Trong kỳ này chúng tôi xin giới thiệu về tấm biển ngạch [1] trong chùa cổ Phước Tường, TP. Thủ Đức. Được đặt nơi Chánh điện, chữ được viết theo kiểu Khải thư khắc chìm, sơn vàng trên nền màu son đã nhuốm màu theo thời gian, có đường viền bên ngoài với họa tiết hoa lá xung quanh và cả lạc khoản với dòng chữ nhỏ ở hai bên nội dung.
Nguyên văn:
大雄寳殿 (Nguyên tác được viết từ phải sang trái 殿寳雄大).
LK:
壬戌年 季春
信主 鄉奇 阮文保 李氏瑶
Phiên âm:
ĐẠI HÙNG BẢO ĐIỆN
LK:
Nhâm Tuất niên Quý Xuân.
Tín chủ Hương Cả: Nguyễn Văn Bảo, Lý Thị Diêu.
Dịch nghĩa:
ĐIỆN BÁU ĐẠI HÙNG
LK:
Tháng Quý Xuân (tháng 3) năm Nhâm Tuất.
Tín chủ Hương Cả: Nguyễn Văn Bảo, Lý Thị Diêu.
Được đặt trang trọng nơi Chánh điện, đây là tấm biển ngạch với nội dung biểu thị địa điểm là nơi bảo điện phụng thờ đức Đại Hùng. Đại Hùng 大雄 là một trong những mỹ hiệu dùng để tôn xưng cho đức Phật. Đây cũng là loại biển ngạch thông dụng, thường đặt ở Chánh điện của các ngôi tự viện trên toàn quốc. Xuất xứ từ nhiều kinh điển như kinh Lăng Nghiêm; kinh Pháp Hoa; kinh A-hàm..., Đại Hùng là mỹ từ dùng để tôn xưng đức Phật Thích-ca Mâu-ni 釋迦牟尼佛 - vị Phật hiện tại của thế giới Ta-bà 娑婆 này. Theo Phật Quang Đại Từ Điển thì:
Đại hùng hàm ý là người anh hùng vĩ đại. Là đức hiệu của Phật. Vì Ngài có đầy đủ trí lực to lớn, hàng phục được tất cả ma chướng, nên gọi là Đại Hùng.
Ngoài ra Đại Hùng còn thể hiện cho đức tính dũng mãnh kiên trì của một vị Phật khi Ngài lựa chọn giáng sanh vào cõi uế độ với đời ác năm trược [2] để giáo hóa những chúng sanh cang cường, tánh khí cao ngạo khó có thể chịu sự giáo hóa hay bị nhiếp phục bởi Chánh pháp của đức Phật.
Ngoài sự dũng mãnh biểu hiện ra bên ngoài điều quan trọng hơn nữa chính là sự dũng mãnh xuất phát từ nội tâm. Khi tự bản thân dũng mãnh diệt trừ tất cả tham lam sân hận si mê để đạt được giải thoát giác ngộ. Kinh Pháp Cú đã nói rõ điều này:
Dầu tại bãi chiến trường,
Thắng hàng ngàn quân địch,
Không bằng tự thắng mình,
Thắng mình là tối thượng.
HT. Minh Châu dịch
Ở Trung Quốc biển ngạch Đại Hùng bảo điện ban đầu được đặt nơi điện thờ riêng của đức Thích-ca, có khi được phối thờ với hai tôn giả A-nan và Ca-diếp hoặc Hoa Nghiêm Tam Thánh 華嚴三聖 gồm đức Thích-ca cùng Bồ-tát Văn Thù 文殊菩薩 và Phổ Hiền普賢菩薩, Ta-bà Tam Thánh 娑婆三聖 gồm đức Thích-ca cùng Bồ-tát Quán Âm 觀音菩薩 và Địa Tạng 地藏菩薩, Tam thế Phật 三世佛 gồm Phật A-di-đà 阿彌陀佛 (Quá khứ) - Phật Thích-ca 釋迦佛 (Hiện tại) - Phật Di-lặc 彌勒佛 (Tương lai). Ở Chánh điện hoặc điện thờ của các vị Phật, Bồ-tát khác biển ngạch sẽ mang tên khác. Dần về sau biển ngạch này được dùng phổ biến và sử dụng chủ yếu nơi Chánh điện, do bởi chấp nhận tư tưởng “Chư Phật bình đẳng 諸佛平等”, do bởi tất cả bình đẳng nên tôn hiệu cũng đều bình đẳng vì thế tất cả chư Phật cũng đều là đấng Đại Hùng. Vì thế về sau nơi Chánh điện được gọi là Đại Hùng bảo điện: Điện báu phụng thờ đức Đại Hùng hay Điện báu của đức Đại Hùng.
Chú thích:
[1] Xin xem lại phần giới thiệu và phân loại biển ngạch ở Từ trong di sản kỳ 05.
[2] Ngũ trược ác thế 五濁惡世 là đời ác năm trược, gồm Kiếp trược 刼濁: kiếp số đến thời kỳ thay đổi khiến con người dần giảm sút; Kiến trược 見濁: nhận thức con người dần sai lầm rơi vào tà kiến phỉ báng chánh kiến; Phiền não trược 煩惱濁: chúng sanh có nhiều việc làm do tập khí xấu ác gây nhiều phiền não; Chúng sanh trược 眾生濁: chúng sanh gây tạo nhiều tội lỗi không biết ăn năn; Mạng trược 命濁: chúng sanh tạo nhiều ác nghiệp nên tuổi thọ dần giảm bớt.
Huệ Quang, Khánh đản đức Phổ Hiền Bồ-tát, Ất Tỵ niên (2025)
Thiện Nghĩa/Thư viện Huệ Quang.