Thời nay, học chữ Hán đối với thanh niên trí thức Việt nam, ngoài mục đích trau dồi tư tưởng, còn là để sử dụng cái lợi khí diễn đạt bằng Việt văn một cách thấu đáo, đầy đủ và tinh vi. Hán tự đối với Việt văn chẳng khác gì chữ La tinh, chữ gờ-réc đối với Pháp văn. Nếu Pháp văn đã gần thoát ly hẳn được với gốc La tinh, gờ-réc, Việt văn còn mật thiết quan hệ với Hán tự vì thời gian ly khai hãy còn ngắn ngủi. Tuy nhiên, ngày nay muốn trở thành một văn sĩ Pháp, người ta còn học La tinh và gờ-réc là thứ chữ chết. Muốn sành Việt văn thì chúng ta làm sao vội bỏ Hán tự là thứ chữ đang còn sống? Huống chi những sách vở tiền nhân chúng ta trong vòng ngót ngàn năm để lại đều viết bằng Hán tự.
Vậy muốn ôn những điều hay, điều dở của dân tộc đã kinh qua, chúng ta không thể không biết Hán tự được.
Tóm lại, cho nhà nghiên cứu văn hóa hay cho nhà phổ thông văn hóa cũng như cho nhà theo dõi tin tức với khu vực viết nói Hoa văn, sự học Hán tự đều có lợi ích.
Nhưng học Hán tự ngày nay khác với thời trước. Chúng ta không bắt đầu với tuổi thơ ấu, mong ghi nhớ từng nét, từng chữ một cách máy móc. Chúng ta bắt đầu với tuổi biết suy tưởng, cho nên không thể không có một phương pháp học mới, hợp lý cho người ta có thể suy từ chữ nọ ra chữ kia, nét này đến nét khác, từ đơn giản đến phức tạp.
Để trả lời cho những đòi hỏi thích thời trên đây các ông Đinh Đình Hòe và Thích Giải Minh soạn ra tập "Hán học phổ thông" trình bày có hệ thống, sáng sủa và giản dị.
(Trích dẫn trong LỜI GIỚI THIỆU của Nguyễn Đăng Thục - Hán học phổ thông quyển 1)
Sau khi quyển 1 được sự hoan nghênh và khích lệ của độc giả, chúng tôi tiếp tục ra quyển 2 này để đi tới phần:
- Thấu hiểu các từ ngữ để áp dụng trong Việt văn.
- Viết và dịch các bài thông thường.
(Trích dẫn trong LỜI NÓI ĐẦU của soạn giả - Hán học phổ thông quyển 2)