Trong kỳ này chúng tôi xin giới thiệu tiếp về một tấm biển ngạch trong chùa cổ Phước Tường, TP. Thủ Đức. Được đặt nơi trang trọng trong Tổ đường, vừa có nội dung tán dương chư Tổ sư vừa có chức năng biểu thị địa điểm là nơi thờ chư Tổ các đời. Đây là tấm biển ngạch thông dụng thường được đặt nơi Tổ đường, trong các tự viện ở toàn quốc. Chữ được viết theo kiểu Khải thư khắc nổi sơn vàng, viền trang trí các họa tiết như bút, sách, quạt ba tiêu, bầu rượu, hoa lá. Kèm với lạc khoản được ghi đầy đủ ở hai bên.
Nguyên văn:
祖印重光 (Nguyên tác được viết từ phải sang trái 光重印祖).
LK:
壬戌三月十五日慶成
鄉教 阮文侔 卭氏[小⿱侄] 奉供
Phiên âm:
TỔ ẤN TRÙNG QUANG
LK:
Nhâm Tuất tam nguyệt thập ngũ nhật khánh thành.
Hương giáo: Nguyễn Văn Mâu, Cung Thị Chút phụng cúng.
Dịch nghĩa:
DẤU TỔ SÁNG HOÀI - LÀM RẠNG DẤU TỔ
LK:
Khánh thành vào ngày 15 tháng 3 năm Nhâm Tuất.
Hương giáo: Nguyễn Văn Mâu, Cung Thị Chút thành kính dâng cúng.
Tổ ấn 祖印 là dấu ấn của chư Tổ sư thể hiện qua hành trạng cuộc đời của các ngài qua từng trang viết; các công hạnh hành trì miên mật qua từng câu chuyện; các trước tác sớ giải Kinh Luật Luận công phu; các công trình tự viện, giảng đường,... được kiến tạo hay trùng tu; các pháp khí được gia công chế tạo; các kinh điển được san khắc ấn hành v.v. Và còn rất nhiều những dấu ấn của chư Tổ sư xuất hiện dưới những hình thức khác nhau, được lưu giữ truyền thừa và tiếp nối, tiếp tục từ đời này sang đời khác từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trùng quang 重光 được hiểu theo hai nghĩa. Một là dấu ấn của chư Tổ sư không bị phai nhòa theo thời gian, mà càng rực rỡ huy hoàng hơn qua từng năm tháng, theo tinh thần “Truyền đăng tục diệm 傳燈續焰: Tiếp đèn nối lửa”. Ngọn đèn giáo pháp ấy không dần bị tắt mất mà sau một vài thoáng lay động bởi ngoại lực, hay lu mờ bởi nội tố lại tiếp tục bừng sáng và cháy mãi từ hơn hai nghìn năm trăm năm trước cho đến tận ngày hôm nay. Đây là khi sử dụng chữ Trùng 重 với chức năng làm phó từ mang nghĩa là nhiều lần, chồng chất. Và Quang 光 là ánh sáng từ chư Tổ sư. Lúc này biển ngạch được hiểu theo nghĩa Dấu ấn của chư Tổ sư mãi sáng hoài.
Hai là dấu ấn của chư Tổ sư được hàng hậu học kế thừa và phát dương quang đại 發揚光大 một cách huy hoàng rực rỡ. Nếu dấu ấn của chư Tổ sư mãi sáng ngời do chính bởi đức hạnh của các ngài, thì dấu ấn ấy lại được hàng đệ tử tiếp nối và giữ gìn. Thậm chí không chỉ dừng lại ở mức độ giữ gìn, mà họ còn làm cho nó rực rỡ huy hoàng không khác gì khi chư Tổ còn tại thế. Tổ ấn trùng quang lần này xuất hiện dưới nghĩa Hàng đệ tử trùng hưng làm cho rạng rỡ dấu ấn của chư Tổ sư.
Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc về tấm biển ngạch này.
Huệ Quang, Hạ tuần, Hạnh nguyệt, Ất Tỵ niên (2025)
Thiện Nghĩa/Thư viện Huệ Quang.