Tiết 節
節 là một chữ thuộc nhóm chữ hình thanh.
Bộ trúc 竹: Biểu ý (Sách Thuyết văn giải tự giải thích rằng: hễ vật gì thuộc vào tre trúc thì dùng bộ trúc để biểu ý [1])
Chữ tức 即: Biểu âm
Chữ 節xuất hiện sớm nhất vào thời kì của Kim văn (văn tự khắc trên đồ đồng), chưa tìm thấy chữ này xuất hiện ở Giáp Cốt Văn.
節 Tiết vốn là để chỉ lóng tre, ta có từ 竹節 (âm Hán Việt đọc là “trúc tiết”). Vì lóng tre là một phần của cây tre, nên về sau hễ khi dùng để chỉ một phần của tổng thể thì người ta cũng thường dùng “tiết” để tạo từ.
Lịch pháp cổ đại, dựa vào vị trí của mặt trời, chia thời gian trong một năm thành 24 điểm, mỗi điểm gọi là một tiết khí 節氣. Lại dựa vào đặc trưng thời tiết và khí hậu trong một năm, người xưa chia một năm thành 4 mùa, gọi là quý tiết 季節. Đó là dựa vào nghĩa bên trên mà dùng.
Lại nói, vào thời Chiến Quốc 節 thường dùng để chỉ 符節 (âm Hán Việt là “phù tiết”), một vật dùng để làm tin cho thân phận và quyền hành. Ngày xưa, phù tiết làm bằng tre trúc, chia làm 2 nữa, vua giữ 1 nữa, quan giữ 1 nữa. Về sau có thay đổi chất liệu và phương thức chế tác, nhưng chung quy vẫn tạo theo hình dáng lóng tre, vật này tuỳ theo thân phận và quyền hành của người chấp chưởng mà cũng có tên gọi khác nhau. Độc giả có thể tham khảo trong sách Chu Lễ [2].
Ngoài ra, chữ này còn với nghĩa là tiết chế, ước thúc. Sách Chu dịch có chép: 節, có nghĩa là dừng lại [3]. Làm xong việc gì mà mình không phạm lỗi lầm, thì gọi đó là “tiết”. Các từ như khí tiết, phẩm tiết, tiết chế, tiết kiệm,… là từ đây mà ra.
Nhà thơ Bạch Cư Dị có bài “Ký nội” (gửi vợ) viết rằng:
條桑初綠即為別,
柿葉半紅猶未歸。
不如村婦知時節,
解為田夫秋搗衣。
Phiên âm:
Điều tang sơ lục tức vi biệt,
Thị diệp bán hồng do vị quy.
Bất như thôn phụ tri thời tiết,
Giải vi điền phu thu đảo y.
Dịch nghĩa:
Chia li lúc nhành dâu chớm xanh vào mùa xuân,
Lá cây hồng chuyển đỏ vào mùa thu mà vẫn chưa về.
Chẳng bằng một cô vợ quê biết được thời tiết bốn mùa,
Hiểu được chồng lao nhọc làm đồng vụ thu, mà giặt áo cho chồng.
Tài liệu tham khảo:
[1] Hứa Thận, Thuyết văn giải tự chân bản, “Quyển 5”, Bộ thứ 63. Bản scan từ bản của Đại học Waseda lưu giữ.
[2] Chu lễ, “Địa quan tư đồ”, Tiết 132 “Chưởng tiết”. Bản điện tử của Trung Quốc triết học thư điện tử hoá kế hoạch.
[3] Nguyễn Khuê (dịch), Chu Dịch chính nghĩa, “Tạp quái” – Tiết 12. Nxb. Hồng Đức, 2024, trang 1023