Chữ trúc 竹, biểu thị hình ảnh cây tre, cây trúc, là biểu tượng quan trọng trong văn hóa phương Đông. Theo âm dương, cây trúc được ví như sự cân bằng giữa hai yếu tố: thân cứng biểu tượng cho dương, còn ruột rỗng biểu tượng cho âm.
Chữ trúc 竹 thuộc dạng tượng hình 象形, có nghĩa là tre, trúc. Chữ Tiểu Triện 小篆 có các biểu tượng cho thân cây tre và các lá rủ xuống.
Trong cuốn Tìm Về Cội Nguồn Chữ Hán của tác giả Lý Lạc Nghị có giải thích: Thuyết văn (冬生艸也. 象形): Trúc là loài cỏ mọc vào mùa đông, chữ tượng hình. Hình chữ giống hai lá tre cùng rủ xuống. Nghĩa được mở rộng thành thẻ tre, “dùng để viết chữ”. Mặc tử (古書之竹帛,琢之盤盂). Cho nên được ghi vào trúc bạch (sử sách), khắc lên mâm, bình (đồ dùng hàng ngày). Thời cổ cũng dùng để chỉ ống tiêu, ống sáo là loại nhạc cụ làm bằng tre, là một trong phường bát âm.
Tre trúc biểu tượng cho người quân tử – chính trực, không bị xiêu vẹo trước gió, nhưng vẫn hòa hợp với thiên nhiên. Trúc, cúc, mai thường được xưng là Tuế hàn tam hữu 歲寒三友 (Ba người bạn mùa đông). Bởi vậy, thi nhân thường mượn hình ảnh của trúc để biểu đạt sự thanh cao, khí tiết của đấng nam nhi.
Khi bàn về nét đẹp của trúc, Trịnh Tiếp 鄭燮 có bài thơ Trúc Thạch 竹石 rất hay như sau:
竹石
咬定青山不放鬆,
立根原在破巖中。
千磨萬擊還堅勁,
任爾東西南北風。
Dịch nghĩa
Giảo định thanh sơn bất phóng tùng,
Lập căn nguyên tại phá nham trung.
Thiên ma vạn kích hoàn kiên kính,
Nhậm nhĩ đông tây nam bắc phong.
Bám chặt núi xanh chẳng buông ra,
Gốc mọc vững bền nơi vách xa.
Va đập ngàn muôn vẫn cứng chắc,
Bốn bề gió cuộn mặc thổi qua.
(Bản dịch của Thien Thanh)
Trịnh Tiếp 鄭燮, tự Khắc Nhu 克柔, hiệu Bản Kiều 板橋 là một nhà thư pháp nổi tiếng thời nhà Thanh. Ông quê ở Giang Tô, Hưng Hóa, làm tiến sĩ dưới thời vua Càn Long đời nhà Thanh. Ông được mệnh danh là “Tam tuyệt”: thơ, họa, và thư pháp nổi tiếng một đời.