Chữ 杖 là một chữ thuộc dạng Hình thanh, sách Đường Vận《唐韻》chép phiên thiết của chữ này là Trực lượng thiết 直兩切, cho âm đọc Hán Việt là “trượng”. Hiện tại chưa tìm thấy chữ trượng được viết bằng Giáp cốt văn, chỉ thấy chữ trượng xuất hiện trên Triện văn, với hình dạng kết hợp giữa hai chữ gồm 木 và 丈. Bộ Mộc bên trái thể hiện cho ý nghĩa, trượng có chất liệu được làm từ gỗ; chữ 丈 trượng bên phải biểu thị cho âm đọc. Nghĩa căn bản của trượng 杖 là cây gậy gỗ dài dùng để chống đi của các cụ già.
Sách Lễ ký chương “Khúc lễ thượng” 《禮記·曲禮上》cho biết rằng: Bậc Đại phu 70 tuổi mà trí sĩ (nghỉ hưu), nếu không tàn tạ, (vua) liền ban cho gậy. (大夫七十而致仕,若不得謝,則必賜之几杖 Đại phu thất thập nhi trí sĩ, nhược bất đắc tạ, tắc tất tứ chi kỷ trượng). Động từ của trượng chỉ việc nắm giữ, như Lễ ký chương “Vương chế”《禮記·王制》viết: Sáu mươi tuổi nắm giữ việc làng, bảy mươi tuổi nắm giữ việc nước. (六十杖於鄉, 七十杖於國 Lục thập trượng ư hương, thất thập trượng ư quốc).
Trong Phật giáo trượng của chư tăng không chỉ để dùng cho những vị đã lớn tuổi chống đi, mà là một trong 18 pháp khí quan trọng của mỗi vị Tỳ Kheo sở hữu. Được đức Phật Thích Ca cho phép chư tăng sử dụng, vì nhiều lý do: Dùng để cho những vị lớn tuổi hay trong người có bệnh chống đi, có công dụng để phòng tránh thú dữ, sâu độc trên đường đi, khi đi khất thực chư tăng lắc trượng phát ra tiếng kêu để thông báo cho chư vị thí chủ biết và để cho các loài sinh vật tránh ra khỏi đường đi (tránh cho khỏi bị dẫm phải). Ngoài ra trượng còn được sử dụng làm gậy để gánh vác đồ vật.
Cây gậy chống của chư tăng có nhiều tên gọi khác nhau và có cấu tạo đặc trưng với công dụng chuyên biệt.
- Vì là pháp khí của Phật giáo nên được gọi là Tích trượng 錫杖 (trượng làm bằng thiếc), Thiền trượng 禪杖.
- Vì trên đầu trượng treo các vòng nhỏ khi rung lắc thì phát ra âm thanh nên gọi là Thanh trượng 聲杖, Hữu thanh trượng 有聲杖 hay Minh trượng 鳴杖.
- Vì là biểu tượng của trí tuệ, của giới đức trang nghiêm nên được gọi là Trí trượng 智杖, Đức trượng 德杖.
- Vì toàn thân (hoặc đôi khi chỉ là phần đầu) của trượng được làm bằng kim loại nên gọi là Kim trượng 金杖. Ngoài ra còn được gọi đơn giản là Trượng 杖.
Theo từ điển Phật học Phật Quang, trượng được cấu tạo từ ba phần, gồm: Tích 錫 là phần đầu gậy có hình như đỉnh tháp hoặc như búp sen làm từ kim loại, trên đó có nhiều vòng lớn treo thêm nhiều vòng nhỏ, khi lắc thì phát ra tiếng; Phần thân làm từ gỗ (hoặc kim loại) và phần đế được bịt bằng đồng (sừng hoặc ngà) được gọi là Thuần 錞, Đối 鐓 hoặc Tôn 鐏.
Sách Nghi thức Lễ giáo dẫn Kinh tích trượng cho biết: “Gậy có hai ngấn sáu khoen là do Phật Ca Diếp chế. Nếu bốn ngấn mười hai khoen là do Phật Thích Ca chế (...) Gậy có ba ngấn, nhớ nghĩ nỗi khổ của ba đường, ba tai, ba cõi. Bốn cổ dùng để đoạn hẳn bốn loài. Mười hai khoen là nhớ nghĩ mười hai nhơn duyên. Ba ngấn và bốn cổ là số bảy, tức nhớ nghĩ bảy giác chi, họp với cái chóp nhọn là tám, tức nhớ nghĩ tám chánh đạo, diệt trừ tám nạn”.
Tuy nhiên việc sử dụng và chế tạo tích trượng cũng nằm trong những quy định, cùng những quy tắc cụ thể, nghiêm khắc do chính đức Phật ban hành và về sau được chư Tổ sư bổ sung để trở thành một phần quan trọng trong các oai nghi tế hạnh của một người xuất gia. Tiêu biểu như việc không được dùng vàng, bạc hay ngọc quý để làm tích trượng, không được sử dụng trượng chỉ vào người khác, không dùng trượng để viết vẽ trên đất, không vác trượng trên vai đi vào nơi đông người, khi gặp tượng Phật không được rung lắc trượng gây tiếng động v.v.
Khi tích trượng du nhập vào Trung Quốc vào thời Đường, Tống được chư tăng sử dụng thường nhật, trải qua các thời kỳ sau thì dần giảm thiểu. Vào thời đại hiện nay việc sử dụng tích trượng không còn thông dụng như ngày xưa, tích trượng chỉ xuất hiện trong những trai đàn bạt độ giải oan, các nghi lễ thí thực khi vị Sám chủ dùng để thực hiện các nghi lễ như Phá cửa địa ngục. Tích trượng còn dùng để trưng bày nơi Tổ đường (cùng với gậy Giám đàn, Lọng), khi diễn ra các buổi lễ quan trọng (Đại giới đàn, Phật đản, Vu lan, Tang lễ,...) thì dùng để dẫn đường cung nghinh chư tôn Trưởng lão Hòa thượng Tăng Ni nhị bộ. Chư tăng cũng không còn thường xuyên đi khất thực ở những đoạn đường hoang vắng nguy hiểm, nên cũng không cần sử dụng tích trượng. Đối với những vị tăng lớn tuổi thì chỉ cần dùng một cây gậy dài bằng gỗ hay tre để chống đi, không có phần chóp treo vòng như tích trượng xưa.
Thiền sư Chí An 志安禪師 (? - ?) đời Nam Tống 南宋 (1127 – 1279) đã lưu lại bài kệ “Tuyệt cú” 絕句 [1] thể hiện phong vị của một bậc Thiền gia mà qua đó ta như nhìn thấy hình ảnh một vị sư chống cây tích trượng làm bằng gỗ cây lê đi tham học và du hóa khắp nơi, dù trải qua gian nan cực khổ bởi thời tiết nhưng tâm hồn ngài vẫn an nhiên tự tại:
Nguyên văn:
古木陰中繫短篷,
杖藜扶我過橋東。
沾衣欲濕杏花雨,
吹面不寒楊柳風。
Phiên âm:
Cổ mộc âm trung hệ đoản bồng,
Trượng lê phù ngã quá kiều đông.
Triêm y dục thấp hạnh hoa vũ,
Xuy diện bất hàn dương liễu phong.
Lê Nguyễn Lưu dịch:
Buộc chòm cổ thụ chiếc thuyền câu
Chống gậy lê đi tới phía cầu
Hoa hạnh như mưa rơi ướt áo
Liễu dương thổi gió lạnh gì đâu!
Chú thích:
[1] Có thuyết nói tác giả bài thơ này là một vị Tăng tên Chí Nam 僧志南 cũng vào thời Nam Tống (1127 - 1279), hoặc có thể hai tên trên đều của một người. Trên các trang mạng tra cứu về bài thơ “Tuyệt cú” 絕句 và Thiền sư Chí An ở Việt Nam hiện tại (tiêu biểu như Thi viện) có nhầm lẫn về tiểu sử của vị tác giả này, đã lấy tiểu sử của vị sư Chí An trùng tên (1664 - 1729) người gốc Triều Tiên 朝鮮 sinh vào thời Hiển Tông vương 顯宗王 (1659 - 1674) đến Anh Tổ vương 英祖王 (1724 - 1776) thuộc Triều Tiên Lý Thị 朝鮮李氏 (1392 - 1897) trị vì, tương đương với triều đại nhà Thanh 清朝 (1636 - 1912) của Trung Quốc để giới thiệu. Tiểu sử của vị sư Chí An đời Nam Tống (người gốc Trung Quốc) thì không được ghi chép rõ ràng, chỉ biết đại khái niên đại của ông và chỉ có duy nhất bài thơ Tuyệt cú còn lưu truyền đến hiện nay. Còn tập thơ Hoán Tỉnh thi tập 喚惺詩集 là của vị sư Chí An đời nhà Thanh (Hoán Tỉnh 喚惺 là một trong những tên hiệu của ông), nên không thể nào có việc Chu Hy 朱熹 (1130 - 1200) viết lời tựa giới thiệu cho tập thơ này được! Nhân đây chúng tôi xin đính chính để bạn đọc tham khảo.
Tài liệu tham khảo:
1. 古诗文网,志南,Truy xuất từ: https://www.gushiwen.cn/authorv.aspx?name=%e5%bf%97%e5%8d%97. (Ngày truy cập 17/02/2025).
2. 顾建平,汉字图解字典,中国出版集团,2008.
3. 漢典,杖,Truy xuất từ: https://www.zdic.net/hans/%E6%9D%96. (Ngày truy cập 17/02/2025).
4. 中國哲學書電子化計劃, 禮記, Truy xuất từ: https://ctext.org/liji/zh. (Ngày truy cập 17/02/2025).
5. 中華民國教育部, 異體字字典 - 杖, Truy xuất từ: https://dict.variants.moe.edu.tw/dictView.jsp?ID=20729&q=1. (Ngày truy cập 17/02/2025).
6. Phật Quang Đại Tạng Kinh Biên Tu Ủy Viên Hội, Phật Quang Đại Từ Điển (Tập 5), Sa-môn Thích Quảng Độ dịch, Nxb. Phương Đông, 2014.
7. Thi Viện, Chí An Thiền sư, Truy xuất từ: https://www.thivien.net/Ch.../author-Qyf_BWcnPQcxj6qpqNzzzA. (Ngày truy cập 17/02/2025).
8. Thi Viện, Tuyệt Cú, Truy xuất từ: https://www.thivien.net/.../poem-3EtEYotauMJWOh4Awz0OaQ. (Ngày truy cập 17/02/2025).
9. Thích Thiện Phước, Nghi Thức Lễ Giáo (Tập 7), Nxb. Hồng Đức.
Huệ Quang, Hạ tuần, Chinh nguyệt, Ất Tỵ niên (2025)
Thiện Nghĩa/Thư viện Huệ Quang