Từ trong di sản - Phần VII

Từ trong di sản - Phần VII

Trong kỳ này chúng tôi sẽ giới thiệu về một cặp đối ở chùa Phước Tường, một trong những ngôi cổ tự của Thành phố Hồ Chí Minh.

Chùa cổ Phước Tường 福祥古寺 tọa lạc tại đường 102, Khu phố 7, phường Tăng Nhơn Phú A, TP. Thủ Đức. Ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, được Bộ Văn Hóa Thông tin công nhận cấp bằng ngày 27/7/1993 và công nhận là Di Tích kiến trúc nghệ thuật theo quyết định VH/QĐ 43, ngày 7/1/1993. Chùa theo hệ phái Bắc tông do Tổ sư Linh Quang Phật Chiếu 靈光佛照 (1736 - 1788), đời thứ 35 thiền phái Lâm Tế khai sơn vào năm 1741[1]. Đến năm Giáp Ngọ đời vua Minh Mạng (1834), trụ trì đời thứ tư là Hòa thượng Từ Minh [2], dời chùa đến địa điểm hiện nay và tái thiết quy mô. Nơi đây có những bức hoành phi và câu đối hàng trăm năm tuổi, cùng hệ thống tượng Phật, tượng Bồ-tát cổ xưa, kết hợp với kiến trúc cổ kính mang đậm màu sắc Nam bộ vẫn trường tồn với thời gian qua từng dấu rêu phong.

Câu đối ở chùa Phước Tường có nội dung như sau:

Nguyên văn:

生前教養得人無子終成如有子

沒後聲名畱在世雖亡者而不亡

Lạc khoản (LK):

庚子年四月十五日增富 夫阮文律 妻武氏他 奉供

福祥寺諱上心下壽[?][?] 主香[?]

 

Phiên âm:

Sanh tiền giáo dưỡng đắc nhân, vô tử chung thành nhi hữu tử,

Một hậu thanh danh lưu tại thế, tuy vong giả nhi bất vong.

LK:

Canh Tý niên tứ nguyệt thập ngũ nhật Tăng phú Phu: Nguyễn Văn Luật, Thê: Vũ Thị Tha phụng cúng.

Phước Tường tự húy thượng Tâm hạ Thọ [?][?] Chủ hương [?].

 

Dịch nghĩa:

Lúc sanh tiền dạy dỗ được người khác, không có con cuối cùng lại thành như có con,

Sau khi qua đời tiếng thơm lưu trên đời, tuy người đã mất nhưng (danh tiếng) vẫn còn.

LK:

Ngày 15 tháng 4 năm Canh Tý, Gia đình khá giả: chồng là Nguyễn Văn Luật, vợ là Vũ Thị Tha thành kính dâng cúng (chùa).

Chùa Phước Tường thầy Chủ hương Tâm Thọ [?][?][?].

Đây là một câu đối nêu lên sự ca ngợi tán dương dành cho những vị Tăng, những con người trọn đời hiến dâng mình cho đạo pháp, cho sự nghiệp hoằng pháp độ sinh. Vì đã quyết chí xuất gia tu Phật những vị Tăng ấy tuân thủ theo giới luật mà Phật đã đặt ra, các ngài không có gia đình riêng mà có cả một đại gia đình với những người học trò do chính tay mình dạy dỗ, nuôi dưỡng và rèn luyện. Vì thế tuy không có con cháu gì nhưng các ngài lại được chính những người học trò qua từng thế hệ tôn kính và trân trọng như một người ông, người cha, tuy không con mà như lại có con là nghĩa như vậy. Và sau khi qua đời, các ngài lưu lại trên đời này là một cái tên gắn liền với một cuộc đời nghiêm trì phạm hạnh, hành trì giới luật, giảng dạy và truyền bá Phật pháp rộng khắp. Tuy rằng thân hình tứ đại đã trở về nơi cát bụi, nhưng tấm gương của các ngài vẫn còn lưu mãi nơi trần thế không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ trong tình cảm của các thế hệ học trò của mình, tuy mất nhưng vẫn còn chính là như thế.

Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc về cặp đối này.

Chú thích:

[1] Về Tổ Linh Quang Phật Chiếu khai sơn chùa Phước Tường cần có thêm kiểm chứng lại. Không rõ sử liệu về năm chùa được khai sơn (1741) nhầm lẫn hay sử liệu của Tổ Phật Chiếu (1736 - 1788) bị nhầm lẫn, vì đa số các trang thông tin tra cứu được đều đưa thông tin như trên. Nếu như vậy thì Tổ Phật Chiếu khai sơn chùa Phước Tường khi ngài mới 5 tuổi! Tổ sinh năm 1736 và chùa thì 5 năm sau (1741) được khai sơn! Theo chúng tôi nhận thấy có một sự nhầm lẫn về Tổ Khai sơn của chùa điển hình như về thời gian năm sinh và mất của Tổ, trong long vị thờ ở nhà Tổ của bổn tự, có nội dung như sau:

嗣臨濟正宗三十五世隆興堂上諱佛照上靈下光大師覺靈。

壬辰年八月二十五日未時示寂。

Tự Lâm Tế Chánh tông Tam thập ngũ thế Long Hưng đường thượng húy Phật Chiếu thượng Linh hạ Quang Đại sư Giác linh.

Nhâm Thìn niên bát nguyệt nhị thập ngũ nhật Mùi thời thị tịch.

Tạm dịch:

Giác linh Đại sư dòng Lâm Tế đời thứ 35 trụ trì chùa Long Hưng húy là Phật Chiếu hiệu Linh Quang.

Viên tịch vào giờ Mùi ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn.

Năm Nhâm Thìn trong thời gian tương ứng phải là năm 1772 chứ không phải 1788. Các tư liệu trước giờ đa số đều cho ngài Phật Chiếu là đệ tử của tổ Ẩn Sơn 隱山 chùa Long Thiền 隆禪寺 nhưng theo TT. Thích Đồng Dưỡng khi thầy nghiên cứu về “Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền” đã có ý kiến về việc có đến hai vị cùng trùng tên là Phật Chiếu nhưng khác đạo hiệu cùng giới phẩm. Vị ở chùa Phước Tường là Đại sư 大師 Linh Quang Phật Chiếu靈光佛照 và vị đệ tử tổ Ẩn Sơn là Hòa thượng 和尚 Khánh Thụy Phật Chiếu 慶瑞佛照. Vậy có khả năng có hai vị thiền sư tên là Phật Chiếu và vị khai sơn chùa Phước Tường này không phải là đệ tử của tổ Ẩn Sơn chùa Long Thiền do bởi trùng tên mà bị ngộ nhận, nhờ vào một cứ điểm là trên bia tháp tổ Ẩn Sơn có ghi tên ba người đệ tử lập bia gồm Phật Chiếu 佛照, Phật Bảo 佛寳 và Phật Định 佛定. Niên đại trên bia ghi rõ là Tuế thứ Nhâm Thân quý hạ Thượng hoán cát đán 歲次壬申季夏上浣吉旦. Năm Nhâm Thân vào thời điểm này được thầy Đồng Dưỡng tra cứu là vào năm 1752, thông thường việc lập bia thường sau 1 năm khi Tổ viên tịch do đó có khả năng là Tổ tịch vào năm 1751, vào thời điểm này thì vị Phật Chiếu ở chùa Phước Tường đã tịch vào 29 năm trước (1722), không có khả năng tham gia vào việc dựng bia cho tổ Ẩn Sơn được. Nếu như vậy thì năm khai sơn chùa Phước Tường (1741) cần được xem xét lại. Nhưng có một điểm kỳ lạ đáng lưu tâm là trong long vị tại chùa Phước Tường cũng không ghi ngài Linh Quang Phật Chiếu (? - 1722) là Khai sơn chùa Phước Tường, như cách ghi thông thường ở các long vị của chư Tổ, lại đề là trụ trì của chùa Long Hưng (Long Hưng đường thượng 隆興堂上). Như thế thì ngài Khánh Thụy Phật Chiếu có thể đúng là người Khai sơn chùa Phước Tường, và như vậy thì năm sinh của ngài (1736) cần được kiểm chứng và nhận định lại. Từ những lưu ý trên, niên đại của tổ Khai sơn chùa Phước Tường và thời gian chùa được khai sơn cần được các nhà nghiên cứu và các bậc học giả, thức giả tìm hiểu và làm sáng tỏ hơn.

[2] Trong long vị ở Tổ đường, chúng tôi không tìm thấy long vị Hòa thượng Từ Minh chỉ có hai long vị ghi tên Hòa thượng là Diệu Minh, một long vị gồm 4 tên trong đó có:

福祥當嗣臨濟正宗三十七世上妙下明諱先賢大老和尚祖師 三月十八日 正忌

Phước Tường đường tự Lâm Tế Chánh tông Tam thập thất thế thượng Diệu hạ Minh húy Tiên Hiền Đại lão Hòa thượng Tổ sư, tam nguyệt thập bát nhật Chánh kỵ.

Và một long vị ghi:

嗣臨濟正宗三十七世諱先贤上妙下明大師覺靈之位

Tự Lâm Tế Chánh tông Tam thập thất thế húy Tiên Hiền thượng Diệu hạ Minh Đại sư Giác linh chi vị.

Vì thế chúng tôi nghĩ rằng tên Hòa thượng Diệu Minh đã bị lầm thành Từ Minh.

Tài liệu tham khảo:

1. Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chùa Phước Tường: Di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo, GS.TS Trương Ngọc Tường, Truy xuất từ: https://phatgiao.org.vn/chua-phuoc-tuong-di-tich-kien....

2. Giác Ngộ Online - Nguyệt san Giác Ngộ, Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền, Hậu học Đồng Dưỡng, Truy xuất từ: https://giacngo.vn/bia-thap-hoa-thuong-an-son-long-thien....

Huệ Quang, Thượng tuần, Hạnh nguyệt, Ất Tỵ niên (2025)

Thiện Nghĩa/Thư viện Huệ Quang

CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài