Trang chủ Ấn phẩm Hoàng Khôi Cổ Văn (Bộ 3 tập)

Cổ Văn (Bộ 3 tập)

Tác giả Lưu Dự Am - Lã Cảnh Đoan

Dịch giả Hoàng Khôi

Kích thước 16 x 24 cm

Số trang Tập 1: 400 trang; Tập 2: 424 trang; Tập 3: 400 trang.

Năm xuất bản 1970

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Trung tâm Học liệu
Đơn giá

ĐỂ THAY LỜI TỰA

Tôi không dám nói rằng nước Việt Nam có bốn nghìn năm văn hiến, vì nếu có người căn cứ vào định nghĩa mà bắt tôi đưa ra những chứng liệu của văn ấy, hiến ấy, khoảng hai nghìn năm trước kỷ nguyên Thiên chúa, tôi sẽ rất lúng túng, tuy nước Việt Nam không ở vào trường hợp nước Kỷ, hậu duệ nhà Hạ, nước Tống, hậu duệ nhà Thương.
Nhưng không phải vì thế mà tôi không yêu nước tôi. Hỏi có người con nào kém yêu cha mẹ vì cha mẹ ốm, xấu hay nghèo? Trái lại, nước cha - mẹ mình nhỏ bé, thua sút người ta, mình càng trìu mến, kính yêu, trong kính yêu có pha chút ngậm ngùi, khiến tình yêu tăng thêm phần sâu xa, thắm thiết.
Nói vậy mà nói, chứ tôi đâu có tự ti mặc cảm. Bảo rằng văn hiến nước mình có trễ - điều "có" thì đã hẳn - vì Việt Nam chỉ hoàn toàn độc lập, và "tiệt nhiên định phận" từ 939 sau J.C., nhưng xét ra, nước Pháp cũng chỉ lập quốc từ hòa ước Verdun, và chỉ có "văn tự" từ "lời thề ở Strasbourg", năm 843 sau J.C., còn Hoa Kỳ mới lập quốc từ 1776, sau khi lật đổ nền đô hộ của người Anh.
So sánh như vậy, rồi tôi nhận định rằng văn hiến một quốc gia, một dân tộc, sán lạn huy hoàng, không phải vì quốc gia, dân tộc ấy lớn, đông, ra đời từ mấy chục thế kỷ trước công nguyên mà vì sức sống mạnh mẽ, hăng hái nhiệt thành về cả hai phương diện tinh thần và vật chất.
Văn và hiến là sách vở và những bực hiền tài trong nước. Một dân tộc có văn hiến cao, đẹp, là một dân tộc trong quá khứ có nhiều bực hiền tài và có nhiều thư tịch, tức là những sáng tác phẩm trong hết thảy mọi bộ môn văn học. Văn hiến càng dồi dào phong phú khi dân tộc càng có nhiều người tài, đức, làm việc tích cực để phụng sự văn hóa nước mình.
Vậy phải lo ương, nuôi, gây dựng nhân tài, mà làm việc từ gốc là lo mở mang trình độ học vấn cho toàn thể nhân dân (từ thanh, thiếu đến tráng niên); công việc là của chính quyền, nhưng không thể khoán trắng cho chính quyền, mà mỗi người dân có bổn phận phải tự mình lo lấy. Nhu yếu tối thiểu trong việc mở mang học vấn là trường và sách vở; sách vở soạn theo giáo trình bằng quốc ngữ chưa đủ, ta cần xem thêm các sách ngoại ngữ; nhưng có phải quốc dân ai cũng đến trường học, ai cũng đọc được ngoại ngữ cả đâu! Cho nên dịch sách là việc tối cần, nhất là ở nước Việt Nam lúc này. Ở hết thảy mọi ngành, ở hết thảy mọi tuổi đều cần có sách dịch, càng nhiều càng hay, nếu ta muốn gỡ lại thời gian chậm tiến để theo kịp bằng người; thì Trung Hoa từ khi Dân quốc mới lập thành, Nhật Bản từ thời Minh Trị hay Trung Hoa quốc gia hiện nay đều đã làm và đang làm công việc ấy trong khuôn khổ vĩ đại của một hoạt động cộng đồng đặt vào hàng quốc sách.
Cho nên sách dịch bất cứ từ ngoại ngữ nào đối với tôi cũng quý. Nhưng tôi hơi thiên về sách dịch Hán văn cổ điển; vì có ở địa vị, hoàn cảnh tôi, một giảng viên Hán học, mới cảm thấy thấm thía - chứ không phải chỉ nói ở ngoài làn môi, đầu lưỡi, như một vài vị tự nhận là có trách nhiệm làm văn hóa - sự thiếu thốn về loại sách Hán cổ điển dịch ra tiếng Việt để giúp cho những người còn đoái hoài tới cái học Hán và Hán Việt cổ truyền.
Có lẽ ông Hoàng Khôi, ông anh của tôi trong "nghiệp" thở bụi phấn trắng bên chiếc bảng đen, cũng tha thiết như tôi với thứ văn tự người ta "ngán", nhưng rồi người ta vẫn cứ phải dùng, vì đã sống và còn sống mãi mãi bên cạnh sáu bảy trăm triệu "ông láng giềng" vĩ đại Bắc phương, nên đã cặm cụi miệt mài dịch hết cả một bộ Cổ văn trung Hoa ra tiếng Việt.
Nhà giáo vốn là anh gàn đem cả đời mình đeo lấy "nghiệp" nghèo nàn, bạc bẽo. Ông anh tôi lại gàn hơn nữa vì sau mấy chục năm"nặng nghiệp" lại còn dùng hơi tàn, sức mỏi, làm công việc khô khan, đòi hỏi nhiều năm tháng, là công việc dịch bộ sách vừa dài, vừa khó như bộ cổ văn này.
Nhưng nhìn tới con đường xây dựng văn hóa Việt Nam, tôi lại cảm mến con người đã "nặn, nung" xong một viên gạch khiêm nhường và tôi hy vọng rằng bộ sách dịch của Hoàng Quân sẽ được bạn thanh khí mọi nơi đọc nó với "một phần hai mươi" sự thích thú của những độc giả Cô gái Đồ Long, Tiếu ngạo giang hồ hay muôn ngàn tiểu thuyết, được dịch, viết và ấn hành với một nhịp độ không thua gì các nhà làm văn hóa Anh, Nga, Nhật, Mỹ.
Gọi là có một vài lời bàn phiếm, tôi rất mong tác giả cũng như độc giả vì tấm lòng thành của tôi mà nguyên lượng, nếu tôi có lời nói nào quá thực, chứ tôi đâu dám đề tựa vào một quyển sách như quyển sách này.

NGHIÊM TOẢN
Thiệu Văn Thị
10-10-1968