Ở kỳ này chúng tôi xin phép được giới thiệu đến đọc giả về một loại hình nghệ thuật văn hóa cổ truyền thường xuất hiện cùng với câu đối, luôn được bắt gặp ở bất cứ nơi thờ tự nào trong dân gian và đôi khi là cả ở tư gia. Đó chính là Biển ngạch 匾額 hay còn được biết dưới nhiều tên gọi khác như Biển 匾, Hoành phi 橫披, Hoành 橫, Cuốn thư, Bức hoành,...
Có nguồn gốc từ đời nhà Tấn 晋朝 (266 - 420) của Trung Quốc, vốn là một bức thư họa (tranh chữ) được viết trên tấm bảng lớn dưới dạng Đại tự 大字: Chữ lớn. Thường được làm bằng gỗ (đá,...) lúc này thì để đứng dọc về sau thì đặt nằm ngang, trải qua quá trình hình thành và phát triển, biển ngạch tồn tại mãi cho đến ngày hôm nay. Tùy vào nơi bài trí và chức năng, chúng tôi tạm phân loại biển ngạch thành các loại như sau:
- Biển ngạch 匾/扁額: là tên gọi chung của một tấm bảng nằm ngang (hoặc đôi khi là dọc) có chữ thường được treo ở cổng nơi thờ tự, trên nhà, sảnh lớn hoặc ở thư phòng,... Chữ được viết theo dạng Đại tự, bằng nhiều kiểu chữ khác nhau (Chân, Thảo, Lệ, Triện, Hành, Khải,...), thường từ 2 đến 6 chữ hoặc hơn (được biết chùa Thập Tháp ở Bình Định có tấm biển ngạch Sắc Tứ Thập Tháp Di Đà Tự 敕賜十塔彌陀寺 có đến 7 chữ, trong đó 2 chữ Sắc Tứ 敕賜 nhỏ hơn viết trên góc phải). Chúng tôi xếp Biển ngạch vào loại dùng để thông báo tên địa điểm như: Thái Hòa điện 太和殿: Điện Thái Hòa, Tĩnh Tâm trai 靜心齋: Thư phòng Tĩnh Tâm, Tàng Kinh các 藏經閣: Gác cất kinh v.v.
- Hoành phi 橫披/批: có cấu tạo tương tự như Biển ngạch, nhưng nội dung thì dùng để biểu đạt giáo lý khuyến thiện làm lành, ca ngợi tán dương công đức của Phật pháp, của tiền nhân,... (khi đặt ở những nơi thờ tự); những tâm tư tình cảm, chí hướng, sở thích của chủ nhân, lời khuyên răn của tiền nhân, những bài thơ hay, bài minh đặc sắc,... (khi đặt ở tư gia, phòng khách). Ở Việt Nam thì hoành phi chủ yếu được đặt ở nơi trang trọng trên bình phong, trên ban thờ. Hoành 橫 là tấm biển nằm ngang, phi 披/批 là phơi bày, phần chữ hoặc cả khung thường được sơn son thếp vàng, bày trí trang trọng các họa tiết ở đường viền bên ngoài chữ. Tiêu biểu như các biển: Tổ ấn trùng quang 祖印重光: Dấu Tổ sáng hoài, Sơn thanh thủy tú山清水秀: Núi sông tráng lệ, Ẩm hà tư nguyên 飲河思源: Uống nước nhớ nguồn v.v.
- Cuốn thư: cũng tương tự như Hoành phi nhưng phần trang trí có phần cầu kỳ hoa mỹ hơn, màu sắc sặc sỡ, các họa tiết hoa văn đa dạng như (kiếm cung sách bút, long lân quy phượng,...), phần chữ nằm bên trong một khung lớn hình vòng cung bên ngoài, đôi khi được cẩn chạm ốc xà cừ, khảm vàng, bạc. Đối với các bức cuốn thư cổ thường là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn hoặc một bài minh ngắn, nội dung thì cũng tương tự như hoành phi.
Ở Trung Quốc biển ngạch đa dạng và phong phú, có cả loại song ngữ thường là biển ngạch đặt dọc xuất hiện chủ yếu vào thời nhà Thanh 清朝 (1644 - 1912) khi chế độ này sử dụng song ngữ (gồm chữ của dân tộc Hán 漢文 và chữ của dân tộc Mãn được gọi là Mãn văn 满文). Cách đọc hoành phi ngày xưa theo cách đọc của người Trung Quốc là đọc từ phải sang trái, ở Việt Nam những biển ngạch có niên đại xưa thì còn lưu giữ cách đọc này và đến thời hiện đại nay có cả loại biển viết theo cách đọc từ trái sang phải. Ngoài ra còn có 1 cách đọc áp dụng cho những loại hoành phi có 3 chữ, là đọc chữ ở giữa trước sau đó là chữ bên phải rồi đến chữ bên trái, thường chữ ở giữa sẽ cao hơn so với hai chữ còn lại để biểu thị sự trang trọng tôn vinh, đối với tên các nơi thờ tự hoặc như biển ghi chữ Đức lưu quang 德流光: Đức sáng lưu giữ mãi, thường sử dụng cách bài trí và đọc như vậy (光德流). Đôi khi cũng có những bức hoành với nội dung khác trích dẫn từ các điển tích hoặc kinh sách thì người đọc phải có vốn kiến thức sâu rộng mới am hiểu và đọc đúng cách. Ngoài ra trên bức hoành còn có cả lạc khoản ghi niên đại và tên người. Niên đại là thời gian bức hoành đó được tạo ra, thường viết bằng chữ nhỏ ở phía trên bên phải nội dung của bức hoành ví dụ như Ất Hợi niên Trọng thu cát nhật乙亥年仲秋吉日: Ngày tốt, tháng Trọng thu (tháng 8), năm Ất Hợi; Lạc khoản đề tên người để chỉ tên người viết chữ, tên người tạo biển ngạch hoặc mục đích tạo biển ngạch (như cúng dâng cho các cơ sở thờ tự nhân dịp lễ, bạn bè tặng nhau qua lại, mừng khai trương, hôn lễ, sinh con, viếng tang,...), nằm ở phía dưới bên trái nội dung, ví dụ như: Đệ tử Nguyễn Tử Minh phụng cúng 弟子阮紫明奉供: Đệ tử tên Nguyễn Tử Minh kính dâng cúng.
Hoành phi thường được sử dụng chung với câu đối tạo thành một bộ đôi không thể thiếu trong không gian văn hóa của tầng lớp trí thức và thượng lưu thời xưa. Ngày xưa vào các dịp lễ, giữa những người bạn tâm giao hay những mối quan hệ thân thiết quan trọng, người ta thường tặng nhau những bức hoành phi, câu đối được viết sẵn trên khổ giấy lớn, chủ nhân sau khi nhận sẽ giữ gìn cẩn trọng nhờ thợ khắc gỗ dựa theo nét chữ mà tạo thành những bộ hoành phi câu đối đẹp đẽ trang trọng đặt ở nơi thư phòng hoặc nơi thờ tự để biểu thị sự trân trọng. Đó là một nét đẹp văn hóa cổ truyền đầy tao nhã và đậm chất văn nhân tài tử, nhưng rất tiếc là đến thời điểm hiện tại nét đẹp này đã dần mai một thậm chí là biến mất ở một số nơi, chỉ còn xuất hiện lẻ tẻ ở một vài cá nhân, những con người có tấm lòng hoài cổ, ôn cố tri tân biết trân trọng và gìn giữ những giá trị của tiền nhân để lại...
Xin giới thiệu một tấm biển ngạch ở chùa Giác Viên, được đặt trang trọng nơi giữa chánh điện của chùa. Nội dung gồm ba chữ được đọc từ phải sang trái là Giác Viên tự 覐圓寺 tức chùa Giác Viên (chữ Hán theo cách trình bày của bức biển là 寺圓覐), viết theo kiểu chữ Khải trong đó chữ Giác 覐 được viết theo kiểu chữ dị tự, nhưng trong kinh sách của Phật giáo thường thấy xuất hiện chữ Giác viết bằng kiểu chữ này. Bên góc trên bên phải là dòng lạc khoản ghi niên đại: Tuế thứ Tân Mão niên Quý xuân cát lập 嵗次辛卯年季春吉立 nghĩa là Biển ngạch này được lập vào ngày tốt tháng Quý xuân (tháng 3) năm Tân Mão và phía bên dưới góc trái là dòng lạc khoản đề tên người: Mộc ân Cư sĩ Tăng Văn Đạo phụng kính 沐恩居士曾文道奉敬 Cư sĩ thuấm nhuần ân đức tên là Tăng Văn Đạo kính dâng (cúng chùa).
Xin được trân trọng giới thiệu đến mọi người về một loại hình văn hóa nghệ thuật cổ truyền đầy trang trọng và không kém phần tao nhã của ông cha ta.
Huệ Quang, tiết Nguyên tiêu, năm Ất Tỵ (2025).
Thiện Nghĩa/Thư viện Huệ Quang