Nguyên văn:
大雄殿上演三乘祝國[1]王堯天舜日
萬法堂中宣諸品願施主壽海福山
Phiên âm:
Đại Hùng điện [2] thượng, diễn tam thừa, chúc quốc vương Nghiêu thiên Thuấn nhật,
Vạn Pháp đường [3] trung, tuyên chư phẩm, nguyện thí chủ thọ hải phúc sơn.
Dịch nghĩa:
Trên điện của đức Đại Hùng diễn xướng ba thừa, khánh chúc quốc vương trời vua Nghiêu ngày vua Thuấn,
Trong tòa nhà Vạn Pháp tuyên thuyết chư phẩm kinh, nguyện cầu thí chủ thọ như biển phúc như núi.
Trong câu đối này có sự phối hợp hài hòa của hai tôn giáo, khi sử dụng thuật ngữ của Phật giáo và cả điển tích của Nho gia. Mỗi vế đối có 14 chữ, chúng tôi ngắt theo nhịp 4/3/7.
Giữa các vế có sự đối xứng với nhau một cách thích ứng, như:
- Đại Hùng điện thượng 大雄殿上 (Trên điện Đại Hùng) đối với Vạn Pháp đường trung 萬法堂中 (Trong nhà Vạn Pháp);
- Diễn tam thừa 演三乘 đối với Tuyên chư phẩm 宣諸品, diễn xướng đối với tuyên thuyết, tam thừa chỉ ba bậc tu hành gồm Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Phật thừa, chư phẩm có hai nghĩa: một là gọi tắt của Chư Phẩm Kinh 諸品經 gồm các bài kinh thường được tụng đọc trong các nghi lễ tán tụng của Phật giáo, hai là chỉ các phẩm mục trong kinh điển của Phật giáo. Cả hai đều thể hiện cùng một nghĩa chung là giáo lý kinh điển của đức Phật;
- Chúc quốc vương Nghiêu thiên Thuấn nhật 祝國王堯天舜日 (điển tích trong Nho gia) đối với Nguyện thí chủ thọ hải phúc sơn 願施主壽海福山. Chúc quốc vương đối với Nguyện thí chủ, quốc vương và thí chủ là hai nhân vật trọng yếu hỗ trợ chư Tăng tu học trong chốn Thiền môn từ tinh thần đến vật chất, vì thế là đối tượng được chư Tăng thường nhật tụng kinh chúc nguyện cho họ. Đối với quốc vương thì là lời cầu chúc cho đất nước dưới sự cai trị của vua được thái bình thịnh trị như thời đại của vua Nghiêu và Thuấn, còn với thí chủ thì lời khấn nguyện cho họ được sống lâu so với biển cả, có được phước đức tương tựa như núi. Đây cũng là một điển tích trích từ nội dung trong các tác phẩm có niên đại vào đời nhà Minh như Kinh Thoa Ký 《荊釵記》 được cho là của Khê Đan Khâu 柯丹邱 và Thanh Bình Sơn Đường Thoại Bản《清平山堂話本》của Hồng Tiện 洪楩, nhưng trong nguyên bản thì vốn có nội dung là: Phúc như Đông hải trường lưu thủy, Thọ tỷ Nam sơn bất lão tùng 福如東海長流水,壽比南山不老松, về sau câu nói này trở thành một câu chúc phúc thông dụng trong dân gian. Nhưng trong cách sử dụng các điển tích cũng thường xuất hiện việc đảo qua lại các thành phần có nét tương tự (phúc như biển thọ như núi thành thọ như biển phúc như núi) trong nguyên tác, và cũng có thể để phù hợp cho niêm luật của vế đối nên xuất hiện sự đảo nội dung này.
Nội dung câu đối là lời cầu chúc, khấn nguyện cho những vị thí chủ (từ quốc vương đến thường dân) ở nơi Thiền môn qua hình ảnh của điện Đại Hùng thờ Phật và tòa Vạn Pháp giảng kinh, thông qua những mong muốn và ước nguyện tùy vào vị trí của từng đối tượng, là một vị quốc vương anh minh thống lãnh thiên hạ thì còn mong cầu nào hơn việc quốc thái dân an, là một con người sống đời bình dân nhưng ham thích làm việc thiện thì còn ước ao nào bằng được sống lâu, gia đình hạnh phúc.
Chúng tôi xin tạm dịch đối như sau:
Trên điện Đại Hùng diễn xướng ba thừa, kính chúc quốc vương thái bình thịnh trị,
Trong tòa Vạn Pháp tuyên thuyết chư kinh, nguyện cầu thí chủ phước thọ miên trường.
Tiền nhân đã dùng câu đối để nêu lên những lời chúc nguyện với những mong ước bình dị mà thầm kín ấy, sử dụng hàng loạt các thuật ngữ và điển tích để rút gọn câu chữ mà nội dung vẫn phong phú và đầy đủ, qua đó cũng thấy được sự kỳ công trong việc sáng tác câu đối. Xin trân trọng giới thiệu cho bạn đọc về cặp đối này.
Chú thích:
[1] Trong nguyên văn dùng chữ Quốc dị tự không có trong bộ gõ, chúng tôi sử dụng chữ Quốc 國 thông dụng để thay thế.
[2] Đại Hùng là một trong những danh hiệu của Đức Phật, điện Đại Hùng là điện thờ của Đức Phật.
[3] Vạn Pháp đường, là tòa nhà chứa đựng muôn giáo pháp chỉ cho Giảng đường nơi chuyên dụng để giảng kinh thuyết pháp.