Trang chủ Ấn phẩm Nguyễn Đăng Thục Quốc học đại cương

Quốc học đại cương

Tác giả Nguyễn Đăng Thục

Kích thước 13x19.5 cm

Số trang 136 trang

Năm xuất bản 1975

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Viện Đại Học Vạn Hạnh
Đơn giá

"Vấn đề quốc học không phải vấn đề ngụy biện danh từ suông, nó là cả một vấn đề sinh tử của một nước, một dân tộc. Nghiệm trong lịch sử các dân tộc thế giới, dân tộc nào suy bại, bị thế lực ngoại lai chi phối đầu độc bằng một giáo dục ngu dân, muốn cất đầu lên, dành địa vị, sống độc lập bình đẳng, bình quyền với các dân tộc khác đều bắt đầu với vấn đề nhân sự: có người hay không có người? Người đây là người của dân tộc, người sĩ khi sẵn sàng và luôn luôn cảm thông với nhân dân, không những nhân dân hiện tại mà còn với nhân dân các thế hệ về trước nữa. Những người sĩ khí ấy ở đâu mà ra nếu chẳng phải tự trong lò giáo dục dân tộc mà xuất hiện? Giáo dục dân tộc tức là cái giáo dục trung thành với dân tộc tính để đào tạo người hữu dụng cho dân tộc, không phải thứ giáo dục ngu dân, nhồi sọ hay tẩy não vậy. Đây là quốc học.
Sở Cuồng Lê Dư, từng du học lâu năm bên Nhật Bản có viết về quốc học: "Nói về định nghĩa thì quốc học là học vấn, kỹ thuật của một nước. Học vấn kỹ thuật ấy là cái cố hữu của mình hay là cái mình học của người nhưng đã thay đổi nhiều lần, nay trở thành cái cố hữu của mình mà người ta không ai có nữa." Quốc học là đối với cái học vấn ngoại lai như Hán học, Phật học, Âu học mà nói, có chỗ đặc biệt mà từ xưa đến nay đã có học phái, có ảnh hưởng đến nhân quần xã hội ta người ngoại quốc bàn đến cái học ấy phải cho là cái học đặc biệt của nước Nam không giống nước nào hết.
Đã là quốc học thì cái nội dung phải bao hàm cả quốc văn, quốc sử, quốc túy ở trong.
Quốc văn lấy nhất ban quốc văn học làm chủ như các học thuyết, lý thuyết, những sách vở của tiền nhân trứ thuật để lại và những quốc ca, quốc ngữ, chữ nôm và chữ quốc ngữ đặc biệt của ta.
Quốc sử lấy nhất ban chánh trị sử làm chủ, cách tổ chức, cách hành động về chính trị và về pháp luật, chế độ, phong tục, tập quán, kỷ luật đặc biệt của ta.
Quốc túy lấy nhất thiết trường sở mỹ điểm về vật chất, về tinh thần của dân tộc tính của ta mà do cái tình hình địa lý và nguyên nhân lịch sử đã dưỡng thành trong mấy mươi thế kỷ nay."

[...]

Trích Bài 1: QUỐC HỌC LÀ GÌ?