Bản dịch đầu tiên của Chu dịch chính nghĩa

Bản dịch đầu tiên của Chu dịch chính nghĩa

Ngày 03/11/2024, Thư viện Huệ Quang nhận được quyển Chu Dịch chính nghĩa do giáo sư Nguyễn Khuê (dịch và chú giải) gửi tặng.

Đầu tiên, xin giới thiệu đôi nét về giáo sư Nguyễn Khuê. Ông là một nhà sư phạm, nhà thơ, nhà dịch thuật và nhà nghiên cứu văn hóa, có nhiều đóng góp to lớn cho văn học Hán Nôm và văn học Quốc ngữ của Nam Bộ tại Việt Nam. Ông từng giữ chức Trưởng bộ môn Hán Nôm khoa Ngữ văn và Báo chí (nay là khoa Văn học) tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Giáo sư cũng tham gia giảng dạy tại trường Cao cấp Phật học (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam), trường Cao đẳng Phật học và trường Cơ bản Phật học (nay là trường Trung cấp Phật học Thành phố Hồ Chí Minh). Ngoài ra, ông còn được mời dạy Hán – Nôm ở các chùa, như Già Lam, Bảo Vân, Phước Hòa,… và Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang.

Giáo sư là người thầy đã gắn bó với các lớp học của Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang từ những buổi đầu. Với sự nghiêm cẩn, mực thước, thầy đã đào tạo nên nhiều thế hệ học trò xuất sắc - những giáo thọ tiếp theo của trung tâm.

Giáo sư Nguyễn Khuê là nhà trí thức tài năng với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về văn học Hán Nôm. Dù tuổi đã cao nhưng giáo sư vẫn giữ được trí tuệ minh mẫn và lòng nhiệt huyết với sự nghiệp khoa học và giáo dục. Chu Dịch chính nghĩa là tác phẩm mà giáo sư Khuê đã dày công thực hiện trong nhiều năm.

Để giới thiệu sâu hơn về tác phẩm, xin trích đôi lời từ phần giới thiệu của giáo sư Nguyễn Khuê trong tác phẩm:

“Người bắt đầu tìm hiểu kinh Dịch, trước hết phải đọc những bản Chu Dịch tiếng Việt. Nhưng Chu Dịch, dù là tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng Pháp thì cũng từ cái gốc chung là Chu Dịch tiếng Hán mà ra. Vì thế, nếu biết chữ Hán, bạn đọc trước hết nên đọc 周易王韓注 Chu Dịch Vương Hàn chú do 王弼 Vương Bật đời Nguỵ và 韓康伯 Hàn Khang Bá đời Tấn soạn. Từ nơi cạn mà vào chỗ sâu, sau sách này, người học Dịch mới có thể đọc thêm 周易正義 Chu Dịch chính nghĩa của 孔穎達 Khổng Dĩnh Đạt đời Đường và 周易本義 Chu Dịch bản nghĩa của 朱 熹 Chu Hi đời Tống.

Hiện nay, sách Chu Dịch tiếng Việt đáng kể có mấy cuốn sau đây:

- Ngô Tất Tố dịch và chú giải. Kinh Dịch. Hà Nội: Nxb Văn học. 2009. Sách này dịch bản 周易大全 Chu Dịch đại toàn gồm 易傳 Dịch truyện của 程頤 Trình Di và Chu Dịch bản nghĩa của Chu Hi.

- Nguyễn Duy Tinh dịch. Kinh Chu Dịch bản nghĩa. Sài Gòn: Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục. In lần 2, 1972.

- Phan Bội Châu (Sào Nam). Chu Dịch, 2 tập. Sài Gòn: Nhà sách Khai Trí. 1969.

- Nguyễn Hiến Lê. Kinh Dịch, đạo của người quân tử. Hà Nội: Nxb Văn học. 1992. Sách của Phan Bội Châu và của Nguyễn Hiến Lê không dịch hẳn theo một bản Chu Dịch Hán văn nhất định.

