Bách hợp

Bách hợp

Nguồn dược liệu Việt Nam rất phong phú và đa dạng, bao gồm thực vật, động vật và khoáng vật. Trong đó, dược liệu từ cây cỏ giữ một vị trí quan trọng về thành phần, chủng loại cũng như giá trị sử dụng.

Từ tời xa xưa, các bậc cha ông đã có nhiều kinh nghiệm sử dụng nguồn cây cỏ để bồi bổ sức khỏe và làm thuốc phòng chữa bệnh. Nền y dược học cổ truyền của dân tộc đến hôm nay đã phát triển với đầy đủ cơ sở lý luận và được ghi chép trong nhiều y văn cổ.

Để kế thừa và góp phần phát huy vốn cổ quý báu của dân tộc, Thư viện Huệ Quang xin giới thiệu các bài viết về chuyên mục “Dược liệu nước Nam” giúp quý độc giả tham khảo và nhận biết thêm các loài thực vật thông dụng xung quanh chúng ta tưởng như bình thường nhưng là những loại dược liệu vô cùng đáng quý.

BÁCH HỢP

Bách hợp* còn có tên khác là tỏi trời, tỏi rừng, thuộc họ hành tỏi (bách hợp), là dạng cây thảo, cao 0,5 - 1 m. Thân hành màu trắng đục, có khi màu hồng rất nhạt gồm nhiều vảy nhằn, dễ gãy. Thân trên mặt dất mọc thẳng đứng, không phân nhánh, cứng và nhẵn, màu xanh lục, có khi điểm những đốm đỏ. Lá mọc so le, có bẹ, hình mũi mác, gốc tròn, dầu thuôn nhọn, gân lá hình cung, hai mặt trơn nhẵn.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân gồm 2 - 5 hoa to màu trắng; lá bắc nom như lá; bao hoa hình phễu hay loa kèn, khi nở cong ra ngoài, 6 nhị ngắn hơn các bộ phận của bao hoa, chỉ nhị hình dùi, bao phấn hình trái xoan hay thuôn.

Hoa bách hợp rất giống và dễ nhầm lần với hoa loa kèn trắng, chỉ khác là nhỏ hơn và không thơm (Loa kèn trắng là cây nhập trồng để làm cảnh). Bách hợp thuộc loại cây ưa sáng, ưa khí hậu ẩm mát, nhiệt độ trung bình năm từ 15 đến 18,5°C, tập trung ở những vùng núi cao, từ 1300 đến 2000m, như Sa Pa, Lào Cai; Yên Bái; Lai Châu;.... Cây thường mọc trên các hốc mùn chân núi đá vôi hoặc lẫn trong các trảng cỏ, cây bụi thấp trên địa hình dốc.

Bộ phận sử dụng làm thuốc là củ của cây. Vào đầu thu, từ tháng 7 đến tháng 8 âm lịch, cây bắt bắt đầu héo khô, người ta đào củ về rửa sạch, tách lấy vảy, phơi hoặc sấy khô. Cũng có thể chế biến thành mật bách hợp theo cách làm như sau: vảy đã rửa sạch, cho vào mật ong, canh với ít nước sôi, quấy đều, ủ qua. Dùng chảo đun nhỏ lửa sao cho đến khi vảy không còn dính tay là được, lấy ra để nguội. Dược liệu bách hợp có màu trắng ngà hay màu vàng nhạt trông như sừng, thể chất cứng.

Bách hợp có vị ngọt, tính mát, có tác dụng nhuận phế, chỉ khái, bổ tâm, thanh nhiệt, được dùng làm thuốc bổ, chữa ho, sốt, thần kinh suy nhược. Theo tài liệu cổ, bách hợp có tác dụng nhuận phế, trừ ho, định tâm, an thần, thanh nhiệt, lợi tiểu, chữa ho lao thổ huyết, ho có đờm, viêm phế quản, hư phiền hồi hộp, tim đập mạnh, phù thũng. Ngày dùng 15 - 30g dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc. Người bị trúng hàn không dùng. Ở Trung Quốc, người ta dùng bách hợp để nhuận phế, chỉ khái, an thần bình tâm.

Bài thuốc có bách hợp

1. Chữa các triệu chứng đau ngực, thổ huyết: Bách hợp tươi được giã lấy nước uống.

2. Chữa viêm phế quản, các chứng ho.

Bách hợp kết hợp với các vị thuốc khác như: mạch môn đồng, bách bộ, thiên môn đông, tang bạch bì, ý dĩ nhân, sắc nước uống.

Nguồn tham khảo: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Viện dược liệu, NXB Khoa học và Kỹ thuật

*Bách hợp có tên khoa học: Lilium brownii F. F. Br. var. colchesteri Wils

------------

Lưu ý: Bài viết chỉ nhằm giới thiệu về một loại thảo dược của nước ta, nội dung mang tính chất tham khảo. Việc điều trị bệnh cần được sự hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ để sử dụng phương pháp và liều lượng thích hợp.

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoHoa hoè

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài