Học chữ Nho có khó hay không?

Học chữ Nho có khó hay không?

Bất cứ môn học hay nghề nghiệp nào cũng đều có lối để đi vào. Nếu nói dễ thì khó ai chấp nhận, nhưng cho rằng quá khó thì đã không ai vào được. Quan trọng là bạn vào đúng cánh cửa, không đi lệch hướng, sai hướng rồi thế nào cũng đến. Nếu bạn có chút thông minh thì đích đến có khi lại rất nhanh.

Người ta hay đồng nhất tính hệ thống, chặt chẽ với cái khó, và tâm lý người ta phần đa muốn biến cái đơn giản thành cái phức tạp, cái dễ dàng thành cái khó khăn để thỏa mãn bản ngã khi chinh phục được đối tượng. Vì lẽ đó, chữ Nho, chữ Phạn, chữ Latinh… vốn là những ngữ hệ hoàn cụ được nhận thức theo hướng khó học, và đưa đến ứng xử là nó chỉ thích hợp với một số rất ít người ưu việt.

Vì vậy, đến với chữ Nho, trước chúng ta cần thấy đó là một ngôn ngữ chặt chẽ, hệ thống (và lung linh nữa) chứ không nên nhìn nhận là một cổ ngữ khó nuốt. Cái gì càng chặt chẽ, hệ thống sẽ càng ít ngoại lệ, về lâu dài sẽ ít hệ lụy, và sẽ dễ học nếu như chúng ta có một đầu óc bình thường. (Không cần quá thông minh nhưng cũng không được lệch lạc)

Về chữ, chữ Nho được cấu tạo (hệ thống) qua 6 cách gọi là lục thư: tượng hình, hội ý, hình thanh, chỉ sự, chuyển chú và giả tá. Trong đó hội ý và hình thanh chiếm đa số.

Cú pháp, chữ Nho xưa vốn không có dấu câu, không có quy định về ngữ pháp. Nhiều người cho vậy thì sẽ hiểu sai nguy hiểm. Vâng, thỉnh thoảng cũng có, nhưng rất hiếm. Ngược lại, với người am tường Nho văn thì việc có dấu chấm câu là không cần thiết, như vẽ rắn thêm chân. Cổ nhân đã không chấm câu mấy ngàn năm hẳn có lý do tồn tại của nó.

Về văn, Nho văn có hai thể chính là vận văn và biền văn, trong mỗi loại lại chia ra nhiều văn thể, mỗi văn thể đều có quy cách riêng.

Mục đích của người học chữ Nho là đọc được sách chữ Nho, qua đó có thể tiếp xúc trực tiếp với kho báu đồ sộ của tiền nhân. Người giỏi hơn thì có thể trứ tác bằng chữ Nho.

Thế nhưng đa phần đều gục ngã trước cánh cửa của CHỮ, tức chưa bước khỏi bước thứ nhất. Giống như người tu thiền tìm cầu sự giác ngộ, nhưng cứ loay hoay mãi ở chỗ ngồi bán già hay kiết già bao nhiêu năm mà không biết rằng thiền vốn ở tâm không phải ở thân. Ráng ngồi nhưng rất sợ ngồi. Người học chữ Nho cũng vậy, cố chí học nhưng rất sợ. Học mà sợ, không có tình yêu thì chí có lớn đến mấy một hồi cũng cạn. Vì vậy mười người học chín người bỏ cuộc.

Người xưa (các nước đồng văn Nho ngữ) sinh ra trong bầu không khí Nho văn, thấm đẫm chữ Nho từ tấm bé và trong mọi ngõ ngách của sinh hoạt thường nhật và văn chương, nên việc nhớ chữ Nho không có vấn đề gì. Nhưng với thời đại chúng ta, nhất là thế hệ hiện tại, chúng ta 20-30 tuổi mới tiếp xúc thì không thể học như người xưa, vì bối cảnh đã khác.

Nhận thấy điều đó, nên cụ Đào Mộng Nam, nửa thế kỷ trước đã soạn ra bộ Chữ Nho Tự Học, nhằm giúp người học dễ dàng nhớ chữ Nho qua sự phân tích lục thư, chiết tự chữ Nho và liên hệ với văn chương nước nhà. Đành rằng, trong việc chiết tự có nhiều chữ không tránh khỏi khiên cưỡng, nhưng chẳng sao, ngay cả Thuyết văn giải tự của Hứa Thận cũng có quá nhiều chữ rất phi lý đó sao!

Thiết nghĩ, chúng ta xem việc chiết tự chữ Nho như một phương tiện để đạt được mục đích nhớ chữ, thâm nhập chữ (giảm bớt sự khó chịu về tính hợp lý của nó). Khi bạn đã học một cách kỹ lưỡng khoảng 1000-2000 chữ, theo hướng chiết tự và phân tích lục thư, thì việc nhớ chữ Nho của bạn trở nên vô cùng dễ dàng, nó tạo thành hiệu ứng domino. Lúc đó bạn dễ dàng nhớ âm và hình của chữ mới, thậm chí có thể đoán âm của chữ mới gặp lần đầu.

Chúng ta hãy học chữ Nho bằng sự thích thú, bằng sự rong chơi không phải bằng sự chịu đựng. Không có niềm vui không thể đi đường dài, không có đam mê không bao giờ có phát kiến hay sáng tạo gì.

Và đối với người Việt, khi bạn bước qua rào cản của CHỮ rồi, thì xem như bạn đã thành tựu 50 phần trăm. Phần vì, cái lạc thú với chữ Nho sẽ đẩy bạn đi tiếp, phần vì, với người Việt, chỉ cần đọc được âm thì có thể cảm được nghĩa ít nhất một nửa rồi. Cái cảm thức chữ Nho và từ Nho (Hán)-Việt quá nhiều là một lợi thế vô cùng lớn của người Việt khi học Nho văn. Chúng ta phải nhận thức được tài sản quý báu này của mình. Bạn không tin, bạn thử đọc các bản phiên âm, đọc đi đọc lại, từ ba đến năm lần, xem bạn hiểu bao nhiêu phần?

Dưới đây, xin đơn cử hai bài, một của tác giả Việt Nam, một của tác giả Trung Hoa:

                                                 Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

                                                 Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

                                                 Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

                                                 Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

                                                                      (Thị đệ tử-Thiền sư Vạn Hạnh)

 

                                                Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

                                                Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

                                                Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

                                                Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

                                                                    (Phong Kiều dạ bạc-Trương Kế)

Và khi bạn thuộc thật nhiều bài vận văn, biền văn, tự nhiên một thứ ngữ pháp uyên nguyên sẽ luân chuyển trong bạn. Và đến lúc đó, không chỉ chữ Nho, mà Nho văn cũng trở thành hiệu ứng domino.

Như vậy, học chữ Nho vốn không khó, và càng dễ thâm nhập hơn khi bạn là người Việt Nam. Và khi bạn là người Việt Nam, việc học chữ Nho, nó không đơn thuần là một cổ ngữ, nó còn giúp bạn trau dồi bản lĩnh Việt ngữ khi mà phần đa vốn từ tiếng Việt vẫn có yếu tố Nho (Hán), nó giúp bạn có được công cụ tiếp xúc trực tiếp với kho tàng to lớn của tiền nhân và giúp bạn gìn giữ và phát huy gia tài hàng ngàn năm của cha ông.

Và nếu có một cánh cửa bước vào kho tàng Nho văn trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi thiết nghĩ, đó nên là học chữ Nho theo lối chiết tự. Dĩ nhiên, tùy nhận thức và nhân duyên của mỗi người, bạn có quyền đi vào từ cánh cửa khác. Nhưng lỡ như, sau nhiều năm đi bằng cánh cửa khác mà bạn vẫn không bước vào được, chưa thể chiêm ngưỡng được tòa văn hóa huy hoàng của tiền nhân, thì bạn có thể quay lại con đường của chúng tôi, nó luôn rộng mở, vì con đường mà chúng tôi đang đi, là con đường bình dị, một người bình thường nào cũng có thể bước chân vào.

Sài Gòn, Mạnh đông Giáp Thìn-2024
Lãn Văn

CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài