Có người hỏi một kẻ du hành đã từng qua lại nhiều nước non, lắm lục địa thế nào là cái phẩm tính con người mà anh ta gặp khắp nơi kia, y trả lời: là cái khuynh hướng lười biếng. Không một ai nghĩ thêm câu trả lời kia sẽ đúng hơn nữa, sẽ giá trị hơn nữa, nếu nó bảo: tất cả họ đều là những kẻ rụt rè, sợ sệt. Từ đáy lòng mình ai cũng biết một cách quá rõ ta chỉ sống được một lần trong cuộc đời, ta là trường hợp đặc thù, duy nhất, và không một sự tình cờ nào, dù quái ác đến đâu, có thể một ngày kia tô bồi dị hợm nhiều phẩm tính hòa tan trong cái toàn thể. Họ biết điều đó, nhưng họ che dấu, làm như mình có một ý xấu xa. Tại sao phải cực nhọc như vậy? Tại sao nỗi sợ hãi kẻ bên cạnh, người đồng loại, nó đòi ta phải khép vào khuôn khổ, tập tục và chính nó cũng ẩn nấp bên trong. Những cái gì đã làm cho con người phải sợ hãi kẻ đồng loại, phải suy nghĩ và hành động theo bầy đàn súc vật và chẳng ước ao được chính là mình đã. Hẳn một vài kẻ là sự e dè, nhưng hiếm thôi. Phần đông là nỗi uể oải, bơ phờ, lừ đừ, tóm lại là những khuynh hướng lười biếng mà người du hành của chúng ta đã nói trên kia. Y rất có lý, con người vẫn lười biếng hơn rụt rè, họ sợ nhất là những phiền muộn kéo đến do một tấm lòng trong sáng, ngay thẳng, chính trực tuyệt đối. Chỉ duy những người nghệ sĩ thù ghét cái phó mặc buông trôi, bơ thờ được vay mượn theo công luận lừa đảo kia, chỉ duy họ mới khám phá ở nó lý lẽ thầm kín, ý xấu xa lan tràn khắp mọi nẻo, và sự kiện con người ai cũng vậy là một phép mầu duy nhất. Họ dám chứng minh với chúng ta, con người với tư cách là người, là kẻ cô đơn lẻ loi trên mỗi một dáng dấp đi qua; hơn nữa họ còn dám chứng minh con người là tốt đẹp, là xứng đáng được xét đến trong cái lô-gíc gắt gao của tính độc nhất; một con người mới mẻ phi thường, nó giống như mọi tác phẩm của thiên nhiên và không có chút chi buồn não. Nếu có nhà tư tưởng nào khinh bỉ con người, thì chính họ khinh bỉ sự lười biếng nơi con người, cái làm cho ta giống những đồ vật tạo sẵn từng loạt, hững hờ, không đáng được tới lui học hỏi. Con người không chịu gia nhập vào đám đông là kẻ từ chối khoan dung với mình; họ chỉ vâng theo tâm ý của riêng họ khi tâm ý đó gào lên "Phải là mầy đi. Những điều mầy làm, mầy nghĩ, những cái mầy thèm khát hiện giờ, tất cả chẳng phải là mầy đâu".