Chu Dịch chính nghĩa của Khổng Dĩnh Đạt, cho đến nay, bản dịch của giáo sư Nguyễn Khuê – tác phẩm Chu Dịch chính nghĩa, là bản dịch đầu tiên.

Khổng Dĩnh Đạt (575-648) là cháu đời thứ 32 của Khổng Tử, thi đậu tiến sĩ khoa thi Minh kinh đầu niên hiệu Đại Nghiệp (605-618) đời Tuỳ. Sau đó, ông được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng. Ông từng phụng chỉ chủ trì biên định 五經正義 Ngũ kinh chính nghĩa (trong đó có Chu Dịch chính nghĩa), phải mất hơn ba mươi năm, đến năm 642 mới hoàn thành.

Ngũ kinh chính nghĩa được dùng làm bộ sách giáo khoa tiêu chuẩn, từ đời Đường đến đời Tống, sĩ tử đều học theo đó để ứng thí, các khoa thi Minh kinh lấy đó làm chuẩn mực lựa chọn nhân tài. Đó là thành tựu lớn nhất của Khổng Dĩnh Đạt về kinh học. Lưu Ngọc Kiến trong “Chu Dịch chính nghĩa” đạo độc (Tế Nam: Tề Lỗ thư xã. 2005) đánh giá Khổng Dĩnh Đạt là “bậc thạc học hồng nho, nhà kinh học, nhà Dịch học trứ danh đời Đường, cũng là vị cố vấn về kinh học rất được Đường Thái Tông coi trọng". Về Chu Dịch chính nghĩa, Lưu Ngọc Kiến nhận định: “Chu Dịch chính nghĩa của họ Khổng đối với chủ sở kinh văn thể hiện đầy đủ đặc trưng cụ thể, toàn diện, hệ thống, rõ ràng, chứ không phải điều gọi là dùng nhiều lời nói suông”. Ở một chỗ khác, họ Lưu lại cho rằng “Khổng Dĩnh Đạt xác lập quan điểm Dịch học thống nhất tượng số với nghĩa lý biện chứng”.

Trong Chu Dịch chính nghĩa, Khổng Dĩnh Đạt cực lực bài bác các học giả thời Nam Bắc triều (420-589) dùng huyền học để giải thích kinh Dịch. Họ Khổng sớ giải, bổ sung và đính chính bản Chu Dịch Vương Hàn chú. Tất nhiên Chu Hi, Khổng Dĩnh Đạt mỗi nhà có kiến giải thù thắng khác nhau, nhưng so với Chu Dịch bản nghĩa của Chu Tử, khách quan mà nói, Chu Dịch chính nghĩa có tính hàn lâm, chú sớ tường tế hơn rất nhiều. Lắm chỗ Khổng Dĩnh Đạt sớ, nhưng Chu Hi bỏ qua không chú. Rất nhiều chỗ sớ giải của Khổng Dĩnh Đạt dài đến nửa trang, thậm chí gần cả trang, trong khi chú của Chu Tử chỉ vỏn vẹn một câu. Mặt khác, điều này rất quan trọng, Khổng Dĩnh Đạt nghiên cứu Kinh Dịch với nhãn quang chính thống của một bậc thạc nho, nên chú trọng thuyết minh đạo lý về nhân sự mà tuyệt nhiên không đề cập việc bói toán”.

Có thể nói, Chu Dịch chính nghĩa của Khổng Dĩnh Đạt rất có giá trị về mặt học thuật, là một tư liệu cần thiết và hữu ích cho những ai muốn nghiên cứu Kinh Dịch mà không đọc được bản chữ Hán. Thư viện xin giới thiệu đến bạn đọc.

Xin gửi lời cảm ơn đến giáo sư! Sách giáo sư tặng, Thư viện sẽ lưu lại để phục vụ nhu cầu tham khảo tư liệu của bạn đọc gần xa.

CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài