Từ trong di sản - Phần VIII

Từ trong di sản - Phần VIII

Trong kỳ này chúng tôi xin giới thiệu về cặp đối tiếp theo trong chùa cổ Phước Tường, TP. Thủ Đức.

Nguyên văn:

法演真乗運轉𨵻浮䢜淨𡈽

師宣正道展開極樂在娑婆

Có thể là hình ảnh về văn bản

Lạc khoản (LK):

隆光 福祥 覺皇 萬福 青山 仝恭賀

Phiên âm:

Pháp diễn chân thừa, vận chuyển Diêm-phù quy Tịnh độ,

Sư tuyên chánh đạo, triển khai Cực Lạc tại Ta-bà.

LK:

Long Quang, Phước Tường, Giác Hoàng, Vạn Phước, Thanh Sơn đồng cung hạ.

Dịch nghĩa:

Pháp diễn thuyết bực chân thừa, vận chuyển (người ở) Diêm-phù quay về Tịnh độ,

Thầy tuyên truyền đạo chân chánh, triển khai quốc độ Cực Lạc ngay tại Ta-bà.

LK:

Chùa Long Quang, chùa Phước Tường, chùa Giác Hoàng, chùa Vạn Phước, chùa Thanh Sơn cùng nhau kính mừng.

Câu đối có nội dung tán dương tư tưởng của Tịnh Độ tông, với các thuật ngữ như Diêm-phù, Tịnh độ, Cực Lạc, Ta-bà. Giữa hai vế có sự đối ứng nhau giữa các thuật ngữ, như ở vế trên là Diêm-phù đối với Cực Lạc ở vế dưới, tương tự như Tịnh độ đối với Ta-bà. Sắp xếp một cách tài tình có chủ ý, khi sử dụng cách gọi hai quốc độ có sự tương phản trong kinh điển, lấy uế độ đối với tịnh độ, lấy tịnh độ đối với uế độ. Giữa cõi quốc độ xấu xa, khổ não (uế độ): Diêm-phù cũng gọi là Ta-bà; cõi quốc độ thanh tịnh, an lạc (tịnh độ): Cực Lạc cũng chính là Tịnh độ.

Nếu như vế trên là Pháp diễn chân thừa thì vế dưới là Sư tuyên chánh đạo. Pháp được diễn thuyết chính là pháp chân thừa của Phật giáo, chỉ cho pháp môn Tịnh độ khiến người tu trì chỉ trong một niệm, chánh tâm trì niệm Phật hiệu mà được vãng sanh về cõi Tịnh độ bất kỳ trong pháp giới. Chánh đạo là con đường chân chánh, là đạo lý chân chánh từ pháp môn niệm Phật, khiến người hành trì có thể an lạc tự tại trong hiện tại và cả tương lai. Với tông chỉ của Tịnh độ ấy, nếu người Phật tử thực hành tinh tấn một cách chánh niệm với Tín - Nguyện - Hạnh, thì có thể khiến cho người đang sống tại cõi Diêm-phù này trong tương lai sẽ quay về với cõi Tịnh độ nơi phương Tây. Thậm chí không chỉ có quả lành cho người tu hành về phần tương lai, mà có cả ở nơi hiện tại. Nếu người tu hành đạt đến cảnh giới chánh định niệm Phật, thì ngay cõi Ta-bà bị cho uế trược này cũng sẽ được chuyển hóa, biến thành cõi Cực Lạc thanh tịnh trang nghiêm. Tất cả đều là do bởi tâm thức và trí tuệ của người hành giả qua công phu tu tập đã chuyển hóa được tâm tánh phiền não thành trí tuệ trang nghiêm, vì thế với nhận thức đối với cõi quốc độ cũng đã có sự thay đổi. Đây cũng chính là áo nghĩa tinh hoa về Nhân gian Tịnh độ (Chốn Tịnh độ nơi cõi nhân gian) mà chư Tổ sư đã dày công tuyên dương giáo hóa.

Hai chữ đầu của mỗi vế khi ghép lại là Pháp Sư 法師, đây có thể là câu đối mà các chùa có tên trong lạc khoản, dùng để dành tặng cho một vị Pháp sư tại chùa Phước Tường. Rất tiếc là trên lạc khoản không ghi Pháp hiệu người được tặng và lý do được tặng cùng niên đại. Nhưng chúng ta phần nào có thể ước đoán rằng, vị Pháp sư này là một vị hành giả hành trì pháp môn Tịnh độ và giữ chức vụ lớn trong chùa, dựa vào nội dung trên câu đối đã hiển thị.

Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc về vế đối này.

Huệ Quang, Ngày Phật niết-bàn, Ất Tỵ niên (2025)

Thiện Nghĩa/Thư viện Huệ Quang.

CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài