Tìm hiểu câu đối chùa Giác Viên Phần 4

Tìm hiểu câu đối chùa Giác Viên Phần 4
Câu đối tiếp theo của chùa Giác Viên nằm ở vị trí hàng cột thứ tư của Tây lang (nhìn từ bên trái), không rõ niên đại và tác giả:

Nguyên văn:
善爲至寳勝明珠普願人人行善事
道是最尊無过上遍祈處處[1]發道心

Phiên âm:
Thiện vi chí bảo thắng minh châu, phổ nguyện nhân nhân hành thiện sự,
Đạo thị tối tôn vô quá thượng, biến kỳ xứ xứ phát đạo tâm.

Dịch nghĩa:
Tính thiện/việc thiện là báu vật vô giá hơn cả ngọc quý, nguyện khắp người người đều làm việc thiện,
Đạo pháp/đạo tâm là tối cao tôn quý không gì hơn, cầu cho chốn chốn cùng phát đạo tâm.



Ở câu đối này trình bày một phần giáo lý Phật pháp cho đại chúng, nội dung trình bày rất tường minh và bình dị, dễ nhớ và dễ hiểu không sử dụng các điển tích hay thuật ngữ khó trong tôn giáo. Chúng tôi ngắt câu đối theo nhịp 7/7, giữa các vế có sự đối ứng nhau chặt chẽ:

- Thiện vi chí bảo thắng minh châu 善爲至寳勝明珠 đối với Đạo thị tối tôn vô quá thượng 道是最尊無过上. Trong đó Thiện vi chí bảo (Tính thiện/việc thiện là báu vật vô giá) đối với Đạo thị tối tôn (Đạo pháp/đạo tâm là tối cao tôn quý) kết hợp với từ so sánh: thắng minh châu (hơn ngọc quý) đối với vô quá thượng (không gì hơn) tôn thêm phần trang trọng và thể hiện rõ nội dung muốn truyền đạt, giữa các từ loại và niêm luật đối ứng với nhau một cách chặt chẽ;

- Phổ nguyện nhân nhân hành thiện sự 普願人人行善事 đối với Biến kỳ xứ xứ phát đạo tâm 遍祈處處發道心, trong đó phổ nguyện (nguyện rộng khắp) đối với biến kỳ (cầu rộng khắp) và nhân nhân hành thiện sự (người người làm việc thiện) đối với xứ xứ phát đạo tâm (chốn chốn phát đạo tâm).

Đây là một câu đối mang nội dung khuyến thiện, truyền bá tư tưởng của Phật giáo. Với nội dung vô cùng gần gũi và bình dị, chỉ cần vừa đọc là hiểu ngay ý nghĩa mà không cần phải lý giải sâu xa. Đây cũng là dạng câu đối rất được thịnh hành trong dân gian ở các nơi thờ tự, với mục đích phổ biến rộng rãi đến cộng đồng nhân dân lao động trong chốn thôn quê ngày xưa, những vị “đại thí chủ” với tấm lòng thuần thiện và chân thành nhất. Xuất phát từ một điểm chung là biết võ vẽ một vài chữ Nho cùng một tấm lòng mộ đạo thiết tha, họ là những người nông dân tay lấm chân bùn hoặc lao động dưới những công việc mưu sinh nặng nhọc khác nhau hay những người phụ nữ dưới sự hà khắc của chế độ giáo dục phong kiến cùng sự giới hạn của giai cấp mà việc học chữ Nho đối với họ là một điều xa xỉ, họ chỉ có thể học những lớp vỡ lòng để đọc viết và hiểu một vài chữ thông dụng thường xuất hiện trong các giấy tờ hoặc tên của mình và người thân trong gia đình cùng các con số trong việc tính toán, vì thế việc đọc những chữ khó hay hiểu biết về các điển tích được trích dẫn từ các kinh sách hoặc các thuật ngữ tôn giáo đối với họ là một điều vô cùng khó khăn. Đó là một phần nguyên nhân ra đời của những câu đối thuộc dạng này, khiến họ dễ dàng đọc hiểu mà không cần phải thông thuộc điển tích hay thuật ngữ tôn giáo, hoặc phải nhờ đến một người nào đó am hiểu giải thích cho mình. Khi tự bản thân họ có thể đọc và hiểu rõ nội dung cùng ý nghĩa của câu đối, họ có thể thực hành theo điều mà câu đối đã hướng dẫn, bản thân họ cũng có thể truyền đạt lại nội dung cùng ý nghĩa của câu đối ấy cho người quen biết và người trong gia đình. Với một tấm lòng mộ đạo thiết tha, còn gì hoan hỷ hơn là khi tự bản thân mình đọc và hiểu được giáo lý của đức Phật đã chỉ dạy thông qua các câu đối được treo trang trọng nơi những ban thờ, nơi cổng chùa, nơi hàng cột..., đấy là một trong những ưu điểm của câu đối được sử dụng để truyền đạt giáo lý của đạo Phật – một tôn giáo với tông chỉ bình đẳng không phân biệt giai cấp, trình độ tùy theo căn cơ của từng hạng người khác nhau mà có các cách truyền đạt để giáo hóa khác nhau.

Trong đời sống này, làm việc thiện (hay tính thiện lương trong mỗi con người) là báu vật vô giá hơn cả ngọc quý, vì thế nguyện cho người người đều làm việc thiện Đạo pháp (hay tấm lòng ham học đạo) là tối cao tôn quý không gì sánh bằng, cho nên cầu cho chốn chốn cùng phát khởi đạo tâm. Với một nội dung cần diễn đạt có dung lượng chữ nhiều như vậy, khi được các bậc tiền nhân vận dụng vào câu đối nó chỉ gói gọn lại trong 2 vế đối gồm tổng là 28 chữ, ở mỗi vế có 14 chữ, mà ý nghĩa vẫn đầy đủ. Thậm chí là còn tuân thủ nghiêm ngặt các niêm luật đối nhau giữa các vế, vừa thể hiện rõ sự tài hoa của người sáng tác, những câu đối không nhất thiết phải dùng những câu chữ khó, những điển hay tích lạ trong kinh sách, những thuật ngữ chuyên môn trong tôn giáo mà chỉ là những chữ bình dân thường dụng cũng có thể tạo thành một câu đối hoàn hảo và mang đầy đủ ý nghĩa.

Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc về cặp đối này.

Chú thích:
[1] Trong nguyên văn dùng chữ Xứ dị tự không có trong bộ gõ, chúng tôi sử dụng chữ Xứ 處 thông dụng để thay thế.

Sài Gòn, mạnh xuân Ất Tỵ, 2025
Thiện Nghĩa/ Thư viện Huệ Quang
CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài