Y 衣
Chữ 衣 là một chữ thuộc dạng Tượng hình, sách Đường Vận《唐韻》chép phiên thiết của chữ này là Ư hy thiết 於希切, cho âm đọc Hán Việt là “Y”. Trong Giáp cốt văn chữ này biểu hiện hình ảnh gồm phần ở trên là cổ áo và bên dưới là hai tay áo. Nghĩa gốc (Danh từ) để chỉ đồ vật mặc che phần trên cơ thể (còn được gọi là áo), đồ vật mặc che phần dưới cơ thể được gọi là “thường”, dẫn theo sách Mao Truyện 《毛傳》: “上曰衣, 下曰裳” Thượng viết y, hạ viết thường. Chữ này khi đọc với âm “Ý”, biểu thị động tác mặc áo.
Y 衣 thường kết hợp với chữ Phục 服 tạo thành Y phục 衣服 là từ dùng để chỉ quần áo, trang phục; Y bát 衣鉢 là thuật ngữ trong Phật giáo để chỉ y Ca Sa và bình bát, là những pháp khí quan trọng mà một vị xuất gia luôn mang theo bên mình, ngoài ra từ này còn mang một ngụ ý trong Phật giáo dùng để chỉ việc xác nhận hay ấn chứng sự truyền thừa Phật pháp qua các đời bằng việc “Truyền y bát” từ một người thầy cho đệ tử của mình.
Vậy Y Ca Sa là gì? Đây là một trang phục đặc trưng mang tính biểu tượng của những vị xuất gia tu Phật đã thọ giới Tỳ Kheo. Ca/Cà Sa là Pháp y của chư Tăng có nguồn gốc từ tiếng Phạn là Kaṣāya, Hán phiên âm là Ca Sa Dã 袈裟野 gọi tắt là Ca Sa 袈裟. Đây là trang phục do chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni 釋迦牟尼佛 chế định cho chư Tăng sử dụng, do khi đi trên đường nhìn thấy cánh đồng ruộng được ngăn bờ chia lối ngay ngắn nên Đức Thế Tôn đã ủy thác Tôn giả A Nan Đà 阿難陀 là người hướng dẫn cách may y này theo hình thức trên cho chư Tăng.
Theo Phật Quang Đại Từ Điển cho biết, dựa theo ý nghĩa khác nhau mà y Ca Sa có đến 12 tên gọi khác nhau, bao gồm:
- Ca Sa 袈裟: nghĩa gốc là áo được nhuộm màu hoại sắc, màu xấu xí không trùng với những màu chính thông dụng (xanh, đỏ, vàng, đen, trắng).
- Đạo phục 道服: là áo của người tu hành Phật đạo mặc.
- Xuất thế phục 出世服: là áo của người xa lìa các pháp thế gian mặc.
- Pháp y 法衣: là áo may theo đúng pháp mà Đức Phật đã chế định.
- Ly trần phục 離塵服: là áo của người xa lìa sáu trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mặc.
- Tiêu sấu phục 消瘦服: vì áo này có công năng làm tiêu mòn phiền não, nên gọi là tiêu sấu phục (áo gầy mòn).
- Liên hoa phục 蓮華服: là áo lìa nhơ bẩn được thơm sạch, giống như hoa sen.
- Gián sắc phục 間色服: là áo dùng màu sắc lẫn lộn để tránh năm màu chính.
- Từ bi phục 慈悲服: là áo của người tu hạnh từ bi, từ 慈 là yêu thương ban vui; bi 悲 là xót thương cứu tế.
- Phúc điền y 福田衣: hình thức tấm áo Ca Sa giống như thửa ruộng của thế gian, ruộng thế gian có thể sản xuất thóc gạo để nuôi sắc thân, ruộng áo pháp thì mở rộng bốn điều lợi, tăng thêm ba tâm thiện để nuôi pháp thân tuệ mệnh.
- Ngọa cụ 臥具: vì dùng làm đồ nằm giống như chăn, nệm.
- Phu cụ 敷具: vì dùng làm đồ trải ra để ngồi giống như cái chiếu.
Ngoài ra còn có các tên gọi như: Vô thượng y 無上衣; Giải thoát phục 解脫服;Vô tướng y 無相衣; A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề y 阿耨多羅三藐三菩提衣; Công đức y 功德衣, …
Theo sách Pháp Kệ Tỳ Ni Nhựt Dụng Thiết Yếu mỗi một vị Tỳ Kheo thì khi thọ giới xong luôn mang theo bên người ba y Ca Sa, gồm:
- Y An Đà Hội (Antarvàsa) 安陀會: còn được gọi là 五條衣 Ngũ điều y: Y năm điều [1] hay 中衣 Trung y. Mặc với áo lót bên trong dùng để làm các công việc lao động hoặc mặc khi ngủ.
- Y Uất Đa La Tăng (Uttaràsanga) 鬱多羅僧: còn gọi là 七條衣 Thất điều y: Y bảy điều hay 上衣 Thượng y. Mặc khi tham dự họp chúng, các việc Yết Ma, tụng kinh, giảng pháp, trai hội...
- Y Tăng Già Lê (Saṅghātī) 僧伽梨: còn gọi là 九條衣 Cửu điều y: Y chín điều hay 大衣 Đại y. Mặc khi vào cung diện kiến vua chúa, đi khất thực, vào Giới đàn, thuyết pháp, hàng phục ngoại đạo...
Trải qua quá trình hình thành và phát triển của lịch sử, chịu sự ảnh hưởng từ đặc trưng của các hệ phái Nam và Bắc truyền và văn hóa bản địa, khí hậu của từng khu vực, nên màu sắc và chất liệu của Ca Sa dần có những biến đổi khác nhau thích ứng với từng khu vực riêng biệt, nhưng cũng không rời khỏi những quy phạm của một chiếc y Ca Sa từ thời Phật chế định. Vào thời phong kiến ở Trung Quốc và Việt Nam các vị cao tăng đức độ cao minh hay những bậc quốc sư, dịch sư, pháp sư... lỗi lạc thường được vua chúa ban tặng chiếc y có màu tía (紫衣袈裟 Tử y Ca Sa) biểu thị sự tôn trọng tán dương đối với nhân cách và đức độ của chư Tăng. Ở Việt Nam hiện nay, thì chư Tăng Ni thuộc truyền thống Phật giáo Bắc truyền sử dụng cả 3 y trên nhưng chủ yếu dùng trong các nghi lễ. Y năm điều dùng trong nghi thức cúng ngọ, cúng quá đường; Y bảy và chín điều dùng trong nghi thức tụng kinh, bái sám, Giới đàn, chẩn tế,…; ngoài ra chư Tăng còn sử dụng áo tràng (màu vàng) trong các buổi tụng kinh cầu an, cầu siêu ở nhà Phật tử; áo nhật bình dùng trong đi đường. Chư Tăng Ni thuộc truyền thống Phật giáo Nam truyền vẫn sử dụng 3 y theo luật Phật chế, có thay đổi một số chi tiết nhưng không khác biệt lớn.
Đối với hàng Phật tử tại gia cũng có 1 loại Pháp y riêng biệt, vào thời xưa y của cư sĩ được gọi là Bát Tra dịch từ tiếng Phạn là Paṭṭa, còn được gọi là Mạn/man y hay 無條衣 Vô điều y: Y không điều. Y này khác biệt với y của chư Tăng từ hình dáng là một miếng vải liền hình chữ nhật không có chia thành các ô và có màu trắng, vì thế trong các kinh điển chúng ta từng nghe nói đến hàng Bạch y 白衣 hay Bạch y cư sĩ 白衣居士, là để chỉ cho các vị đệ tử tại gia của Phật. Ở Trung Quốc, Đài Loan thì còn giữ truyền thống các cư sĩ đắp [2] Mạn y (màu đen, nâu…) khi tham gia các thời khóa tụng kinh, lạy Phật, Bố Tát,... Còn ở Việt Nam thì chỉ có các vị thọ giới Sa Di đắp y này (màu vàng, cam, trắng…), còn các vị cư sĩ thì sử dụng áo tràng (với màu sắc đa dạng từ nâu, lam, xám, trắng...) khi tham gia tụng kinh, lạy Phật,...
Nhà thơ Diệp Thiệu Ông thời Nam Tống có 2 câu trong bài Nghi Đối đình như sau:
講罷閑來立矮闌,
袈裟衣薄翠光寒。
Giảng bãi nhàn lai lập ải lan,
Ca Sa y bạc thúy quang hàn.
Dịch nghĩa:
Giảng xong nhàn rỗi đến đứng bên lan can thấp,
Áo Cà Sa mỏng manh, ánh sáng lạnh lẽo.
Chú thích:
[1] Điều: là các ô có hình dáng mảnh ruộng trên y, y năm điều thì sẽ có năm ô, tương tự y bảy điều và chín điều thì sẽ có các ô tương ứng với số đó.
[2] Đắp y: là một thuật ngữ Phật giáo thông dụng ở Việt Nam, chỉ việc mặc y theo một trình tự và quy cách rất chuẩn mực và trang nghiêm.
Các tài liệu tham khảo:
1. 顾建平,汉字图解字典,中国出版集团,2008.
2. 漢典,衣,Truy xuất từ: https://www.zdic.net/hans/%E8%A1%A3. (Ngày truy cập 07/01/2025).
3. Phật Quang Đại Tạng Kinh Biên Tu Ủy Viên Hội, Phật Quang Đại Từ Điển (Tập 1), Sa-môn Thích Quảng Độ dịch, Nxb. Phương Đông, 2014.
4. Tỳ-kheo Độc Thể, Pháp Kệ Tỳ-Ni Nhựt Dụng Thiết Yếu, Nhựt Minh soạn dịch, Minh Ngọc hiệu đính, Nxb. Hồng Đức, 2019.