Trong kỳ này chúng tôi xin giới thiệu về cặp đối tiếp theo trong chùa cổ Phước Tường, TP. Thủ Đức. Câu đối được khắc trên chất liệu gỗ, được khắc chìm theo lối Khải thư, chữ được sơn màu vàng trên nền đỏ, vế đối bên trái bị hư hại nhẹ ở phần đầu.
Nguyên văn:
洗耳不闻塵世
布衣隨分守閒[1]
Phiên âm:
Tẩy nhĩ bất văn trần thế
Bố y tùy phận thủ nhàn
Dịch nghĩa:
Rửa lỗ tai chẳng nghe chuyện trần thế
Mặc áo vải tùy phận giữ thanh nhàn.
Đây là câu đối có xuất xứ từ điển tích của Nho gia, bắt nguồn từ câu chuyện Thiện nhượng 禪讓 (nhường lại ngôi vị) của các bậc minh quân thời cổ đại ở Trung Quốc. Chuyện kể lại rằng, vào thời Trung Quốc cổ đại lúc này do Đế Nghiêu 帝堯 trị vì, cảm thấy mình đã già yếu, ông không truyền ngôi lại cho con mình, mà đi tìm một người hiền tài trong thiên hạ để truyền ngôi vua cho. Lúc này, vua nghe tiếng một bậc hiền sĩ tên là Hứa Do 許由 (Cũng có tên gọi khác là Hứa Diêu 許繇), tự là Vũ Trọng 武仲, hiệu Đạo Khai 道开, bèn triệu vào cung rồi ngỏ ý nhường ngôi, Hứa Do từ chối và bỏ đi ẩn cư ở Cơ/Ky Sơn 箕山. Sau này Đế Nghiêu lại đến gặp Hứa Do và lần này muốn mời ông giữ chức Trưởng quan của Cửu Châu 九州長官, Hứa Do tiếp tục từ chối và đi ra sông Dĩnh 穎水 để rửa lỗ tai của mình.
Khi ấy có một ẩn sĩ tên là Sào Phủ 巢父 dắt trâu đến bờ sông Dĩnh để cho trâu uống nước. Thấy việc làm kỳ lạ của Hứa Do, Sào Phủ bèn hỏi lý do, sau khi nghe câu trả lời đại ý rằng vì Hứa Do nghe thấy việc công danh trần thế nên cảm thấy tai mình bị dơ phải đi rửa cho sạch. Sào Phủ không ngần ngại mà dắt trâu đi không cho uống nước nữa, Hứa Do nghi vấn thì được Sào Phủ trả lời rằng vì do bởi ông không khiêm tốn để cho danh tiếng của mình vang xa, mới khiến cho vua tìm đến nhường ngôi và bàn luận chuyện công danh thế tục, giờ ông rửa tai ở đây thì nước bị dơ (nhiễm mùi công danh trần thế) nên phải dắt trâu đi chỗ khác uống nước (Có sách viết Hứa Do rửa tai ở hạ nguồn, Sào Phủ không cho trâu uống nước ở đó mà dẫn trâu lên uống nước ở thượng nguồn.)
Qua điển tích trên thể hiện một thái độ khinh thường công danh lợi lộc, ham thích sống đời sống đạm bạc thanh nhàn của các bậc minh quân, hiền sĩ, ẩn sĩ ngày xưa. Câu chuyện xoay quanh ba nhân vật, một bậc minh quân sở hữu cả giang sơn nhưng sẵn sàng tìm người hiền mà nhường ngôi không vì tư tình mà thiên vị hay luyến tiếc ngôi báu, một người hiền sĩ dù được trao tặng cho cả giang sơn mà vẫn chối từ không màng đến và một người ẩn sĩ chân chính, khiêm tốn với một phong thái thanh cao giản dị. Họ là những người mang thân phận khác nhau nhưng có cùng một chí hướng, mong muốn an phận tùy duyên sống với mảnh áo vải đơn sơ, vui với ruộng đồng với thiên nhiên, không tham giàu sang phú quý, quyền cao chức trọng, hay thanh danh hiển hách, chỉ cần làm một người dân bình dị, an nhàn không bị ràng buộc với lợi danh với quyền lực. Chẳng màng cả lời khen tiếng chê của thế tục, nhưng cũng không làm mất đi phẩm giá của một đấng trượng phu, cái ngạo khí chân chánh của một bậc hiền nhân quân tử.
Trong thời phong kiến, tư tưởng Tam giáo đồng nguyên 三教同源 (Ba tôn giáo Phật – Đạo – Nho có cùng nguồn gốc) đã phổ biến một cách rộng rãi và được đại đa số các nhân sĩ trí thức chấp nhận và truyền bá. Vì thế không lấy làm lạ, khi câu đối sử dụng điển tích và thể hiện tư tưởng của Nho gia lại được treo ở một nơi thờ tự của Phật giáo như ở chùa. Dưới góc nhìn của một người Phật tử, ta có thể hiểu ý nghĩa của câu đối trên theo đường lối Phật học. Giữ cho tai mình (biểu thị cho ý thức) được trong sạch trước những cám dỗ, những việc gây phiền muộn của trần thế. Giữ cho thân mình (biểu thị cho hành vi) sống theo tinh thần Thiểu dục tri túc 少欲知足 (Ít tham muốn, biết vừa đủ) để có được một cuộc sống an nhàn, tự tại không bị phiền muộn thế tục ràng buộc gây khổ não. Đó chính là nguyện vọng cao cả mà bình dị, của một người Phật tử thuần thành luôn muốn đạt được trong cuộc sống ngay đời hiện tại này.
Xin được trân trọng giới thiệu đến bạn đọc về cặp đối này.
Ghi chú:
[1] Trong nguyên tác vế đối sử dụng chữ Nhàndị tự, không có trong bộ gõ nên sử dụng chữ Nhàn 閒 thông dụng thay thế.
Thiện Nghĩa/Thư viện Huệ Quang
Huệ Quang, Hạ tuần, Hòe nguyệt, Ất Tỵ niên (2025).