Kỳ II: PHỔ ĐÀ SƠN CHÍ 普陀山志
Phổ Đà Sơn Chí 普陀山志 là quyển Sơn chí 山志 thứ hai và cuối cùng trong tủ sách Hán Nôm tại Tổ đình Triều Tôn. Bộ sách này có chất liệu giấy và niên đại tương tự như Đỉnh Hồ Sơn Chí 鼎湖山志, là sách đóng gáy bằng chỉ giấy, ruột còn nguyên vẹn không bị mất chữ, đóng thành 3 tập, bìa màu cam bị phai màu, chất liệu giấy dó, khổ 28x17cm. Không chỉ hai bộ Sơn chí này được bảo quản tốt, mà gần như toàn bộ các kinh sách khác đều được bảo toàn nguyên vẹn, tình trạng mối mọt gây hại đến sách rất ít, nét mực của các bản sách viết tay vẫn còn đậm và đọc rõ chữ, thậm chí nhiều quyển sách còn dấu ấn, ghi chú, ghi tên của các vị Hòa thượng như Hòa thượng Huệ Hương (khoảng TK XVIII), Hòa thượng Hành Trụ (1904 - 1984) đây là một trong những điểm đáng lưu ý thể hiện rõ sự trân trọng thư tịch Hán Nôm cổ của các bậc tiền nhân được lưu truyền qua bao thế hệ.
Núi Phổ Đà 普陀山ở huyện Định Hải 定海縣 tỉnh Chiết Giang 浙江省, được tôn xưng là đạo tràng của Bồ-tát Quán Thế Âm 觀世音菩薩, và là một trong bốn ngọn núi nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc中國四大佛教名山, gồm: núi Ngũ Đài 五台山 đạo tràng của Văn Thù Bồ-tát 文殊菩薩; núi Nga Mi 峨嵋山 đạo tràng của Phổ Hiền Bồ-tát 普賢菩薩; núi Cửu Hoa 九華山 đạo tràng của Địa Tạng Bồ-tát 地藏菩薩 và núi Phổ Đà 普陀山 nơi phụng thờ Quán Thế Âm Bồ-tát.
Bộ Phổ Đà Sơn Chí 普陀山志 này là bản do Châu Ứng Tân 周應宾 (1556 - 1626) dựa vào bộ Sơn chí do Hầu Kế Cao 侯繼高 (1533 - 1602) viết vào trước đó mà biên soạn lại vào năm Đinh Mùi 丁未 niên hiệu Vạn Lịch 萬曆 thứ 35 thời Minh (1607), được quan Thái giám Trương Tùy 太監張隨 khắc bản in. Bộ Sơn chí của Hầu Kế Cao được gọi là Hầu chí 侯志, được xem là bộ Sơn chí đầu tiên của núi Phổ Đà nhưng không được phổ biến rộng rãi. Khi Châu Ứng Tân biên soạn bộ Phổ Đà Sơn Chí 普陀山志 của mình đã chú trọng bổ sung về phần núi non và lược bớt các chùa chiền của Hầu chí soạn lại thành 6 quyển, vì thế đặt tên tác phẩm của mình là Trùng Tu Phổ Đà Sơn Chí 重修普陀山志, khi được khắc ván ở Việt Nam thì bỏ đi 2 chữ Trùng Tu重修 chỉ còn tên là Phổ Đà Sơn Chí 普陀山志, nhưng phần bài tựa của Châu Ứng Tân vẫn giữ nguyên tên.
Bộ sách này gồm 6 quyển chia làm 3 tập, tổng cộng gần 300 trang: tập 1 gồm phần đồ hình và quyển 1, 2; tập 2 gồm quyển 3, 4; tập 3 gồm quyển 5, 6. Với hình thức như bộ Đỉnh Hồ, phần đầu tập 1 sau trang lót là 2 chữ Sơn Chí 山志 lớn viết bằng thư pháp, chữ Sơn 山 viết theo kiểu chữ tượng hình. Tiếp theo là bài Trùng Tu Phổ Đà Sơn Chí Tự 重修普陀山志叙 của Châu Ứng Tân viết bằng kiểu chữ Hành vừa, mỗi tờ 6 dòng, mỗi dòng khoảng 13 chữ; bài Trùng Lục Bổ Đà Sơn Chí Tự 重錄補陀山志序 của Thiệu Phủ Trung 邵輔忠 (? - ?), viết bằng kiểu chữ Khải vừa, mỗi tờ 6 dòng, mỗi dòng khoảng 15 chữ; bài Bổ Đà Sơn Chí Tự 補陀山志序 của Phàn Vương Gia 樊王家 (1580 - ?) viết bằng kiểu chữ Hành Khải vừa, mỗi tờ 6 dòng, mỗi dòng khoảng 14 chữ. Sau đó là 15 trang vẽ phong cảnh các khu vực của núi Phổ Đà và cũng có bài Trùng khắc Đỉnh Hồ Sơn Chí Bổ Đà Sơn Chí Tiểu dẫn 重刻鼎湖山志補陀山志小引 cùng với phần ghi chú số trang của 2 bộ Sơn chí, niên hiệu khắc ván và nơi lưu giữ bản khắc như đã giới thiệu ở bài Đỉnh Hồ Sơn Chí trước đó. Đây là một trong 2 bộ Sơn chí được Hòa thượng Phúc Điền chứng minh và đệ tử của ngài là Đại sư Kim Đường 金堂大師 ở chùa Đoan Minh 端明寺 là người giám sát san định cùng Nguyễn Đăng Giai hưng công khắc ván in cả hai bộ sách này.
Phần mục lục chia sách làm 6 quyển với 15 chương, gồm: quyển 1: chương Thần Hàn 宸翰 có các phần Sắc Dụ 敕諭 và Ngự Chế 御製; quyển 2 có các chương Đồ Khảo 圖考, Sơn Thủy 山水, Điện Vũ 殿宇, Quy Chế 規制, Kiến Chế 建制, Linh Dị 靈異, Ban Tứ 頒賜, Mệnh Sử 命使, Thích Tử (Tiên phụ) 釋子(仙附), Vật Sản 物産; quyển 3 có chương Nghệ Văn 藝文 trong đó có phần Tạp Trước雜著; quyển 4 có chương Sự Lược 事畧; quyển 5 và quyển 6 có cùng tên chương là Thi Loại 詩類. [Ở bản khắc in của Trung Quốc và Việt Nam đều khắc thiếu quyển 6 trong phần mục lục].
Dựa vào quyển Sơn chí này, các học giả đời sau đã bổ sung thêm nhiều nội dung và xuất bản thành các bản như Tân Chí 新志, Tăng Tu增修, Trùng Tu重修... Hiện nay ở Việt Nam chưa có bản dịch toàn văn của bộ Sơn chí này, chỉ trích dịch vài đoạn về lịch sử và vài câu chuyện linh ứng của Bồ-tát Quán Thế Âm. Thiết nghĩ rằng, ắt hẳn những người con Phật chúng ta ai cũng từng một lần nghe danh hoặc ao ước được đến chiêm bái thánh địa này. Cuốn sách này là một tư liệu quý, cung cấp cho người đọc một cách nhìn tổng quan về lịch sử, địa lý của vùng núi linh thiêng này, vừa là một tác phẩm thể hiện rõ những điểm độc đáo mang màu sắc huyền ảo kỳ bí với một niềm tin chân thật trong tín ngưỡng tôn thờ Bồ-tát Quán Thế Âm ở Trung Quốc. Thư viện xin được trân trọng giới thiệu bộ thư tịch này.
Tham khảo tài liệu từ:
法鼓文理學院. 鼎湖山志
------------------------------
Thiện Nghĩa cư sỹ / Thư viện Huệ Quang
Link video: https://youtu.be/qFmnrq1NY0A?si=cyS9jU94MGeLHLsw