Tìm hiểu hai bộ sơn chí trong tủ sách Hán Nôm tổ đình Triều Tôn - Kỳ 1

Tìm hiểu hai bộ sơn chí trong tủ sách Hán Nôm tổ đình Triều Tôn - Kỳ 1

Kỳ I: ĐỈNH HỒ SƠN CHÍ 鼎湖山志

Trong tủ kinh sách ở Tổ đình Triều Tôn, Thư viện Huệ Quang đã tiếp cận được hai bộ Sơn chí 山志 của Trung Quốc được khắc ván tại Việt Nam có niên đại xưa và có giá trị tư liệu nghiên cứu về nhiều mặt.

Sơn chí 山志 cũng như Địa chí 地志 là tác phẩm viết về địa dư, theo Từ Nguyên 辭源 thì: “Địa chí là sách viết về địa dư; phàm là phương vực, sơn xuyên, phong tục, sản vật đều được ghi chép”. Dữ liệu của Sơn chí thì giới hạn được thu gọn lại trong khu vực của một ngọn núi vì thế xét về mặt nội dung và số lượng thì nó có phần thu nhỏ hơn so với Địa chí nhưng bù lại nội dung của Sơn chí sẽ được ghi chép chi tiết và tường tận hơn. Chúng tôi xin giới thiệu về bộ Sơn chí đầu tiên là Đỉnh Hồ Sơn Chí 鼎湖山志 được viết bởi Đại sư Thành Thứu 成鷲大師 (1637 - 1722) vào thời nhà Thanh. Gồm tám quyển và nằm ở phần đầu của bộ Trung Quốc Phật Tự Sử Chí Vựng San 中國佛寺史志彙刊. Bộ sách được tiếp cận ở Tổ đình Triều Tôn là sách đóng gáy bằng chỉ giấy, ruột còn nguyên vẹn không bị mất chữ, đóng thành 3 tập, bìa màu cam bị phai màu, chất liệu giấy dó, khổ 28x17cm.

 

Núi Đỉnh Hồ nằm ở Đoan Châu 端州 thuộc tỉnh Việt Đông 粵東 (Quảng Đông 廣東). Trên đỉnh núi có một hồ nước chảy mãi quanh năm. Có chùa Khánh Vân 慶雲寺 được bao quanh bởi núi đồi. Núi Đỉnh Hồ đứng đầu trong bốn ngọn núi nổi tiếng vùng Lĩnh Nam 嶺南四大名山 gồm núi Đỉnh Hồ 鼎湖山, núi La Phù 羅浮山, núi Đơn Hà 丹霞山và núi Tây Tiều/Triều 西樵山. Tương truyền nơi đây từng là nơi ẩn tu của Thiền sư Trí Thường 智常禪師 một trong những học trò của Lục Tổ Huệ Năng 六祖慧能 (638 - 713). Trong niên hiệu Thiên Khải 天啟 và Sùng Trinh 崇禎 của nhà Minh (1621-1644), Hòa thượng Vân Đỉnh 雲頂和尚 (1586 - 1658) bắt đầu khai sơn và chủ trì Phật pháp tại chùa Khánh Vân thực hành chuyên tu ba môn Thiền – Tịnh – Luật. Sau này, có nhiều cao tăng xuất hiện và nơi đây trở thành ngôi chùa nổi tiếng ở Quảng Đông.

Vào thời Khang Hy 康熙, trụ trì đời thứ 6 của chùa Khánh Vân là ngài Thành Thứu 成鷲, bắt đầu biên soạn địa chí về ngọn núi này lấy tên là Đỉnh Hồ Sơn Chí 鼎湖山志 gồm 3 tập (hơn 320 trang). Tập 1 gồm Thủ quyển và quyển 1; tập 2 gồm quyển 2, 3, 4, 5; tập 3 gồm quyển 6, 7, 8. Phần đầu quyển sách sau trang lót là 2 chữ Sơn Chí 山志 lớn viết bằng thư pháp, chữ Sơn 山 viết theo kiểu chữ tượng hình. Sau đó là 11 lời tựa của các bậc danh nho thạc đức đương thời gồm: Triệu Hoằng Xán 趙弘燦 (? - 1717) viết bằng khổ chữ Khải to, mỗi tờ 4 dòng, mỗi dòng tầm 8 chữ; Đinh Dịch 丁易 (? - ?) viết bằng khổ chữ Khải nhỏ mỗi tờ 9 dòng, mỗi dòng khoảng 19 chữ; Phàn Trạch Đạt 樊澤逹 (? - ?) viết bằng khổ chữ Khải to, mỗi tờ 5 dòng, mỗi dòng tầm 11 chữ; Vương Kinh Phương 王經方 (? - ?) viết bằng khổ chữ Khải vừa, mỗi tờ 6 dòng, mỗi dòng tầm 12 chữ; Giả Đường 賈棠 (? - ?) viết bằng khổ chữ Lệ vừa, mỗi tờ 6 dòng, mỗi dòng tầm 12 chữ; Trịnh Tế Thái 鄭際泰 (1642-1726) viết bằng khổ chữ Hành vừa, mỗi tờ 5 dòng, mỗi dòng tầm 10 chữ; Tôn Dục Công 孫毓玜 (? - ?) viết bằng khổ chữ Hành vừa, mỗi tờ 6 dòng, mỗi dòng tầm 12 chữ; Ngô Kha 吳柯 (? - ?) viết bằng khổ chữ Hành vừa, mỗi tờ 6 dòng, mỗi dòng tầm 9 chữ; bị mất các bài tựa của Trần Nguyên Long 陳元龍, Tống Chí Ích 宋志益, Vương Bính 王炳 so với bản in được lưu ở Trung Quốc.

Tập đầu tiên (Thủ quyển) có tựa Đỉnh Hồ Khánh Vân tự danh thắng đồ 鼎湖慶雲寺名勝圖 viết bằng chữ Triện lớn và vẽ 11 bản đồ các danh lam thắng cảnh trên núi, mỗi hình ảnh là một danh thắng kèm 1 đoạn 20 chữ miêu tả được viết bằng chữ Thảo lớn.

Đặc biệt ở bản in này còn 1 bài Tiểu dẫn tên Trùng khắc Đỉnh Hồ Sơn Chí Bổ Đà Sơn Chí Tiểu dẫn 重刻鼎湖山志補陀山志小引 nêu khái lược nguyên nhân 2 bộ Sơn chí này được khắc in ở Việt Nam, do Hòa thượng Tính Tuyền Trạm Công 性泉湛公 (1674 - 1744) du học ở chùa Khánh Vân đem về một số kinh sách để tại chùa Càn An 乾安寺 ở Kinh sư (nay là Hà Nội), trong đó có 2 bộ Sơn chí này sau đó Hòa thượng Phúc Điền 福田和尚 (1784 - 1863) tìm thấy sách và giữ gìn cẩn trọng đến năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) thì đệ tử của ngài là Đại sư Kim Đường 金堂大師 ở chùa Đoan Minh 端明寺 là người giám sát san định cùng một vị Bồ tát giới Cư sĩ là Binh bộ Thượng thư... pháp danh Đại Phương 大方 hưng công khắc ván in 2 bộ Sơn chí. [ Theo tư liệu chúng tôi tra được từ phần Chính Biên – Đệ Tam Kỷ – Hiến Tổ Chương Hoàng Đế Thực lục trong sách Đại Nam Thực Lục 大南寔錄 thì người đang giữ các chức vụ trên trong thời gian này chính là Nguyễn Đăng Giai 阮登楷/階 (? - 1854), trong các nghiên cứu khác về Hòa thượng Phúc Điền (1784 - 1863) cũng có nhắc đến tên ông là một vị đại thí chủ ủng hộ cho Hòa thượng để thực hiện các công trình xây cất tự viện và in khắc kinh sách.] Cuối bài Tiểu dẫn ghi rõ số trang từng tập của 2 bộ Sơn chí và phần niên đại sau khi hoàn thành của bộ Đỉnh Hồ Sơn Chí này: Thiệu Trị tứ niên tuế thứ Giáp Thìn nhị nguyệt cát nhật 紹治四年歲次甲辰二月吉日, dịch nghĩa: Ngày tốt tháng 2 năm Giáp Thìn niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844); Và nơi lưu giữ bản khắc: Bản lưu tại Bắc Ninh tỉnh Thiên Phúc phủ Việt An huyện Thổ Hà xã Đoan Minh tự 板畱在北寧省天福府越安縣土河社端明寺, dịch nghĩa: Bản (khắc in) được lưu giữ tại chùa Đoan Minh, xã Thổ Hà, huyện Việt An, phủ Thiên Phúc, tỉnh Bắc Ninh.

 

Phần sau đó là tám quyển gồm mười bốn phần: Tổng luận總論; Tinh dã cương vực chí 星野疆域志; Sơn xuyên hình thắng chí 山川形勝志, Điện các đường liêu chí 殿閣堂寮志; Sáng tạo duyên khởi chí 創造緣起志; Tân cựu diên cách chí 新舊沿革志; Khai sơn chủ pháp chí 開山主法志; Kế tịch hoằng hóa chí 繼席宏化志; Thanh quy quỹ phạm chí 清規軌範志; Kỳ thạc nhân vật chí 耆碩人物志; Đàn tín ngoại hộ chí 檀信外護志; Đăng lâm đề vịnh chí 登臨題詠志; Nghệ văn bi kệ chí 藝文碑碣志; Sơn sự tạp chí 山事雜誌.

Nội dung và quy cách của bộ sách rất nghiêm ngặt và là một cuốn địa chí hiếm có. Tuy tên gọi là Đỉnh Hồ Sơn Chí (ghi chép địa lý về núi Đỉnh Hồ), thật ra nó cũng là quyển Tự chí (寺志 – ghi chép về chùa chiền) của chùa Khánh Vân. Hiện nay chưa có bản dịch toàn văn của bộ Sơn chí này ở Việt Nam, đây là một bản tư liệu cung cấp nhiều giá trị về mặt Địa lý, Lịch sử, Nhân vật, Văn học, Phật giáo, Nếp sống của chư Tăng chốn Thiền môn Trung Quốc thời bấy giờ. Xin được trân trọng giới thiệu bản thư tịch này.

Bài viết tham khảo tài liệu từ:

1.百度. 鼎湖山志.

2.法鼓文理學院. 鼎湖山志.

------------------------------

Thiện Nghĩa cư sỹ / Thư viện Huệ Quang

Video: https://youtu.be/8ZbxsyM9d_8?si=NV1mGUnYvIQKoKLh

CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài