Trang chủ Ấn phẩm Thư Viện Ảnh Ấn Phật thuyết nhân quả quốc ngữ kinh

Phật thuyết nhân quả quốc ngữ kinh

Năm chép

Nơi tàng bản

Số quyển 1

Số trang 49 trang đôi

Nhà xuất bản Huệ Quang
Đơn giá

GIỚI THIỆU CÁC BỘ SÁCH
TRONG KHO MỘC BẢN CHÙA DÂU  

Trong chuyến sưu tầm tư liệu miền Bắc vào mùa thu năm 2015, Thư viện Huệ Quang với sự trợ giúp của TT. Thích Giác Thành và cư sĩ Chân Thanh - Lê Quốc Việt đã đến chùa Dâu rập và chụp hình toàn bộ kho mộc bản. Trong đó có 8 tựa sách là:  Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục 古珠法雲佛本行語錄 (Cổ Châu lục 古珠錄); Cổ Châu Phật bản hạnh 古珠佛本行 (Cổ Châu hạnh 古珠行); Hiến Cổ Châu Phật Tổ nghi 献古珠佛祖儀 (Cổ Châu nghi 古珠儀); Kỳ vũ thỉnh Long Vương nghi 祈雨請龍王儀 (Thỉnh Long Vương nghi 請龍王儀), Kỳ vũ kinh 祈雨經, Kỳ vũ hồng ân công văn tập quyển 祈雨洪恩攻文集卷 (Kỳ vũ công văn 祈雨攻文); Tĩnh Trai tam giáo bình tâm luận 靖齊三教平心論 (Tam giáo bình tâm luận 三教平心論); Phật thuyết nhân quả quốc ngữ kinh 佛說因果國語經. 
1.    Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục 古珠法雲佛本行語錄 (Cổ Châu lục 古珠錄): Mộc bản còn đủ gồm 21 trang đôi, nội dung kể về sự tích của thầy Khâu-đà-la và con gái ông Tu Định là Man Nương cùng sự hình thành và linh ứng của hệ thống tượng Phật Tứ Pháp qua các thời kỳ, được trình bày bằng văn xuôi với hình thức một câu chữ Hán (khắc to) và kèm theo 1 câu diễn âm chữ Nôm (khắc nhỏ) bên dưới, mỗi bản khắc gồm 12 dòng và số chữ không nhất định, có niên đại vào ngày lành mùa thu năm Nhâm Thân - Cảnh Hưng thứ 13 (1752), do sư Viên Thái 圓態 giải nghĩa, sư Hải Tịch 海寂 viết chữ và được sư Tính Mộ 性慕 chủ trì trùng san.
2.    Cổ Châu Phật bản hạnh 古珠佛本行 (Cổ Châu hạnh 古珠行): Mộc bản còn đủ gồm 21 trang đôi, nội dung cũng kể về sự tích thầy Khâu-đà-la và Man Nương cùng sự linh ứng của hệ thống tượng Phật Tứ Pháp dưới dạng văn vần có 496 câu lục bát bằng chữ Nôm, mỗi bản khắc gồm 12 dòng, mỗi dòng gồm 14 chữ, tổng là 7055 chữ (bị khuyết mất 1 chữ câu 184), không ghi tên tác giả và được khắc bản vào ngày lành tiết Nhất Dương 一陽 (tháng 11) năm Nhâm Thân - Cảnh Hưng thứ 13 (1752). Từ đó có thể suy luận 2 bản khắc này cùng ra đời vào một thời điểm cách nhau không xa (trong khoảng 3 tháng) và có thể đều do sư Tính Mộ đứng ra chủ trì trùng san. 
3.     Hiến Cổ Châu Phật Tổ nghi 献古珠佛祖儀 (Cổ Châu nghi 古珠儀): Mộc bản còn đủ gồm 13 trang đôi, nội dung là nghi thức tụng kinh hiến cúng các vị Phật và Tổ sư trong hệ thống Tứ Pháp bằng nguyên văn chữ Hán, mỗi bản khắc gồm 10 dòng, mỗi dòng gồm 15 chữ (dòng dài nhất), do Sa-môn Tính Quảng Điều 性廣條 (Tính Quảng 性廣 Thích Điều Điều 釋條條) ở viện Thiền Phong núi Tử Sầm Sơn Tây dựa theo khoa nghi cổ mà hiệu đính và trước thuật lại, được thầy Thích Chiếu Tuyên 釋照宣 trùng san, người họ Nguyễn ở làng Kiêu Kỵ 驕騎 viết chữ, người thợ tên Sử Tú 使秀 ở làng Hồng Lục 紅蓼 khắc, nơi tàng bản ở tại Cổ Châu Diên Ứng Đại Thiền Tự 古珠延應大禪寺 (chùa Dâu) và được khắc in vào ngày lành tháng Quý Hạ 季夏 (tháng 6) năm Nhâm Tý - Quang Trung thứ 5 (1792). Bộ ba tác phẩm Cổ Châu này là bộ mộc bản còn đầy đủ và rõ nét, nhưng cũng không tránh khỏi có một số mộc bản bị hư hại khiến không thể đọc được chữ. Để phục vụ cho quá trình số hóa nhằm đọc rõ và bổ sung những chữ bị hư, thiếu trong bản rập của chúng tôi, chúng tôi đã sử dụng phần ảnh nguyên văn Hán Nôm trong quyển “Di Văn Chùa Dâu” xuất bản năm 1997 của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm do GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng chủ biên để đối chiếu và nhận biết các chữ bị mất hoặc không đọc được. 
4.    Kỳ vũ thỉnh Long Vương nghi 祈雨請龍王儀 (Thỉnh Long Vương nghi 請龍王儀): Mộc bản còn đủ gồm 10 trang đôi, nội dung là nghi thức thỉnh Long Vương để cầu mưa, mỗi bản khắc gồm 12 dòng, mỗi dòng 15 chữ (dòng dài nhất) viết bằng nguyên văn chữ Hán, không rõ tác giả, bản lưu tại chùa Diên Ứng 延應寺 (chùa Dâu).  
5.    Kỳ vũ kinh 祈雨經: Mộc bản còn đủ gồm 21 trang đôi, trong đó gồm 2 phần Kỳ vũ kinh tự 祈雨經序 (07 trang đôi) và Kỳ vũ kinh 祈雨經 (chỉ còn 13 trang đôi do bị mất mộc bản trang số 03), nội dung là những bài tán tụng để sám hối tội lỗi rồi cầu thỉnh Long Vương ban mưa xuống đất nước ta với danh xưng bấy giờ là Nam Việt Quốc 南越國, viết bằng chữ Hán, mỗi bản khắc gồm 12 dòng, mỗi dòng 15 chữ (dòng dài nhất). Ở cuối bài tựa có ghi niên đại khắc ván vào ngày lành tháng Mạnh Thu 孟秋 (tháng 7) năm Nhâm Tý - Quang Trung thứ 5 (1792), do thầy Thích Chiếu Tuyên dựa vào bản xưa hiệu đính tuyển chọn và viết chữ, người thợ tên Sử Tú ở làng Hồng Lục khắc in, bản được lưu tại chùa Diên Ứng. Như vậy mộc bản Kỳ vũ kinh này cùng với Cổ Châu nghi đều được khắc in vào cùng thời gian và chỉ cách nhau 1 tháng. 
6.    Kỳ vũ hồng ân công văn tập quyển 祈雨洪恩攻文集卷 (Kỳ vũ công văn 祈雨攻文): Mộc bản bị khuyết chỉ còn rập được 20 trang đôi, có 02 trang số 02 (ghi ở giữa trang là nhị 二 và tòng nhị 従二), mất mộc bản trang số 09, 13 và có 05 trang ở cuối quyển ghi phương danh của tín thí ấn tống, mỗi trang gồm 10 dòng có số lượng chữ ở mỗi dòng không đều nhau (dòng dài nhất là 18 chữ ở phần nội dung và 23 chữ ở phần phương danh). Nội dung tác phẩm là tuyển tập các bài sớ, biểu, công văn và văn tế, thuộc các nghi thức trong nghi lễ thờ cúng của hệ thống Phật Tứ Pháp không rõ tác giả và niên đại khắc ván. Có vài mộc bản bị hư hại khiến chữ bị mờ và thậm chí là một vài đoạn bị mất hẳn nội dung, các bản khắc này được lưu giữ ở chùa Diên Ứng. 
7.    Tĩnh Trai tam giáo bình tâm luận 靖齊三教平心論 (Tam giáo bình tâm luận 三教平心論): Mộc bản bị khuyết chỉ còn rập được 51 trang đôi,  được viết bằng chữ Hán, gồm 01 trang tên sách, không rõ phần tựa trùng san có bao nhiêu trang chỉ còn 01 trang (ghi là 序一), phần nội dung vốn gồm 67 trang nhưng chỉ còn 49 trang, bắt đầu từ trang 04 đến trang 67 mất 18 trang bao gồm các trang 01, 02, 03, 06, 13, 15, 21, 46, 51,52, 57, 58, 59, 60, 61, 63, 64, 65. Do bị hư hại nên có vài chỗ chữ bị mất nét hoặc không in rõ được. Quyển sách vốn là trước tác của Lưu Mịch 劉謐 (? - ?) hiệu là Tĩnh Trai Học Sĩ 靜齋學士, một học giả sùng Phật đời nhà Nguyên, tác phẩm được viết vào khoảng đời vua Nguyên Anh Tông 元英宗 (1321 - 1323) và được khắc in lại ở Việt Nam. Nội dung thể hiện sự phản bác lại các luận điệu phỉ báng Phật giáo của phái Nho gia gồm các đại diện là Hàn Dũ, Âu Dương Tu, Chu Hi, Trình Hạo và Trình Di v.v, thể hiện tư tưởng Tam giáo đồng nguyên, mong muốn “Dĩ Phật trị tâm, dĩ Đạo trị thân, dĩ Nho trị thế 以佛治心,以道治身,以儒治世”, cho rằng tam giáo đều chung mục đích là đình chỉ cái ác xiển dương cái thiện 止惡揚善 đều cùng chung một tông chỉ giúp chúng sanh minh tâm kiến tánh, hỗ trợ bổ sung cho nhau để cùng tồn tại và thể hiện sự bình đẳng không phân chia ngôi thứ giữa tam giáo. Gần cuối sách có bài bạt của Hòa thượng Trí Giác 智覺和尚 (do phần bài bạt trùng vào những trang bị mất nên không đầy đủ), ở trang 36 có 1 dòng chữ nhỏ ghi: Sa-di Pháp Tưởng, Đạo Chiếu, Huệ Cẩn phụng tả 沙彌法想道照慧謹奉寫, ở trang cuối có ghi rõ niên đại trùng san khắc ván là vào ngày mùa đông tháng 10 năm Kỷ Mùi - Tự Đức thứ 12 (1859) và nơi tàng bản ở chùa Diên Ứng.
8.    Phật thuyết nhân quả quốc ngữ kinh 佛說因果國語經: Mộc bản còn đủ gồm 18 trang đôi, có nguyên văn chữ Nôm với 16 dòng trong một bản khắc mỗi dòng có 15 chữ, trang đầu có tranh Phật Thích Ca niêm hoa và Tôn giả A Nan quỳ bên dưới, hai bên hình có câu: A Nan tôn giả chi thỉnh vấn 阿難尊者之請問 và Thích Ca Như Lai chi quảng thuyết 釋迦如來之廣說. Do mộc bản bị hư hại nên có một số chỗ bị mất chữ và in không rõ chữ. Trang cuối có ghi niên đại trùng san khắc ván vào ngày lành tiết Xuân (tháng Giêng) năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773) và nơi tàng bản ở chùa Diên Ứng xã Khương Tự 姜寺社. Trong quyển sách này chúng tôi còn in phụ thêm một số trang nội dung của vài mộc bản có tại chùa Dâu nhưng không còn hoàn chỉnh và có số lượng rải rác gồm các quyển: Âm chất giải âm 陰隲觧音 mộc bản rập được 06 trang đôi gồm các trang 14, 15, 22, 23, 26, 29;
Phật thuyết Mục Liên cứu mẫu xuất địa ngục kinh 佛說目連救母出地獄經 mộc bản rập được 10 trang dạng kinh xếp (mỗi dòng có 10 chữ cứ 05 dòng thì xếp lại, 01 trang có 05 khổ như vậy) gồm các trang 03, 09, 14, một trang không đánh số, 17, 18 và bốn mộc bản ghi phương danh tín thí ấn tống, một vài mộc bản có tranh diễn tả nội dung kinh ở phần trên đầu; một mộc bản có 02 bùa chú dùng trong nghi lễ cầu mưa và mộc bản rập được hai trang bằng chữ Nôm không rõ nội dung có kích thước 7,5x27cm.
Toàn bộ mộc bản chùa Dâu do Thư viện Huệ Quang rập vào mùa thu năm 2015 được phục chế in thành 4 tập như sau:
-    Ba quyển Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục , Cổ Châu Phật bản hạnh và Hiến Cổ Châu Phật Tổ nghi in chung thành 1 quyển sách với tên “Cổ Châu lục - Cổ Châu hạnh - Cổ Châu nghi 古珠錄 - 古珠行 - 古珠儀” mang ký hiệu HQPĐTS - 67.
-    Ba quyển Thỉnh Long Vương nghi, Kỳ vũ kinh và Kỳ vũ công văn in chung thành 1 quyển sách với tên “Kỳ vũ thỉnh Long Vương nghi 祈雨請龍王儀” mang ký hiệu HQPĐTS - 68.
-    Phật thuyết nhân quả quốc ngữ kinh và các mộc bản còn lại của chùa Dâu in thành một quyển với tên “Phật thuyết nhân quả quốc ngữ kinh 佛說因果國語經” mang ký hiệu HQPĐTS - 69.
- Tam giáo bình tâm luận 三教平心論 in thành 1 quyển mang ký hiệu HQPĐTS - 1023.
Để in lại toàn bộ bản rập mộc bản chùa Dâu qua 4 tựa sách phục chế trên, còn có sự trợ duyên rất lớn của sư bà Thích Đàm Tùy trụ trì chùa Dâu, gia đình chú Thành - cô Tho ở Hoàng Mai, Hà Nội và chị Thanh Hà bên tạp chí Nghiên Cứu Phật Học vào mùa thu năm 2015. Nhân đây, TVHQ xin gởi lời chân thành tri ân đến quý vị.
 

Huệ Quang, Hạ tuần, Cúc nguyệt, Giáp Thìn, 2024.
Thiện Nghĩa cư sỹ

 

Mộc bản Phật thuyết nhân quả quốc ngữ kinh 
Thư viện Huệ Quang chụp tại chùa Dâu mùa thu 2015

 
Mộc bản Tam giáo bình tâm luận
Thư viện Huệ Quang chụp tại chùa Dâu mùa thu 2015