Thu 秋
Trong văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, mùa thu thường được xem là mùa tĩnh lặng, hoài niệm và những nỗi buồn chia ly, là mùa của sự chuyển giao giữa cái nóng cuối hạ và giá lạnh đầu đông.
Chữ thu 秋 được ghép bởi hòa 禾 và hỏa 火
Hòa 禾: lúa, thóc
Hỏa 火: lửa, đỏ
Trong cuốn Tự điển cấu tạo chữ Hán của tác giả Phạm Thúc Hồng có giải thích rằng: “chữ Hán “thu” là một chữ hội ý, gồm có hai chữ Hán khác ghép lại, đó là: chữ “hòa” (lúa) chữ “hỏa” (màu đỏ, nấu chín), biểu nghĩa lúa chín đỏ ấy là mùa thu”.
Tuy nhiên, trong Giáp cốt văn và Kim văn, chữ thu có hình côn trùng, trông như dế hay châu chấu, có thể chỉ mùa thu lúa chín vàng nên côn trùng sinh sôi nhiều hoặc sau khi thu hoạch lúa người xưa thường đốt ruộng để diệt côn trùng.
Nói về chữ Thu, nhân đây xin giới thiệu với quý độc giả câu thơ cổ rất hay về mùa thu.
Ngô đồng nhất diệp lạc,
Thiên hạ cộng tri thu.
梧 桐 一 葉 落,
天 下 共 知 秋
(Khuyết danh)
Dịch nghĩa: Một lá ngô đồng rụng, tất cả thiên hạ cùng biết là mùa thu