Phần 6: Tìm hiểu về hai bức hoành phi chùa Giác Viên

Phần 6: Tìm hiểu về hai bức hoành phi chùa Giác Viên

Kỳ này chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu về hai bức hoành phi của chùa Giác Viên.

Bức hoành phi đầu tiên được đặt ở một bên của chánh điện, với nội dung: 宣陽教主 Tuyên dương Giáo chủ được đọc theo chiều từ phải sang trái (主教陽宣) không có lạc khoản nên không rõ niên đại và tác giả, chữ được viết theo kiểu Khải thư khắc nổi trên chất liệu gỗ, mang ý nghĩa ca ngợi đức Phật, trong đó tuyên dương 宣陽 là khen ngợi biểu dương, chữ dương đúng ra nên dùng là chữ 揚 có bộ Thủ 扌 (手) mới phù hợp với nghĩa là khen ngợi, phô bày trong tuyên dương, thế nhưng người viết lại sử dụng chữ 陽 có bộ Phụ 阝 (阜) mang nghĩa là mặt trời hay ánh sáng. Có thể người viết ngày xưa do nhầm lẫn giữa các chữ Hán đồng âm mà viết sai chữ chăng? Hay ngày xưa ông cha ta khi sử dụng hai chữ dương 揚 (bộ 扌) và 陽 (bộ 阝) mặc định rằng nó có cùng nghĩa như nhau, nên khi viết đã viết chữ dương theo thói quen mà mình thường sử dụng. Hoặc còn có một khả năng nữa, ý của tác giả muốn biểu đạt trong câu 宣陽教主 Tuyên dương Giáo chủ này là: phơi bày tỏ rõ (宣 tuyên) ánh sáng (dương 陽) của đức Giáo chủ. Ánh sáng ở đây ngụ ý để chỉ cho sự lan tỏa trí tuệ từ đức Giáo chủ chiếu rạng khắp chúng sinh, khiến người đời thoát khỏi bóng tối vô minh che lấp. Giáo chủ 教主là từ để chỉ cho người sáng lập ra giáo phái, nhân vật được đề cập đến chính là vị Phật hiện tại của thế gian này, Người được biết với danh xưng đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật 本師釋迦牟尼佛, Người sáng lập ra Phật giáo xuất phát từ vùng Đông bắc Ấn Độ, từ khoảng thế kỉ thứ 6 TCN đến thế kỉ thứ 5 TCN. Nội dung của hoành phi thể hiện việc ca ngợi tán dương đức Phật, vì thế được đặt nơi chánh điện trang nghiêm. Thật tiếc khi ở hiện tại, chúng ta không nắm rõ được chủ ý khi dùng chữ mà người viết muốn thể hiện, do không có ghi chép bằng văn bản, không có câu chuyện nào lưu truyền lại từ những bậc lão niên, nên điều này vẫn còn là một nghi vấn và nằm trong khuôn khổ những giả định đã được đặt ra.

Bức hoành phi thứ hai được đặt ở gian thứ ba (nhìn từ bên phải qua) của Tổ đường với nội dung: 五葉𣴑芳 Ngũ diệp lưu phương (Chữ 𣴑 là chữ dị tự của 流) . Năm cánh hoa/Năm đời/Năm dòng Thiền để lại tiếng thơm. Được đọc theo chiều từ phải sang trái (芳𣴑葉五) không có lạc khoản nên không rõ niên đại và tác giả, chữ được viết theo kiểu Khải thư khắc chìm trên chất liệu gỗ. Có nguồn gốc từ điển tích của Thiền tông Phật giáo, khởi nguồn từ việc Tổ thứ 28 của Thiền tông là đại sư Bồ-đề Đạt-ma 菩提達摩, vượt biển từ Ấn Độ sang Trung Hoa truyền bá Thiền tông, được người đời sau xưng tán là Tổ thứ 28 Thiền tông Tây Thiên (Ấn Độ) và Sơ tổ Thiền tông Đông Độ (Trung Hoa). Khi ngài truyền y ca-sa và bát của mình lại cho đại sư Huệ Khả 慧可 (487 - 593) và khi ấn chứng ngài Huệ Khả trở thành Nhị tổ của Thiền tông Trung Hoa, ngài Đạt-ma có đọc một bài kệ phó pháp như sau:

Nguyên văn:

吾本來玆土

傳法救迷情

一華開五葉

結果自然成

Phiên âm:

Ngô bổn lai tư độ

Truyền pháp cứu mê tình

Nhất hoa khai ngũ diệp

Kết quả tự nhiên thành.

Tạm dịch:

Ta đến vùng đất này

Truyền pháp cứu kẻ mê

Một hoa nở năm cánh

Kết quả tự nhiên thành.

Theo lời ngài Đạt-ma, y bát chỉ nên truyền từ đến đời Tổ thứ 6 thì dừng không cần tiếp tục truyền tiếp nữa, vì Phật pháp và giáo lý Thiền tông vào thời điểm đó đã phát triển cực thịnh với nền tảng kiên cố và hoàn toàn vững chắc, không cần dùng y bát để làm minh chứng cho sự truyền thừa giáo pháp nữa. Nhất hoa khai ngũ diệp 一華開五葉: Một hoa nở năm cánh, trong đó có người lý giải như sau: Nhất hoa là Tổ Đạt-ma (người gốc Ấn Độ), khai mở giáo pháp khiến cho nở ra năm cánh hoa dưới một bông hoa ấy, năm cánh hoa đó chính là năm vị Tổ kế tiếp của Thiền tông Trung Hoa gồm, Nhị tổ Huệ Khả 慧可, Tam tổ Tăng Xán 僧璨 (529 - 613), Tứ tổ Đạo Tín 道信 (580 - 651), Ngũ tổ Hoằng Nhẫn 弘忍 (601 - 674) và Lục tổ Huệ Năng 慧能 (638-713) - năm người Trung Hoa. Cũng có thuyết cho rằng đó là lời huyền ký của Tổ Đạt-ma dành cho Lục tổ Huệ Năng, ở dưới sự giáo hóa của Tổ Huệ Năng sẽ có năm người đệ tử lớn định hình và truyền bá Thiền tông phát triển một cách rực rỡ, gồm các vị Nam Nhạc Hoài Nhượng 南嶽懷讓 (677 - 744), Thanh Nguyên Hành Tư 青原行思 (660 - 740), Vĩnh Gia Huyền Giác 永嘉玄覺 (665 - 713), Nam Dương Huệ Trung 南陽慧忠 (675? - 775) và Hà Trạch Thần Hội 荷澤神會 (668 - 760 hoặc 670 - 762). Và từ nền tảng giáo lý do Tổ Huệ Năng củng cố cùng các đệ tử phát triển, đến đời các đồ tôn của ngài Huệ Năng đã hình thành năm dòng Thiền lớn và hai chi phái được gọi là Ngũ gia thất tông 五家七宗, gồm 5 tông: Lâm Tế 臨濟宗 [1], Quy Ngưỡng 潙仰宗 [2], Tào Động 曹洞宗 [3], Vân Môn 雲門宗 [4] và Pháp Nhãn 法眼宗 [5], cộng thêm 2 phái Hoàng Long 黃龍派 [6] và Dương Kỳ 楊岐派[7] xuất phát từ tông Lâm Tế mà gọi chung là 7 tông.

Vì thế nên bức hoành 五葉𣴑芳 Ngũ diệp lưu phương có thể hiểu theo các nghĩa: Năm đời Tổ sư Thiền (từ Nhị tổ Huệ Khả đến Lục tổ Huệ Năng) để lại tiếng thơm cho đời sau hay Năm dòng Thiền (Lâm Tế, Quy Ngưỡng,Tào Động, Vân Môn và Pháp Tướng) để lại tiếng thơm cho đời sau, với dụng ý ca ngợi tán dương công đức của chư Tổ sư đã không ngại gian nan khó khăn mà hoằng truyền Phật pháp, vì thế hoành phi này được an trí nơi Tổ đường.

Xin được trân trọng giới thiệu đến bạn đọc về hai bức hoành phi này.

Chú thích:

[1] Tông Lâm Tế do ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền 臨濟義玄 (? - 866/867) sáng lập, ngài là đệ tử của ngài Hoàng Bá Hy Vận 黃蘖希運 (? - 850) và là đồ tôn của ngài Bách Trượng.

[2] Tông Quy Ngưỡng do ngài Quy Sơn Linh Hựu 潙山靈祐 (771 - 853) và đệ tử là Ngưỡng Sơn Huệ Tịch 仰山慧寂 (807-883) sáng lập, ngài Quy Sơn là đệ tử của ngài Bách Trượng.

[3] Tông Tào Động do ngài Động Sơn Lương Giới 洞山良价 (807 - 869) và đệ tử là Tào Sơn Bản Tịch 曹山本寂 (840-901) sáng lập, ngài Động Sơn là đệ tử đời thứ tư của Thiền sư Thanh Nguyên.

[4] Tông Vân Môn do ngài Vân Môn Văn Yển 雲門文偃 (864 - 949) sáng lập, ngài là đệ tử đời thứ sáu của Thiền sư Thanh Nguyên.

[5] Tông Pháp Nhãn khởi nguồn từ Thiền sư Huyền Sa Sư Bị 玄沙師備 (835 - 908) nên ban đầu cũng được gọi là Huyền Sa tông 玄沙宗. Sau đó pháp tôn của Thiền sư Huyền Sa là ngài Pháp Nhãn Văn Ích 法眼文益 (885 - 958) làm cho tông phong vang dội khắp nơi vì thế tông này được gọi là tông Pháp Nhãn. Ngài Pháp Nhãn là đệ tử đời thứ 8 của Thiền sư Thanh Nguyên.

[6] Phái Hoàng Long do ngài Hoàng Long Huệ Nam 黃龍慧南 (1002 - 1069) sáng lập, ngài là đệ tử đời thứ 7 của Thiền sư Lâm Tế.

[7] Phái Dương Kỳ do ngài Dương Kỳ Phương Hội 楊岐方會 (992 - 1049) sáng lập, ngài cũng là đệ tử đời thứ 7 của Thiền sư Lâm Tế.

Huệ Quang, thượng tuần, Trọng xuân, Ất Tỵ niên (2025)

Thiện Nghĩa/Thư viện Huệ Quang

CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài