,一言以蔽之,曰:思無邪。Nghĩa là: Thi có ba trăm thiên, nhưng chỉ một lời có thể thâu tóm được tất cả là: Tư tưởng thuần chính. [3]
Trong Chiến Quốc sách《戰國策》, “Đông Chu sách” có chép: 臣少而誦詩, 詩曰:普天之下,莫非王土;率土之濱,莫非王臣。Nghĩa là: Thần từ nhỏ đã thuộc lòng Kinh Thi. Kinh Thi có câu: Dưới trời rộng lớn, đâu chẳng là đất vua; trên mọi bến bờ, ai chẳng là thần tử. [3]
Luận ngữ lại chép: 子曰:「小子!何莫學夫詩?詩,可以興,可以觀,可以群,可以怨。邇之事父,遠之事君。多識於鳥獸草木之名。」(Tiểu tử! Hà mạc học phù thi? Thi, khả dĩ hứng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán. Nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân. Đa thức ư điểu thú thảo mộc chi danh.) Tức là: Khổng tử nói: “Các trò sao chẳng chịu học Kinh thi? Thi, có thể khơi dậy hứng thú, có thể nâng cao quan sát, có thể rèn luyện tính hòa đồng, có thể học cách mỉa mai. Gần thì có thể phụng sự cha, xa thì có thể thờ vua. Còn biết nhiều tên của chim muôn cây cỏ.” [4]
Thư viện Huệ Quang – Đoàn Thanh Ngân
Tài liệu tham khảo
[1] Hứa Thận, Thuyết văn giải tự chân bản, “Quyển 3”, Bản scan từ bản của Đại học Waseda lưu giữ
[2] 漢典,詩,Truy xuất từ: https://www.zdic.net
[3] 漢語多功能字庫, 詩, Truy xuất từ: https://humanum.arts.cuhk.edu.hk
[4] 論語 : 陽貨 - 多識於鳥獸草木之名。 - 中國哲學書電子化計劃 Trích xuất từ: https://ctext.org/analects/yang-huo/zh?searchu=%E5%A4%9A%E8%AD%98%E6%96%BC%E9%B3%A5%E7%8D%B8%E8%8D%89%E6%9C%A8%E4%B9%8B%E5%90%8D%E3%80%82