Ngày nay, chúng ta đã quen thuộc với những cái tên như Tứ thư, Ngũ kinh, Lục kinh. Nhưng đời sống của các kinh điển vô cùng phức tạp. Sau các bài viết tìm hiểu về: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch mà Thư viện đã đăng, nay chúng ta sẽ cùng tổng quát lại về câu chuyện của các kinh điển Nho học này. Bài viết này sẽ được chia làm hai kỳ đăng, mong quý độc giả có thể chia sẻ ý trong phần bình luận để Thư viện có thể cải thiện trong kỳ sau.
Để mở đầu, trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là “kinh”?
Sách Luận hành của Vương Sung đời nhà Hán, trong thiên “Thư giải” chép: 荅曰:聖人作其經,賢者造其《傳》,述作者之意,採聖人之志,故《經》須《傳》也. (Đáp rằng: Thánh nhân làm ra kinh, bậc hiền tạo nên truyện, nói cho rõ ý của người làm kinh, chọn ra chí hướng của thánh nhân, cho nên đọc kinh cần phải có truyện) [1]. Như vậy sách do thánh nhân làm ra thì gọi là kinh còn người đời sau giảng giải thì gọi là truyện. Thực chất ngoài hai khái niệm kinh, truyện thì chúng ta còn có: Chú注, Giải解, Tiên箋, Sớ疏, v.v.. Từ xưa đến nay, người ta tiếp cận kinh điển ắt hẳn cần phải tiếp cận các phần giảng nghĩa, chú giải của các bậc hiền nhân đời sau.
Người đầu tiên chỉnh lí “kinh” là ai?
Người đầu tiên được cho là đã tiến hành biên tập các kinh sách là Khổng tử. Sách Bạch hổ thông nghĩa của Ban Cố đời nhà Hán, thiên “Ngũ kinh” chép: 孔子居周之末世,王道陵遲,禮樂廢壞,強凌弱,眾暴寡,天子不敢誅,方伯不敢伐。閔道德之不行,故周流應聘,冀行其聖德。自衛反魯,自知不用,故追定五經以行其道. (Khổng tử sống vào thời suy vi của nhà Chu, Vương đạo đổ nát, lễ nhạc suy bại, mạnh hiếp yếu, kẻ đông bức hại người thế cô, thiên tử không dám trừng trị, chư hầu cũng không dám đánh dẹp. Lo nỗi đạo và đức không thể thi hành, nên mới chu du tìm người chấp nhận đón tiếp mình, hy vọng có thể thực thi thánh đức của tiên vương. Từ nước Vệ quay về nước Lỗ, tự biết mình không có người dùng, nên biên định Ngũ kinh để thi hành đạo của mình.) [2] Sách Trang tử, thiên “Thiên vận” cũng chép việc Khổng tử đã chỉnh sửa Lục kinh [3].
Bên trên, Thư viện đã dẫn ra các nguồn tư liệu trong đó có nhắc đến hai khái niệm Ngũ kinh và Lục kinh. Ngũ kinh và Lục kinh là gì?
Trước hết phải nói về Lục kinh, Ban Cố còn một quyển sách quan trọng khác là Hán thư, trong thiên “Nghệ văn chí” chép: 儒家者流,蓋出於司徒之官,助人君順陰陽明教化者也。游文於六經之中,留意於仁義之際,祖述堯舜,憲章文武,宗師仲尼,以重其言,於道最為高。(Nho gia lưu truyền, bắt đầu ở quan Tư đồ, giúp dân và quốc quân thuận lẽ âm dương làm rõ sự giáo hoá. Họ chìm đắm trong Lục kinh, cẩn trọng trong lúc thực hành nhân nghĩa, noi theo Nghiêu, Thuấn, bắt chước Văn vương, Vũ vương, xem Trọng Ni là thầy, chuộng lấy tư tưởng của Trọng Ni, là đạo cao nhất) [4]. Chương Học Thành trong Hiệu thù thông nghĩa và Cung Tự Trân trong Lục kinh chính danh (thời Thanh) đều cho rằng, Lục kinh có trước đời Khổng tử là kinh sách của quan nhà Chu, đây chính là xuất phát từ quan điểm trên của Ban Cố.
Đó là nguồn gốc của Lục kinh, còn về Lục kinh là những sách nào thì đối với người có chút ít am hiểu về Nho học ắt đều đã từng nghe qua: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch và Xuân Thu. Và có lẽ, hậu tố “kinh” trong tên gọi của các sách này phải đến thời Hán mới được thêm vào. Cũng có lẽ, các kinh điển Nho gia mà ngày nay chúng ta được tiếp cận không hẳn là đúng với hình thái mà các sĩ phu ở thời kì tiên Tần tiếp cận.
Sự kiện “Phần thư khanh Nho” khiến sách vỡ của Nho gia tiên Tần tàn khuyết, phần nhiều truyền lại là nhờ vào việc truyền khẩu giữa thầy và trò hoặc cất giấu tư, sau khi Tần diệt mới được sưu tầm lại trong dân gian và kí ức của người còn sống. Câu chuyện Lục Giả thúc giục Cao tổ quan tâm tới Thi, Thư được chép lại trong Sử ký [5] cho thấy từ thời Hán Cao tổ đã nhen nhóm cho sự phục hưng của Nho học.
Việc các bản kinh của Nho gia ở giai đoạn tiên và hậu Tần cũng có nhiều minh chứng, chúng tôi tìm thấy một dẫn chứng của Ngô Tất Tố dẫn theo “Nho lâm truyện” trong Hán thư chép về việc thời Hán đã không còn sách Thượng thư, Hán Văn đế khi nghe tin trong dân gian có người tên Phục Thắng, từng làm chức quan Bác sĩ thời Tần chuyên về sách này, thì cho quan đến xin hỏi, cuối cùng thu được 20 thiên (về sau được gọi kim văn Thượng thư). Đến thời Tấn thì có người dâng lên 25 thiên nữa (về sau 25 thiên này được gọi là cổ văn Thượng thư), trong đó có lời tựa của Khổng An Quốc, chép về việc con của Hán Cảnh đế là Cung vương phá nhà cũ của Khổng tử mà tìm được trong bức tường đó các sách như Thượng thư, Luận ngữ, Hiếu kinh thời tiên Tần, rồi trao lại cho họ Khổng (chuyện về Lỗ bích tàng thư) [6].
Phải cho đến thời điểm Hán Vũ đế thì Nho học mới lên ngôi, theo sự cố vấn của Đổng Trọng Thư tiến hành chính sách “Bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật” lấy tư tưởng Nho gia làm tư tưởng chính để trị quốc và sa thải những quan lại theo các học thuyết khác [7]. Đồng thời lập ra chức “Ngũ kinh Bác sĩ” (hay Ngũ kinh Tiến sĩ) chuyên chú giảng các kinh điển của Nho gia. Vì Nhạc đã tàn khuyết từ thời Tần nên chỉ còn lại năm sách là: Thi, Thượng thư, Lễ, Dịch và Xuân Thu. Ngũ kinh Bác sĩ là các quan chuyên về các kinh này. Thực chất, quan Bác sĩ có từ thời Tần (điển hình là Phục Thắng đã nói ở trên) nhưng họ tinh thông rất nhiều thứ như: chư tử, thi phú, nghệ thuật, phương kỹ, v.v.. Đến thời Văn, Cảnh thì đã có các quan Bác sĩ chuyên về ba trong số năm kinh trên, rồi thời Vũ đế mới thêm hai môn vào, từ đây mà Kinh học mới phát triển mạnh mẽ. Về sau lại phân ra thành hai trường phái khác nhau là Kim văn kinh học và Cổ văn kinh học.
(Hết kỳ 1)
Thư viện Huệ Quang
Tài liệu tham khảo:
[1] (漢)王充撰 《論衡》 dẫn từ https://ctext.org/dictionary.pl?if=gb&id=281876
[2] (漢)班固撰 《白虎通德論》 dẫn từ https://ctext.org/text.pl?node=53240&if=gb&show=parallel
[3] 《莊子·天運》dẫn từ https://ctext.org/text.pl?node=2816&if=gb&show=parallel
[4] (漢)班固撰《漢書-藝文志.》 dẫn từ https://ctext.org/library.pl?if=gb&file=79537&page=44
[5] (漢)司馬遷著 《史記·酈生陸賈列傳》dẫn từ https://ctext.org/text.pl?node=8361&if=gb&show=parallel
[6] Ngô Tất Tố (1940), Phê bình "Nho giáo" Trần Trọng Kim, Nhà in Mai Lĩnh.
[7] Daniel K. Gardner (2016), Dẫn luận về Nho giáo.