Ở kì trước, Thư viện cùng quý độc giả đã tiếp cận với câu chuyện về: kinh, truyện, nguồn gốc của Lục kinh, sự ra đời của Ngũ kinh Bác sĩ, v.v.. Hôm nay, chúng ta sẽ đi đến kì cuối của câu chuyện về đời sống của các kinh điển Nho học.
Phùng Hữu Lan đã đánh giá bởi vì “giòng lịch sử không hề để cho con người sống trong những tình cảnh hoàn toàn đồng nhất” [8]. Vì vậy mà, các chất liệu của đời sau dùng để minh chứng cho tư tưởng gốc luôn luôn phong phú và khiến cho bình rượu cũ luôn ngào ngạt hương của chất rượu mới. Sự xuất hiện của kinh học đã khiến cho không chỉ tư tưởng Nho gia, mà còn có cả Đạo gia và Phật học Trung Hoa phát triển rất đa dạng. Đường biên của các tư tưởng đôi khi bị xóa nhòa bởi sự xuất hiện các triết lý của phái này dùng trong việc giải thích cho kinh điển của phái khác.
Lần trước, chúng ta đã đề cập đến sự xuất hiện và cạnh tranh của hai trường phái kinh học Nho gia vào thời Hán. Kim văn kinh học xuất hiện trước với đại diện tiêu biểu là Đổng Trọng Thư. Tuy nhiên, tên gọi kim văn kinh học chỉ xuất hiện khi phái cổ văn ra đời. Văn bản mà họ sử dụng là các văn bản có được thông qua sự truyền khẩu và kí ức rồi ghi chép lại bằng Lệ thư, được Ngũ kinh Bác sĩ giảng, họ chú trọng vào nội dung tư tưởng của kinh sách, áp dụng nó vào trong chính trị và xã hội. Các đại diện khác chú giải ngũ kinh thời Tây Hán của trường phái này có: Thi Thù, Mạnh Hỷ, Lương Khâu Hạ và Kinh Phòng chuyên về giảng Chu Dịch; gia tộc Âu Dương (bất đầu từ Âu Dương Sinh vốn là học trò của Phục Sinh) và gia tộc Hạ Hầu với hai đại diện là Hạ Hầu Thắng và Hạ Hầu Kiến, do bất đồng quan điểm mà thành lập hai nhánh (gia tộc này vốn là truyền thừa của Trương Sinh cũng là học trò của Phục Sinh) chuyên kiến giải về sách Thượng thư; chú giải Thi, kim văn kinh học thời Hán phổ biến tam gia là Hàn thi xuất phát từ Hàn Anh, Lỗ thi từ Thân Bồi Công, và Tề thi từ Viên Cố; chú giải Lễ kí có hai đại diện nhà họ Đái là chú cháu Đái Đức và Đái Thánh; Xuân Thu thì có hai phái chuyên về Công Dương truyện và Cốc Lương truyện, trong đó phái Công Dương truyện có đại diện lớn nhất là Đổng Trọng Thư, về sau truyền thừa của họ Đổng có hai nhân vật xuất sắc nhất là Nhan An Lạc và Nghiêm Bành Tổ.
Phái cổ văn ra đời muộn hơn, nhiều thuyết cho rằng phải từ sau sự kiện “Lỗ bích tàng thư” thì phái này mới dần hình thành, văn bản mà phái này sử dụng là các cổ bản được chép bằng Tiểu Triện hoặc Trứu văn, phương pháp mà họ sử dụng chính là huấn cổ (hay người Việt thường biết đến bộ môn Huấn hỗ cũng chính là nó), chú trọng vào giải thích nghĩa lí của từ cổ. Ban đầu, phái cổ văn chỉ giải dạy tư, sau đến thời Vương Mãng lập nhà Tân, muốn lấy Chu Lễ làm gốc nên thiết lập thêm chức Bác sĩ cho kinh này, cùng với ba sách khác là Cổ văn Thượng thư (kì trước đã nhắc đến), Mao Thi do Mao Hanh và Mao Trường chú giải cùng với Xuân Thu Tả Thị truyện do Lưu Hâm phát hiện và soạn lại. Từ đây phái cổ văn mới được triều đình hỗ trợ và đứng ngang hàng với phái kim văn. Việc Lưu Hâm viết “Di nhượng Thái thường Bác sĩ thư” để trách cứ các nhà kim văn kinh học đánh dấu cuộc tranh chấp dài của hai phái, được biết mãi cho đến thời của Trịnh Huyền, tinh thông cả sở học của hai phái và tiến hành thống nhất lại thì cuộc tranh chấp mới dần dần chấm dứt. Nay, chúng ta đọc các kinh điển Nho học lần mò các chú giải bắt gặp hai từ “Trịnh chú” chính là của Trịnh Huyền.
Về sau, các thời đại đều xuất hiện các nhà chú giải kinh điển khác nhau, chẳng hạn như thời Đường có Nhan Sư Cổ, Khổng Dĩnh Đạt (gần đây, một trong số Ngũ kinh chính nghĩa của Khổng Dĩnh Đạt đã được thầy Nguyễn Khuê dịch sang tiếng Việt mà Thư viện cũng đã từng giới thiệu về bản dịch này). Đến thời Tống có Chu Hy đề xướng ra khái niệm Tứ thư, dùng để chỉ bốn sách là: Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học vả Trung dung đồng thời cũng làm tập chú cho bốn sách này. Thời Minh và Thanh cũng xuất hiện nhiều học giả kinh học - những cái tên góp phần giảng nghĩa cho kinh sách Nho học.
Sự ra đời của cái tên “Cửu kinh” và “Thập tam kinh”
Cái tên Cửu kinh xuất hiện vào thời Đường, người Việt Nam ta ngày nay thường chỉ quen với khái niệm Ngũ kinh hơn là Cửu kinh này. Từ sau khi Khổng Dĩnh Đạt soạn Ngũ kinh chính nghĩa, đến thời Văn Tông, vua Đường này đã cho Thái Đàm, lúc bấy giờ là tể tướng kiêm quốc tử tế tửu chủ trì việc khắc kinh ở nhà Thái học, trên bia đá này đã đề cập đến Cửu kinh (thạch bích Cửu kinh), trong đó bao gồm: Dịch, Thi, Thư, Lễ kí, Chu lễ, Nghi lễ, Tả truyện, Cốc Lương truyện và Công Dương truyện. Tuy nhiên, đến thời Tống, Cửu kinh có thay đổi, trong đó không thấy có Nghi lễ, Công Dương truyện và Cốc Lương truyện như ở thời Đường mà thay vào bằng Hiếu kinh, Luận ngữ và Mạnh tử. Đến thời Minh, Hách Kinh trong Cửu kinh giải thì lại đưa ra Cửu kinh gồm Dịch, Thư, Thi, Xuân Thu, Lễ ký, Nghi lễ, Chu lễ, Luận ngữ và Mạnh tử. Thời Thanh, trong Cửu kinh cổ nghĩa của Huệ Đống lại đưa ra danh mục: Dịch, Thư, Thi, Tả truyện, Lễ ký, Nghi lễ, Chu lễ, Công Dương truyện, Cốc Lương truyện và Luận ngữ. Điều này muốn nói rằng, ở từng thời đại có Cửu kinh riêng của mình, hay đúng hơn là dựa vào mối quan tâm của các học giả ở các thời đại mà Cửu kinh có các sách thay đổi khác nhau, nhưng chung quy những sách này đều có nên tảng từ Ngũ kinh mà ra.
Ngoài khái niệm Cửu kinh, ta còn thấy cả khái niệm Thập nhị kinh xuất hiện vào cùng giai đoạn năm Khai Thành đời Văn Tông (Khai Thành thạch kinh), thật ra Thập nhị kinh bao quát cả Cửu kinh của thời Đường, cộng thêm vào đó ba sách là Hiếu kinh, Luận ngữ và Nhĩ nhã. Đến thời Tống, Chu Hy thêm Mạnh tử vào thì thành Thập tam kinh.
Trong sử sách Việt Nam, khái niệm Cửu kinh cũng nhiều lần xuất hiện, chẳng hạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn và An Nam chí lược của Lê Trắc triều Trần đều có chép việc vua Long Đĩnh (bản An Nam chí lược chép là Long Đình) dâng biểu xin cửu kinh [9], và Quần thư khảo biện của Lê Quý Đôn cũng nhắc đến Cửu kinh [10]. Tuy nhiên, Thư viện lai không rõ, Cửu kinh mà Lê Quý Đôn nhắc đến có phải là Cửu kinh được nhắc đến trong hai bộ sử trên hay không, và có phải là Cửu kinh của nhà Tống mà chúng tôi đã đề cập ở trên hay không. Mong quý độc giả có thể chia sẻ thêm về vấn đề này.
Sách vở Nho học đã khó, phần lại nhiều nhà chú giải, nhưng không vì thế mà ta có thể bỏ qua những chú giải không kém phần quan trọng ấy của học giả các đời. Ngày nay, sách vở không hiếm, tiếp cận dễ dàng hơn, nhưng phải bắt đầu từ đâu trong bể học có thiên kinh vạn quyển ấy thật mới là chuyện khó. Mong quý độc giả của Thư viện có thể chia sẻ cùng nhau kinh nghiệm tiếp cận kinh điển Nho học trong bể học mênh mông này, để tri thức được gió mà lan tỏa.
Kính bút – Thư viện Huệ Quang
Tài liệu tham khảo:
[8] Phùng Hữu Lan (2006), Lê Anh Minh dịch. Lịch sử triết học Trung Quốc (Tập II Thời đại kinh học). Nxb Khoa học Xã hội. Trang 7.
[9] Lê Trắc (2024), Lê Huy Hoàng dịch. An Nam chí lược. Nxb Hội nhà văn. Trang 235.
[10] Lê Quý Đôn (1995), Trần Văn Quyền dịch. Quần thư khảo biện. Nxb Khoa học Xã hội. Trang 61.